Thứ Tư

Sự hy sinh cao cả của người Lính trong Thời Bình...

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhiệm vụ bảo vệ sự bình yêu của quê hương đất nước vẫn chưa khi nào ngừng nghỉ. Có hàng nghìn người lính trẻ hôm nay lại viết tiếp câu chuyện của cha ông, gác lại đời tư và cuộc sống bình yên chốn phồn hoa đô hội để đến với biên giới, biển đảo. Không chỉ gian nan, vất vả, trên thao trường, giữa thời bình, nhưng máu của người lính vẫn tiếp tục đổ vì sự bình yên của Tổ quốc.

Ngày 26 tháng 8 vừa qua, một máy bay quân sự đang bay huấn luyện đã gặp nạn tại cánh đồng xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa tỉnh Phú Yên, khiến một học viên phi công thiệt mạng. Vĩnh biệt chàng trai 22 tuổi, Thiếu úy Phạm Đức Trung. Em đã từ chối lệnh nhảy dù của chỉ huy bay, cố gắng điều khiển máy bay hạ cánh khẩn cấp ngoài cánh đồng, không để máy bay lao vào khu dân cư.

Có nỗi đau nào hơn khi nhìn những đồng đội của mình đã mãi ra đi
22 tuổi, chúng ta có nhiều dự định, nhiều điều để chọn lựa cho bản thân và cho gia đình. Người lính phi công ấy đã chọn, mong mỏi của riêng mình. Một lựa chọn khắc nghiệt hơn ai hết. Bạn sẽ nói, đó là nghề, và phải chấp nhận. Nhưng, chẳng nghề nào ép con người ta phải ra đi trong tuổi 22 với muôn vàn hoài bão phía trước. Đó là bản lĩnh, là chất lính. Họ hy sinh vì sự bình yên của người dân, bỏ mặc tuổi 22 phơi phới, bỏ mặc bao điều tốt đẹp đang vẫy gọi.

Chàng trai ấy – Thượng sĩ Phạm Đức Trung, đã không bật dù, cố hạ cánh khẩn cấp giữa cánh đồng lúa để đảm bảo an toàn cho người dân. Mọi người an toàn, anh mãi ra đi. 22 tuổi, đó không đơn giản là con số, mà đó là biểu tượng, là sức mạnh của con người vượt qua những ham muốn cơ bản. Ham muốn sống, để vì cộng đồng, vì Nhân dân.

Có lẽ nhiều người vẫn chưa quên, trong cuộc chiến với tội phạm ma túy hồi cuối năm ngoái, Đại úy Lường Phát Chiêm (Trung đội trưởng phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động CA tỉnh Sơn la) và Thượng úy Bùi Công Nguyên (cán bộ đội CSĐT tội phạm kinh tế – ma túy huyện Mộc Châu), đã mãi mãi nằm lại nơi núi rừng Tây Bắc khi tuổi đời còn rất trẻ. Các anh đã gửi lại những ước vọng còn dang dở, bỏ lại người vợ đôi mươi và đứa con chưa một lần biết mặt cha…!

Trước đó, ngày 5/2/2010, 3 chiến sĩ Công an (Thượng tá Hà Thái Yềm, Phó trưởng Công an huyện Mai Châu; Thiếu úy Sùng A Trư, Công an huyện Mai Châu và Trung úy Bùi Quốc Đại, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) cũng đã anh dũng hy sinh trong lúc vây bắt tên trùm ma túy trốn lệnh truy nã đặc biệt Vàng A Khua.

Sự hy sinh của những người lính trong thời gian qua là một nỗi đau khôn nguôi không chỉ với gia đình mỗi người mà chính là sự mất mát quá lớn cho Tổ quốc, nhất là những tháng năm này, đất nước đang rất cần những người lính tinh nhuệ và can trường như các anh biết bao nhiêu!

Có thể nói, lịch sử của nước Việt được viết bằng máu của hàng triệu người lính ngã xuống. Sự hi sinh của họ chỉ một mục đích duy nhất vì sự an nguy của nhân dân và sự tồn vong của Tổ quốc. Chắc không người lính nào nghĩ rằng mình ngã xuống để rồi được vinh danh tuổi tên trên tượng đồng bia đá. Nhưng chắc chắn ai cũng khát khao sự hi sinh của mình sẽ được đáp đền bằng sự bình an cho Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Cái chết của những người lính thời bình hôm nay thêm một lần nữa nhắc chúng ta biết sống vì khát vọng chân thành ấy, thay vì chỉ biết toan lo vun vén cho những lăn tăn bé mọn quẩn quanh với riêng mình!

Cản ơn anh những người đã luôn nỗ lực vì một Việt Nam hòa bình, cường thịnh!

Hoàng Nguyên/