Thứ Sáu

Chiến tranh Đại Cồ Việt – Đại Lý, một góc khuất sử Việt

Chiến tranh giữa nước Đại Cồ Việt thời vua Lý Thái Tổ và vương quốc Đại Lý là cuộc chiến mà ngày nay khá nhiều người trong chúng ta chưa được biết rõ.

Đầu thế kỷ 11, khi mà nước Đại Cồ Việt vừa trải qua cuộc đổi ngôi từ họ Lê (tức nhà Tiền Lê) sang họ Lý, khi kinh thành Thăng Long mới vừa bước sang tuổi thứ tư với hàng loạt công trình đang xây dựng, một cuộc chiến tranh đã nổ ra với quy mô hàng chục vạn người. Chiến tranh giữa nước Đại Cồ Việt thời vua Lý Thái Tổ và vương quốc Đại Lý là cuộc chiến mà ngày nay khá nhiều người trong chúng ta chưa được biết rõ.

Đại Lý là quốc gia của các tộc người Bạch (còn gọi là người Hạc Thác), người Di Lão (Lô Lô, Tày, Nùng, Thái …) có lãnh thổ nằm ở phần đất mà ngày nay tương ứng với tỉnh Vân Nam, tỉnh Quý Châu, một phần tỉnh Tứ Xuyên thuộc nước Trung Quốc.

Chiến tranh Đại Cồ Việt – Đại Lý, một góc khuất sử Việt
Đại Lý được lập nên bởi Đoàn Tư Bình vào năm 937. Vương quốc này được coi là quốc gia kế thừa nước Nam Chiếu, được lập nên vào nửa đầu thế kỷ thứ 8. Trong thời kỳ Nam Chiếu, nước này liên tục tổ chức những cuộc chinh phạt mở rộng lãnh thổ ra các hướng. Nhiều lần quân Nam Chiếu đã đánh vào đất Giao Châu (tên lãnh thổ nước ta và một phần Quảng Tây thời Bắc thuộc), khiến quân Đường phải nhiều phen vất vả mới đánh lui nổi. Đến thế kỷ thứ 11, nước Đại Lý nổi lên như một thế lực hùng mạnh trong khu vực với nền nghệ thuật, tôn giáo, thương mại phát triển và quân sự cũng khá mạnh, đủ khiến các nước lân bang như Thổ Phồn, Pagan, Tống… đều phải dè chừng.

Mâu thuẫn giữa Đại Cồ Việt và nước Đại Lý bắt nguồn từ việc tranh giành ảnh hưởng ở vùng mà ngày nay là Tây Bắc nước Việt Nam. Vào khoảng thế kỷ thứ 11, vùng này là nơi sinh sống chủ yếu của người Tày, người Nùng, người Thái. Thời bấy giờ, người Việt và người Tống thường gọi chung các sắc dân vùng biên giới giữa hai nước là người Man, hoặc người Lý, người Lão. Nằm giữa ba trung tâm quyền lực mạnh là Đại Cồ Việt, Đại Lý và Tống, các tù trưởng trong vùng phải lựa chọn cho mình một phe để thần phục. Biên giới giữa Đại Cồ Việt, Đại Lý, Tống cũng chưa được định hình rõ ràng mà liên tục co duỗi, phụ thuộc vào tiềm lực và khả năng thu phục các tù trưởng người Nùng của các bên.

Trước khi vương triều Lý thành lập, kinh đô nước Đại Cồ Việt đặt tại Hoa Lư. Theo đó, trung tâm nước ta cũng là vùng ven biển phía Đông đồng bằng sông Hồng. Lúc này nước Đại Cồ Việt vẫn đang trong thời kỳ quá độ từ phong kiến tản quyền lên nhà nước trung ương tập quyền, xu hướng ly khai của các thế lực cát cứ địa phương, các nhóm sắc tộc vẫn còn rất lớn. Các vua thường phải bận đi đánh dẹp liên miên trong nước. Do đó, việc cai trị ở các miền biên viễn phía Tây Bắc có phần lơi lỏng. Các tù trưởng ở các châu Vị Long (thuộc Chiêm Hóa, Tuyên Quang ngày nay), châu Đô Kim (thuộc Hàm Yên, Tuyên Quang ngày nay), châu Bình Nguyên (thuộc Hà Giang)… nắm quyền tự trị rất cao, tùy tiện quản lý địa hạt theo ý mình. Nhân đó, người Đại Lý thường xuyên xuất hiện trong các vùng ảnh hưởng của Đại Cồ Việt để trao đổi, buôn bán mà không thông qua triều đình nước ta. Nhiều phần đất ở vùng Tây Bắc dần dần trở thành vùng ảnh hưởng của nước Đại Lý trên thực tế.

