Chủ Nhật

Lương Thứ trưởng về hưu không bằng lương một ông Trung tá

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã nói như vậy tại Hội thảo khoa học “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương”, do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 12.10 tại Hà Nội.

Hội thảo khoa học về “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương” sẽ lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo Kết luận số 63-KL/TW ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Hội nghị Trung ương khóa XI về “Một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm đánh giá các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân hạn chế của cải cách tiền lương từ năm 2004 đến nay; mối liên hệ giữa cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đối với các vấn đề đặt ra hiện nay như: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác cải cách hành chính; đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các chính sách có liên quan (bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công). Đồng thời, phân tích bối cảnh chính trị, kinh tế - xã hội của thế giới và Việt Nam, các thuận lợi, khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến cải cách tiền lương ở nước ta trong giai đoạn tới để xác định vai trò và nguồn lực dành cho cải cách tiền lương trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn tới.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc phát biểu tại hội thảo (Ảnh: X.Hải)
Dựa trên ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo lần này, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, kiến nghị các cấp có thẩm quyền trong quá trinhg hoàn thiện chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Cải cách chính sách tiền lương là một trong những chương trình trọng tâm cải cách hành chính. Trong thời gian qua, cải cách chính sách tiền lương luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, chính sách tiền lương là câu chuyện rất khó, liên quan tới rất nhiều cải cách hành chính, công vụ, công chức. Khi tiến hành cải cách tiền lương chúng ta không thể bỏ qua được.

Theo ông Tuấn, Luật công chức, viên chức có rất nhiều nội dung đổi mới trong cơ chế quản lý như xác định vị trí việc làm. Ngoài ra, một nguyên tắc mới là xác định tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm để quản lý tốt hơn về biên chế.
“Chính sách tiền lương, chế độ tiền lương đã trải qua 4 đợt cải cách. Qua mỗi lần thì chế độ tiền lương được cải thiện, đổi mới lên 1 bước nhưng đều gắn liền với cơ chế quản lý đội ngũ cán bộ công chức” – ông Tuấn nói.

Với tham luận “Cải cách cơ bản chính sách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 – 2020. Vấn đề và giải pháp”, TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ - một loại lao động đặc biệt – lao động quyền lực. Do đó, các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất của tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển đã trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước. Do đó, cần phải sớm cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay.

Dẫn dụ một việc cụ thể về tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ, ông Phúc nói: Lương của Thứ trưởng về hưu hiện nay không bằng lương của một ông Trung tá.

Nguồn: http://tamlongvang.laodong.com.vn/chinh-tri/luong-thu-truong-ve-huu-khong-bang-luong-mot-ong-trung-ta-600583.bld