Thứ Sáu

Làm sao tích luỹ được khi tôi thường tiêu hết thu nhập của mình?

Để tiết kiệm được, cần phải có quyết tâm, cần phải nghĩ đến tương lai của chính mình. Ngày nay mình có iPhone, iPad, AirBlade, TV LED 3D thật thích nhưng 35 năm sau mình có mười mấy tỉ đồng để sống không? Nếu không có hàng chục tỉ đồng thì mình có dám mua gói thuốc chuột uống không? Khi về hưu mỗi ngày mình đi tập thể dục, đánh cờ, chụp hình phong cảnh hay là mình đi bán vé số từ sáng đến tối?

Khi đã có quyết tâm tích luỹ cho tương lai chính mình rồi, hãy lập một kế hoạch tài chính khả thi. Để lập kế hoạch tài chính thì bạn phải biết tiền của bạn đang đi đâu hết. Bạn phải:

Làm sao tích luỹ được khi tôi thường tiêu hết thu nhập của mình?

  • ghi chép mọi khoản thu-chi của mình,
  • phân loại các khoản chi,
  • sắp xếp mức độ ưu tiên của các khoản chi,
  • giảm bớt những khoản chi ít cần thiết như thời trang, nhậu, du lịch…
  • thay đổi thói quen tiêu dùng, dùng những thứ bền rẻ
  • tránh bị mất tiền vào tay cướp đêm cũng như cướp ngày (bạn có nhớ cướp đêm là giặc, cướp ngày là gì không?)
  • mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn
Rất khó để đạt được ngay lập tức tỉ lệ tiết kiệm như bảng tính kế hoạch tài chính tính cho bạn. Tuy nhiên bạn đừng nản lòng. Việc tập thói quen tiết kiệm cũng giống như cai thuốc lá hay là giảm cân, cần có thời gian để làm quen với nó. Hãy cố gắng bắt đầu với mức tiết kiệm 10% thu nhập, 3 tháng hoặc nửa năm sau tăng lên 15%, tăng từ từ đến khi đạt mức yêu cầu. Đừng bao giờ nản lòng.
Nếu bạn thấy khó giảm 10% chi tiêu hàng tháng, bạn hãy thử tưởng tượng lương bạn đột ngột bị giảm 10% hoặc lạm phát 10% mà lương chưa tăng (chuyện này rất dễ xảy ra trong thực tế). Khi đó bạn có tiếp tục sống không? Chắc chắn là vẫn sống, đâu có ai nhảy cầu tự tử vì bị mất 10% thu nhập. Vậy thì bạn hãy tự bớt chi tiêu của mình để khi về già không phải nghĩ đến chuyện nhảy cầu tự tử vì bị giảm đến 90% thu nhập.

Sau khi lập kế hoạch, bạn sẽ biết mỗi tháng mình tiết kiệm được bao nhiêu. Ngay khi có tiền vào túi, bạn hãy cách ly số tiền tiết kiệm bằng cách gửi vào những nơi sinh lợi an toàn như ngân hàng, quỹ đầu tư và đừng lấy nó ra dùng.

Những sai lầm khi tích luỹ

1. Tưởng lầm rằng sở hữu tài sản đắt tiền cũng là tích luỹ cho tương lai

Nhiều người nghĩ rằng dùng những thứ đắt tiền như smartphone, camera, TV LED 3D, xe hơi… đến khi cần tiền đem bán được, vậy cũng là tích luỹ cho tương lai. Họ quên rằng tích luỹ là phải làm cho đồng tiền tiết kiệm sinh lợi nhanh hơn mức trượt giá.

2. Cận thị

Người bị cận thị chỉ nhìn rõ được trong khoảng cách gần, những thứ ở xa chỉ thấy mờ, thậm chí không thấy. Tích luỹ tiền theo kiểu cận thị thì chỉ thấy những cách sinh lợi ngắn hạn như gửi ngân hàng, hụi, không nghĩ đến những công cụ đầu tư dài hạn.

3. Thiếu kiên nhẫn

Mỗi tháng dư được 2 triệu đồng, để suốt năm chưa được 30 triệu đồng, vài trăm năm nữa mới có được 20 tỉ. Thôi, không tiết kiệm nữa!
Không cần vài trăm năm đâu! Bảng tính kế hoạch tài chính cho thấy bạn sẽ có số tiền đó trước khi về hưu. Nếu bạn nghi ngờ kết quả tính toán thì hãy nhờ các thầy dạy Toán tính lại.