Đến khi Lý Thái Tổ, tức vua Lý Công Uẩn lên ngôi, việc triều chính có nhiều biến chuyển mới. Thế nước Đại Cồ Việt dâng cao với kinh đô mới và một quân đội được tổ chức bài bản, chặt chẽ hơn trước. Việc trao các trọng trách về quân sự cho các thân vương, hoàng tử đã giúp vua Lý Thái Tổ dễ dàng hơn trong kiểm soát quân đội, ngăn ngừa nguy cơ phản loạn. Mệnh lệnh của vua được thông suốt từ trên xuống dưới. Bên cạnh đó, quân Đại Cồ Việt trong vốn thường xuyên phải đánh dẹp các lực lượng trong nước và đánh giặc ngoài (kháng chiến chống Tống 981, chiến tranh với Chiêm Thành những năm 982, 989 …) nên rất thiện chiến. Với sức mạnh và vị thế mới, triều đình Đại Cồ Việt không còn dễ dãi trong vấn đề biên giới như trước mà đã có những hành động cứng rắn đối với các tù trưởng khinh nhờn triều đình và cả người Đại Lý tự tiện xâm nhập vào vùng ảnh hưởng của mình.

Vào cuối năm 1012, Lý Thái Tổ được tin người Đại Lý đem ngựa đến buôn bán ở bến Kim Hoa, châu Vị Long rất đông đúc dưới sự bảo trợ của tù trưởng Hà Trắc Tuấn mà không xin phép triều đình Đại Cồ Việt. Để thể hiện uy quyền của triều đình, vua sai quân đến đánh bắt các thương nhân và tùy tùng người Đại Lý, tịch thu đến 1 vạn con ngựa. Sự kiện này ngoài việc thể hiện quyết tâm bảo vệ vùng ảnh hưởng của nước Đại Cồ Việt, còn là một sự thách thức công khai của đối với nước Đại Lý. Thông điệp của vua Lý Thái Tổ rất rõ ràng, rằng nước Đại Cồ Việt có đã đủ sức mạnh và quyết tâm để thẳng thừng đối đầu với Đại Lý, hòng bảo vệ đất đai và chủ quyền của mình.

Nước Đại Lý thời bấy giờ dưới sự cai trị của vua Tuyên Túc đế Đoàn Tố Liêm đang trong thời kỳ hưng thịnh, tất nhiên không dễ dàng bỏ qua chuyện này. Vua Đại Lý ngay sau đó đã chuẩn bị cho việc trả đũa. Năm 1013, tù trưởng châu Vị Long là Hà Trắc Tuấn vì muốn được thoải mái ngả về phe Đại Lý, đã khởi binh chống lại triều đình nhà Lý. Không bỏ qua cơ hội này, vua Đại Lý đã điều động binh mã, ước hẹn liên thủ với Hà Trắc Tuấn, mưu đồ đánh tách châu Vị Long ra khỏi lãnh thổ Đại Cồ Việt để nhập vào đất của Đại Lý, đồng thời lấy Vị Long làm chỗ đứng chân mà chiếm thêm các châu khác ở vùng Tây Bắc nước Đại Cồ Việt.

Trước tình hình đó, vua Lý Thái Tổ đã quyết định thân chinh để đánh Hà Trắc Tuấn trước khi quân Đại Lý kịp tiến sang. Hà Trắc Tuấn quân ít không thể địch nổi quân đội của Lý Thái Tổ, nên dẫn quân tránh vào núi, ngầm cho người đi kêu gọi các dân người Tày, Nùng, Thái quanh vùng cùng đứng lên chống lại triều đình nhà Lý.

Không thể đóng quân lâu dài nơi rừng núi, Lý Thái Tổ quyết định rút quân về đồng bằng dưỡng sức, chuẩn bị cho những biến cố về sau. Quả nhiên sau đó không lâu, quân giặc mạnh đã đến. Tháng giêng năm 1014, quân Đại Lý dưới do các tướng Dương Trường Huệ, Đoàn Kính Chí rầm rộ tiến sang, chính thức mở màn cuộc xâm lược nước Đại Cồ Việt.

