Thứ Tư

Vị tướng của nhân dân, vị tướng của hòa bình

Ông sinh ra vào mùa lũ, tháng Tám. Vùng trũng Lệ Thủy, Quảng Bình nước băng sông trắng đồng. Tôi không biết khi ông cất tiếng khóc chào đời, cách đây hơn một thế kỷ thì vùng đất An Xá, Lộc Thủy ấy có dấu hiệu gì khác thường báo hiệu sự xuất hiện của một bậc vĩ nhân không.

Tôi biết, ông không muốn ai gọi mình bằng những danh từ to tát như thế, nhưng bây giờ khi Con Người viết hoa ấy đã vào cõi vĩnh hằng, tôi muốn được gọi ông là bậc vĩ nhân. Vâng, Vĩ nhân. Chính xác hơn là một Vĩ nhân bình dị.

Gần đây nhất, khi ông đã trút hơi thở cuối sau khi có mặt trên trần gian này 103 năm, thì cùng lúc rất nhiều lời ca ngợi ông được cất lên. Không phải bây giờ người ta mới ca tụng ông nhưng đây mới là thời điểm nhân loại nhìn rõ nhất tài năng – nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta. Hôm 5 tháng 10 năm 2013, Hãng phát thanh NPR của Mỹ dẫn lại lời của giáo sư lịch sử quân sự Mỹ, ông Cecil Currey, tác giả của cuốn sách Chiến thắng bằng mọi giá, nói về Đại tướng: Võ Nguyên Giáp sánh ngang với các nhà chỉ huy quân sự của thế kỷ 20.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi nhân dân địa phương và anh chị em công nhân đội vận tải Sông Gianh, Quảng Bình đã góp phần tích cực vận chuyển hàng ra tiền tuyến năm 1968. Ảnh: Sách ảnh "Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp".
Ông ngang tầm với Alexander đại đế. Ông ấy vượt trội hơn Napoleon, vượt trội hơn tất cả các tướng của ta. Ông ấy là một con người vĩ đại của mọi thời đại. Người từng là kẻ thù một thời của dân tộc Việt Nam, đối thủ của Võ Nguyên Giáp, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William Westmoreland gọi Đại tướng của ta là Tướng huyền thoại. Đâu phải chuyện “trong nhà nhất mẹ nhì con”, đây là lời của thiên hạ, của thế giới rộng lớn, của những người không cùng huyết thống và cả không chung hệ tư tưởng với chúng ta dành cho Đại tướng.

Chuyện hiếm hoi. Với những đại tướng khác khi gọi chúng ta phải kèm theo họ tên đằng sau cấp bậc, chức vụ. Nhưng với Võ Nguyên Giáp thì không cần thiết. Chỉ cần nói Đại tướng, hoặc dân dã hơn là Anh Cả, Anh Văn thì nhân dân ta đều biết đấy là danh xưng của Võ Nguyên Giáp.

Và, cũng thật đặc biệt. Từ thầy giáo dạy sử trở thành vị tướng quân sự tài ba. Một quân nhân chỉ một lần được phong quân hàm mà lại là quân hàm cao nhất của Quân đội ta: Đại tướng. Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng do Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng phong. Đại tướng chưa qua một trường lớp quân sự chính quy nào, có lẽ ông học được nhiều từ lịch sử dựng nước, giữ nước bi tráng của dân tộc mình, một dân tộc đã sinh ra Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh và cùng với Đảng và nhân dân đánh thắng những tên thực dân, đế quốc sừng sỏ đến xâm lược non sông này.

Cần phải nói thêm điều này, Đại tướng kính yêu của chúng ta đẹp cả về nhân cách - tài năng và diện mạo. Năng lượng trong Con Người Võ Nguyên Giáp thật đáng ngạc nhiên, gọi là kỳ vĩ cũng không sai; mỗi ngày sống là mỗi ngày làm việc cho nước, cho dân, trải qua mấy cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ mà vẫn cứ lần lượt vượt qua ngưỡng “thất thập cổ lai hy”, rồi đạt đến bát thập, cửu thập vượt qua cả bách niên...Sự tráng kiện bền bĩ về thể chất và trí tuệ của Vị tướng ấy thật sự là hiếm hoi trên thế gian này.

