Thứ Sáu

Rất tiếc, nước Mỹ vừa bầu một capitalist crook làm tổng thống.

Đến giờ, so với thời gian trước bầu cử ở Mỹ, tôi thấy có nhiều người trong môi trường bạn bè facebook Việt của mình thể hiện quan điểm mừng rỡ vì Donald J. Trump thắng cử. Trước cuộc bầu cử, tôi nghĩ nếu Hilary thắng thì không cần viết gì, nhưng nếu Trump thắng thì cần phải viết rõ quan điểm và tổng hợp thông tin để chia sẻ với nhiều bạn bè người Việt.

Về phần mình, tôi nhìn thấy có quá nhiều vấn đề đặc biệt khó chịu trong chính phủ Mỹ do Trump dẫn đầu, và từ lúc mới bắt đầu vòng bầu cử sơ bộ (primaries) đến giờ tôi phản đối hoàn toàn chương trình ứng cử của Trump. Để đánh giá một đội ngũ điều hành được một đất nước, cần đánh giá vào những mặt này: Các quan điểm lựa chọn chính sách chính; Khả năng thực hiện chính sách đã đặt ra; và Khả năng xử lý tình huống không lường trước. Đối với yếu tố thứ ba là khả năng phản ứng với tình huống không lường trước, thì chẳng có cuộc bầu cử nào có thông tin đầy đủ, ngoại trừ có tổng thống đương nhiệm tranh cử. Tôi sẽ nói đến hai yếu tố trước đấy.

Rất tiếc, nước Mỹ vừa bầu một capitalist crook làm tổng thống.
Về quan điểm lựa chọn chính sách, đây là so sánh của WSJ (báo cánh hữu) về chính sách kinh tế giữa Clinton và Trump: Where They Stand on Economic Policy Issues. Về chính sách chung có thể xem ở đây: Comparing Clinton, Trump, Johnson and Stein on five issues. Hệ thống chính sách của Trump rập khuôn theo chính sách gần đây của đảng Cộng hoà, ngoại trừ thái độ bài xích tự do thương mại và người nhập cư. Cần nhắc lại là Trump thay đổi hệ quan điểm này rất rất nhiều lần từ trước đến giờ, đặc biệt giống như việc đưa ra chính sách chỉ để lấy phiếu bầu chứ không nghĩ đến chuyện thực hiện. Điểm này dẫn đến việc không thể thực hiện chính sách đã đặt ra.

Chính sách của Trump đã được phân tích rất nhiều: hầu như không khả thi. Chuyện chỉ có một đồng, muốn tiêu mười đồng, vay chín đồng, mà không trả nợ, là chiến lược Trump đã thực hiện suốt cả đời kinh doanh của mình. Chiến lược này có thể tận dụng kẽ hở pháp luật ở tầm cá nhân, tầm doanh nghiệp, nhưng cực kỳ tệ hại ở tầm kinh tế quốc gia. Chính phủ Trump sẽ không có khả năng thực hiện những chính sách mà Trump đặt ra, kể cả khi có hậu thuẫn của Congress. Chưa nói đến chuyện những chính sách dân tuý của Trump có thể va chạm rất mạnh với các phe khác trong đảng Cộng hoà (phe Tea Party sẽ không đồng tình chuyện tăng chi giảm thu; phe chính thống không đồng tình với chặn tự do thương mại). Với hiện thực là chính trị Mỹ bị thoái hoá theo hướng phân cực nặng, hầu như không có khả năng Trump có thể thương thuyết để thực hiện chính sách thực sự được.

Như vậy dẫn đến suy luận là những chính sách Trump đưa ra hầu hết chỉ để thu hút phiếu bầu của người dân ít có thông tin và phân tích kinh tế. Tức là làm chính trị trở nên thực sự là một trò lừa đảo. Điểm này có vẻ không lạ lẫm gì với người đọc; nhưng thực tế khác nhiều với phim ảnh. Chính trị Mỹ ở tầm cao thực chất khá trung thực: các chính trị gia có tỷ lệ nói thật tương đối cao, và thực sự cố gắng hành động đúng theo chương trình tranh cử (tỷ lệ tầm 75% -- rất cao so với tưởng tượng của số đông). Biến chính trị trở thành trò lừa đảo hoàn toàn sẽ có tác động vô cùng tai hại đến cơ sở nền Dân chủ Mỹ, cái hại có thể kéo dài hàng chục năm sau này.

