Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ta cũng thấy Hồ Chí Minh chỉ ra một cách giải quyết vấn đề phát triển có tình có lý và trước bất cứ đối tượng, đối phương, đối địch với cách mạng là ai, là đế quốc thực dân gì, thì Hồ Chí Minh luôn có một cách ứng xử thích hợp vì sự tôn trọng những giá trị chung của nhân loại đó là tự do, bình đẳng, hòa bình và phát triển, vì tương lai của mỗi con người và mỗi dân tộc.
Hồ Chí Minh với tư duy độc lập, tự chủ trên con đường tìm đường cứu nước, đầu những năm 20 của thế kỷ XX, đã sớm nhận ra quỹ đạo của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, cũng như rất nhiều dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc đều: “Nằm trong một thời đại mà ý muốn của nhân dân là nắm quyền tự quyết”.
Bác Hồ tại Đại hội Đảng Cộng sản Pháp (1920) |
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thể hiện quan điểm trên ngay trong những bài báo đầu tiên của Người khi bảo vệ các quyền tự do dân chủ của nhân dân An Nam trên báo chí Pháp, cùng với sự kiện gửi đơn chính thức yêu cầu Chính phủ Pháp cần có cải cách dân chủ cho người An Nam ở Hội nghị Hòa bình tại Véc-xây năm 1919.
Việc Nguyễn Ái Quốc thay mặt nhân dân An Nam gửi yêu sách đến Hội nghị Hòa bình của các nước đồng minh tại Véc-xây năm 1919, cũng chính thức đưa Nguyễn Ái Quốc trở thành người đại diện chính thức của nhân dân Việt Nam trước đại diện các thế lực thực dân cả ở thuộc địa và ngay tại nước Pháp.
Trên báo L’Humanité, ngày 2/8/1919, tác giả Nguyễn Ái Quốc viết: “Các nguyện vọng của chúng tôi nhằm vào các cải cách chủ yếu cho việc giải phóng chúng tôi và nhằm vào những quyền tự do mà nếu không có chúng, thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ khốn nạn. Không có ai có thể phủ nhận rằng, nếu không có các quyền tự do ấy, thiết yếu cho việc truyền bá những tư tưởng và kiến thức mà đời sống hiện đại đòi hỏi, thì không thể trông mong tiến hành bất cứ một công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào”.
Ngoài việc công khai đòi hỏi những quyền tự do cơ bản của con người trong một xã hội dân chủ hiện đại, tác giả Nguyễn Ái Quốc lại luôn cho những nhu cầu ấy trên một nền tảng hiện thực mà người dân bản xứ đang phải trực diện đối mặt.
Việc phản ánh hiện thực cuộc sống khốn đốn của người bản xứ bị kìm hãm trong cảnh dốt nát bởi chính sách đần độn hóa, bị suy yếu bởi chịu nhiều thiếu thốn, nhiều thủ đoạn đầu độc của Nhà nước và các công ty đặc nhượng, họ sẽ tiếp tục luẩn quẩn trong một cái vòng thu hẹp quá đỗi.
Tuy nhiên, theo tác giả, cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất đã làm đảo lộn châu Âu và xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quan trọng và văn minh chỉ có thể có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường. Mặt khác, là phi lý nếu nghĩ rằng, hai dân tộc láng giềng như dân tộc An Nam và dân tộc Nhật Bản lại có thể cứ tồn tại biệt lập với nhau. Nhưng người Nhật Bản nhờ Chính phủ khôn khéo của họ, có các phương tiện rất đầy đủ, được trang bị tốt để đấu tranh kinh tế, trong khi người An Nam - lại hoàn toàn là con số không, xét về mặt tiến bộ hiện đại, so với các láng giềng của họ: người Hoa, người Nhật, người Xiêm và cả người Ấn nữa.
Nguyễn Ái Quốc đặt câu hỏi cho chính sách thuộc địa của người Pháp là, phải chăng, Chính phủ Pháp tin rằng, đã đúng lúc, vì lợi ích chung, phải giải phóng dân bản xứ và giúp đỡ họ bằng tất cả phương tiện mình có trong tay, để họ tự chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh gay go mà họ sẽ đảm đương đối với người Nhật và những người nước ngoài khác?
