Chủ Nhật

Cựu tử tù 14 năm tại Côn Đảo: Phiên tòa 'định mệnh' dưới chính quyền Ngô Đình Diệm

Trải qua 14 năm ở ngục Côn Đảo sau phiên toà tuyên án tử của chế độ Ngô Đình Diệm, nhưng với lý tưởng của người cộng sản kiên trung, tử tù Lê Hồng Tư chưa bao giờ khuất phục trước những đòn hành hạ, tra tấn thâm độc của kẻ thù.

Sài Gòn vào một ngày mưa lắc rắc, chúng tôi tìm đến nhà cựu tử tù Lê Hồng Tư (phường 3, quận 10, TP.HCM), người chiến sĩ cách mạng bị chính quyền Ngô Đình Diệm tuyên án tử hình năm 1962 và chịu tù đày hơn 14 năm tại Côn Đảo. Ông tiếp chuyện chúng tôi với nụ cười giản dị, giọng nói ấm áp, rành rọt trong những câu chuyện hồi tưởng về quá khứ.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đối với cựu tử tù Lê Hồng Tư những ký ức về chốn “địa ngục trần gian” như vừa mới xảy ra ngày hôm qua, nguyên vẹn và rùng rợn. Nhắc tới những năm tháng ấy, đôi mắt ông trùng xuống: “Những tháng ngày bị đầy ải, tra tấn dã man nơi nhà tù Côn Đảo giờ đã hằn sâu trong tâm trí của tôi. Tàn ác và rùng rợn, tôi xót thương những đồng đội của mình đã không có cơ may sống sót trở về đoàn tụ cùng gia đình”.

Cựu tử tù Lê Hồng Tư, người từng chịu 14 năm tù đày tại Côn Đảo.
Trong câu chuyện với tôi về những năm tháng lao tù, nhiều lần ông rưng rưng nước mắt. Ông khóc không phải vì quá đau khổ, quá cùng cực ở chốn lao tù, mà vì niềm tin, vì lòng quả cảm vượt qua gian khó của một người cộng sản.

Phiên tòa "định mệnh" kết án 14 năm làm tử tù tại Côn Đảo

Phiên tòa lịch sử mang tên “Xét xử hội sinh viên học sinh Việt cộng” của tòa án quân sự đặc biệt ngày 23/5/1962, xét xử vụ mưu sát Đại sứ Mỹ Nolting và ném lựu đạn vào các nhân viên Mỹ MAAG, hiện lên sống động như thước phim chảy chậm qua lời kể của ông Lê Hồng Tư:

"Đầu năm 1961, sỹ quan Mỹ qua Việt Nam để chuẩn bị chiến tranh, mà báo chí Mỹ lại đưa tin là quân đội Mỹ chỉ qua để dạo phố Sài Gòn. Vì thế, sinh viên và học sinh Việt Nam chúng tôi hồi đó rất tức, nên đã tự tổ chức võ trang, gọi là đội quốc tử.

Chúng tôi đánh bằng chiêu thức mới, đó là vừa chạy xe vừa ném tạc đạn. Khi tạc đạn nổ thì chúng tôi đã chạy xa tầm 40 mét nên bọn chúng không thể phát hiện. Đánh trận đầu tiên diệt được Đại tá Mỹ, trận thứ 2 diệt được một số sỹ quan và cấp úy, trận thứ 3 đánh xe đại sứ Mỹ.

Tuy nhiên, trong trận thứ 3, khi ném vào xe đại sứ Mỹ thì tạc đạn lại không nổ, chúng phát hiện và đuổi bắn chúng tôi. Chúng tăng cường lùng sục liên tục, cuối cùng chúng tôi bị bắt. Lúc đó, bị bắt 5 người, nhưng chúng gian ngoa bắt ghép thêm 7 người cho đủ 12 người, vì thế nhiều người không biết thì cứ tưởng cả đội bị bắt.
Ngày 23/5/1962, 12 anh em chúng tôi được chúng dẫn lên chất vấn trước vành móng ngựa. Đối đầu trước cái chết nhưng chúng tôi không ngại công kích, sẵn sàng hô to khẩu hiệu đòi độc tập tự do".

Ngồi trên ghế công tố, Lê Văn Khoa, hồi đó là ủy viên Chính phủ ngụy quyền hỏi anh Lê Văn Thành:

- Anh có nhận là đã ném bom vào xe của đại sứ Nolting không?

- Thôi không cần dài dòng. Chính ta đã ném trái thủ pháo đó.

- Tại sao anh lại muốn giết đại sứ Mỹ ?

- Bởi hắn là tên xâm lược. Tôi noi gương liệt sĩ Phạm Hồng Thái đã cài bom tại Sa Diện năm xưa.

Nói xong, Lê Văn Khoa lại quay qua chất vấn tôi:

- Anh Lê Hồng Tư, mới nhìn qua tôi cũng biết anh thông minh lắm. Chắc anh đủ can đảm để nói rõ sự thực về mấy người lính dù bị sát hại chứ?

- Tôi nói sự thật chớ nói dối thì ích gì đây? Nhưng sự thật là thế nào nhỉ?

-  Anh xác nhận đã ra lệnh cho tên Thành liệng lựu đạn vào xe tuần tiễu của lính dù?

- Rất tiếc, tôi không thể xác nhận điều đó!

- Tại sao?

- Bởi vì tôi không hề làm điều đó. Tôi không bao giờ ra lệnh cho cơ sở đánh vào những chiếc xe tuần tiễu bình thường.

- Nếu thế thì tôi hỏi anh rằng anh có ra lệnh cho đánh vào xe của đại sứ Hoa Kỳ không?

