Chủ Nhật

Những chuyện thú vị về nhà báo không thẻ Hồ Chí Minh

Bác Hồ là một nhà báo, nhà báo thực thụ, thậm chí, là bậc thày của nền báo chí cách mạng Việt Nam cho dù Bác không có thẻ nhà báo, chưa qua bất kỳ trường lớp dạy viết báo, mà là tự học với sự khích lệ, giúp đỡ của một số người và tự học qua các tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng thế giới.

Cơ duyên viết báo

Không ít người gọi Bác Hồ bằng nhiều “nhà”: Nhà cách mạng, nhà văn hóa, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà sư phạm, nhà sử học... Nhưng, Bác chỉ tự nhận mình là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Trong danh vị ấy, Bác đặc biệt quan tâm tới việc dùng báo chí làm công cụ tác nghiệp để đạt mục đích ba giải phóng: Giải phóng dân tộc - Giải phóng xã hội - Giải phóng con người. Tất cả các dạng trong phong cách viết báo của Bác đều chỉ có một véctơ lực hướng vào cái đích đó mà thôi. Điều này cắt nghĩa tại sao Bác thường hay nhấn mạnh tới bốn luận đề: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?
Những chuyện thú vị về nhà báo không thẻ Hồ Chí Minh
Sống, hoạt động ở bên châu Âu, Bác thích đọc sách văn học. Tác giả Trần Dân Tiên cho biết là Bác Hồ thích đọc những tác phẩm của Sếchxpia, Đíchken bằng tiếng Anh, những tác phẩm Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Hoa và những tác phẩm của Huygô, Dôla bằng tiếng Pháp. Đặc biệt, thông qua những tác phẩm của mình, nhà văn Anatôn Phrăngxơ và nhà văn Lêông Tônxtôi nghiễm nhiên trở thành hai người “đỡ đầu về văn học” cho Bác, vì khi đọc những truyện ngắn của hai ông này, Bác rất thích lối viết giản đơn của họ.

Trong suốt cả cuộc đời mình, Bác đã cho đăng trên các báo khoảng hơn 3.500 bài - một con số đầy ấn tượng mà có lẽ hiếm có nhà báo chuyên nghiệp nào ở Việt Nam cho đến nay đạt tới được.

Thực ra, Bác Hồ bắt đầu tự học viết báo là bởi lý do Bác cảm thấy khó chịu về “nhược điểm tri thức” của chính bản thân mình hồi những thập niên đầu thế kỷ XX ở Pháp và vì một lý do nữa là từ sự khích lệ của cháu ngoại Các Mác tên là Giăng Lôngghê lúc này làm Chủ nhiệm báo Dân chúng của Đảng Xã hội Pháp, người có cảm tình với nhân dân Việt Nam. Có lần Bác đến tòa báo, ông Giăng Lôngghê khuyến khích Bác viết bài để ông ấy đăng nhằm làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ những sự bất công xảy ra ở Việt Nam.

Nhưng kẹt một nỗi là lúc ấy Bác chưa đủ trình độ tiếng Pháp để viết, đành phải nhờ ông Phan Văn Trường viết (ông Trường là tiến sĩ, luật sư yêu nước hoạt động tại Pari), mà ông Trường không muốn ký tên, nên Bác phải ký tên dưới mỗi bài báo. Bác gặp phải cảnh phiền toái, khó chịu, nhất là ông Phan Văn Trường lại không viết hết ý mà Bác muốn. Từ đó, Bác nảy ra ý định học viết báo. Khi thường xuyên lui tới trụ sở báo Dân chúng, Bác có dịp làm quen với những nhà báo khác, trong đó có ông chủ bút báo Đời sống công nhân. Ông này đề nghị Bác viết tin tức cho báo của ông. Bác biết là không thể nhờ ông Phan Văn Trường viết mãi được, cho nên Bác nói rằng, mình còn kém tiếng Pháp. Ông chủ bút nói: “Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài; năm - sáu dòng cũng được”.