Nếu như không có các cuộc xâm lăng của thực dân, đế quốc, tất nhiên không có các cuộc chiến tranh tàn khốc xảy ra trên đất nước này thì chắc không có Đại tướng Võ Nguyên Giáp lừng lẫy. Ông đâu mong chiến tranh để trở thành Đại tướng, dẫu là Đại tướng nổi danh trên thế giới. Ông sẽ là một thầy giáo dạy sử thông tuệ, lịch thiệp và đẹp trai nữa. Sau những giờ lên lớp ông sẽ thư giãn bằng cách chơi dương cầm hay chăm sóc hoa cỏ trong vườn. Nào được thế. Dấu giày viễn chinh của thực dân Pháp đã đặt lên mảnh đất cong cong hình chữ S này rất lâu trước khi ông sinh ra trong mùa lũ ở Lệ Thủy. Ông đã từng trả lời với phóng viên báo nước ngoài rằng: Khi còn bé, tôi từng mơ một ngày được thấy nước tôi tự do, thống nhất. Và giấc mơ của tôi ngày đó đã thành sự thật.

Để giấc mơ ấy trở thành sự thật, ông đã đi theo con đường Cách mạng gắn với tên tuổi của lãnh tụ vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và trở thành học trò xuất sắc của Người. Và, từ đội trưởng Đội Việt Nam truyên truyền giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ áo vải chân đất, chỉ có mã tấu, giáo nhọn, súng kíp ông trở thành Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người “Anh Cả” của lực lượng vũ tranh nhân dân Việt Nam có đủ các quân binh chủng.

Cách mạng và quân đội ta chịu đựng muôn vàn gian khổ, hy sinh, chiến đấu ngoan cường với các kẻ thù xâm lược chỉ vì một mục đích duy nhất là giành lại hòa bình, độc lập tự do, thống nhất cho đất nước, mang về hạnh phúc cho nhân dân. Đại tướng đã từng nói rõ điều đó: Chiến lược của tôi là chiến lược của hòa bình, tôi là vị tướng của hòa bình chứ không phải vị tướng của chiến tranh. Không nghi ngờ gì nữa, chiến tranh của ta là chiến tranh yêu nước, chiến tranh của nhân dân chống lại kẻ thù xâm lược. Vị tướng cao nhất chỉ huy cuộc chiến tranh ấy là của nhân dân; Ông là Đại tướng của nhân dân chứ đâu chỉ là Đại tướng của quân đội. Ông, không ai khác, là một trong những người đầu tiên thấm thía nhất giá trị mỗi giọt máu của chiến sĩ và nhân dân đổ xuống cho nền hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất của đất nước. Và, bao giờ, lúc nào, ở đâu, chiến dịch nào, Đại tướng cũng là người đau đáu đắn đo, so tính cân nhắc sách lược để tiết kiệm xương máu của chiến sĩ và nhân dân ta.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị lão dân quân Hoằng Hóa, Thanh Hóa, đơn vị bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường, tại lễ duyệt binh nhân ngày Quốc khánh 2/9/1973. Ảnh: Sách ảnh "Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp"
Lịch sử nhân loại chắc phải còn nhắc lại nhiều lần nữa về Điện Biên Phủ. Cái lòng chảo mang tên Mường Thanh nằm giữa trập trùng núi rừng Tây Bắc hiểm trở ấy bỗng nhiên nổi tiếng toàn cầu với trận thắng lẫy lừng của quân dân ta cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chín năm làm một Điện Biên. Mấy nghìn năm làm một Điện Biên chứ! Ông cha ta đã từng để “vườn không nhà trống” rút vào nơi hiểm trở khi thế giặc đang xung. Để xây dựng lực lượng, chọn thời cơ quật lại kẻ thù và dành chiến thắng.

Thế mới đánh được giặc Tống, giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Thanh hùng hùng hổ hổ kéo đến từ phương Bắc, dẹp được giặc Chiêm Thành ùa ra từ phương Nam. Rừng Mường Phăng năm 1954. Một đêm lịch sử. Đại tướng đứng trước hai sự lựa chọn: tấn công hay chưa tấn công địch. Pháo đã kéo vào rồi. Những sợi dây tời kéo pháo chưa kịp khô máu và mồ hôi chiến sĩ. Khí thế quân ta đang hừng hực như nuốt được cả sao Đẩu.
Có một cái gì đó chưa ổn nếu ta vận dụng lối “đánh nhanh, thắng nhanh”. So sánh lực lượng, tình thế thì thấy thật bấp bênh, khó mà nắm chắc phần thắng. Nhưng nếu hoãn nổ súng theo kế hoạch thì không phải không có những trắc trở, hệ lụy khó lường. Tiếng gà rừng đã eo óc gáy, sĩ quan tùy tùng nhìn lên mái đầu Tư lệnh, trời ơi, hình như đang có những sợi tóc đổi màu trắng.

