Thứ Bảy

Vua Minh Mạng một 'LÊ THÁNH TÔNG' lỡ làng của thế kỷ 19

Xin chào các bạn. Khi tôi viết về Hồ Quý Ly, tôi nhắc về vua Minh Mạng, khi tôi viết về Lê Thánh Tông, tôi cũng nhắc về vua Minh Mạng. Vậy Minh Mạng là ai, và như thế nào?

Là một vị vua nằm trong triều 13 vua nhà Nguyễn. Một triều đại đến hôm nay vẫn bị phủ nhận?
Là người con của vua Gia Long. Một nhân vật phản diện mà người ta đã gán vào trong lịch sử?
Là vị vua đã “bế quan tỏa cảng”, cùng với những vị vua Nguyễn khác đã khiến dân tộc chịu ách xâm lược của Pháp vì sự trì trệ?
Đó là những gì mà bạn đã được dạy.

Còn tôi hôm nay sẽ kể cho các bạn nghe về một mặt khác, một điều có thể bạn chưa biết hoặc đã biết nhưng có thể chưa cụ thể. Và bạn sẽ hiểu tại sao tôi nhắc về ông không phải là những lời lẽ cay nghiệt mà ta hay được gặp. Tôi nhắc về ông bằng sự tôn trọng và cả cái thở dài.

Để bắt đầu về vua Minh Mạng, tôi xin phép được bắt đầu bằng một cái tên: Trương Minh Giảng. Bạn hãy nhớ cái tên đó, đặc biệt những bạn ở TP.HCM đang sống và làm việc ở đường Lê Văn Sỹ. Con đường ấy trước năm 1975 tên là đường Trương Minh Giảng. Cho dù hôm nay bạn không được nghe về Trương Minh Giảng chăng nữa, thì bạn biết đó là vị đại tướng bậc nhất dưới thời Minh Mạng. Một thời hét ra lửa, văn võ song toàn, trí dũng hơn người. Vào cái ngày lịch sử nhìn nhận lại vai trò của nhà Nguyễn, cũng là lúc cái tên Trương Minh Giảng có về cho mình một vị trí xứng đáng. Tôi tin ông sẽ ở trong biên niên sử về những vị tướng tài năng nhất lịch sử Việt Nam.

Vua Minh Mạng một 'LÊ THÁNH TÔNG' lỡ làng của thế kỷ 19
Năm 1841, Trương Minh Giảng mất trên đường về lại Gia Định. Cái chết đó đầy sự uất ức và … KHÔNG CAM LÒNG. Nhưng vì lệnh vua phải theo nên ngài mới phải trở về, để lại trên vùng đất ấy máu xương của huynh đệ mình và một đời tâm huyết đã trở thành cát bụi.

Đấy là gì?
Đấy chính là Trấn Tây tướng quân bảo hộ một nửa Cao Miên, bao gồm cả Phnom Penh. Ngày Trương Minh Giảng ở bên đó, chính là thời điểm mà đất nước Việt Nam sở hữu lãnh thổ rộng lớn nhất lịch sử. Không hề đơn giản và cải lương, đó chính là ngày mà đất nước Việt Nam này trở thành con ngáo ộp, cùng với Xiêm La trở thành hai đế quốc hùng mạnh nhất Đông Nam Á, đó là ngày Minh Mạng ngạo nghễ gọi lãnh thổ bằng cái tên “Đế quốc Đại Nam”. Đó là ngày mà Trương Minh Giảng hai lần đánh bại Xiêm La xâm phạm vào lãnh thổ. Ông cùng với vua Minh Mạng chính là cặp “Vua – Xe” tượng trưng cho tham vọng và bá khí ngút ngàn nhất thời đại chúa Nguyễn.

Vào ngày Minh Mạng mất, Thiệu Trị lên ngôi. Thiệu Trị ra lệnh cho Trương Minh Giảng rút quân về. Lý giải mà Thiệu Trị đưa ra là hao người tốn của, bị chống đối trong nội bộ Campuchia, lại phải gồng mình để giữ lãnh thổ mà không có nhiều tác dụng cho triều đình Phú Xuân. Các điểm này đều được ghi lại trong sách sử.

