Thứ Năm

Chuyện nước nhỏ trong vòng xoáy chính trị cường quyền và trường hợp Việt Nam

Là một nước nhỏ với vị trí địa-chính trị quan trọng bậc nhất trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông, Việt Nam ắt sẽ là mục tiêu trong “cuộc chơi lớn” của các cường quốc trong khu vực.  

Bài viết của tác giả Ngô Di Lân, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ, và là thành viên nhóm nghiên cứu về các vấn đề quốc tế “Sáng kiến Việt Nam”.

Thời gian vừa qua đã chứng kiến một cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi trong giới hoạch định chính sách đối ngoại ở Singapore, được “châm ngòi” bởi nhà ngoại giao kỳ cựu Kishore Mahbubani, người hiện là Hiệu trưởng Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu.

Ảnh Minh Hoạ
Bài bình luận với tiêu đề “Qatar: Những bài học lớn từ một nước nhỏ” trên tờ Strait Times của Mahbubani đã ngay lập tức làm “dậy sóng” bởi quan điểm “nước nhỏ phải hành xử như nước nhỏ” của ông, với hàm ý rằng Singapore nên “khom lưng, cúi đầu” trước các cường quốc gần như đi ngược lại với nguyên tắc đối ngoại của Singapore từ trước đến giờ. Những người phản đối Mahbubani cho rằng Singapore có được vị thế như ngày hôm nay là nhờ việc theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập và theo nguyên tắc chứ không phải bằng việc làm “tay sai” cho các cường quốc. Vậy ai có lý hơn trong cuộc tranh luận này? Các nước nhỏ nên làm gì để bảo vệ mình khi bị cuốn vào vóng xoáy chính trị cường quyền?

Những bài học của Mahbubani

Mặc dù bài bình luận của Mahbubani đã làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ nhưng trên thực tế, hai trong ba bài học mà ông cho rằng các nhà lãnh đạo Singapore nói riêng và các nước nhỏ nói chung cần khắc cốt ghi tâm hoàn toàn không có gì đáng tranh cãi.

Thứ nhất, Mahbubani cho rằng các nước nhỏ cần coi trọng tổ chức khu vực của mình. Đối với các nước Đông Nam Á, điều này có nghĩa là họ cần coi trọng ASEAN và đầu tư nhiều hơn vào tổ chức khu vực này. Lập luận của Mahbubani rất đơn giản: Singapore tránh được tình trạng như Qatar vì ASEAN giúp gắn kết các nước trong khu vực và xây dựng lòng tin vững chắc giữa những nước này. Nói cách khác, ASEAN góp phần duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực. Hơn nữa, các tổ chức khu vực cũng là một cơ chế hữu hiệu để các nước nhỏ “khuyếch đại” tiếng nói của mình, từ đó có sức mặc cả lớn hơn với các cường quốc. Không phải tự nhiên mà Trung Quốc nhất quyết đòi đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp ở Biển Đông chứ không chấp nhận đàm phán đa phương với cả khối ASEAN để giải quyết tranh chấp. Vì lẽ đó, giá trị của các tổ chức khu vực là không thể chối cãi được.

Thứ hai, Mahbubani cũng khuyên các nước nên chú trọng vào Liên Hợp Quốc. Về cơ bản, bài học thứ nhất và bài học thứ hai của Mahbubani tương đối giống nhau. Cả Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực đều là những cơ chế đa phương mà trong đó các quốc gia sử dụng luật cứng (ví dụ như Hiến chương LHQ) và luật mềm (các quy chuẩn ứng xử chung) để “trói tay” các cường quốc. Các quốc gia vẫn tồn tại trong một thế giới vô chính phủ mà trong đó vũ lực vẫn có sức mạnh chi phối lớn nhất nhưng rõ ràng sự ra đời của LHQ đã khiến thế giới trở nên an toàn và yên bình hơn cho các nước nhỏ. Ngày nay nước lớn không thể “ỷ lớn hiếp bé” một cách trắng trợn như thời Trung Cổ. Nhờ các tổ chức và thiết chế quốc tế như LHQ mà các cường quốc buộc phải để ý đến hình ảnh của mình trong con mắt của cộng đồng quốc tế và hạn chế sử dụng vũ lực. Do đó, việc đề cao LHQ gần như chẳng có gì gây tranh cãi đối với các nước nhỏ.

