Anh Vũ Kỳ thường chuẩn bị tư tưởng cho chúng tôi. Tuổi già dễ sinh khó tính mà Bác đã ngoài 70. Song suốt hơn 11 năm phục vụ Bác, tôi không thấy Bác gắt gỏng lần nào. Ai có thiếu sót, Bác đều ân cần chỉ dẫn.
Trong cuộc sống cũng như trong công việc, Bác có phong độ ung dung, thư thái, khẩn trương nhưng không vội vàng. Hôm xảy ra sự kiện vịnh Bắc Bộ (năm 1964), tôi đang chuẩn bị theo Bác sang đọc tin bên nhà sàn thì đồng chí Võ Nguyên Giáp gọi điện thoại cho Bác. Cuộc báo cáo ngắn xong, Bác bình thản ung dung trên đường sang nhà sàn. Buổi làm việc vẫn diễn ra bình thường.
Những tháng ngày bên Bác Hồ |
Bác Hồ tiết kiệm, cũng cần hiểu tiết kiệm của Bác. Một buổi sáng làm việc với Bác bên dưới nhà sàn, tôi đã chuẩn bị tài liệu và một chiếc bút chì xanh đỏ để trên bàn, ra ngoài một lát trở vào không biết anh nào đã cầm cây bút đi mất. Tìm không thấy mà Bác đang ngồi chờ, tôi lục ống bút chì chỉ còn một mẩu xanh đỏ bằng ngón tay, đành phải cầm vậy. Sang đọc tài liệu đến chỗ cần đánh dấu, tôi cẩn thận cầm kín mẩu bút trong lòng bàn tay, sợ Bác nhìn thấy. Lần thứ hai, Bác phát hiện. Bác với tay lấy cây bút xanh đỏ trong ống bút của Bác đưa cho tôi và vẫn nhẹ nhàng bảo: "Làm gì mà chú phải khổ sở thế!".
Bác giản dị nhưng đàng hoàng. Trời nóng ngồi làm việc một mình với chúng tôi có thể Bác mặc áo may ô, quần cộc, nhưng đi ra ngoài dù kaki, quần áo nâu cũng phải phẳng phiu. Không chỉ một lần Bác phê bình đồng chí cán bộ cao cấp ra chỗ tiếp khách không ăn mặc chỉnh tề, tuy đồng chí này không phải nhân vật chủ chốt.
Qua những năm hoạt động cách mạng gian khổ, Bác mắc một số bệnh mãn tính, sức chiến đấu chống bệnh tật của Bác thật mãnh liệt. Ngày ba bữa, dù mưa nắng, nóng rét Bác vẫn đi ăn bên nhà xây (nhà 54). Có một lần trời mưa gió, anh em đã bày bàn ăn dưới nhà sàn nhưng Bác vẫn đội ô, chống gậy sang nhà ăn.
Bác kiên trì rèn luyện sức khỏe, tập Thái cực quyền hàng ngày. Từ lúc vào cơ quan làm việc cho đến năm 1967 tôi không thấy Bác nghỉ ốm ngày nào; mặc dù nhiều lúc biết Bác phải gắng vượt lên sức khỏe của tuổi già. Từ giữa năm 1967 có hội đồng chăm sóc sức khỏe theo dõi hàng ngày nhưng Bác vẫn làm việc đều. Không đi họp thì nghe báo cáo. Giữa năm 1969 sức khỏe Bác giảm sút. Buổi trưa sau bữa ăn, nằm nghỉ dưới nhà xây, Bác vẫn nghe tin tức gần một tiếng rồi mới ngủ. Sau có hôm tôi đọc độ mười phút Bác ngủ, tôi liền ngừng đọc thì Bác giật mình bừng dậy bảo tôi nghỉ nhưng rồi Bác khó ngủ lại. Từ buổi sau, khi đọc tin thấy Bác ngủ tôi vẫn đọc tiếng nhẹ đi để giấc ngủ của Bác được dài thêm. Tôi trao đổi hiện tượng và kinh nghiệm đó với đồng chí Chước.
Làm việc bên Bác trong một thời gian dài, tôi thấy những điều Bác Hồ kêu gọi, dạy dỗ, giáo dục cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân không phải chỉ là những lời hô hào của người lãnh đạo mà là những điều Bác Hồ đã sống và làm trong cả cuộc đời của mình. Mỗi việc làm của Người đều vì lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Thế rồi sự kiện bất hạnh tháng 8 xảy ra. Một chiều mưa, Bác lên nhà nghỉ ở Hồ Tây thăm phái đoàn ta ở Hội nghị Pari về thì bị cảm. Từ ngày 24-8-1969, Bác phải nằm luôn trên giường bệnh. Bộ phận chăm sóc sức khỏe trước chỉ có hội đồng sức khỏe Trung ương có sáu, bảy bác sĩ và đoàn chuyên gia Trung Quốc ba, bốn người, nay phải bổ sung một số bác sĩ, y tá bệnh viện 108, bác sĩ hồi sức, bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ xét nghiệm và mấy y tá, hộ lý. Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Quốc Hoàn và Lê Văn Lương thường trực theo dõi. Mấy anh em văn phòng chúng tôi có gia đình ở ngoài cũng ăn ngủ luôn trong cơ quan. Sức khỏe của Bác giảm sút nhanh, tiên lượng rất xấu. Gần ngày cuối, một số đồng chí Trung ương lão thành được lần lượt vào thăm nhưng cũng chỉ là được nhìn thấy Bác. Chỉ có anh Kỳ được ra vào bên giường bệnh, còn chúng tôi đều tập trung lo việc chăm sóc cho bộ phận y tế, phục vụ các đồng chí đủ sức khỏe làm việc trong những ngày căng thẳng. Tất cả mấy chục người đều tập trung trong khu nhà sàn, sân trước nhà xây, giường xếp mang về để ngổn ngang. May mà những ngày đó không mưa. Đề phòng mưa đã cho lấy nhà bạt của quân đội về lắp thử ở bãi cỏ đường xoài, trông lúp xúp không biết khi phải sử dụng sẽ như thế nào. Mấy ngày Bác thường ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy lại hỏi công việc. Hôm mùng 1-9, Bác còn bảo anh Vũ Kỳ bố trí ngày mai cho Bác ra lễ đài một chút. Và ngày 2-9-1969 Bác ra đi.
Bác ra đi vào ngày mà hai mươi tư năm về trước Bác đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vào giờ mà hàng năm bế mạc mít tinh ngày Quốc khánh, quần chúng ào lên sát lễ đài để trông thấy Bác Hồ và hoan hô Bác Hồ muôn năm không dứt.
Lê Hữu Lập kể, theo sách: Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, Nxb. Thông tấn, H.2003.
Nguồn: Vietnamhochiminh