Nhưng hãy tư duy thêm chỗ này: nếu thật sự tồi tệ như vậy, cớ gì Trương Minh Giảng phải uất ức sinh bệnh mà chết. Bởi nếu những gì mà Trương Minh Giảng phải đối mặt khó khăn như thế, thì ngài phải xem việc rút về như một giải thoát. Điểm thứ 2: Nếu thật sự không có tác dụng, cớ gì vua cha của ông là Minh Mạng lại hãnh diện về việc đó, để lấy về cho Việt Nam dải lãnh thổ rộng lớn nhất lịch sử này? Đồng thời sẵn sàng đối mặt với Xiêm La như kiểu Liên Xô – Hoa Kỳ thời chiến tranh lạnh để tranh nhau tầm ảnh hưởng lên Lào và Campuchia? Và cuối cùng, cớ sao khi Trương Minh Giảng chết rồi, Thiệu Trị còn viết sớ luận tội ông, tịch thu lại chức tước, bổng lộc khiến con cháu phải nhìn mộ phần của cha hoang vu tiêu điều? Đó giống như là một cách “nhổ cỏ”.

Khi tư duy đến 3 điểm đó, ta sẽ có 1 lý giải: Phía sau quyết định rút quân của Thiệu Trị, là một kế “rút củi đáy nồi”. Mà kẻ thực hiện kế đó hoặc là Xiêm La, hoặc là hậu duệ của vua Ang Chan – Cao Miên. Nó tương tự với cái cách Tào Tháo và Khổng Minh sử dụng quân bài Dương Tùng – quân sư ham ăn đút lót của Trương Lỗ ở Hán Trung để ép Bàng Đức và Mã Siêu vào con đường cùng, cuối cùng phải hàng Tào và hàng Thục. Cái này rất giống với tình cảnh đau lòng của Trương Minh Giảng. Thiệu Trị cùng những vị quan ham đút lót của vị vua này đã bị mắc mưu hoàn toàn. Cuối cùng đẩy đến cái chết không cam lòng của Trương Minh Giảng và một vùng đất mà Minh Mạng đã dày công vun đắp trở về con số 0.
Chính ở đó, bạn cần coi lại Minh Mạng lần thứ nhất: đó không phải kẻ ốm đói và trì trệ theo tư duy lối mòn cũ về vua nhà Nguyễn. Đấy là một vị vua hùng bá một phương, dám làm, dám diệt và dám mở rộng lãnh thổ.

Tạm dừng ở đó.
Hãy quay về lại bài viết về Lê Thánh Tông, hẳn bạn còn nhớ 1 đoạn mà tôi viết về chuyện Lê Thánh Tông tấn công Champa. Tôi trích lại các ý sau:
“…Cũng giống như các lần xâm lấn trước, Chăm Pa nhanh chóng thua cuộc và đưa hiệp ước cắt đầt cầu hòa như cách để tồn tại. Tuy nhiên, điều đau khổ của Chăm Pa ở chỗ này, đối thủ lần này của họ khác với những vị vua trước. Người tấn công hôm nay chính là vị vua giỏi nhất lịch sử nước Việt Nam. Đó chính là Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông quyết không cho Chăm Pa ngóc đầu lên được. “
“Sau khi chiếm được, Lê Thánh Tông ra lệnh phá hủy thành Đồ Bàn. Giết hơn bốn chục ngàn quân Chăm Pa và bắt đưa về Thăng Long hơn ba chục ngàn tù binh. Qua đó triệt tiêu hẳn nguyên khí của Cham Pa. Đất nước này sống lay lắt thêm ba thế kỷ, bị các chúa Nguyễn xâm lấn từ từ, trước khi bị một vị vua giỏi thứ hai của Việt Nam đánh một trận cuối cùng: Minh Mạng. “