Điểm duy nhất gây tranh cãi trong bài viết của Mahbubani là “nước nhỏ nên hành xử như một nước nhỏ”. Đối với Mahbubani tuy hành xử theo nguyên tắc và các quy chuẩn đạo đức là rất quan trọng nhưng để đảm bảo an ninh của mình, các nước nhỏ cần phải đặc biệt linh hoạt và nhạy bén trong chính sách ngoại giao của mình, kể cả khi điều đó yêu cầu hy sinh những nguyên tắc cốt lõi. Trên thực tế, điều này có nghĩa là đôi khi các nước nhỏ không được phép làm phật lòng các nước lớn, ví dụ như không đưa ra bình luận trực tiếp về phán quyết của Toà trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ kiện Philippines v Trung Quốc. Ông cũng cảnh báo rằng các nước nhỏ không nên theo bước Qatar – ví dụ điển hình của một nước nhỏ không biết lượng sức mình. Theo Mahbubani, Qatar đã mắc phải sai lầm lớn khi can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng và quá tự tin rằng quan hệ gần gũi với Mỹ sẽ bảo vệ họ được khỏi mọi mối đe doạ.

Trong khi đó, đa số những người có quan điểm đối lập với Mahbubani thường không quá tập trung vào bài học mà ông ấy rút ra từ trường hợp Qatar. Dường như những người này phản đối và chỉ trích Mahbubani chủ yếu vì họ cảm thấy bị xúc phạm bởi quan điểm “nước nhỏ phải hành xử như nước nhỏ” của Mahbubani, với hàm ý rằng nước nhỏ nên phục tùng nước lớn. Trong bài phản biện của mình, cựu thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan đã khẳng định một cách đanh thép rằng “Singapore không thể tồn tại và thịnh vượng như ngày hôm nay nếu chỉ là chú cún ngoan của bất cứ nước nào”.

Có thể thấy rằng ở đây cả hai quan điểm đều có lý ở một chừng mực nào đó và trên thực tế chúng không mâu thuẫn với nhau hoàn toàn bởi Mahbubani không hề ủng hộ việc nước nhỏ quy phục trước nước lớn một cách tuyệt đối còn Kausikan cũng có thể đồng ý rằng đôi khi chiều ý các nước lớn sẽ là một nước cờ khôn ngoan để đảm bảo an ninh và thịnh vượng về lâu dài. Chính vì vậy, vấn đề ở đây không phải là một sự lựa chọn tuyệt đối giữa nguyên tắc và ứng xử thực dụng mà là làm sao cân bằng được giữa hai yếu tố này trong chính sách và đưa ra lựa chọn phù hợp cho từng trường hợp. Tuy nhiên, đây không phải là một vấn đề có thể bàn luận một cách trừu tượng được bởi sự lựa chọn cuối cùng sẽ luôn phụ thuộc vào cân nhắc chi phí – lợi ích tại từng thời điểm.

Đảm bảo an ninh quốc gia trước thách thứ từ các cường quốc

Mặc dù những bài học mà Mahbubani đúc kết ra cho các nước nhỏ bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar nhưng nếu theo dõi kĩ sự kiện này thì có thể thấy rằng đây là một sự kiện vô cùng hi hữu. Bài học Qatar không có giá trị mấy đối với các nước nhỏ bởi đại đa số các nước nhỏ đều biết lượng sức mình và theo đuổi một chính sách đối ngoại an toàn chứ không theo đuổi chính sách đối ngoại “kiểu nước lớn” như Qatar. Vì vậy, xác suất những nước nhỏ như các nước ASEAN gặp phải trường hợp tương tự như Qatar là rất thấp.

Vấn đề mà những nước như Việt Nam, Philippines hay Ukraine thường xuyên phải đối mặt không phải là giải quyết khủng hoảng ngoại giao sau khi can thiệp vào nội bộ của các nước khác mà là làm thế nào để vừa giữ vững được độc lập – chủ quyền, vừa tránh bị biến thành con tốt trong ván cờ lớn của các cường quốc. Đối với những nước này, có hai điều kiện tiên quyết để có thể đảm bảo an ninh trong một thế giới vô chính phủ: (i) đánh giá chính xác cán cân quyền lực (balance of power) trong khu vực và (ii) tuyệt đối tránh bị cô lập về mặt ngoại giao.

Trên thực tế, việc đánh giá chính xác cán cân quyền lực trong khu vực rất quan trọng đối với bất kì nước nào chứ không chỉ riêng gì nước nhỏ. Tuy nhiên cái giá phải trả cho việc đánh giá thiếu chính xác cán cân quyền lực đối với một nước nhỏ sẽ lớn hơn rất nhiều so với một nước lớn bởi sự tồn tại của các nước lớn về cơ bản đã được đảm bảo còn một nước nhỏ có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị xoá sổ khỏi bản đồ nếu theo đuổi một chiến lược đối ngoại sai lầm. Hơn nữa, nước lớn có khả năng định hình môi trường chiến lược của mình còn các nước nhỏ không có lựa chọn nào ngoài việc điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với tình hình khu vực và chính sách của các nước lớn.

