Chủ Nhật

“Ở Việt Nam, bệnh đổ thừa nặng quá”

TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty My Lan: “Trở về Việt Nam lần đầu tiên năm 2000, tôi có quá nhiều những câu hỏi “tại sao”.
11 năm gây dựng một nơi được ví như “thung lũng Silicon” xanh, sạch ngay trên một tỉnh nghèo Việt Nam, đó là con đường lội ngược dòng của TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Mỹ Lan, một Việt kiều trở về từ Canada.

Nằm tại khu công nghiệp Long Đức, tỉnh Trà Vinh, Mỹ Lan là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chuyên sản suất hóa chất và bản kẽm phục vụ cho ngành in trong nước và xuất khẩu. Nơi đây đã sản xuất vật liệu hóa chất quang điện tử đầu tiên ở Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 12 trên toàn cầu sản xuất loại vật liệu này.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ (giữa) trong một lần chào mừng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Trở về Việt Nam lần đầu tiên năm 2000, tôi có quá nhiều những câu hỏi “tại sao”.

Tại sao người Việt Nam thông minh mà thiếu sáng tạo? Tại sao vô vườn không thấy trái cây Việt Nam, toàn giống của nước ngoài? Tại sao mỗi lần vào, ra sân bay cũng bị vòi tiền? Tại sao nhà trường dạy đạo đức, trách nhiệm, mà xã hội lại thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm, ra đường không tuân theo luật giao thông, đâu cũng thấy rác rưởi?

Biết bao câu hỏi tại sao...

Tôi muốn gây dựng một thế giới xanh ở Mỹ Lan, để trả lời cho những câu hỏi này, hơn là chỉ để kiếm tiền. Mình thử tạo một môi trường mới ngay ở một mảnh đất nghèo của quê hương, để các em nhân viên có chỗ sáng tạo, có trách nhiệm với cộng đồng, xem có làm được hay không?

Biến thói quen xấu thành tốt là khó nhất

Ông đã làm thế nào để biến những chàng trai, cô gái chân quê thành những nhân viên có tác phong công nghiệp?

11 năm qua, để xây dựng một môi trường xanh hơn, đẹp hơn, hiện đại hơn quả không hề đơn giản. Ngay từ đầu tôi chủ trương nếu nghiên cứu sản phẩm không xanh hơn không làm.

Hàng năm Mỹ Lan có vài sáng chế mới rất thân thiện với môi trường, từ bản in dùng nhiều hóa chất, giờ chỉ cần nước với xà phòng thôi. Tập đoàn kinh doanh minh bạch, thông suốt, đóng thuế hàng đầu, trước ký hạn, không có ẩn số nào hết, đúng luật lệ.

Về con người, tôi chia thành hai đối tượng để tuyển dụng và đào tạo.

Thứ nhất là những người có tính năng động, cầu tiến, chuyên môn cao. Loại người thứ hai muốn cầu tiến nhưng chuyên môn yếu. Chuyên môn có thể dạy, nhưng tính cầu tiến, năng động không dạy được.

Làm thế nào ư? Tôi bắt đầu huấn luyện nhân viên từ cái… toa lét công ty! Đa số nhân viên là nông dân địa phương, đâu dùng toa lét hiện đại bao giờ. Phải dạy các em từ cách ngồi bàn cầu, rửa tay, chùi kiếng để người kế bước vô lúc nào cũng sạch.

Biến thói quen xấu thành thói quen tốt là khó nhất.

Bên cạnh đó, tôi có kế hoạch hợp tác lâu dài với Đại học Trà Vinh để sinh viên vừa học vừa làm ngay tại Mỹ Lan, có lương 2 triệu đồng/ tháng, cung cấp đồng phục, ăn uống đầy đủ. Riêng tôi đảm nhiệm luôn vai trò Trưởng khoa Hóa học ứng dụng tại Đại học Trà Vinh.

Lớp học của tôi không có ghế, tôi chủ yếu dạy các em đặt câu hỏi. Mỗi em phải có một câu hỏi mới được bước vào lớp.