- Câu chuyện này hơi dài dòng, khi các cố vấn quân sự Mỹ kéo vào miền Nam Việt Nam ngày càng nhiều, Ban lãnh đạo của chúng tôi quyết định tố cáo việc này trước công luận quốc tế. Đồng thời, cảnh cáo Chính phủ Mỹ rằng nhân dân miền Nam Việt Nam buộc lòng phải cầm vũ khí đứng lên.

- Anh có biết là tại sao trái bom không nổ?

- Anh Tám Lượng bắt buộc chúng tôi chỉ sử dụng trái bom đó mà thôi. Tôi nghĩ cấp trên của tôi đã có ý đồ rõ rệt!

- Ý đồ gì?

- Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chỉ muốn cảnh cáo chính phủ Mỹ. Giết chết đại sứ Nolting không phải khó, nhưng chúng tôi chỉ muốn cảnh cáo chính phủ Mỹ, họ không dám công khai ký vào văn bản hiệp định Geneve.

Phiên tòa cứ thế diễn ra, đến 12 giờ khuya mới kết thúc. Phiên tòa đã trở thành diễn đàn biểu dương lực lượng cách mạng và tố cáo tội ác của giặc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước. Kết thúc phiên tòa, trong số 12 bị cáo, thì 4 người gồm Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Thành và Huỳnh Văn Chính chịu án tử hình; 4 người khác chịu án chung thân; và 4 người còn lại chịu án từ 5 đến 15 năm tù.

"Chúng tôi bị còng thành từng cặp, tay người này còng với tay người kia. Khi vừa tuyên xong bản án, tôi đã giơ cao cánh tay phải không bị còng và thét lên: "Đả đảo luật phát xít 10/59 của ngụy quyền miền Nam!”. Lúc này, cả tiểu đội dù đang bị còng tay vẫn đồng thanh hô theo: "Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo giặc Mỹ".

Những năm tháng tại "địa ngục trần gian" Côn Đảo

Tại nhà tù Côn Đảo, cựu chiến binh Lê Hồng Tư và các đồng chí cách mạng đã trải đủ các "món" đòn tra tấn dã man tưởng chừng chỉ có ở thời trung cổ. Hết đánh đập, nhốt vào chuồng cọp, phơi nắng nhiều tuần liên tiếp, bị rải vôi sống, cho đến việc phải sống chung với giòi để sinh bệnh mà chết.

Nhắc tới những tháng ngày ấy, đôi mắt ông chùng xuống: "Hồi mới bị đày ra Côn Đảo, vừa bước xuống tàu là đám tay sai và cai ngục xếp chúng tôi thành 2 hàng, vừa đi chúng vừa đánh. Chúng dùng những cây gậy mây đá (loại cây có thân cứng như đá) đánh đập chúng tôi, đến khi gãy nát thì lại dùng cây mới đánh tiếp.

Sau đó, chúng dẫn tử tù chúng tôi vào giam riêng, cho vào buồng còng hết tay chân lại. Trong buồng giam thì rất mất vệ sinh, bị còng một chỗ cả ngày, cứ mấy chục người còng một dây dài. Đi vệ sinh thì phải lết cả dây xích đi, rất khó khăn, bồn cầu thì 2 ngày bọn chúng mới cho đổ một lần, giòi bò lên khắp sàn nhà rất ghê tởm.

Đến bữa ăn chỉ biết nhắm mắt mà nuốt, vì chỉ được ăn cơm với mắm ruốc, mà mắm ruốc thì giòi cứ bò lúc nhúc, không ăn thì sợ chết đói. Khi chúng tôi đổ bệnh thì bọn chúng không hề chữa trị cũng như không bao giờ cho thuốc men, nên rất nhiều người đổ bệnh mà chết. Ngày nào cũng có mấy người chết tại Côn Đảo. Chết thì bọn chúng báo bệnh mà chết.

Cũng có rất nhiều anh em bị chúng đánh đập mà chết, chết nhiều quá chúng lại báo do dịch tả, chết do truyền nhiễm. Vì thế, cái chết cứ ám ảnh người tử tù như chúng tôi, vì không biết bản thân sẽ bị đem đi hành quyết lúc nào".

Khi nói tới chuồng cọp, giọng ông như lạc đi, bởi hình ảnh những khu chuồng bao quanh bằng dây thép gai, sự chật chội lại ùa về trong ký ức của ông. Khi bị “nhốt” vào chuồng cọp phải chịu cảnh “đứng không đứng được, mà ngồi cũng không xong”.

Được xây dựng bí mật từ năm 1940, chuồng cọp được ngụy trang kín đáo, giữa chuồng cọp và một nhà giam chỉ ngăn cách bằng cánh cửa nhỏ bị khóa và ngụy trang như cánh cửa đã không dùng lâu ngày. Ngoài những tên cai ngục, không ai được biết về bí mật của nơi biệt giam này.

Tù nhân chính trị được đưa vào đây khi bị tra tấn đến ngất sẽ được đưa ra bằng cửa khác để đánh lạc hướng. Tất cả tù nhân đều không xác định được vị trí trại giam, vì vậy khả năng trốn thoát là không thể.

Trong câu chuyện của ông về chốn lao tù Côn Đảo, mỗi người khi nghe đều cảm thấy “rùng rợn” và “ghê sợ” khi chứng kiến những căn phòng nóng bức, ngột ngạt với nhiều công cụ và hình thức tra tấn dã man, phi nhân tính nhất. Cũng không thể ngờ rằng những công cụ và hình thức tra tấn đó lại được sử dụng để hành hạ con người bởi những con người với nhau.

Nguồn: VTCnews