Việc tránh bị cô lập về mặt ngoại giao cũng quan trọng không kém bởi cái giá phải trả cho các hành vi hung hăng, hiếu chiến đối với một quốc gia đang bị cô lập sẽ nhỏ hơn rất nhiều đối với một quốc gia có quan hệ tốt và rộng rãi với nhiều nước khác. Không phải tự nhiên mà trước khi Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới vào năm 1979, Đặng Tiểu Bình đã có một chuyến công du đến nhiều nước để tìm kiếm sự ủng hộ và đồng thời cô lập Việt Nam. Do đó, một nước bị cô lập sẽ đối mặt với nguy cơ bị cưỡng ép hay thậm chí bị tấn công lớn hơn so với các nước không bị cô lập. Vì lẽ đó, việc tránh bị cô lập ngoại giao cần phải là ưu tiên hàng đầu của mọi nước nhỏ.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Là một nước nhỏ với vị trí địa-chính trị quan trọng bậc nhất trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông, Việt Nam ắt sẽ là mục tiêu trong “cuộc chơi lớn” của các cường quốc trong khu vực. Để có thể đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo hiện nay, Việt Nam cần “hành xử như một nước nhỏ”.

Điều này không có nghĩa là Việt Nam nên trở thành tay sai của các nước khác. Ngược lại, Việt Nam cần duy trì đường lối đối ngoại độc lập, không quá phụ thuộc vào bất kì một cường quốc nào. Tuy nhiên, như Mahbubani đã nói, việc hành xử một cách có nguyên tắc là quan trọng nhưng chúng ta cần mềm dẻo và điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt theo thời thế để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Chính vì vậy, trong một tương lai xa hơn, các nhà lãnh đạo Việt Nam hoàn toàn có thể tính đến việc từ bỏ nguyên tắc “3 không” trong đối ngoại – quốc phòng. Điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ từ bỏ ngay nguyên tắc này mà cũng không có nghĩa là Việt Nam nhất thiết phải liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc. Điều quan trọng ở đây là chúng ta cho các nước láng giềng thấy rằng Việt Nam không chịu trói bởi bất kì nguyên tắc nào khi lợi ích quốc gia cốt lõi bị đe doạ. Rõ ràng Trung Quốc không hề muốn Việt Nam từ bỏ chính sách “3 không” vì khi đó rất có thể Việt Nam sẽ tìm kiếm sự hậu thuẫn quân sự từ một nước khác để đối phó với Trung Quốc. Đây là một kết quả vô cùng tệ hại với Trung Quốc bởi không những họ mất vùng đệm chiến lược ở khu vực Đông Nam Á mà còn có một đồng minh của Mỹ là láng giềng. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể dùng việc từ bỏ nguyên tắc “3 không” để mặc cả với Trung Quốc nhằm yêu cầu Trung Quốc nhượng bộ ở Biển Đông.

Cuối cùng, Việt Nam phải hết sức duy trì đường lối đối ngoại đa phương hiện nay để tránh tình thế bị cô lập về mặt ngoại giao. Cụ thể hơn, chúng ta nên tiếp tục chủ động góp phần xây dựng và cải cách các thể chế khu vực như ASEAN để chúng vận hành một cách hiệu quả hơn. Tuy ASEAN hiện nay là một cơ chế tốt để Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ ngoại giao từ các nước khác và khuyếch đại tiếng nói của mình nhưng cần phải nhìn nhận một cách thực tế rằng cách thức ASEAN vận hành còn nhiều bất cập và nó hoàn toàn có thể vận hành một cách hiệu quả hơn. Do đó, Việt Nam cần tích cực thúc đẩy quá trình hội nhập và cải cách ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tránh phụ thuộc quá nhiều vào bất kì một quốc gia nào khác để đảm bảo an ninh – quốc phòng của mình. Mỹ có thể là đối tác quốc phòng tiềm năng nhất của chúng ta nhưng Mỹ không nên là đối tác quốc phòng duy nhất của Việt Nam. Việc phụ thuộc vào một nước quá nhiều rất nguy hiểm bởi chính sách của các nước khác luôn có thể biến động theo thời gian. Đây là điều rất có thể xảy ra dưới chính quyền Trump và vì vậy, sẽ rất rủi ro nếu chúng ta đặt cược hết vào một đối tác như Mỹ. Vì vậy, con đường tối ưu nhất cho Việt Nam vẫn sẽ là thúc đẩy quan hệ với Mỹ nhưng đồng thời chủ động can dự với tất cả các đối tác tiềm năng khác trong và ngoài khu vực, kể cả khi điều đó yêu cầu chúng ta phải đổi mới chính mình.

Tóm lại, cuộc tranh luận trong giới hoạch định chính sách đối ngoại ở Singapore có nhiều giá trị cho Việt Nam nhưng trên hết, chúng ta cần ghi nhớ rằng đối với mọi nước nhỏ, để đảm bảo được an ninh quốc gia thì luôn phải đánh giá cán cân quyền lực trong khu vực một cách chính xác để điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn và tích cực tham gia xây dựng quan hệ với các thể chế khu vực và với nhiều đối tác đa dạng để tránh tình trạng bị cô lập ngoại giao. Nếu Việt Nam làm được hai điều này, gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ không dám dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