Thứ Hai

Xin nói “biết ơn” ít thôi

Những loại ngôn từ rỗng tuếch, khuôn sáo và đầy chất “nịnh” cấp trên xuất hiện trong các loại bài phát biểu nhân ngày nọ, ngày kia, rồi tổng kết, sơ kết, rồi đón nhận phần thưởng; rồi lễ hội… ngày càng nhiều và nghe rất chối tai.

Xin nói “biết ơn” ít thôi
Ngày khai trường:

“Nhân dịp khai giảng năm học mới, thay mặt cho toàn thể giáo viên và học sinh của trường, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới lãnh đạo Đảng, Chính phủ, tới lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, Phòng Giáo dục của quận; tới chính quyền địa phương… đã hết lòng chăm lo và tạo điều kiện cho trường… có được như ngày hôm nay…”.

Doanh nghiệp tổng kết năm:

“…Có được kết quả này, trước hết là do được lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương đã chỉ đạo doanh nghiệp kịp thời, sâu sát và giúp đỡ chúng tôi; các cấp chính quyền đã tạo điều kiện hết mức để doanh nghiệp hoạt động… Nhân dịp này, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn…”.

***

Hình như càng ngày cấp dưới càng sợ cấp trên, vì thế, cứ có dịp nào mà “bày tỏ lòng biết ơn” được là phải “bày” ra ngay. Giọng điệu càng lâm li, càng cung kính lễ phép, càng thể hiện sự “biết điều”, rằng “nhờ có cấp trên” thì mới có được như vậy… thì càng được đánh giá là “khiêm tốn”, là “biết trên biết dưới”.

Không ít doanh nghiệp đang khốn khổ vì bị các ngành, các cấp “hành” bởi đủ thứ thủ tục nhiêu khê rắc rối; bởi thái độ cửa quyền, vô cảm của không ít quan chức; bởi thói nhũng nhiễu của công chức… Nhưng dù trong lòng có cay đắng đến mấy, uất ức đến mấy thì cũng vẫn phải… biết ơn.

Cũng hình như chưa có cấp trên nào khi phát biểu với cấp dưới lại dám nói:

“Thành công này là của các doanh nghiệp, mà đầu tiên là thuộc về người đứng đầu. Lẽ ra, kết quả còn khá hơn nữa, nếu như chúng tôi (hoặc tôi), đã tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động thông thoáng hơn… Nếu như chúng tôi không quan liêu, gây khó dễ cho đơn vị trong việc giải quyết việc…”.

Và cũng chắc chắn rằng, chưa có cấp dưới nào phát biểu trong một buổi tổng kết, sơ kết dám phê phán cấp trên, hoặc ban nọ, ngành kia đã “hành hạ” mình. Nếu có, thì cũng chỉ dám “gãi” vài câu đãi bôi “tuy nhiên, đơn vị cũng có gặp một vài khó khăn mà do hoàn cảnh khách quan”.

Chúng ta vẫn quen lệ, nói gì, làm gì, cũng không được quên công ơn bề trên và nhất nhất, mọi thành quả của doanh nghiệp, của đơn vị đều do có “cấp trên”. Và nói gì thì cũng phải là “kim chỉ có đầu” và nguyên nhân làm nên thắng lợi, trước hết thuộc về lãnh đạo cấp trên.

Người Việt ta có câu “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đúng là để nói cho vừa lòng, nói cho vui tai, nói cho sướng miệng… thì chỉ còn mỗi cách là nói dối.

Căn bệnh hình thức ngày nay xem ra mỗi lúc một trầm trọng.

Hình thức trên khắp các ngả đường, chỗ nào cũng băng-rôn, khẩu hiệu, cũng nhan nhản những từ “nhiệt liệt”, “quyết tâm”, “ra sức”… Không hiểu ngành văn hóa có tổng kết rằng, mỗi năm nước ta tốn bao nhiêu tiền cho các loại

băng-rôn, khẩu hiệu này không? Thôi thì vào ngày lễ lớn, ở vài địa danh quan trọng, treo một ít cũng là để nhắc nhở… Nhưng treo khắp nơi khắp chốn, treo cả trên tuyến đường cao tốc, nơi mà xe cộ chạy như điên thì ai còn có mắt mà đọc? Rồi có những backdrop chữ thì nhỏ, mà lại dài đến cả dăm chục từ thì đọc sao được và chắc chắn, chẳng có ai đang đi xe máy lại dừng xe... để đọc.

