Thứ Bảy

'Thầy giáo chuyên làm học trò khóc'

Bằng những câu chuyện đầy cảm động và thấu hiểu chính các học trò, người thầy giáo này đã 'đánh thức' những tình cảm, nỗi ân hận vì những lỗi lầm của các học trò thân thương...

Không cuộc nói chuyện nào của thầy Vương mà học trò không khóc. Khóc vì nhiều lý do, có thể vì cảm động, hoặc khóc vì ân hận, hoặc khóc vì thầy nói đúng với nỗi cô đơn đang hiện hữu trong các em...

Hơn 50 buổi nói chuyện của thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương (Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Đà Nẵng, trước là thầy giáo dạy Văn) với hàng vạn học sinh tại các trường THCS, THPT, Trung tâm giáo dưỡng... của cả Đà Nẵng và Quảng Nam đều để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng học trò. Nên mọi người hay gọi đùa thầy Vương là “thầy giáo chuyên làm học trò khóc”.

Thầy Hoàng Vương và những buổi nói chuyện với học sinh THPT, THCS trên địa bàn Đà Nẵng

Giúp nhấn phím “F5” trong tâm hồn mỗi học sinh

Thầy Hoàng Vương bắt đầu làm công việc đi nói chuyện với các trường học trên địa bàn Đà Nẵng theo một chương trình Giáo dục kỹ năng sống - Giáo dục đạo đức cho học sinh vào đầu năm học 2015-2016.

“Tôi không bao giờ quên buổi nói chuyện đầu tiên đó, tại Trường THCS Nguyễn Trãi. Khi ấy, tôi đã chuẩn bị mọi thứ rất kỹ, tìm hiểu tâm sinh lý của các em, những tác động của xã hội tạo nên nhân cách của đứa trẻ, những ứng xử của đứa trẻ, cả cách truyền tải câu chuyện đến với học sinh sao cho gần gũi, chân tình và thuyết phục. Sau buổi nói chuyện đầu tiên đó, tôi bất ngờ vì những học sinh bên dưới ngồi nghe đều khóc nấc, thời gian nói chuyện dài hơn dự kiến một chút, nhưng không có sự chộn rộn vốn có của những đứa trẻ tham gia những hoạt động ngoại khóa!”, thầy Vương kể lại.

Rồi tại buổi nói chuyện tại Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh (Hòa Vang), đang giữa chừng buổi thì trời đổ mưa, nhưng các học sinh không chịu dừng, mà nhao nhao yêu cầu thầy tiếp tục...

Những cuộc trò chuyện của thầy Vương thường bắt đầu bằng những câu chuyện hiếu đạo có thật trong cuộc sống, hay những câu chuyện từ xa xưa của cha ông để lại, và dẫn dắt đến cuộc sống hiện tại. Thầy lồng vào những câu chuyện những đứa trẻ chưa ngoan khiến ba mẹ, thầy cô phải đau khổ và khó khăn như thế nào... Cả những tại nạn không may của những đứa trẻ mê game, sống ảo gây ra những hậu quả không lường được đối với người thân trong gia đình... Lối nói chuyện dí dỏm, không nặng nề, cùng với ngôn ngữ “sưu tầm” của tuổi teen, những câu chuyện đi sâu vào từng học sinh...
Thầy Vương và những buổi nói chuyện đẫm nước mắt học trò
Và các em không cầm được nước mắt khi hiểu được đằng sau những việc làm đôi khi quá vô tình của các em đã để lại những vết thương sâu trong lòng ba mẹ, thầy cô...

“Chỉ đơn giản vậy thôi mà đôi khi trong những bài giảng kiến thức, thầy cô quên lồng ghép những câu chuyện về tâm tư, tình cảm của các em, nên hầu những những tình cảm đó bị chôn lấp. Ngay cả xã hội bây giờ, khi các em lên mạng đọc những thông tin xấu, khiến các em chênh vênh trong việc xác định giá trị xã hội, mà chỉ cha mẹ, thầy cô mới giúp các em hiểu được giá trị đó! Và tôi chỉ làm việc giúp các em nhấn phím “F5” để “refresh” lại tâm hồn các em!”, thầy Vương chia sẻ.
Học trò học nức nở khi nghe những câu chuyện đánh thức tình yêu thương trong mỗi người

Sức lan tỏa từ những buổi nói chuyện đẫm nước mắt

Thầy Vương chia sẻ, những giọt nước mắt của học sinh sau những buổi nói chuyện, đó có thể là nước mắt của tình cảm được đánh thức, có thể là nước mắt của sự hối hận, hoặc nước mắt của việc tìm được giá trị đích thực trong cuộc sống mà các em đang băn khoăn...

Những hiệu quả từ những buổi trò chuyện của thầy Vương được các trường đều đánh giá cao. Còn nhớ, năm học 2015-2016, tại Trường cấp 1, 2, 3 Hermann Gmeiner, có một học sinh 12 mà em đã từng chuyển từ trường công, sang tư, rồi sang trường Hermann Gmeiner, nhưng thầy cô vẫn không tài nào khiến cho em bớt “bất kham”. Sau buổi nói chuyện của thầy Vương, học sinh này bật khóc, sau đó viết cho ba em một lá thư dài 4 trang giấy, với nội dung em muốn xin lỗi ba vì những gì mình đã gây ra, và hứa sẽ thay đổi hoàn toàn, chăm chỉ học tập. Giờ em đã trở thành một sinh viên, hiện đang du học tại Thái Lan.
Và buổi nói chuyện của thầy Vương với học trò hồi cuối năm học 2015-2016 tại Trường THCS Lý Thường Kiệt, không chỉ học sinh mà cả giáo viên nghe cũng khóc nức nở. Một phần vì họ thấu hiểu hơn những góc khuất của học sinh qua các cuộc nói chuyện, phần vì chính những câu chuyện thầy Vương kể "đánh thức" nhiều tình cảm trong lòng họ, quãng đời học sinh họ từng trải qua... Và nhiều học sinh sau khi nghe thầy Vương nói chuyện, chia sẻ, việc đầu tiên khi mình về nhà là ôm lấy mẹ và xin lỗi mẹ, do đã làm mẹ buồn lòng vì những việc mình làm trái mong muốn của mẹ. Tại buổi nói chuyện với học viên Trường Giáo dưỡng Đà Nẵng, các em thiếu niên đang học tập tại đây khóc òa, có em tâm sự: “Con đã ân hận lắm rồi vì những việc mình làm!”.

“Sau buổi nói chuyện, nhiều thầy cô đến tôi nhờ tư vấn để tìm hướng giải quyết cho học sinh của mình. Nhiều trong số đó, là những học sinh ngỗ ngược do thiếu tình yêu thương, thiếu lòng tin... Chỉ cần trao trọn vẹn cho các em những thứ ấy, tức khắc các em sẽ thay đổi. Và thực tế đã chứng minh là vậy...”, thầy Vương nói.

Nguồn: Thanhnien.vn