Theo sử cũ là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đoàn quân này đông đến 20 vạn người. Nhưng theo sách An Nam Chí Lược dẫn lời thư của vua Lý Thái Tổ gửi cho nước Tống thì quân Đại Lý chỉ có 3 vạn người. Vậy đâu là con số đáng tin?

Nếu tính theo tỷ lệ thông thường thời kỳ này là khoảng 3-4 dân phu cho một người lính viễn chinh, có thể suy ra quân số thực của Đại Lý là khoảng 4-5 vạn quân chiến đấu, 15-16 vạn dân phu. Trong thành phần đội quân Đại Lý, ngoài người Hạc Thác có 3 vạn, còn có số quân liên minh người Tày, Nùng, Thái… chiếm khoảng 1-2 vạn quân. Con số này phù hợp với tính chất của cuộc chiến là đánh lấn đất ngoài biên giới, mở rộng vùng ảnh hưởng và cướp bóc chứ không phải một cuộc chiến tổng lực nhằm thôn tính toàn bộ nước Đại Cồ Việt.

Thế mạnh của quân Đại Lý nằm ở chỗ họ có rất nhiều ngựa chiến, tức là có nhiều kỵ binh, cùng với nguồn hậu cần dồi dào. Nguyên nước Đại Lý thời kỳ là vương quốc buôn bán ngựa nổi danh trong khu vực. Ngựa Đại Lý được cho là tốt nhất trong các nước phương Nam. Ngoài các lợi thế trên, quân Đại Lý còn có được sự ủng hộ của không ít dân Tày, Nùng, Thái trong vùng nhờ vào các mối quan hệ buôn bán trước đó và sự gần gũi về phong tục, ngôn ngữ.

Khi thấy giặc tiến sang, châu mục Bình Nguyên (thuộc Hà Giang ngày nay) là Hoàng Ân Vinh cho người chạy trạm cấp báo về thành Thăng Long. Lý Thái Tổ, tức vua Lý Công Uẩn được tin, bèn phái Dực Thánh Vương (không rõ tên thật) – vị hoàng tử thứ năm của nhà vua cầm hàng vạn quân đi đánh giặc. Quân Đại Cồ Việt có lợi thế lớn ở tượng binh, bộ binh thì dũng cảm và có nhiều kinh nghiệm trận mạc. Kỵ binh nước ta trước đó ít và yếu hớn nước Đại Lý, nhưng đã được tăng cường đáng kể nhờ vào nguồn ngựa bắt được từ chính những thương nhân Đại Lý vào năm 1012.

Quân Đại Lý tiến quân đóng ở bến Kim Hoa, châu Vị Long, lập doanh trại gọi là trại Ngũ Hoa để chờ quân Đại Cồ Việt đến. Quân Đại Lý không cần tiến nhanh như gió bão, mà chỉ mong chiếm cứ lấy phần đất biên giới. Việc quân Đại Lý đóng trại không tiến cùng với sự đồng tình của một bộ phận không nhỏ dân cư vùng biên viễn đã phần nào tăng thêm phần khó khăn cho quân Đại Cồ Việt. Giặc tuy là quân đi xâm lấn, nhưng lại giữ được thế nhàn. Quân ta là bên giữ đất nhưng trở thành kẻ phải chịu nhọc. Điều này đặt ra cho quân Đại Cồ Việt hai lựa chọn: một là phải chủ động tiến đánh quân Đại Lý lúc này đang ở thế thủ chờ sẵn, hai là chấp nhận mất đất vào tay Đại Lý.

Dực Thánh Vương kéo quân đến Vị Long, không ngần ngại cho quân tấn công vào trại quân Đại Lý. Đoàn Chí Kính, Dương Trường Huệ cũng dàn quân ra ứng chiến. Hai bên đánh nhau một trận lớn Mao Lâm. Quân Đại Lý dù có kỵ binh mạnh nhưng không chống nổi voi ngựa, cung nỏ của quân Đại Cồ Việt, phải tan chạy. Dực Thánh Vương thúc quân truy kích, bắt sống được tướng Dương Trường Huệ, chém hàng vạn quân Đại Lý. Đoàn Kính Chí cùng đám tàn quân và dân phu bỏ chạy thục mạng về nước, để lại hàng vạn ngựa chiến, vô số khí giới, lương thực… Tất cả đều trở thành chiến lợi phẩm cho nước Đại Cồ Việt.

