Thứ Sáu

Bạn cần một cách Học hiệu quả?

Bạn cần một cách Học hiệu quả?

Ngày nhỏ chúng ta được cha mẹ dạy đạo làm người, trưởng thành được học cách thấu hiểu về nhân sinh quan. Tuổi thơ của chúng ta là những mảnh ghép về gia đình, bạn bè và thầy cô. Chúng ta biết rằng mình sinh ra và lớn lên là người phương Đông.

Khi chúng ta già đi, chúng ta vẫn là người phương Đông, vẫn cùng với những phong tục, những tín ngưỡng, vẫn những giá trị tinh thần, vẫn cái ta được đặt lên hàng đầu.

Nhưng chúng ta lại quen với cách học và làm của người Phương Tây, quen với việc đúng là đúng, sai là sai, quen với việc nhìn vào kết quả mà đôi khi bỏ quên cả quá trình.

Tôi rất ghét việc đưa ra tùy chọn đúng/sai, vì với tôi nó không cần thiết.

Tôi sẽ chỉ nói về những điều có thể giúp ích cho bạn. Dưới đây là cách học của tôi, tôi vẫn luôn áp dụng những điều này không chỉ vào học và làm, mà còn cả trong cuộc sống:

Bạn cần một cách Học hiệu quả?
Học từ nguyên lý, hiểu từ gốc rễ

Khi xác định học hay tìm hiểu một cái gì đó, điều đầu tiên tôi làm không phải là học phần đầu, hay học phần cuối, hay thậm chí là học nhảy cóc, mà là học từ đâu, và học như thế nào?

Bởi vì một khi tôi đã nắm được nguyên lý vận hành của “cỗ máy” kiến thức đó, cũng như việc có một sơ đồ lắp ráp và cấu tạo nên nó, tôi sẽ biết cách phát triển và nâng cấp nó lên, hoặc ít nhất là sửa chữa nó.

Lời khuyên của tôi là: Muốn học cái cao siêu, hãy học thật tốt cái nền tảng ban đầu đã.
Học bằng cách tư duy đa chiều
Chúng ta hay gặp phải một loại bẫy tư duy về niềm tin, nó đánh lừa và làm sụp đổ mọi hệ thống phát triển và vận hành của trí óc, cũng như kinh nghiệm. Chúng ta thường có thói quen tìm kiếm và hỏi đáp những gì chúng ta không có, không làm, không biết. Nghĩa là nếu tất cả đều không có, không làm, không biết, thì chúng ta cũng vậy. Niềm tin của chúng ta lúc đó lại là một thứ thuốc độc, nó trả lời rằng: “KHÔNG”.

Nếu đã nghe về sự phát triển thần kỳ của người Israel, chắc hẳn bạn có biết đến quy tắc thứ 10 trong xã hội Israel, đó là 9 người đầu có cùng thông tin và kết luận, thì người thứ 10 buộc phải đưa ra giả định rằng 9 người kia đã sai. Tại sao lại vậy? Vì đất nước Israel nhỏ bé, giữa lòng kẻ thù, họ buộc phải nghi ngờ cái có sẵn, đặt câu hỏi và tranh luận về mọi vấn đề sáng tạo.

Trở về với văn hóa phương Đông của chúng ta, trong Đạo học, trong Phật học,… chẳng phải cái cốt của đối nhân xử thế, của đạo làm người vẫn là việc bình đẳng, nghĩa là trong cái tốt luôn có cái xấu, trong cái xấu luôn có cái tốt, và xấu tốt luôn song hành cùng nhau đó sao?


Nếu áp dụng vào việc học, hãy nhìn vấn đề đó dưới nhiều góc nhìn, hãy lật ngược nó lại, nếu nó không giải quyết được, hãy tự hỏi tại sao không giải quyết được? Nếu giải quyết được, hãy tự hỏi, cách này liệu đã tốt nhất chưa?

Nếu bạn nói không có, tôi sẽ nghĩ về việc có.

Nếu bạn nói không làm được, tôi nghĩ về giải pháp làm điều đó.

Nếu bạn nói không biết, tôi nghĩ tôi sẽ biết, hoặc đến khi nào “không biết” là một sự hiểu biết.

Lời khuyên của tôi là: Với việc học, hãy biết nghi ngờ cái có sẵn, luôn tư duy dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Đây là cách học và làm của tôi, điều đã tạo nên một phần không nhỏ tôi bây giờ.

Rất có thể bạn chưa biết rằng nhờ cách học này mà tôi còn có bằng giỏi ngành Quản trị mạng, các giải thưởng cao về ngành lập trình website tại khu vực thủ đô Hà Nội, cũng như đại diện cho Hà Nội tham gia các cuộc thi quốc gia. Hay như từng tham gia các dự án lớn xây dựng hệ thống 3D hóa trường học của bên Viện, làm quản trị hệ thống mạng với hàng ngàn người sử dụng, rồi làm cả thiết kế đồ họa và lập trình tại 24H, phân tích dữ liệu tại Cốc Cốc Search,… giờ thì như bạn biết đấy, tôi làm Digital Marketing, không mấy liên quan nhỉ? (thực ra là có đó)

Và những lời trên, bạn có thể coi là những lời khoe khoang, hoặc là những lời động viên. Nếu bạn cảm thấy cách học của bạn không hiệu quả, hãy thử thay đổi xem sao, hoặc nếu bạn đã hài lòng rồi, hãy nghĩ về những điều khiến bạn hài lòng hơn đi!!!

Tôi chưa hài lòng, tôi sẽ sớm chia sẻ những điều mới mẻ và hay ho hơn.

Trung Đức