Thứ Sáu

Loạt lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí bị bắt: Có chửi thì chửi sâu mọt, đừng chửi đổng cả ngành dầu khí

Liên quan tới đại án OceanBank - Hà Văn Thắm, hàng loạt lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã bị bắt. Hôm nay, Phó Tổng giám đốc cùng nhiều nguyên lãnh đạo PVN tiếp tục bị khởi tố và bắt tạm giam. Câu chuyện này khiến PVN trở thành tâm điểm của... "gạch đá". PVN nói riêng và ngành dầu khí nói chung nhận cơn mưa chửi từ dư luận. Điều này có thực sự công bằng?

Dù tới nay, bản án cuối cùng chưa được tuyên nhưng sai phạm của ông Nguyễn Xuân Sơn hay Ninh Văn Quỳnh dần được hé lộ. Họ "có công" khiến hàng ngàn tỷ đồng ngân sách Nhà nước - tiền thuế của nhân dân không cánh mà bay. Nhưng tiền đó đi đâu? Vào túi ai? Cho đến giờ, đó vẫn là những câu hỏi chưa có lời đáp và cần được làm rõ.

Loạt lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí bị bắt: Có chửi thì chửi sâu mọt, đừng chửi đổng cả ngành dầu khí
Thế nhưng, có một điều chắc chắn, hàng ngàn tỷ đồng đó không rơi vào túi người lao động của PVN hay của ngành dầu khí nói chung. Ấy thế mà cả ngành dầu khí hứng cơn bão chửi của dư luận. Điều này có thực sự công bằng?

Tính tới thời điểm cuối năm 2016, tổng số cán bộ của PVN là 2.358 người. Họ cũng là những người lao động như triệu người lao động khác trên mảnh đất chữ S này. Họ cũng phải đổ mồ hôi công sức để nhận được đồng lương nuôi sống gia đình. Và chắc chắn, trong số 2.358 người này, sẽ có rất rất ít người nhận được 1 xu trong hàng ngàn tỷ đồng thất thoát trong đại án OceanBank.

Vậy mà, hậu quả thì họ đang phải gánh chịu!

Tôi có anh bạn làm việc ở PVN. Anh chia sẻ anh chỉ là người làm công ăn lương bình thường nhưng bây giờ anh phải giấu tiệt sự thật mình làm ở ngành dầu khí. Nếu người xung quanh biết, họ sẽ nhìn anh với ánh mắt như thể anh là con sâu mọt. Chua xót lắm. Chua xót một phần vì hàng ngàn bỗng dưng gánh cái tội mà họ không làm. Chua xót hơn là những công lao của họ bỗng chốc bị gạt sang một bên. Những điều tốt đẹp bị phủ nhận sạch trơn.

Khoảng chục lãnh đạo PVN bị bắt đã khiến chẳng ai còn nhớ đến sự hy sinh của ngành dầu khí. Từ xưa tới nay, ngành dầu khí luôn khiến thị trường lao động ghen tị vì được trả lương xứng đáng. Nhưng nếu tìm hiểu kĩ về công việc của họ, có lẽ chẳng ai buồn thắc mắc hay ghen tị nữa.

Ngoại trừ nhân viên văn phòng và.... sếp, rất rất nhiều người dầu khí phải xông pha "chiến trường". Người thì chôn vùi tuổi thanh xuân nơi giàn khoan giữa biển với muôn vàn hiểm nguy rình rập, người thì bôn ba tới những nơi thâm sơn, cùng cốc, sa mạc hoang vu để tìm kiếm vàng đen cho tổ quốc.

Nói thì nghe đơn giản, nhưng bạn hãy tưởng tượng bạn sẽ sống vài năm liền trong 1 chiếc container giữa bốn bề cát trắng của sa mạc hoang vu. Bát cơm, cốc nước hay đơn giản nhất là giọng nói của bạn cũng nhuốm mùi cát trắng, bạn sẽ hiểu được sự khắc nghiệt của công việc này.

Những người lao động, những anh hùng bàn phím như chúng ta thì sao? Chúng ta có thể phát rồ vì vài giờ không lướt phây, vài giờ không ngắm trai xinh, gái đẹp trên mạng hay lỡ quên chặt chém U22 Việt Nam. Nghĩa là nhu cầu giải trí của chúng ta cực kỳ cao. Nhưng cán bộ ngành dầu khí ra "chiến trường" thì khác. Họ giải trì bằng vị mặn của nước biển, vị sạn ngắt của cát, vị đắng ngắt của những giọt mồ hôi cả tuổi thanh xuân. Tôi được biết rất rất nhiều những con người đó kết hôn khi bạn bè cùng trang lứa chuẩn bị kén rể cho con.

Vậy mà hôm nay họ bị chửi vì tội họ không hề làm????

Đến bây giờ, chúng ta chắc hẳn vẫn chưa quên câu chuyện giàn khoan HD 981. Giàn khoan này khiến cả dân tộc phẫn nộ và đến gần với nhau hơn. Năm 2014, ca sĩ Minh Quân được tôn vinh khi sản xuất MV 1.300 người hát Quốc ca. MV này ra đời trong bối cảnh giàn khoan 981 "gây hấn" trên Biển Đông.

Đến lúc này, chúng ta mới thấm thía ý nghĩa của chủ quyền: Chủ quyền đất nước, chủ quyền biển đảo. Hành động của ca sĩ Minh Quân thật đáng tôn vinh. Những sẽ thật thiếu sót nếu quên nhắc đến cán bộ ngành dầu khí. Thực chất, ngành dầu khí đóng góp vào công cuộc giữ chủ quyền biển đảo từng phút, từng giây. Họ quật cường chiến đấu với không chỉ đầu sóng ngọn gió, mà còn là "bức tường" ngăn cản những người hàng xóm xấu bụng.

Thế nên, bên cạnh nhiệm vụ kinh tế, điều thiêng liêng hơn mà họ làm được, mà chúng ta phải biết ơn, chính là họ góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia. Điều này đã được chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công nhận.

Vậy mà hôm nay họ bị chửi vì tội họ không hề làm????

Hàng ngàn người lao động PVN không hề xấu, không hề có tội. Bản thân PVN cũng không xấu, không có tội. Chỉ là một vài người lợi dụng chức quyền phục vụ cho lợi ích nhóm. Họ đang phải trả giá nhưng đáng tiếc nhất là cả PVN và hàng ngàn người lao động PVN cũng phải trả giá theo.

Báo chí, anh hùng bàn phím đua nhau chửi PVN. Kết quả là thương hiệu cũng như hợp tác của PVN với các đối tác trong nước và quốc tế bị ảnh hưởng. Có đáng hay không? Xét cho cùng, dù gặp nhiều khó khăn, PVN vẫn luôn nằm trong Top các đơn vị nộp thuế nhiều nhất. Năm 2016, PVN nộp ngân sách nhà nước hơn 90.000 tỷ đồng.

Thiết nghĩ, anh hùng bàn phím muốn chửi cứ chửi. Nhưng hãy réo tên "tội nhân" cụ thể như Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Đinh La Thăng,... Đừng chửi PVN, đừng chửi người dầu khí.

Nguồn: Đinh Công