Sau trận đại thắng, vua Lý Thái Tổ liền sai viên ngoại lang Phùng Chân cùng Lý Thạc đi sứ sang Tống, tặng 100 con ngựa chiến và báo tin thắng trận cho nước Tống biết. Việc ngoại giao này vừa để thể hiện thiện chí, vừa tỏ rõ cho người Tống thấy sự hùng cường của nước Đại Cồ Việt mà thôi không nhòm ngó. Ngoài ra, cũng là để gián tiếp kìm chế nước Đại Lý bởi vì ngoài Đại Cồ Việt thì nước Tống cũng là thế lực mà Đại Lý phải đề phòng. Nước Đại Lý vừa hao binh tổn tướng và nước Tống đã biết điều đó, buộc Đại Lý phải sắp đặt quân đội chuyển sang thế thủ chứ không thể nghĩ đến việc trả đũa.

Tống Chân Tông biết tin Đại Cồ Việt đánh thắng Đại Lý, lòng vừa phục vừa ái ngại. Để đáp lễ, vua Tống hết mực khoản đãi sứ giả. Từ lúc vào địa giới Tống cho đến kinh thành Khai Phong, phía Tống đài thọ tất cả chi phí. Khi sứ bộ Phùng Chân vào chầu, vua Tống ban nhiều mũ, đai, đồ dùng, lụa là tùy theo thứ bậc từng người. Sau việc đi sứ này, quan hệ Đại Cồ Việt và Tống trở nên êm thắm một thời gian, phần vì thiện chí của vua ta, phần vì nước Tống đã biết binh uy nước Đại Cồ Việt vẫn hùng mạnh sau cuộc đổi ngôi. Không như trước đó, Tống Chân Tông vẫn hục hặc với nhà Lý vì cho rằng Lý Thái Tổ là kẻ cướp ngôi.

Sau trận chiến này, người Đại Lý không còn dám bén mảng đến vùng biên thùy nước Đại Cồ Việt nữa. Thừa thế thắng, vương triều Lý cố gắng thiết lập lại nền cai trị chặt chẽ hơn đối với vùng Tây Bắc. Những tù trưởng người Di Lão muốn ly khai khỏi Đại Cồ Việt mất đi thế lực chống lưng trở nên yếu ớt, một số đành chấp nhận quy phục, một số khác cố gắng liên kết lại để phản kháng đều bị triều đình nhà Lý đều quân mạnh đi đánh dẹp.

Năm 1015, liên minh các bộ lạc do tù trưởng Hà Trắc Tuấn nổi lên ở các châu Đô Kim, Vị Long, Thường Tân, Bình Nguyên, quyết trận sống mái với triều Lý hòng lập nên một cõi giang sơn riêng. Vua Lý Thái Tổ sai hai hoàng tử là Dực Thánh Vương, Vũ Đức Vương dẫn quân đi đánh. Hà Trắc Tuấn binh ít thế cô không thể địch nổi. Quân đội nhà Lý đánh tan tác đạo quân người dân tộc thiểu số, bắt sống Hà Trắc Tuấn giải về kinh đô Thăng Long, chém đầu bêu ở cửa Đông thành.

Cuộc chiến với nước Đại Lý tuy sử liệu còn ít ỏi và ít được nhắc đến trong sử sách hiện đại, nhưng cùng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nên lãnh thổ nước Việt Nam. Nhờ vào chiến thắng trước quân Đại Lý, nhà nước quân chủ của người Việt đã tiến thêm một bước trong việc kiểm soát lãnh thổ vùng Tây Bắc, góp phần đưa các sắc dân nơi đây vào một quỹ đạo chung của triều đình Thăng Long.

Chiến công này là một trong những nền tảng đầu tiên, cùng với những biện pháp hôn nhân, phủ dụ của các đời vua Lý về sau nữa, nước Đại Cồ Việt – Đại Việt dần có được một vùng biên giới Tây Bắc yên ổn để từ đó huy động sức người sức của vào các cuộc chiến chống ngoại xâm. Khi quân giặc từ phương Bắc tiến sang, vùng Tây Bắc trở thành một vùng đệm che chở cho trung châu nước Việt.

Theo QUỐC HUY / MỘT THẾ GIỚI