“Điểm chung của hai vị vua được đánh giá giỏi nhất của Trung Quốc, đấy là Lý Thế Dân và Khang Hy. Đó là vào thời đại của họ: mảnh đất của Trung Quốc là rộng lớn nhất lịch sử tồn tại tính từ ngày lập quốc đến ngày họ chiến thắng. Có nghĩa rằng tư duy của những bậc đế vương dạng đó chính là mở rộng lãnh thổ và tiêu diệt những vật cản đường để quốc gia cường thịnh. Kiểu suy nghĩ này, đi đôi với khả năng nói được – làm được, chỉ ở những bậc minh quân vài trăm năm sinh ra một người cho quốc gia ấy. Và Lê Thánh Tông là một trong những vị vua dạng đó.”
Minh Mạng cũng y như Lê Thánh Tông về suy nghĩ đó vậy.

Tại sao không hơn, không kém, mà tiêu diệt Champa lại là Lê Thánh Tông và Minh Mạng? Vì 2 người đó giống nhau về tư duy mở rộng lãnh thổ và tiêu diệt những vật cản đường để quốc gia cường thịnh. Lê Thánh Tông đánh Champa một trận tan hoang nguyên khí, và Minh Mạng xóa bỏ hoàn toàn lịch sử Cham Pa.

Minh Mạng và Lê Thánh Tông là cái hiếm. Bạn có thể thấy được cái hơn của Minh Mạng, bạn có thể hiểu vì sao tôi chọn ai không chọn, chọn Minh Mạng để viết. Qua cách so sánh với chính Thiệu Trị. Thiệu Trị mang cái thường, cái nhược tiểu. Với cái suy nghĩ hao tiền tốn của. Xin lỗi tình yêu. Muôn đời nay, đất và vàng chưa bao giờ mất giá.

Chưa hết, cái hùng tâm của Minh Mạng còn đặt ở cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Về phía hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ngay từ dưới thời vua Gia Long (bắt đầu từ năm 1815) đã bắt đầu tiến hành đo đạc hải trình nhằm giúp cho các tàu thuyền di chuyển an toàn trên biển. Tuy nhiên, đến thời vua Minh Mạng, công việc này càng được chú trọng. Việc ban thưởng và giáng tội đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, lực lượng thủy quân – một lực lượng đặc nhiệm nhận sự chỉ đạo trực tiếp từ vua Minh Mạng hằng năm theo định kỳ đều đặn ra Hoàng Sa, Trường Sa để.
Nếu có dịp du lịch đảo Lý Sơn. Bạn có thể kiểm chứng thông tin này ở nhà tổ của dòng họ Đặng - làng An Thủy. Dấu tích của vua Minh Mạng còn ở đó. Trong văn bản cổ viết rõ về lệnh vua Minh Mạng điều một đội quân ra đảo Hoàng Sa .

Từ việc thống nhất đất nước kéo dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ việc đánh đông dẹp bắc, tham vọng mở rộng lãnh thổ ra phía Tây, từ việc nắm quyền ở các hòn đảo, đến việc phân chia ảnh hưởng trên sự hùng bá của ĐẾ QUỐC ĐẠI NAM tại Đông Nam Á, Minh Mạng không đánh ai thì may cho họ, ai dám đánh Việt Nam khi đó. Ai dám bảo rằng Minh Mạng đớn hèn?

Lưu ý một chi tiết nhỏ: Tên nước Đại Nam. Trung Quốc không chấp nhận cái tên này, tại sao TQ chấp nhận Đại Việt mà không chấp nhận Đại Nam? Đại Việt khác Đại Nam. Đại Việt là nước Việt lớn. Đại Nam nghĩa là quốc gia phương Nam rộng lớn. Tên quốc gia này phản ánh tham vọng.

Vua Minh Mạng rất hâm mộ hoàng đế Lê Thánh Tông, người từng ra chỉ dụ như sau “Nước Việt ta lấy văn hiến mở nước, các vua anh minh ra đời, duy Thánh Tông nhà Lê là hiếm có, pháp độ và chính sách hay đều chép trong sử, lại còn sau khi mưu cơ muôn việc nhàn hạ, văn nghệ vui chơi làm ra rất phong phú, cái phong tao lưu lại còn thấy tiếng hay, trẫm truy tư cổ nhân rất là hâm mộ. Tuy đã xa đời, thơ đã tản mát, mà các văn nho học giả tất cũng còn giữ được. Trẫm muốn tìm nhặt in ra để lại lâu dài không mất.”

