Thứ Hai

‘Ai đòi rút ngắn Tết, chắc không phải người Việt’

Cũng như em tôi, tôi có một người học trò nghèo khác, hàng năm Tết về cũng mang trong mình những nỗi buồn trĩu nặng.

Tôi đọc những ý kiến chê Tết cổ truyền gây lãng phí quỹ thời gian của lao động, gây nhiều tệ nạn nên rút ngắn lại mà không khỏi chạnh lòng. Tôi nghĩ rằng, những người muốn rút ngắn Tết, thậm chí đề xuất bỏ Tết Cổ truyền chắc có lẽ không phải là người con nước Việt.

Tôi nói vậy bởi lẽ, người Việt từ xưa đến nay luôn mang trong mình sự hào sảng, phóng khoáng. Điều này thể hiện rõ nhất trong các ngày Tết bởi ông cha ta từng nói: “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”.

‘Ai đòi rút ngắn Tết, chắc không phải người Việt’
Vào những ngày đầu năm mới này, chum gạo nhà ai cũng vun đầy, nồi thịt nhà ai cũng ăm ắp bởi người Việt quan niệm đầu năm mới mọi thứ phải tràn trề, dư dả thì cả năm mới no đủ.

Quỹ thời gian dành cho Tết cũng vậy. Người Việt xưa thưởng luôn cho mình “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” để sau một năm dài lao động vất vả, con người và vạn vật có thể nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Vậy tại sao chúng ta lại ra sức tranh cãi, rồi cò kè, thêm bớt 1, 2 ngày nghỉ?

Là một người là lao động xa quê, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương nghỉ Tết dài (10 ngày). Tôi xin kể câu chuyện dưới đây để các bạn hiểu hơn về quan điểm của tôi.

Nhà em họ tôi, hai vợ chồng từ miền Trung vào miền Nam (Bình Dương) làm công nhân. Cuộc sống phải thuê nhà, nuôi con nhỏ với đồng lương công nhân ít ỏi nên khi con của em tôi đã 3 tuổi, cháu vẫn chưa được một lần về quê hương của cha mẹ để cúi lạy tổ tiên.

Bởi người xa quê về ăn Tết ngoài tiền tàu xe, ăn uống còn tiền quà cáp cho cha mẹ. Ngoài ra, bỏ quê đi tha hương cầu thực bao năm lúc về chả lẽ không biếu được hàng xóm gói bánh, điếu thuốc? Tiền mẹ, tiền con, trăm thứ phải chi nên nhà em đành phải ăn Tết xứ người.

Năm 2014, hai vợ chồng thức trắng đêm để bàn nhau gom góp tiền mua vé để cả nhà về quê.

Năm đó, cả nhà em tôi đi xe khách về mất kha khá thời gian. Về nhà chưa hoàn hồn sau chuyến xe ngày Tết, cả nhà lại lao vào bán đào, quất cho ông nội. Đến chiều 30 Tết ngớt việc, vợ chồng mới dẫn con đi chào họ hàng. Ở nội đến ngày Mùng 2 Tết, cả nhà lại dắt díu về ngoại cách đó 150km.

Ở chưa ấm chỗ, tất cả lại vội vã chuẩn bị đồ đạc để lên xe vào miền Nam tiếp tục hành trình lập nghiệp. Đêm cuối chia tay, em tôi có nói một câu mà cha mẹ em bật khóc: “9 ngày Tết như cái chớp mắt. Con chỉ ước nó là 90 ngày để được ở bên cha mẹ thêm chút nữa. Sống xa quê, xa nguồn cội, buồn không ai kể xiết”.

Nhưng đó là câu chuyện của 3 năm trước. Vừa rồi, em gọi điện hỏi thăm, bảo tôi với giọng buồn rầu: “Năm nay nghỉ Tết ít chắc em không về nổi anh ạ. Mua vé tàu xe đã khó lại tốn kém, về được ít ngày mệt người lắm”. Tôi biết, em bảo mệt là nói dối. Có lẽ, em tiếc số tiền xe không ít mà đổi lại chỉ được ở nhà một thời gian ngắn ngủi thì đúng hơn.

Cũng như em tôi, tôi có một người học trò nghèo khác hàng năm Tết về cũng mang trong mình những nỗi buồn trĩu nặng.

Nhà em nghèo, em đỗ đại học là thêm một gánh nặng cho cha mẹ. Cha em ốm yếu, mình mẹ em phải cáng đáng cả gia đình. Nên từ khi ra Hà Nội, em dốc sức vừa học, vừa đi làm thêm để có tiền đỡ đần cha mẹ.

Năm đó vào dịp Tết, em chuẩn bị sắp xếp đồ đạc về quê thì ông chủ gọi. Ông nói người làm thuê ngày Tết đột nhiên nghỉ việc không có ai thay. Ông đề nghị em ở lại làm, đổi lại thù lao là một số tiền không nhỏ.

Em lưỡng lự vô cùng bởi em muốn về nhà ngày Tết. Cả năm nay em đã không về vì bận làm, bận học, hơn nữa mẹ em nhắn là cha em đã ốm lắm rồi. Nhưng nghĩ đến khoản tiền lớn, em đã nhận lời ở lại.

Em nghĩ, ra Tết mình sẽ xin về ít ngày và có số tiền này em sẽ bớt nỗi lo cho gia đình. Nhưng rồi cái Tết năm đó khi nhà nhà vui vầy, sum họp thì cha em mất. Nhận được tin báo em vội vã về trong đêm, nhưng em vẫn không nhìn được ông lần cuối.

Người học trò đó của tôi nay đã là một kỹ sư giỏi ở một tập đoàn lớn của nước ngoài. Mỗi năm dịp Tết đến xuân về, dù có trăm công nghìn việc em vẫn dành trọn khoảng thời gian đó để về quê, về với gia đình.

Tôi biết, cho đến giờ em vẫn chưa thôi tự trách mình, chưa thôi ân hận. Giá như Tết năm đó em về, giá như Tết đó mình đừng nghèo như vậy…

Đất nước chúng ta còn nghèo, tôi cũng đồng ý vậy. Nhưng sau cả năm dài mệt mỏi với công việc, những người con xa xứ hãy về bên cha mẹ, bên mái nhà xưa để sum vầy, báo hiếu.

Với mỗi chúng ta, những người con nước Việt thực sự luôn đau đáu trong mình tình yêu gia đình, yêu nguồn cội thì 10 ngày Tết vẫn chưa đủ để thể hiện tấm lòng đó. Vì vậy, để có kỳ nghỉ Tết vui vẻ và ý nghĩa, trong năm, mọi người hãy cùng ra sức phấn đấu, làm việc chăm chỉ, cải thiện thu nhập để ngày Tết về quê được dư dả. Theo tôi là như vậy.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Độc giả Lê Hưu/Vietnamnet.vn