Một vấn đề nữa là khi chính sách của Trump kém, thì nền Dân chủ Mỹ cũng cần có sự đánh giá đúng đắn. Trong khi media và chính quyền đang dần dần đi theo hướng “evidence-based policy” (chính sách dựa trên bằng chứng thực tế), thực sự sử dụng kết quả nghiên cứu để đánh giá, đề xuất, và thực thi chính sách, thì phong trào dân tuý của Trump lật ngược lại vấn đề, tạo ra sự thiếu tin tưởng nghiêm trọng đối với tất cả các nghiên cứu và hệ thống media truyền thống. Điều này đảo ngược lại quá trình phát triển chính quyền, và hứa hẹn những sự lừa đảo lớn hơn nữa: chính sách kém có thể được xuyên tạc thành chính sách tốt, và ngược lại. Ví dụ là ngay gần đây, nhiều chính sách tốt của Obama đã bị chương trình tranh cử của Trump biến thành chính sách tệ hại. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng tệ hại đến việc làm chính sách, và kéo ngược quá trình phát triển hàng chục năm.

Sự cổ suý bất tín nhiệm hệ thống media truyền thống cũng là việc hết sức tai hại. Mỗi một phương tiện media ở Mỹ đều có độ thiên lệch, song tổng hợp chung lại thì phân bổ xuyên suốt các mảng, và tạo ra môi trường cạnh tranh tốt. Thực tế nhiều nghiên cứu đã chứng minh rõ là media chạy theo thị hiếu độc khan thính giả, chứ không nhằm vào chuyện thay đổi nhận thức của họ. Chương trình tranh cử của Trump đổ tội lên hệ thống media, làm cho người dân thiếu thông tin ghét bỏ nhà báo, thực chất là cắt giảm đáng kể quyền lực thứ tư có tác dụng lớn trong việc giữ sự trong sạch và tính chịu trách nhiệm của hệ thống chính trị. Mất niềm tin vào media, chính quyền của Trump có thể làm những thứ bậy bạ hết sức mà vẫn đổ tội cho media được.

Có rất nhiều điểm khác trong chương trình tranh cử của Trump, và từ thông tin cá nhân của Trump, đi ngược hoàn toàn lại tiến bộ xã hội, nhưng tôi không cần nhắc lại ở đây. Tôi hiểu là những việc Trump xúc phạm nhiều cộng đồng thiểu số và phụ nữ ở Mỹ vốn dĩ không gây ác cảm đến nhiều người Việt Nam như đối với dân chúng phương Tây. Các xã hội Đông Á và Đông Nam Á có quá nhiều chuyện tương tự, nên người dân ở đây phần nhiều không mẫn cảm, thậm chí là ngầm ủng hộ nhiều quan điểm phản tiến bộ và kỳ thị thiểu số, kỳ thị phụ nữ. Điều đáng nói và đáng nhắc lại là dù chỉ nhìn từ quan điểm kinh tế vĩ mô, thì những chính sách Trump đề xuất cũng đủ để kéo thụt lùi nước Mỹ, và có thể cả nền kinh tế thế giới rồi.

Cũng có thể nhắc đến nguồn gốc của hiện tượng Trump. Tôi nghĩ bài viết dài này trên The Atlantic phân tích rất tốt câu chuyện này: How American Politics Went Insane. Còn việc dự báo kết quả không đúng thì không có gì đặc biệt. Tôi theo dõi sát sao dự báo của 538 (www.fivethirtyeight.com), và lời giải thích của họ hợp lý hơn những dự báo quá tô hồng cho Clinton (như của Sam Wang trên Princeton Election Consortium), vì ít ra Nate Silver trên 538 có tính đến khả năng correlation cao giữa polling errors của các bang. Cũng là một cách tính “cẩn trọng” hơn, xuất phát từ những phương pháp cơ bản trong kinh tế lượng, và cũng từ kinh nghiệm dùng copula cho security pricing bị sai dẫn đến khủng hoảng thời 2007-2008. Thực chất là polls không bị lừa (người trả lời nói chung đúng thật), nhưng polls dự báo kém về lượng người da trắng ít học đi bầu dồn dập. Thực sự không có cách nào dự báo được những hiện tượng có một không hai như thế này, cũng như không dự báo được vị trí động đất hay sóng thần.

Cuối cùng, cần nhắc lại là những gì sắp diễn ra đã có tiền lệ. Không phải câu chuyện những năm 1933 ở Đức (dù nhiều người nhắc đến điều này, tôi không tin Trump là loại người như Hitler, Mussolini, hay Stalin), mà là hiện tượng Berlusconi. Câu chuyện về Trump giống hệt như Berlusconi đã được tất cả bạn bè, đồng nghiệp, và các nhà kinh tế nổi tiếng người Ý nhắc đến (có chăng có điểm khác chút ít là Berlusconi dù sao cũng là nhà kinh doanh thành công). Như nhà kinh tế Ý nổi tiếng Luigi Zingales (cũng có quan điểm thiên hữu) đã nói đến, pro-market không có nghĩa là pro-business, và phải “save capitalism from the capitalists”. Rất tiếc, nước Mỹ vừa bầu một capitalist crook làm tổng thống.

Nguồn Fb Quoc Anh Do