Sau đó, ông bèn hạ lệnh cho quan Bộ Lễ, tư hỏi Bắc Thành, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, các nhà quan lại, sĩ phu, thứ dân, có ai còn giữ được sách vở ngự chế thi văn khoảng niên hiệu Hồng Đức đều đem nộp quan chép lại thành tập, đem khắc lên bản in, ban bố trong nước, đề cao cái văn hay đời trước, để lưu lại rừng văn nghệ nước nhà.

Bản thân ông cũng giống Thánh Tông ở điểm đó là rất giỏi thơ phú văn chương. Nhưng đấy cũng sẽ là bi kịch của đời ông và của dân tộc này. Tôi sẽ nói ở phần sau bài viết.
Chính nhờ lòng yêu sử và văn học nước nhà, mà Minh Mạng đã làm một chuyện có ý nghĩa rất quan trọng để lưu trữ văn hóa - lịch sử dân tộc sau mấy trăm năm nội chiến qua việc thu thập khắp nơi các bộ sách sử, sách văn học, các tài liệu, gìn giữ các bộ thư tịch của tiền triều. Tất cả được vua in khắc lại, tạo thành kho mộc bản triều Nguyễn, ghi lại cả một chặng đường lịch sử dân tộc từ thuở sơ khai, chép lại những điển tích cũ. Hiện kho mộc bản này được lưu trữ ở Đà Lạt và vẫn được nghiên cứu từ đó đến bây giờ.

Văn hiến nước nhà không bị mai một chính là nhờ nỗ lực của vua Minh Mạng.
Ai dám nói rằng nhà Nguyễn không có công lao với dân tộc?
***
Tài năng của Minh Mạng không chỉ đơn thuần ở văn học, thi ca và tham vọng quân sự. Đó còn là cải cách hành chính.

Thứ nhất là việc cải cách Lục Bộ, tổ chức lại hoàn toàn bộ máy nhà nước thời Nguyễn. Cần lưu ý chỗ này: các thời Lý, Trần, Lê thì lãnh thổ Việt Nam chỉ từ Ải Nam Quan đi tới xa nhất là Quảng Nam. Về cơ bản mà nói, văn hóa kinh tế đều phát triển theo văn hóa miền Bắc. Nhưng lãnh thổ dưới thời Minh Mạng rộng lớn hơn thời Lê rất nhiều,việc thống nhất đất nước từ Nam Quan đến mũi Cà Mau đem theo đó là sự khác biệt về văn hóa, kinh tế, chính trị của các vùng miền. Miền Bắc ảnh hưởng văn hóa Hán, và miền Nam ảnh hưởng văn hóa Khơ Me.Cùng với đó là các dân tộc, tập quán khác. Vì vậy, việc phải tập trung quyền lực vào tay vua để có thể quản lý nhà nước được thống nhất là một điều rất khó khăn. Nhưng Minh Mạng đã làm được bằng việc cải cách Lục Bộ (Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công). Từ đó tạo cho Việt Nam cái thế hình chữ S mà không bị chia cắt cho đến năm 1954. Phải giỏi thế nào mới làm được vậy chứ?

Để xã hội có qui củ cùng nề nếp, nhà vua cho thống nhất việc đo lường và thống nhất y phục. Minh Mạng từng nói thế này “Ngày nay nước nhà cương thổ đã hiệp nhất thì chính trị, phong tục lẽ nào khác biệt”. Suy nghĩ này rất giống với một người/ Đây chính là Quyết sách lớn đầu tiên mà thừa tướng Lý Tư thời Tần dâng lên Tần Thủy Hoàng trong quá trình thống nhất 6 nước.
Theo Giáo sư Phan Huy Lê: Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, cải cách của vua Lê Thánh Tông năm 1471 và cải cách của vua Minh Mạng năm 1831 – 1832 là hai cải cách hành chính có quy mô toàn quốc và đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, kinh thành Huế được hoàn thiện là ở dưới tay của Minh Mạng. Lý do người Huế vẫn luôn tôn trọng ông và các đời vua chúa Nguyễn là vậy.