Hiệu quả của những thay đổi này đến đâu?

Các em ngày càng tự hào hơn khi mặc đồng phục công ty, tự tin hơn với cuộc sống, chính các em lại là người mang văn minh công ty về làng xóm của mình, đó là động lực giúp tôi vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của môi trường làm ăn.

Mặc dù, cũng chính sự khác biệt đó đôi khi lại dẫn đến... hậu quả. Có nhiều nhân viên nữ làm ở công ty đã bỏ chồng, bỏ người yêu do không còn phù hợp với nhau nữa. Môi trường công ty văn minh hơn bên ngoài, có tiền lương cao hơn bên ngoài, được tôn trọng hơn, vệ sinh sạch sẽ hơn… đã khiến cho nhiều mối tình tan vỡ.

Cách giải quyết của tôi là khuyến khích các em cưới nhau. Hiện tôi đã tổ chức đám cưới cho 90 cặp, chỉ có một cặp sau một năm rưỡi trở lại với nhau đã ly thân, nhưng các em vẫn cùng nhau lo cho con. Hàng ngày thấy các em có cuộc sống ổn định hơn, khỏe mạnh hơn, tôi rất mừng.

Ở đây luôn duy trì chế độ khám chữa bệnh, khám chữa răng cho các em. Với những cháu bị bệnh mãn tính, tôi gửi đi khám ở bệnh viện Pháp Việt.

Nhiều doanh nghiệp lớn đã tới học cách quản lý của My Lan, tôi luôn mở cửa và chia sẻ hết những gì mình làm.

Công ty trở thành "showroom" cho tỉnh, nhiều người thắc mắc thấy mình đầu tư cảnh quan nhiều mà vẫn có lợi nhuận cao? Đơn giản là, hiệu quả, năng suất nhân viên cao hơn nhiều so với chỗ khác vì họ yêu thích môi trường làm việc.

Gần đây Viettel cũng vô học hỏi mô hình làm việc ở đây. Hy vọng Mỹ Lan là chỗ người ta nhìn thấy, để thay đổi cách vận hành văn minh hơn, giúp người Việt tự tin hơn với dân tộc mình.

Đó cũng chính là câu trả lời của riêng tôi. Rất mừng là bây giờ đôi khi Nhà nước cũng đã nghe người ta nói khác, nghĩ khác. Chắc thời bao cấp sẽ lần lần lui về quá khứ, cũng đỡ.

Đầu óc cũ làm người Việt không tin nhau

Khó khăn nhất trong 11 năm qua với ông là gì?

Với tôi kinh doanh bao giờ cũng thú vị, chỉ có những chuyện râu ria làm mình bực. Thời mở cửa rồi mà chúng ta cứ dạy học sinh tư bản là kẻ thù, tạo ra kẻ thù thì đất nước không phát triển được đâu.

Mấy năm đầu về Trà Vinh, tôi bị nghi ngờ "thằng này là tư bản", không tốt đâu. Đến khi mình làm tốt quá người ta cũng đặt nghi vấn, ông này trồng cây xanh nhiều quá có khi để… chôn hóa chất dưới đó!

Đôi khi cũng phát mệt với các cơ quan ban ngành. Cả tỉnh Trà Vinh chưa có nơi nào ăn ngon và sạch như công ty mình, vậy mà người ta cũng kiếm cách chê, tìm cho được một con muỗi. Nhiều khi cũng bị cảm xúc, tâm lý tưởng khó có thể vượt qua.

Mình đang làm ăn ở Canada, mọi thứ đều minh bạch, rõ ràng, về đây sao cực nhọc quá! Nhiều khi sang Canada, vợ tôi cản, bảo anh ở lại đi, về làm chi nữa? Tôi phải rất khó khăn mới thuyết phục được gia đình.

Cũng may bây giờ đỡ rồi, mình làm đàng hoàng, đúng hơn cái người ta cần nữa thì đâu có sợ gì.

Vậy thì theo ông, đâu là điểm yếu khiến cho Việt Nam chưa quy tụ được nhiều người tài từ thế giới về cống hiến cho đất nước?

