Chủ Nhật

Trung Quốc ứng xử thế nào khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang thăm?

“Trên xe lửa, phía Trung Quốc cố ý dọn bàn ăn cho đoàn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một chiếc bát mẻ miệng. Thật chẳng xứng mặt nước lớn chút nào!”

LTS: Từ ngàn đời nay, việc "nhìn rõ bản chất thực" của Trung Quốc luôn là một ưu tiên hàng đầu để Việt Nam có đối sách phù hợp với người láng giềng cực kỳ khó lường này. Và ít ai có thể hiểu thấu Trung Quốc hơn những cán bộ ngoại giao kỳ cựu đã từng sống giữa lòng Trung Quốc. Báo điện tử Trí thức trẻ xin giới thiệu tới Quý độc giả loạt bài đặc biệt: TIM ĐEN TRUNG QUỐC: NHỮNG CHUYỆN CHƯA BAO GIỜ KỂ CỦA CÁN BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM.

Từ chiếc ghế không lưng dựa đến chiếc bát mẻ miệng

Tiếp câu chuyện về thời kỳ làm Đại sứ ở Trung Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh kể: “Lại nói chuyện Trung Quốc với Việt Nam, năm 1976, không khí quan hệ giữa hai nước đã bắt đầu đi xuống. Phía Việt Nam cử đoàn quân sự cao cấp do đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng đầu mục đích chính là sang để cảm ơn Trung Quốc. Trước khi đi, đồng chí Giáp đã nghe Vụ Trung Quốc Bộ Ngoại giao ta báo cáo tình hình, nhưng có lẽ bản báo cáo của đồng chí Hoàng Bảo Sơn lúc đó còn quá lạc quan nên đồng chí Giáp chưa tin. Khi sang đến Trung Quốc, đồng chí gọi tôi đi dạo nói chuyện riêng. Tôi báo cáo là thấy tình hình xấu đi, đồng chí Giáp cũng đồng ý như vậy.

Trung Quốc ứng xử thế nào khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang thăm?
Quả thật, chuyến đó Trung Quốc đối xử với đoàn rất kém trọng thị. Khi đến thăm tỉnh Cương Sơn (di tích cách mạng của Trung Quốc) cùng với đoàn Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên, người ta đã bố trí đoàn Triều Tiên (cấp thấp hơn đoàn ta) ăn ở phòng sang trọng hơn, bố trí đoàn ta ăn ở phòng thường, thậm chí cho ngồi những chiếc ghế không có lưng dựa.

Vì thế, khi về đến Vũ Hán họp đoàn và nhận xét chuyến thăm, cả đoàn đều bất bình. Đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng bực. Khi ấy, ai cũng  muốn gặp Bộ Ngoại giao Trung Quốc để nói rõ những đối xử không tốt đó để biểu thị thái độ bất bình. Nhưng tôi đã góp ý: “Ta nên biết vậy thôi, bây giờ làm thế chỉ thêm căng thẳng, không giải quyết được vấn đề gì”. Đoàn đồng chí Võ Nguyên Giáp đồng ý với tôi và ra về. Nhưng vẫn chưa hết, trên xe lửa, phía Trung Quốc vẫn chưa thôi thái độ xấu khi cố ý dọn ăn cho cả đoàn có cả một chiếc bát mẻ miệng. Thật chẳng xứng mặt nước lớn chút nào!”.

Gần đến ngày sinh nhật Bác Hồ, sứ quán ta dự định chiếu phim về Hồ Chủ tịch vào buổi tối hôm 19/5. Ta đã gửi giấy mời đến sứ quán các nước trước đó 7 ngày. Lúc đó, ở Bắc Kinh có khoảng 100 sứ quán nước ngoài. Đúng buổi chiều ngày 19/5, Trung Quốc lại điện đến tất cả các sứ quán, mời đích danh các vị đại sứ đúng 17h đến Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh để xem triển lãm về Thủ tướng Chu Ân Lai. Theo thông lệ quốc tế, bao giờ các Đại sứ cũng phải ưu tiên đối với nước chủ nhà. Thế nên cũng chiều hôm ấy, chúng tôi phải huy động toàn lực ra làm lại giấy mời, rời buổi chiếu phim của ta sang 18h chiều tối hôm sau. Thật là vất vả với cái “trò trẻ con” của phía Trung Quốc.

