Trong 2 lần báo cáo Bộ GTVT về việc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong vụ định mua lại hơn 100 toa tàu hàng cũ của Trung Quốc, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đều khẳng định không có lỗi nên không kiểm điểm.
Lãnh đạo đường sắt quyết không nhận lỗi Minh Họa |
Theo yêu cầu của Bộ GTVT, trước ngày 15-3-2016, Hội đồng thành viên VNR phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến việc đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc. Ngày 10-3, báo cáo Bộ GTVT về việc này, văn bản của VNR cho rằng, Hội đồng thành viên VNR không vi phạm chủ trương, chính sách và quy định pháp luật liên quan về đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng nên không đề xuất hình thức xử lý kỷ luật. Báo cáo này cũng không nêu hình thức xử lý kỷ luật lãnh đạo nào của VNR.
Chưa hài lòng với báo cáo trên, ngày 18-3, Bộ GTVT lại yêu cầu VNR làm rõ trách nhiệm của Hội đồng thành viên trong việc chỉ đạo mua, nhập khẩu toa xe cũ không nằm trong danh mục đầu tư toa xe của Kế hoạch phát triển giai đoạn 2012-2015. Đồng thời, Đường sắt Việt Nam phải kiểm điểm vì chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Hội đồng thành viên nhưng đã thành lập đoàn đi khảo sát, chỉ đạo các đơn vị thương thảo, đàm phán. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu VNR kiểm điểm trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan ngôn luận và báo cáo Bộ không đầy đủ, thiếu chính xác.
Tuy nhiên, một lần nữa, trong văn bản báo cáo số 595/BC-ĐS ngày 21-3, lãnh đạo VNR vẫn không nhận trách nhiệm và không đề xuất hình thức xử lý kỷ luật theo chỉ đạo của Bộ. Báo cáo nêu rõ, VNR mới đang thực hiện việc khảo sát, tập hợp thông tin để nghiên cứu thị trường, chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả và đề xuất chủ trương nên Hội đồng thành viên VNR chưa có cơ sở xem xét có đầu tư hay không.
Ngoài ra, việc thực hiện quy trình của VNR là phù hợp với quyền được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 175/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ. Đồng thời, toa xe chở hàng đã qua sử dụng không thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật. “Hội đồng thành viên VNR chưa xem xét và quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư nên không vi phạm”, báo cáo của VNR nêu rõ. Hơn nữa, Ban điều hành VNR mới đang thực hiện ở bước trao đổi thông tin với đối tác, khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu thị trường nên không vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước.
Tất cả đều... vô can
Liên quan đến việc cung cấp thông tin cho cơ quan ngôn luận và báo cáo Bộ GTVT không đầy đủ, thiếu chính xác, báo cáo của VNR cho rằng, VNR đã cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan cho cơ quan ngôn luận và đoàn kiểm tra của Bộ GTVT theo đúng quy định. “Đồng thời, qua kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản mà VNR báo cáo Bộ GTVT, thông cáo báo chí thì không có văn bản, thông cáo nào có nội dung “không đầy đủ, thiếu chính xác” để có thể dẫn đến việc Bộ GTVT hay cơ quan ngôn luận hiểu lầm”, báo cáo ngày 21-3 của VNR cho biết.
Kết lại, sau 2 lần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, VNR báo cáo Bộ GTVT, Hội đồng thành viên, Ban điều hành VNR không vi phạm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan nên không đề xuất hình thức xử lý kỷ luật.
Đối với cá nhân ông Trần Ngọc Thành (Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR), ông Vũ Tá Tùng (Tổng Giám đốc VNR), ông Nguyễn Đạt Tường (nguyên Tổng Giám đốc VNR), ông Ngô Cao Vân (Phó Tổng giám đốc VNR) và bà Đỗ Thanh Hà (Trưởng Ban Kiểm soát nội bộ VNR), báo cáo cũng chỉ rõ là không vi phạm chủ trương, chính sách và quy định của pháp luật về đầu tư nên không đề xuất hình thức kỷ luật.
Trong khi đó, liên quan đến chủ trương mua hơn 160 toa xe cũ từ Trung Quốc, ông Nguyễn Viết Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội đã bị miễn nhiệm, điều chuyển công tác. Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV đã trả lời báo chí rằng chưa hề được báo cáo việc mua tàu cũ. Tuy nhiên, một văn bản chỉ đạo liên quan đến vụ việc lại có bút phê của ông này.
An ninh thủ đô