Quan điểm của vua Minh Mạng là ở đây "Trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Đặt ra pháp luật là trên để răn dạy quan lại, dưới là để dân chúng trăm họ biết mà thực hiện. Mọi rối loạn đều bắt đầu từ sự rối loạn kỷ cương". Minh Mạng từng cho phép chép đầu cả “cha vợ” vì tội tham ô tham nhũng. Đó là vụ án Huỳnh Công Lý - Phó Tổng Trấn Gia Định thành vào năm 1820 . Công Lý là cha của một bà phi của vua Minh Mạngtên là Huệ Phi. Khi đó Tổng trấn Lê Văn Duyệt phát hiện và đã khởi tố vụ án, vụ việc được ông chuyển ra Huế, vua Minh Mạng đã giao do triều đình nghị tội, sau đó chính nhà vua đã ban án tử hình Huỳnh Công Lý, bà Huệ Phi cũng bị giáng chức. Bản án được thi hành ngay tại Gia Định.

Ông là một vị vua rất siêng năng và liêm chính, thức khuya dậy sớm lo chính sự. Ông từng nói:
“Lòng người, ai chả muốn yên hay vì chuyện sinh sự để thay đổi luôn, lúc trẻ tuổi còn khoẻ mạnh mà không biết sửa sang mọi việc, đến lúc già yếu thì còn mong làm gi được nữa. Bởi thế trẫm không dám lười biếng bất kỳ lúc nào.”

Ông cũng rất yêu người tài, coi trọng tài và đức. Chính Minh Mạng là người đã mở Quốc Tử Giám ở Huế, phát triển giáo dục rộng khắp cả nước, thời Minh Mạng là giai đoạn người mù chữ ở Việt Nam thấp nhất. Cũng thời Minh Mạng, nông nghiệp được phát triển hơn một bậc, ông cho hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở Bắc Bộ, đặt quan khuyến nông, khai hoang ven biển Bắc Bộ, lập các huyện Kim Sơn và Tiền Hải.
Thời Minh Mạng chính là thời thịnh trị nhất của nhà Nguyễn.

ĐIỀU GÌ ĐÃ ĐẨY MINH MẠNG ĐẾN THẾ TỘI ĐỒ?
Phần quan trọng nhất của bài nằm ở đây. Điều gì đã xảy ra với Minh Mạng, để từ đó về sau người ta nhắc về ông và triều Nguyễn nói riêng như một tác nhân cho việc mất nước sau này.
Đấy là vì ông giỏi
Nhưng không giỏi đúng hướng
Ông giỏi sai hướng.
Bạn hiểu cái bi kịch của chỗ đó không? Bạn có tài năng, rất tài là đằng khác. Nhưng cái tài đó không phù hợp với hoàn cảnh sống của bạn. Bạn hiểu bạn giỏi. Bạn đã làm tất cả mọi thứ trong cái giỏi của bạn. Nhưng bi thống thay, nó lại không đúng lúc đúng chỗ. Bạn có thể thay đổi hoặc không thay đổi. Còn khi bạn là vua một nước, bạn sinh ra và lớn lên trong một nền văn hóa được mặc định dành cho bạn, và bạn xuất chúng nhất. Cái kiêu hãnh đó rất khó thay đổi. Tôi tin rằng đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay, Minh Mạng vẫn tin mình đúng.
Nhưng

Chỉ đúng trong phạm vi hẹp.
Và chỉ đúng trong thế kỷ … 15.
Chứ không phải thế kỷ 19 ông đang sống.
Nếu thế kỷ 19 ấy, sinh ra Hồ Quý Ly thì đã khác. Còn thế kỷ 15 đó, thay Hồ Quý Ly bằng Minh Mạng thì đã khác.