Tin tức về Việt Nam thì Bác không thiếu, nhưng thiếu nhất là vốn liếng tiếng Pháp. Tuy thế, Bác vẫn mạnh dạn viết. Bác viết thành hai bản, giữ lại cho mình một bản và gửi cho toà soạn báo một bản. Thế là bài báo đầu tiên của Bác được đăng. Bác đọc bài báo đã in, đối chiếu với bản thảo còn lưu và chú ý những lỗi sai. Từ đó, Bác kiên nhẫn làm theo cách đó. Khi thấy bài viết của Bác đã bớt sai, ông chủ bút bảo: “Bây giờ anh viết dài hơn một tý, viết độ bảy - tám dòng”. Từ đó trở đi, Bác có thể viết dài hơn, có khi đăng ra cả một cột báo. Đến lúc này, ông Chủ bút lại bảo: “Bây giờ anh viết ngắn lại, từng này, từng này dòng; không viết dài hơn”. Bác thấy rằng, rút ngắn bài báo cũng khổ như viết dài. Nhưng Bác có quyết tâm và cuối cùng đã thành công. Bác “nhập làng báo” từ đó.

Bác còn viết truyện ngắn về đời sống công nhân Paris, được đăng hai kỳ trên báo l’Humanité (Nhân đạo) của đảng Xã hội Pháp, nhuận bút 100 franc - số tiền khá lớn lúc này. Thế là Bác đã có ngay một lúc hai thành công bước đầu: Văn và tài chính. Thành công đầu tiên làm đà cho Bác viết những truyện ngắn và những bài báo khác, thậm chí còn viết cả vở kịch Con rồng tre với nội dung đả kích vua Khải Định của Việt Nam sang Pháp để dự triển lãm thuộc địa được các nhà phê bình văn nghệ khen hay.

Như là một cơ duyên, Bác Hồ trở thành “học trò không ngồi trên ghế nhà trường” của nhiều nhà báo, nhà văn, trong đó phải kể đến bốn cái tên tiêu biểu nhất là: 1. Ông Chủ nhiệm báo Dân chúng Giăng Lôngghê; 2. Ông chủ bút báo Đời sống công nhân; 3. Nhà văn Anatôn Phrăngxơ; 4. Nhà văn Lêông Tônxtôi. Cơ duyên này vận vào Bác Hồ, đi cùng suốt cả cuộc đời gian truân và cao đẹp của Bác. Chính vì được “đào tạo” như thế mà sau này Bác có lúc làm được công việc vừa là người sáng lập, đồng thời vừa là người chủ nhiệm, người chủ bút, người viết báo, người phát hành… nghĩa là Bác làm tất tật các công đoạn từ A đến Z trong nghề báo (trường hợp cụ thể ở đây là đối với báo Le Paria tại Pháp đầu những năm 20 của thế kỷ XX). Bác còn làm chủ bút báo Thanh niên của Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên, từ năm 1925. Sau này từ nước ngoài về nước, Bác còn “bày vẽ” cho nhiều báo cả về đặt tên, về mangset, về cách in ấn, khổ báo, co chữ, về dàn trang, về tranh minh họa và rất nhiều công việc khác trong quản lý tờ báo.

Ba nét về phong cách viết 

Ngắn gọn, súc tích:

Vẫn phong cách được rèn từ hồi ở Pari, trong Đường kách mệnh (năm 1927), Bác đưa ra định đề coi như là một tuyên ngôn phong cách viết cho cả về sau: Viết “cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ”. Bản “Tuyên ngôn Độc lập” do Bác viết chỉ vỏn vẹn 1.003 chữ, chính là sự tinh chắt nguồn sinh khí của một dân tộc được hồi sinh và thăng hoa thông qua những lời văn súc tích. Khi đề cập thời cơ/nguyên nhân do đâu hoặc hình thái mà nhân dân ta giành được chính quyền, Bác chỉ cần “gói” vào trong 9 chữ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, thế là đủ. Số lượng chữ tuy ít, nhưng bản Tuyên ngôn ấy hội đủ những căn cứ có giá trị pháp lý quốc tế, lại vừa mang nội dung khái quát quá trình diễn biến cho sự xuất hiện một chế độ chính trị mới, lại là tuyên ngôn về quyền chính đáng của một dân tộc và của cá nhân con người (quyền con người) trong độc lập, tự do và cho một thể chế chính trị bắt đầu bước lên khán đài chính trị trên thế giới bằng cái tên chưa bao giờ có trong lịch sử Việt Nam trước đó: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bản Chánh cương vắn tắt của Đảng chỉ 1 trang, khoảng 265 chữ; Sách lược vắn tắt của Đảng chưa đầy 1 trang, khoảng 250 chữ; Chương trình tóm tắt của Đảng chỉ có nửa trang, khoảng 179 chữ; Điều lệ vắn tắt của Đảng chỉ có khoảng 592 chữ, nhưng chúng lại đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí làm thành cương lĩnh của một đảng chính trị trong Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930. Bản Báo cáo chính trị Đại hội II của Đảng (2/1951) được Bác viết chỉ với khoảng gần 10.000 chữ. Các diễn văn đọc tại các buổi lễ hoặc diễn văn đón - tiễn các nguyên thủ quốc gia sang thăm Việt Nam cũng được Bác viết ngắn gọn, súc tích; hơn nữa, không ít diễn văn còn xen vào mấy câu thơ, có khi đó là thơ lẩy Kiều. Những lời kêu gọi đầy khí thế hào sảng, những bức thư, những bài báo viết cho đồng bào và chiến sĩ cả nước, cho các cháu thanh, thiếu niên rất ngắn gọn, súc tích nhưng chứa chan bao nhiêu ân tình.

Đủ những thông tin cần thiết:

Giống như những nhà báo chuyên nghề, Bác cũng săn tin. Tin tức từ các báo đài ở cả trong và ngoài nước (Bác biết nhiều ngoại ngữ, trong dó có những ngoại ngữ được nhiều người trên thế giới sử dụng: Tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hán…), tin tức từ đọc sách, từ nghe và đọc các báo cáo của các cấp, các ngành và nhất là tin tức từ quan sát thực tế trực tiếp. Bao giờ Bác cũng thẩm tra lại những tin tức, những con số cho chính xác. Những bài báo của Bác tuy ngắn, nhưng những câu viết hàm chứa những nhận định, những thông tin bề sâu đầy đủ, có nguồn tin cậy.

Hấp dẫn người đọc:

Viết báo hay nhất là đi thẳng từ trái tim đến trái tim. Ngòi bút và ngôn ngữ chỉ là phương tiện để nói hộ trái tim mình. Không phải là tất cả, nhưng nhiều, rất nhiều bài, khi viết xong, trước khi công bố, Bác thường đưa cho một số người xung quanh để mong nhận được góp ý sửa chữa, bổ sung. Có khi Bác đưa cho một số ủy viên Trung ương, đồng thời đưa cho anh chị em phục vụ trong Phủ Chủ tịch ở Hà Nội (lái xe, cấp dưỡng, lao công). Khi nhận được góp ý thì Bác đều quý trọng các ý kiến đó như nhau. Điều hấp dẫn của một bài báo không phải là dùng những từ ngữ cho “kêu”, cho “oai”, cho “bóng bẩy” mà là dùng những từ ngữ chính xác lột tả được bản chất của vấn đề, có khi còn dùng cả lối chơi chữ (“Taylo thì chân cũng lo”. Taylo là tên của người Mỹ); ẩn dụ, hóm hỉnh, trào lộng, dí dỏm làm cho người đọc dễ có ấn tượng.

Mạch Quang Thắng
GS.TS. Giảng viên cao cấp Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

(Theo sách của Trần Dân Tiên:
“Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, NXB chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2015, trang 47-48)