Chưa hết, có những khẩu hiệu mà ý nghĩa thực sự chỉ là sự kiện diễn ra trong vài ngày, thậm chí là một ngày, nhưng vẫn cứ được treo, được giăng lên sau hàng tháng trời. Cứ để ý mà xem, đến bây giờ gần 4 tháng đã qua, mà ở tại các thành phố, vẫn không hiếm tranh cổ động, áp-phích cổ vũ cho bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp được treo, thậm chí có trụ sở vẫn băng-rôn “Mừng Đảng, mừng Xuân…”.

Bệnh hình thức thứ hai là khi có hội nghị, là giới thiệu phải “thật đầy đủ”, thậm chí, phần giới thiệu có khi chiếm cả dăm bảy phút, mặc dù từ rất lâu, đã có quy định là chỉ giới thiệu người có chức vụ cao nhất… Bao giờ cũng phải là có đủ mặt cán bộ Trung ương, đủ mặt lãnh đạo địa phương, rồi tới các tổ chức chính trị, đoàn thể… Những người được giới thiệu thì chả biết có sung sướng gì không, chứ người đi dự thì khổ vì phải… vỗ tay! Vài người đầu, có chức vụ cao thì tiếng vỗ tay còn nồng nhiệt, nhưng càng về sau, tiếng vỗ tay càng rời rạc và chiếu lệ.

Bệnh hình thức nữa là khi có lãnh đạo đến đơn vị kiểm tra công tác, hoặc đến “thăm chơi cho biết”, thì lại cũng có backdrop “nhiệt liệt chào mừng” (gần đây, các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ xuống làm việc với cơ sở, không thấy có “nhiệt liệt chào mừng” nữa).

Cũng có không ít vị lãnh đạo đã tỏ ra khó chịu, khi được cấp dưới tung hô, nịnh bợ bằng những ngôn từ rỗng tuếch, nhạt như nước ốc… Nhưng họ cũng không đủ dũng cảm để yêu cầu cấp dưới chấm dứt kiểu xu nịnh, kiểu nói “đãi bôi” và đủ dũng cảm để khước từ sự “chu đáo quá mức cần thiết” đối với mình. Mà cũng khổ một nỗi là quan chức nghe nịnh mãi rồi cũng thấy quen tai… Rồi khi không được nghe những ngôn từ ấy, lại thấy… thiêu thiếu. Bởi dù sao, lời nói ngọt cũng dễ nghe hơn lời nói thật mà đắng.

Và căn bệnh hình thức trong các loại phát biểu, các diễn văn, thậm chí là trong cả… điếu văn thì vẫn cực kỳ phổ biến và xem ra ngày càng được “ưa chuộng”. Mà chối tai nhất là những lời sáo mòn, khuôn mẫu và dĩ nhiên, người nghe sẽ đọc được những điều giả dối, trong cái sự “biết ơn” ấy.

Chúng ta cứ nói xa xả nào là phải “của dân, do dân và vì dân”… Nhưng dân thì có mấy khi được cấp trên “biết ơn” đâu? Lãnh đạo các cấp của chúng ta bấy lâu nay không hiếm người coi mình là đứng trên dân, đứng trên tất cả. Và mọi việc làm của mình cho cấp dưới là như sự “ban ơn”, mà không thấy rằng, trách nhiệm của họ là phục vụ dân, phục doanh nghiệp… Không có chuyện ơn huệ gì ở đây mà chỉ có trách nhiệm.

Ngày khai trường đã diễn ra trên cả nước. Rất mong các thầy, các cô và các quan chức ngành giáo dục đừng bắt học sinh nghe các vị thêm những “biết ơn” và những lời hứa suông trong năm học mới!

N.T/ Báo Năng Lượng Mới