Và, một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng được ban ra: đổi chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, thắng chắc”. Pháo kéo vào lại được kéo ra. Kéo ra rồi lại kéo vào sau đó để giáng sấm sét xuống tập đoàn cứ điểm kiên cố bậc nhất của Pháp ở Việt Nam lúc đó. “Con nhím quân sự” khổng lồ Điện Biên Phủ bị những vòng hào của bộ đội ta bao vây thít dần, thít dần cho đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng giặc. Chiến sĩ và nhân dân biết ơn Đại tướng của mình. Nếu ông không quyết “đánh chắc thắng chắc” thì xương máu của chiến sĩ và nhân dân mình còn đổ xuống ở lòng chảo Mường Thanh này nhiều nhiều lắm.

Đại tướng từng nói: Đầu hàng không có trong từ vựng của tôi. Nhưng, điều đó không có nghĩa là tấn công mà không biết bảo tồn lực lượng. Chiến đấu là phải hy sinh, hy sinh nhiều lắm khi đối thủ của ta là những kẻ giàu có, hiện đại. Điều ấy, ông thấm thía lắm chứ nên mới so tính kỹ càng để tiết kiệm máu xương binh sĩ. Cảm hứng về điều này của ông, trong bài thơ Đại tướng làm năm 2010 tôi đã viết:
Đại tướng
Nhưng ông đánh giặc bằng Tâm
Bạc tóc
Tiết kiệm từng giọt máu lính.

Chính điều ấy làm cho ông vĩ đại và được nhân dân kính trọng. Kẻ thù của chúng ta cũng phải khâm phục Đại tướng ta điều ấy.

Biết tận dụng thời cơ cũng là một cách tiết kiệm máu xương binh sĩ và giành chiến thắng. Bức điện Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa của Đại tướng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 mang sứ mệnh lịch sử to lớn. Nó thực sự tiếp thêm năng lượng, dũng khí cho quân và dân ta đánh trận cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam. Điều ấy, đã rõ như ban ngày, ai muốn đổi trắng thay đen cũng không làm nổi. Những giá trị thật đã được soi sáng.

Dân ta luôn công minh trong nhìn nhận tài đức, cống hiến của các lãnh tụ, tướng lĩnh, danh nhân...Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Nhân dân yêu quý kính trọng một cách trọn vẹn. Mấy ngày vừa qua, không khí đau thương hầu như đang bao trùm trên Đất nước ta. Ai cũng thấy mình có phần bị mất mát khi Đại tướng ra đi.

Dẫu biết rằng, được ra đi như tuổi Ông là hiếm lắm, là đại thọ. Biết rằng ông sẽ sống mãi với đất nước này, Nhân dân này mà vẫn muôn vàn tiếc thương. Tiếc một nhân cách, một tài đức luôn làm cho ta ấm áp, tin cậy. Trong chông chênh, sóng gió, Đại tướng là điểm tựa của dân tộc. Ông là một nhưng cũng là nhiều, là số đông, là biểu tượng của gần 100 triệu nhân dân. Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp là ánh sáng bất tử của dân tộc này.
Không ai hiểu điều đó hơn nhân dân Việt Nam. Không tin, hãy đến Ba Đình và ngắm dòng người lặng lẽ trang nghiêm vào Lăng viếng Bác. Không tin, hãy đến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, để hòa vào dòng tiếc thương của các thế hệ đối với Đại tướng. Nến trắng thắp trên vỉa hè, hoa tươi đặt trước cổng mấy đêm nay để tưởng nhớ Đại tướng là của rất nhiều bạn trẻ đấy. Họ ở tuổi mười tám, đôi mươi. Họ đến đây một mình hoặc với bạn bè, với người yêu. Những giọt nước mắt lăn dài trên má. Nước mắt ấy chỉ dành cho người mình kính trọng, thương yêu. Nước mắt của các thế hệ khóc Đại tướng.

Nước mắt của nhân dân dành cho Vị tướng của nhân dân, Vị tướng của hòa bình!

Nguồn: vannghequandoi.com.vn