Giờ đã hiểu vì sao tôi luôn nói “Lịch sử Việt Nam toàn những chữ "Nếu" đau lòng” rồi chứ?
Trí tuệ đổi mới của Hồ Quý Ly , niềm đam mê kỹ thuật và toán học của cha con Hồ Quý Ly – Hồ Nguyên Trừng nếu gặp được kỹ nghệ phương tây thế kỷ 19 thì y như “cá gặp nước” là cái chắc. Và sự thịnh trị đến kiệt xuất về Nho Giáo của Minh Mạng mà đặt ở thế kỷ 15, thì đảm bảo đưa đất nước ta đến cái thịnh trị ở thế kỷ 15, tạo nền tảng kéo dài cho đến sau này. Và không phải chịu một khoảng hẫng lịch sự vì cuộc xâm lược của nhà Minh.

Ta luôn trách Minh Mạng rằng cớ sao trong cái giai đoạn đổi mới đó. Ngài lại chọn Nho giáo để phòng thủ. Nhưng ta quên mất ở điểm, Nho giáo dưới thời Minh Mạng ngang ngửa với thời Lê Thánh Tông. Đó là cái xuất chúng nhưng xuất chúng nhầm thế kỷ.
Hồ Quý Ly sinh trước 400 năm, còn Minh Mạng sinh muộn 400 năm. Họ không thể đổi vai cho nhau. Chính là vậy !
Thế thì Nho Giáo có hạn chế gì? Cái ta cảm thông, trách móc hay đau lòng cho cái tên Minh Mạng là sao đây?

Nho giáo có 2 hạn chế: thứ nhất là trọng nông nghiệp và hạ thấp thương nghiệp. Phân tầng trong quan điểm Nho giáo chính là “Sỹ Nông Công Thương”. Thương xếp cuối, mà Thương của thế kỷ 19 chính là xương sống của sự phát triển. Nhưng ta không coi trọng nó, vì ta yêu Nho Giáo. Minh Mạng luôn nhớ lời Gia Long trước lúc lâm chung “Con phải cẩn thận với người Pháp và đừng giao đặc quyền cho họ.” Minh Mạng hạn chế và giết các vị thừa sai, các cha chúa truyền đạo (thứ sẽ là cái cớ để Pháp và Tây Ban Nha nổ súng vào Đà Nẵng năm 1858). Cuối cùng vì hoảng sợ trước phương Tây, ta tạo ra cái gọi là “bế quan tỏa cảng”. Chính điều này lại vô tình đưa đến sự lạc hậu cho 2 quốc gia Trung Hoa và Việt Nam, để rồi bị những quốc gia có nền kỹ nghệ tân tiến và biết giao thương nuốt gọn vào cuối thế kỷ 19.

Điểm hạn chế thứ hai của nho giáo chính là: sau khi tạo nên một lớp nhân tài thời kỳ đầu (chẳng hạn vua Lê Thánh Tông và nhóm nhị thấp bát tú), hay cá nhân Minh Mạng với các bài phú. Và đặc biệt thời Nguyễn có những nhân tài sau. Kiệt tác xuất chúng nhất lịch sử dân tộc: Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, thi sĩ Hồ Xuân Hương, bà với 2 nhân tài quái kiệt Nguyễn Siêu – Cao Bá Quát.
Họ vẫn tin rằng không sao cả, vì giai đoạn ông hùng cường nên đâu có bị xâm lược. Nhưng chính nó sẽ như một con virus ngấm từ từ và sẽ tiêu diệt con cháu ông sau này. Bởi sau lớp nhân tài kia, sẽ sinh ra một lớp tài mà không phải tài. Đó là những con “mọt sách” chỉ biết thơ phú và nói chuyện trên trời dưới biển, lung tung xà beng cả lên. Sự yếu đuối của nho giáo là nguyên nhân khiến sức chiến đấu của họ suy giảm nặng nề. Cũng là lý do họ bại trận trước cái mãnh liệt của phương tây.
Và bi kịch ở chỗ này, Minh Mạng thấy được. Minh Mạng tâm sự với các quan thế này:
“Lâu nay cái học khoa cử làm cho người ta sai lầm, Trẫm nghĩ văn chương vốn không có quy củ nhất định, mà nay những văn cử-nghiệp chỉ câu nệ cái hư sáo khoe khoang lẫn với nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó. Khoa tràng lấy hay bỏ cũng do tự đó. Học như thế thì trách nào nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi. Song tập tục đã quen rồi, khó đổi ngay được, về sau dần dần đổi lại.”