4. Thiếu kiểm soát

Bạn có tiết kiệm nhưng quên so sánh kết quả tích luỹ với kế hoạch đã đặt ra.
Hãy thường xuyên dùng phần mềm quản lý tài sản, thu chi và cập nhật tình trạng tài sản của gia đình vào bảng kế hoạch tài chính để biết các kế hoạch có theo kịp tiến độ không.
Bạn sẽ cần đến phần mềm quản lý tài sản khi bạn có hơn chục tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn, vài tài khoản đầu tư, vài bất động sản.

5. Ăn mừng quá sớm

Bạn bắt đầu ăn mừng và lơi lỏng việc tiết kiệm khi tài sản tích luỹ được hơn vài chục tháng thu nhập.
Bạn cần xem lại kế hoạch tài chính trước khi cho phép mình giảm mức độ tiết kiệm.

Tại sao mỗi người cần phải tích luỹ?

Trong xã hội ngày nay, muốn sống được thì phải có tiền. Tiền dùng để:
  • mua thực phẩm cho vào miệng ăn
  • mua quần áo mặc lên người
  • trả tiền điện, nước dùng hàng tháng
  • mua xăng đổ vào xe chạy cho nhanh và đỡ mỏi chân, và sửa xe nữa
  • mua thẻ cào cho vào điện thoại để nói chuyện
  • mua thuốc uống khi không khoẻ
  • mua TV LED, máy chụp hình, smartphone
  • đi ăn tiệm, đi du lịch
Vì vậy mọi người đều phải đi làm kiếm tiền mỗi ngày.

Khi tuổi già đến, không còn sức đi làm thì sao?
Có lương hưu không?
Lương hưu có đủ sống không?
Con cháu có nuôi mình không?

Hay là mình phải đi bán vé số, đi rửa chén để kiếm chút cháo sống qua ngày; hay là mua một gói thuốc chuột uống để khỏi kéo dài những ngày sống thiếu thốn. Tôi đã mua vé số từ những cụ già 80 tuổi, chắc chắn cuộc sống của các cụ chẳng dễ dàng gì.

Bạn thử tưởng tượng một buổi sáng nào đó bạn đi ra đường mà quên đem theo tiền (và các thứ thẻ rút tiền), bạn sẽ thấy lúng túng như thế nào. Định ghé vào tiệm phở ăn sáng, sờ đến túi không thấy tiền nên thôi, muốn mua xôi ăn sáng cũng không được. Khát nước muốn ghé mua chai nước, cũng không có tiền. Muốn ghé vào tiệm sách đọc ké cho quên cơn đói, cũng không có tiền gửi xe… Chỉ một buổi sáng thiếu tiền mà bạn đã bối rối rồi, nếu thiếu tiền trong 15-20 năm thì bạn sẽ như thế nào? Muốn mua gói mì để ăn sáng, cũng phải hỏi xin con cho tiền.

Để không bị thiếu thốn khi tuổi già đến, mỗi người đều phải tích luỹ một số tiền lớn cho tuổi già của chính mình. Chúng ta còn chưa bàn đến việc tích luỹ tài sản để mua nhà hay để lại cho con cháu!

Tích luỹ bao nhiêu tiền?

Chỉ cần làm phép nhân đơn giản, lấy số tiền bạn đang tiêu mỗi tháng nhân cho 12 là được số tiền tiêu mỗi năm, nhân tiếp cho 20 hay 30 là số tiền bạn cần có khi về hưu.

Chưa đủ đâu! Còn phải tính trượt giá nữa. Chỉ cần trượt giá 7% mỗi năm thì sau 10 năm vật giá sẽ đắt gấp đôi, sau 20 năm đắt gấp bốn, sau 30 năm đắt gấp tám lần bây giờ. Như vậy con số ở trên phải nhân lên 8-10 lần nữa. Đó là chưa kể khi về già, tiền thuốc chữa bệnh còn tốn hơn nữa.

Giả sử bạn đang tiêu mỗi tháng 5 triệu đồng. Với mức trượt giá khoảng 7%/ năm, 35 năm sau, bạn phải có 12-16 tỉ đồng khi về hưu để đủ sống đến cuối đời mà không phải xin con, không phải đi bán vé số. Có sẵn số tiền đó khi về già, bạn có thể đi tập thể dục buổi sáng ở công viên, đánh cờ tướng với bạn già, đi chụp hình, đi bơi…

Làm sao để dành được số tiền quá lớn đó? Bạn sẽ có số tiền lớn đó nếu bạn tích luỹ sớm, liên tục và sinh lợi an toàn.

Source:lhboi.name.vn