Đầu óc cũ, lạc hậu làm người Việt mình không tin nhau.

Một doanh nhân như tôi hàng ngày phải quan hệ với cơ quan ban ngành Nhà nước, với doanh nghiệp xung quanh. Anh Alan Phan nói rất đúng, doanh nhân Việt Nam phải đối diện với những quan hệ rất phức tạp, đôi khi cũng nản chí.

Chẳng hạn, đụng với nhân viên quản lý môi trường, họ chẳng cần coi mình làm gì, mà chỉ kiếm phong bì.

Tôi nhớ năm 2006, sau một năm công ty vận hành, tổ chức tiệc tất niên, công bố doanh thu, tiền lời, tưởng được khen ngợi, ai ngờ chiều về, công an kinh tế bắt 5 nhân viên tra hỏi, tại sao mới một năm công ty đã có lời?

Cái gì mình làm khác mà tốt hơn người ta cũng bị nghi ngờ.

Nhưng mừng là càng ngày càng thấy khát vọng phát triển văn minh có ở rất nhiều người trẻ. Lớp trẻ đòi hỏi phải cho phép họ nghĩ khác để làm khác, cái khuôn nó trật sao cứ bắt người ta làm giống hoài, tại sao vậy?

Giờ hội nhập, đất nước càng ngày càng có quan hệ gần gũi hơn quốc tế. Từ Trà Vinh về Sài Gòn trước tốn 6 giờ giờ chỉ mất 3 giờ, đi đâu cũng vô Internet được, trong khi nhiều nước không vậy đâu. Đồng thời Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cũng thoải mái hơn, tôi tin Việt Nam sẽ tốt hơn.

Ở Việt Nam, bệnh đổ thừa nặng quá

Là một nhà khoa học, con đường trở thành một nhà khoa học với 73 bằng phát minh, sáng chế được công nhận ở nhiều quốc gia khác nhau, với ông hẳn đầy chông gai?

Làm tại IBM, con đường khoa học của tôi dễ dàng lắm, vì tính mình đi vô chỗ nào cũng muốn sửa, đưa ra những sáng chế mới là chuyện bình thường, hàng ngày.

Nhưng con đường trở thành nhà khoa học mới chông gai. Tôi qua Canada không cha mẹ, không nghề nghiệp, nói tiếng không ai hiểu. Đi học đại học trở lại năm 1983, một mặt vừa lo kiếm tiền nuôi vợ con, vừa gửi về nước nuôi cha mẹ. Bảy năm trời học đại học, thạc sĩ, rồi tiến sĩ, ngày nào cũng chỉ được ngủ hai ba giờ thôi.

Mùa hè người Canada phơi nắng ngoài trời rất thong thả, trong khi mình phải thức dậy 2 giờ sáng để đi học, trưa phải đi làm thêm nhà hàng, tối đi dạy. Nhiều khi muốn bỏ cuộc, phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều, đầu bên trái nói học để có tiền lương cao hơn, khá hơn thay vì làm bồi bàn. Nhưng đầu bên phải nói không học có chết đâu, vất vả quá thế này làm gì...

Cuối cùng ráng cố gắng, ý chí giúp mình vượt qua.

Tôi luôn khuyên những người trẻ ráng cố gắng tìm cách này cách khác, đừng bao giờ bỏ cuộc hết. Nếu bỏ cuộc không cách nào thành công.

Nhưng ở Việt Nam, bệnh đổ thừa nặng quá. Cái gì cũng đổ thừa tại cha mẹ nghèo, tại không có vốn, tại...

Nếu khởi nghiệp, cái vốn ngàn tỉ cha mẹ để lại chính là cái đầu nè, suy nghĩ để đào ra mà xài.

Theo ông, Việt Nam có thể làm nên kỳ tích giống như Ấn Độ, Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin?

Người Việt Nam sẽ hơn họ chứ. Nhưng có điều hãy đi từ 0 tới 1, chứ đứng vội từ 1 tới N, phải phát triển công nghệ thay vì ăn cắp, bắt chước.

