“Chính phủ không đi bán bia, bán sữa. Những lĩnh vực ấy Chính phủ và ngân sách Nhà nước không cần nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn, thì để cho tư nhân làm!”.
Thủ tướng yêu cầu Habeco và Sabeco phải niêm yết sớm trên sàn chứng khoán... |
Phải niêm yết sớm
Truyền đạt lại những chỉ đạo của Thủ tướng, chiều 31/8, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói, việc cổ phần hóa và bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm giữ là vấn đề rất quan trọng, được dư luận quan tâm.
Chủ trương cổ phần hóa là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Chính phủ cũng xác định tinh thần sẽ không khống chế các doanh nghiệp, chỉ cần làm sao vẫn giữ được thương hiệu quốc gia, thu được lợi ích cao nhất, hiệu quả cao nhất cho Nhà nước, từ đó sử dụng nguồn tiền thu về một cách minh bạch.
Sau khi cổ phần hóa, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải niêm yết trên sàn chứng khoán. Hiện nay Sabeco và Habeco chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, đây là trách nhiệm của hai doanh nghiệp không thực hiện đúng tinh thần của luật. Luật đã quy định, đã tất cả các doanh nghiệp thuộc diện này đều phải niêm yết, không phải chuyện muốn hay là không.
Do vậy, mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu hai tổng công ty này phải niêm yết sớm.
Thông tin thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo việc thoái vốn tại Habeco và Sabeco phải thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong quá trình thoái vốn và gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, cổ đông.
Đồng thời, phải tiến hành niêm yết cổ phiếu của hai đơn vị này trước khi thực hiện việc thoái vốn, tổ chức thuê tư vấn, kể cả tư vấn nước ngoài để bảo đảm chính xác, minh bạch.
Thu về 49.900 tỷ từ thoái vốn
Tại Habeco, trước đây là doanh nghiệp đã được cổ phần hóa nhưng Nhà nước nắm giữ 81,79% vốn điều lệ, người lao động giữ 0,56% và các cổ đông khác giữ 1,88%, nhà đầu tư chiến lược Carlsberg nắm giữ 15,77%, nhưng Thủ tướng Chính phủ đã cho phép bán thêm 5,77% cho nhà đầu tư chiến lược này.
Về Sabeco, cổ phần do Nhà nước hiện nắm giữ là 89,59% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, do quy mô vốn của Habeco và Sabeco khác nhau nên Bộ Công Thương đã trình lộ trình thoái vốn của từng doanh nghiệp cũng khác nhau.
Dự kiến, đối với Habeco, sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước (81,79%) tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm 2016.
Đối với Sabeco, do vốn lớn nên Bộ Công Thương đề nghị thoái vốn chủ sở hữu Nhà nước theo lộ trình làm hai đợt, đợt 1 bán 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng trong năm 2016. Đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi Sabeco đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Về phương thức bán sẽ thực hiện thoái vốn theo quy định hiện hành của pháp luật, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Chống độc quyền và một số quy định pháp luật khác.
Về giá bán, sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập có kinh nghiệm và có thể là tư vấn nước ngoài theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thẩm định giá cổ phiếu của hai doanh nghiệp này tại thời điểm bán làm căn cứ công bố giá khởi điểm trước khi thực hiện đấu giá. Trong trường hợp Habeco và Sabeco đã niêm yết, có thể lấy giá giao dịch trên sàn để tham chiếu khi xem xét xác định giá khởi điểm để đấu giá.
Đối tượng mua là các nhà đầu tư trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần kinh tế, ngành nghề kinh doanh đều có thể tham gia đấu giá.
Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Habeco và Sabeco thực hiện niêm yết cổ phiếu. Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ triển khai các công việc để thực hiện thoái vốn.
Cụ thể là thuê tư vấn trong và ngoài nước để tổ chức thẩm định giá trị cổ phiếu, xây dựng phương án thoái vốn, tổ chức thoái vốn theo đúng quy định pháp luật và tinh thần của Chính phủ là công khai, minh bạch theo đúng cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
Theo Vneconomy