Than ôi ! Nếu thời điểm này mà kiểu tư duy Hồ Quý Ly nắm quyền thì tốt biết bao? Còn Minh Mạng, ông đủ tài để thấy được nhưng tiếc thay ông không dám bước qua. Kiêu hãnh và định kiến đã đẩy Minh Mạng vào thế bị giam cầm trong tư duy, dù cho khả năng của ông lại nhìn ra được cái hạn chế. Triều đại ông không sao, nhưng con cháu và một giai đoạn lịch sử của VN sẽ trả giá sau này.
Tôi cho bạn 1 thông tin đắt giá, đủ để bạn trầm ngâm cả ngày hôm nay: mối quan hệ Việt – Mỹ. Chúng ta hẳn không quên những hình ảnh đẹp mà các tổng thống Mỹ qua thăm Việt Nam. Chúng ta tôn trọng Mỹ và giá trị của họ. Chúng ta còn nhớ bức thư mà Hồ chủ tịch đã gửi cho Harry Truman vào năm 1945 nhưng bị từ chối, đẩy Việt Nam và Mỹ vào một chương sử đẫm máu. Nhưng không ai hay biết rằng, 100 năm trước. Vào các năm 1832 và 1836, Tổng thống Hoa Kỳ thứ 7 (Trump là thứ 45) , ông Andrew Jackson đã gửi đại sứ Edmund Robert sang đàm phán với Minh Mạng về quan hệ mậu dịch song phương cả 2 nước. Khi ấy, Đại Nam là nước đầu tiên mà Hoa Kỳ lựa chọn để phát triển quan hệ ngoại giao ở Á Đông.

Nhưng cả hai lần đều bị Minh Mạng từ chối.
Mọi thứ hóa ra chỉ toàn là những quyết định sai của nhau, đã diễn ra lần đầu từ 200 năm trước.

Lời kết:
Minh Mạng, con đường ông đi có thể miêu tả bằng một đồ thị hình sin, đưa Việt Nam lên đến đỉnh cao của Nho giáo và đặt nền tảng vững chắc của dải đất hình chữ S chính thức nối liền một mối từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Để từ đó cuộc trường chinh của dân tộc từ đất Phú Thọ của vua Hùng đã được ngài hoàn thiện lần cuối. Nhưng ở phía sau của đỉnh cao đó, là con đường diệt vong.
Thời đại ta sống, phải biết nhìn cái đúng để đi theo, và nhìn cái sai để tránh.
Bạn yêu lịch sử, xin đừng bao giờ "phủ nhận sạch trơn". Nhân vật lịch sử như cuộc đời xung quanh bạn. Bạn có thể không thích họ, nhưng phải biết tôn trọng giá trị họ để lại. Đấy là động lực để phát triển.

Minh Mạng càng là một cái tên quan trọng như vậy. Người đã đưa Việt Nam lên đến đỉnh cao chót vót của Đông Nam Á thế kỷ 19. Tâm tư của ông là một tâm tư hoàng đế với tham vọng tạo nên đế quốc Đại Nam hùng cường. Nhưng số phận đã giao cho ông sứ mệnh sai thế kỷ.
Minh Mạng, một nhân tài lớn, một tham vọng lớn. Ở ông đôi khi là một oán trách lớn, nhưng cũng là một cảm thông lớn.

(SaiGon, 19/11/2016)
© Dũng Phan/The x file of history

P/S: Hình ảnh vua Minh Mạng, do người Tây phương vẽ lại theo ký ức. Họ muốn vẽ mão xung thiên của hoàng đế, nhưng vì nhớ không rõ nên vẽ thành hình dạng này. Hoa văn rồng trên áo kiểu trên áo cũng không có ở triều đình Á châu nào.