Những nước đang phát triển đừng bắt chước các nước đã phát triển, Thượng Hải của Trung Quốc là một ví dụ. Phải nghĩ khác, làm khác mới được. Phải đặt câu hỏi có cách nào làm khác không, tốn ít năng lượng hơn không, chứ đừng bắt chước. Người Việt Nam đã có gien thông minh, vấn đề là có chịu làm hay không.

Vừa là nhà khoa học, vừa là doanh nhân, con người nghiên cứu trong ông có bao giờ mâu thuẫn với con người kinh doanh?

Doanh nhân đi từ người làm khoa học dễ hơn, hiểu về công nghệ, sản phẩm rõ ràng hơn, có suy nghĩ logic, khoa học hơn. Bản chất doanh nhân là không bao giờ chấp nhận làm thuê, chỉ làm việc cho chính mình. Không giả bộ làm doanh nhân được, làm doanh nhân phải là từ trong máu.

Cha tôi ngày xưa có nhiều vợ, ông bỏ mẹ con tôi khi tôi mới lên bảy tuổi. Tám tuổi tôi đã lăn lưng ra đường kiếm sống, bán kem, bánh mì để có đồng lời, máu kinh doanh thấm vào từ nhỏ.

Lớn lên, đi làm chỗ nào cũng thấy không hài lòng. Làm nhà hàng thấy cái bếp tại sao không sạch, thấy ông chủ đối xử với nhân viên không tốt. Tới chừng làm khoa học cảm thấy không đồng ý với cái mình đang có. Bất cứ chuyện gì cũng thấy là có thể làm tốt hơn.

Doanh nhân cũng bắt đầu bằng cái muốn làm tốt hơn cho chính mình, và cho cộng đồng xung quanh, tiền sẽ đi theo thôi. Còn muốn làm doanh nhân để có nhiều tiền hơn thì chỉ gặp cá sấu hay cá mập.

Người Việt mình giống cá hồi vậy đó

Nhưng, ông có sợ tốc độ phát triển quá nhanh của kinh tế, khoa học sẽ hủy hoại những giá trị cội nguồn của thiên nhiên, của văn hóa?

Tốc độ phát triển khoa học càng nhanh càng giúp cho trái đất tốt hơn, nhưng phải nằm trong tay người tốt, bắt đầu từ trái tim, linh hồn tốt đã.

Đốn gỗ đã đời ở đây rồi qua nước khác đốn, nuôi bò ô nhiễm quá người dân chịu không nổi, thì thử hỏi làm giàu để làm gì? Làm doanh nhân là muốn có nhiều tiền hay cũng muốn cả xung quanh tốt hơn?

Người ta có đủ cách để làm không tốt. Người nhiều tiền với người giàu khác nhau. Người giàu biết họ giàu, có tài sản, tiền bạc, biết chia sẻ tiền bạc tài sản. Việt Nam mình nhiều đại gia quá mà thiếu người giàu, còn người trẻ lại nhiều người giàu hơn, dù họ ít tiền hơn đại gia.

Nhưng mình cũng mừng vì đã có những doanh nhân trẻ thực sự tốt, phát triển doanh nghiệp dựa trên trí tuệ, bản lĩnh, không giống như thời trước.

Có bao giờ ông cảm thấy quá cô đơn?

Có chứ. Trong gia đình không cô đơn, nhưng về xứ mình lại nhiều khi cô đơn lắm, vì làm khác người ta quá.

Nhưng, dù sướng khổ thế nào ông vẫn ở lại quê hương?

Người Việt mình đẻ ra lớn lên vùng nào, đi đâu thì đi giống như cá hồi vậy đó, cũng bơi ngược dòng để chết tại quê hương.

Tại sao Trà Vinh phì nhiêu thế, có biển đẹp thế lại bị coi là tỉnh cùng, tỉnh nghèo?

Vấn đề là cái nhìn của mình thế nào thôi. Tôi muốn chứng minh điều ngược lại.

Theo Kim Yến (Bizlive)