Quả thật, cách tiếp cận vấn đề giải phóng dân bản xứ, phát triển và hội nhập quốc tế của các quốc gia dân tộc đã được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đặt ra một cách hết sức tự nhiên, hòa bình và tiến bộ mà nhân loại nhất định sẽ lựa chọn và trải qua, cho dù khoảng cách lịch sử là hàng trăm năm phát triển.
Với sự nghiệp đấu tranh cho tự do của đồng bào Việt Nam và độc lập cho Tổ quốc thân yêu, Hồ Chí Minh đương nhiên phải đương đầu với chính sách thuộc địa lỗi thời của Chính phủ Pháp, mà còn phải trực tiếp đấu tranh đối diện với các quan chức chính quyền thực dân từ “Bộ trưởng Bộ Thuộc địa” đến các “quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé” cả ở chính quốc lẫn thuộc địa. Trong hệ thống quan chức cai trị thuộc địa của Pháp ở Đông Dương, không thể không nhắc tới ông Anbe Xarô, nguyên toàn quyền Đông Dương rồi vào chức Bộ trưởng Bộ Thuộc địa của Thực dân Pháp thời kỳ bấy giờ, một nhân vật có những mối quan hệ đặc sắc giữa nhân vật đại diện chế độ Thực dân của Pháp với Nguyễn Ái Quốc, nhà yêu nước của nhân dân An Nam.
Trong các bài báo tấn công vào chế độ thuộc địa của chủ nghĩa tư bản Pháp, Nguyễn Ái Quốc có bài “Ông Anbe Xarô và Bản Tuyên ngôn nhân quyền” đăng trên báo Le Paria số 22, tháng 1/1924, là một tài liệu sinh động để chúng ta xác định nội dung tư tưởng và phong cách ứng xử rất văn hóa và đặc sắc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Trước hết, bài báo của Nguyễn Ái Quốc đề cập lý do mà báo chí và sự “cuồng tín” của các nhà thực dân thường sử dụng chiêu bài quyền con người để che đậy những tội ác, những cuộc tàn sát dưới cái áo khoác khai hóa hay dưới danh nghĩa quyền con người mà chế độ thực dân đang hiện thực hóa trên các miền đất thuộc Pháp. Theo tác giả, chính vì quyền con người mà hàng triệu con người đã bị giết hại trong thời đại chiến. Cái quyền mà họ đã hy sinh vì nó, cùng với những xác chết thảm thương của họ, nay bị vùi sâu vào lãng quên.
Hồi đó, các chính khách tư sản còn gào to hơn cả tiếng đại bác cho khắp bốn phương gầm trời nghe: quyền! quyền! quyền! Nhưng lập tức, sau khi cuộc chém giết đã chấm dứt, lập tức sau khi tai họa đã qua, thì không ai còn nghe thấy nói đến cái con vật ấy nữa. Ở Véc-xây, ở Giơnevơ, ở Bulônhơ, cũng như ở Oasinhtơn, quyền con người đã được thay thế bằng than đen, than đá, dầu hỏa, thuộc địa.
Và đây mới là điều Nguyễn Ái Quốc muốn nói tới, đó là “Một cái quyền khác ra đời, dưới một dạng khác, còn xấu xa hơn, ghê tởm hơn: quyền của kẻ mạnh”.
Theo tác giả, bằng cái quyền này, người ta muốn hủy diệt nước Nga cách mạng. Bằng cái quyền này, người ta muốn biến nước Đức thành một nghĩa địa và một bãi hoang. Bằng cái quyền này, người ta tìm cách chia nhau Trung Quốc. Và cũng bằng cái quyền này, người ta dìm thật sâu những dân các thuộc địa vào vòng nô lệ.
Tác giả, Nguyễn Ái Quốc có một nhận xét chua chát rằng, trước ông và cũng như ông thôi, người ta đã từng che đậy những tội ác, những vụ xoáy, những vụ tàn sát dưới cái áo khác khai hóa hay dưới danh nghĩa quyền con người, nhưng người ta còn làm những việc đó, với một chút liêm sỉ nào đó. Đằng này, cái con người của rượu và thuốc phiện ấy, cái ô che cho những băng của Phuốc và Bôđoanh ấy, trơ chẽn tuyệt vời, lại nói đến văn bản thiêng liêng nhất, cao quý nhất của Đại cách mạng Pháp. Không còn là một sự giả nhân giả nghĩa nữa. Và Nguyễn Ái Quốc cho rằng, ông Anbe Raxô đã mắc tội đại bất kính.