Hai lần cãi lý ở sân bay

Nhớ lại chuyện cũ, đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh kể tiếp: “Một lần tôi về nước báo cáo công tác. Lúc đó, muốn về Việt Nam, phải bay từ Bắc Kinh sang Moscow rồi mới bay về được Hà Nội. Ra đến sân bay Bắc Kinh, nhân viên sân bay bắt tôi đi vào cửa kiểm tra hành lý nhưng tôi không chịu. Tôi nói rằng: “Tôi là Đại sứ, tôi được miễn trừ ngoại giao. Theo nguyên tắc quốc tế nên không ai được kiểm tra khám xét. Nếu các ngài ngăn cản không cho tôi đi, tôi sẽ họp báo tố cáo các ngài vi phạm công ước quốc tế”. Sau đó, nhân viên sân bay chạy đi đâu đó, ý chừng là đi báo cáo cấp trên. Chẳng biết cấp trên của anh ta nói gì nhưng sau đó, nhân viên sân bay đó phải mở cho tôi đi theo đường không soát hành lý.

Lần khác, tôi cũng ra sân bay về nước, họ lại yêu cầu tôi đưa hành lý vào cửa kiểm soát có chiếu tia X, tôi không chịu. Họ nói đây là kiểm tra an ninh nhưng tôi biết trò cản trở đó của họ. Tôi nói luôn: “Kiểm tra gì tôi cũng không đồng ý, các người nghĩ tôi là không tặc à? Từ trước tới nay tôi chưa hề được biết có nhà ngoại giao nào làm không tặc cả. Nếu nghĩ tôi là không tặc, tại sao lại chấp nhận tôi làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền bên cạnh Chủ tịch nước các người?”.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh kể tiếp: “Lúc đó, tôi nói rằng tôi nói cho các người biết, là phía Trung Quốc cũng có Sứ quán ở nước tôi, mà nguyên tắc ngoại giao là đối đẳng. Nếu các ông cố tình kiểm tra hành lý của tôi, tôi sẽ báo cáo về Chính phủ, để bên Việt Nam cũng kiểm tra hành lý của Đại sứ các ông khi xuất cảnh. Mà tôi cũng phải nói trước là nước tôi thì chưa có phương tiện kiểm tra hiện đại. Khi đó, nhân viên Việt Nam sẽ phải mời Đại sứ các người mở va ly ra cho họ kiểm tra. Nếu các ông đồng ý như vậy thì hãy làm bừa đi”.

Lần đó nhân viên tại sân bay của Trung Quốc lại phải chịu lý của tôi, lại phải mời tôi đi theo cửa tự do, không kiểm tra hành lý nữa.

Dạo đó, Trung Quốc còn bố trí hai chiếc ô tô con luôn luôn “chầu chực” ở hai cửa của Sứ quán ta, cán bộ sứ quán mình đi đâu nó theo đấy, ngay Đại sứ nó cũng đi theo.

Có lần tôi ngồi xe có cắm cờ Việt Nam đi từ Sứ quán ta ra, đến một đoạn đường nọ, mặc dù đồng chí Quảng (lái xe ở Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh) lái xe rất đúng luật và nghiêm chỉnh đúng luật, thế mà cảnh sát Trung Quốc lại thổi còi bắt dừng xe, nói rằng anh đã vi phạm luật giao thông, rồi bắt lái xe xuất trình giấy tờ. Giấy tờ đủ cả! Đồng chí lái xe nói: “Tôi đi đúng luật, không vượt đèn đỏ, không lấn sang làn đường của xe khác?”. Rồi họ cũng phải cho đi tiếp vì không biết làm cách nào, không tìm ra cái gì để bắt bẻ nữa

“Anh biết rằng, trong quan h-..ệ ngoại giao với các nước, đã hẹn là phải đúng giờ. Nếu trễ giờ thì sẽ hoảng hết. Những sự cản trở của họ có mục đích chính và chủ yếu là làm chậm hành trình để tôi sai hẹn với đối tác hoặc Đại sứ nước nào đó”, tướng Vĩnh chia sẻ.

Nguồn bài viết: Báo điện tử Soha.vn