Tuy nhiên, nếu dừng lại theo trật tự lô-gic thông thường, việc mượn tiếng của Bản Tuyên ngôn nhân quyền để che đậy những tội lỗi của chế độ Thực dân ở khắp các xứ thuộc địa quả là một tội thật bất kính với công lao và giá trị vô giá về quyền tự do và công lý mà Đại cách mạng Pháp đã tạo ra bằng máu xương của nhân dân Pháp đã tạo lập trong lịch sử.
Do vậy, cũng từ cách tiếp cận đề cao giá trị bất biến của Bản Tuyên ngôn nhân quyền của Đại cách mạng Pháp, Nguyễn Ái Quốc lại dẫn độc giả tới một cách tiếp cận thật sự mới mẻ khi cho rằng: “Nghĩ cho lung”, thì tác giả đã mắc sai lầm khi không nhận ra tấm lòng cao cả và tinh thần quảng đại của ngài Bộ trưởng của chúng ta, khi nhắc lại Bản Tuyên ngôn đã làm cho Cộng hòa Pháp bất tử, ông Anbe Raxô chỉ muốn dùng một chiến thuật đường vòng để nhắc nhở dân chúng thuộc địa về với những nghĩa vụ chân chính của mình? Kêu gọi những dân tộc thuộc địa hãy đi theo vết chân vinh quang của tổ tiên ngài mà chiến đấu cho công cuộc giải phóng mình. Người ta sinh ra mãi mãi tự do và bình đẳng về quyền. Các quyền ấy là: tự do, tư hữu, an ninh và chống áp bức.
Tự do, chống áp bức, đó là những điều mà ngài Bộ trưởng muốn làm cho “những người anh em da màu của ngài” hiểu, những người anh em này tuy đang bị một đế quốc ghê tởm nhất áp bức một cách tàn tệ nhất, nhưng vẫn còn cứ lịm đi trong một giấc mê man triền miên.
Và để kết thúc bài viết của mình theo chủ đề, tác giả đưa ra một cách kết mà chỉ có ở những con người thật sự cách mạng theo tinh thần của Đại cách mạng Pháp: “Chúng ta, những người con của các thuộc địa, chúng ta sẽ là những tên thật hèn nhát, nếu chúng ta không nhất tề đáp ứng lời kêu gọi của ‘ông anh cả của chúng ta’: Có tôi đây!”.
Là một dân tộc yêu quý độc lập, tự do cho dân tộc mình đồng thời biết tôn trọng và yêu quý độc lập tự do của dân tộc khác, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh dân tộc Việt, Pháp dù phải trải qua chiến tranh để đi đến hòa bình luôn tự ý thức được rằng: “Người ta sinh ra mãi mãi tự do và bình đẳng về quyền” và là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là chân lý của thời đại Hồ Chí Minh.
Từ trong cuộc đấu tranh đòi tự do cho đồng bào và độc lập cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, dù khi là người tự nguyện đứng lên đòi quyền tự lợi cho đồng bào với tư cách một người Việt Nam yêu nước, hay khi làm Chủ tịch nước Việt Nam, trước bất kỳ tình thế, thế lực nào của đế quốc thực dân, Hồ Chí Minh luôn thể hiện một tầm vóc của một nhà tư tưởng lỗi lạc đại diện cho quyền lợi và nguyện vọng chính nghĩa của nhân dân đấu tranh và hướng tới một sự phát triển hòa bình chung cho dân tộc và nhân loại.
Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh thể hiện cách ứng xử văn hóa của con người với sự phát triển lên tầm văn minh của nhân loại. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ta cũng thấy Hồ Chí Minh chỉ ra một cách giải quyết vấn đề phát triển có tình có lý và trước bất cứ đối tượng, đối phương, đối địch với cách mạng là ai, là đế quốc thực dân gì, thì Hồ Chí Minh luôn có một cách ứng xử thích hợp vì sự tôn trọng những giá trị chung của nhân loại đó là tự do, bình đẳng, hòa bình và phát triển, vì tương lai của mỗi con người và mỗi dân tộc.
Theo BÁO ĐẦU TƯ