Thứ Bảy

Đồng chí này con đồng chí nào?

Chuyện xảy ra mới đây tại một buổi lễ có truyền hình trực tiếp. Khi một cán bộ trẻ được xướng danh bước lên sân khấu, dưới hàng ghế khách mời, lập tức một đại biểu quay sang hỏi ngay một đại biểu khác: Đồng chí này con đồng chí nào?

Đồng chí này con đồng chí nào?
Rõ ràng người nói không quan tâm gì lắm đến đồng chí này (là ai, học hành thế nào, phấn đấu ra sao) mà trọng tâm câu hỏi là nhắm vào đồng chí nào? Loại “phản xạ có điều kiện” ấy đang phản ánh một thực tế hiện nay khi “một bộ phận không nhỏ” con em lãnh đạo đã trở thành lãnh đạo!

Chuyện con em lãnh đạo làm lãnh đạo, nước nào mà chả có. Bên xứ Tàu, nhiều thời có hẳn chính sách “tập ấm” chuyên dành để ban phát chức tước cho con cháu vua quan. Dân Mỹ gần đây thường hỏi sao có lắm các ngài Kennedy, Bush, Clinton làm thống đốc, làm nghị sĩ đến thế.

Đó là phúc hay họa, cát hay hung của non sông xã tắc, người xưa đã bàn nhiều trong sử sách, đám hậu sinh hôm nay nếu có chút nghĩ ngợi, giỏi lắm cũng chỉ là mon men việc được việc mất của một đời người...

Dĩ nhiên “không ai chọn cửa sinh ra”, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi rằng nếu mình là con em lãnh đạo thì sẽ được hưởng lợi những gì hay không?

Câu hỏi này thật ra không phải để hỏi, vì hiển nhiên là được quá đi chứ! Ít nhất cũng là ba điều sau đây:

Một là, thường được sống đời no đủ, cơm ngon áo đẹp, vật lạ của sang, từ tấm bé đã không cần bận tâm đến chuyện sinh kế, càng nói chi đến việc mưu sinh.

Hai là, thường được quan tâm chăm sóc, được nâng trứng hứng hoa, không chỉ từ trong nhà mà cả ra ngoài ngõ, ai ai cũng một lòng chiều chuộng.

Ba là, đây mới là điều quan trọng nhất, tạo nên sự khác biệt chủ yếu, được ưu tiên: con đường quan chức được dọn sẵn và cơ hội thăng tiến không chỉ trong tầm tay mà còn thật nhanh chóng, rồi từ đó tiền tài, danh vị cứ thế mà chảy tràn...

Cho nên, dân gian, không rõ tại bàn nhậu hay từ quán cà phê, đã bày mưu dựng chuyện. Chuyện như sau: một vị lãnh đạo trả lời báo chí rằng là chúng tôi không hề ưu tiên ưu tiếc gì cho cháu nó, rằng em nó cũng phải phấn đấu từ cấp thấp nhất như mọi người, rằng là mọi thứ đều bảo đảm “ba đúng ba quy”: đúng quy định, đúng quy trình và đúng quy hoạch.

Rằng bạn ấy cũng phải bắt đầu vào làm bảo vệ của cơ quan, rồi luân chuyển làm nhân viên văn phòng, sau đó phấn đấu trở thành phó phòng hành chính, rồi lên chức trưởng phòng, rồi phấn đấu trở thành phó giám đốc, nay được đề bạt làm giám đốc, dứt khoát mọi thứ đều rất minh bạch, rất công khai.

Nhà báo hỏi: Thưa, toàn bộ quá trình đó diễn ra trong bao lâu? Lại đáp rằng cũng khá lâu, khoảng chừng... sáu, bảy tháng! Tất nhiên đây là chuyện đùa.

Nhưng rõ ràng có người đã được sinh ra dưới ngôi - sao - sướng. Thực tế, những cái có được không chỉ do công phu chuẩn bị của các đồng chí nào, nhiều trường hợp còn là sự tích cực tận dụng, khai thác tối đa nguồn vốn vô giá từ uy thế cha anh của một số đồng chí này!

Dù vậy, nếu đã rèn luyện thành thục “tư duy phản biện”, cũng nên đặt ra một phản đề: cái được thì đã rõ, vậy chớ có cái mất không, có cái gì không được không?

Những thứ đã nêu trên, nhà diễn thuyết người Úc Keith Abraham gọi là sự giàu có ngoại thân (wealth external) có thể cân đong đo đếm bằng sổ hồng, sổ đỏ, cổ phiếu, tài khoản, xe cộ, biệt điện, du thuyền, khu vực sinh sống, bậc thang chức vụ, mức độ nổi tiếng...

Đây cũng là thứ mà thiên hạ dùng làm tiêu chuẩn để đánh giá nhau. Nhưng, vị chuyên gia “lắm chuyện” này còn chỉ ra một thứ tài sản khác: sự giàu có nội tại (wealth internal) vốn được đo bằng lòng tự hào về giá trị bản thân, là hạnh phúc bên trong dành cho chính mình, với ý nghĩa về những việc ta đã làm, với sự khác biệt mà ta tạo ra cho xã hội!

Oái oăm thay, cái ta có không phải lúc nào cũng song hành với cái ta là. Cho nên, trong nhu cầu khát khao tự khẳng định mình, thông thường nhiều đồng chí này luôn che giấu một nỗi đau sâu kín: cái mình nhận được chỉ là sự tôn trọng giả tạo, thói đời hẳn không ai nói ra nhưng thiên hạ vốn không tin, không phục, không trọng cái tâm, cái tài, cái đức của mình, rằng ta không xứng với những gì mà ta đang hưởng, rằng ta chả là gì so với những gì đã tạo ra ta!

Đâu dễ dàng khi có được niềm hãnh diện chính đáng về bản thân mình! Một số người quyết chọn một lối đi riêng không có bóng mát, không có thảm trải của cha anh. Cũng có một số người tìm cách tự khẳng định bằng những nỗ lực tự thân gấp bội phần nhưng không phải lúc nào cũng thành công!

Cần biết là, trên thế giới, một số doanh nghiệp vốn coi trọng thực tài thường có một nguyên tắc trong tuyển dụng nhân sự: không tuyển hoặc cho điểm thấp những ứng viên có “vấn đề về lý lịch” - con em các gia đình giàu có, quyền thế!

Lý lẽ rất đơn giản: “hậu duệ mặt trời” thường thiếu kiên nhẫn, thiếu nghị lực, kém thích nghi với hoàn cảnh, không có nhiều kỹ năng cụ thể, khó hợp tác mà quen đòi hỏi, thường ứng xử với người khác bằng thái độ xem thường...

Nghĩ mà xem, trên con đường chinh phục cái tháp nhu cầu ngày càng cao của một đời người, trong khi nhân gian cần đến vài ba chục năm, lại có người đã được hưởng ngay nhiều thứ mà không cần sức lực, cố gắng, phấn đấu hay rèn luyện bao nhiêu. Chính con đường đẩy nhanh, rút ngắn, dọn sẵn đã tước đi cơ hội trải nghiệm, trưởng thành và phát triển bên trong của không ít “con ông cháu cha”!

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Phi Yên (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) có dẫn ra một “quy luật của muôn đời”: cái con người mà anh đòi phải có/tưởng là có càng khác xa với con người thực của anh bao nhiêu, tức cái danh bên ngoài càng khác xa với cái thực bên trong bao nhiêu, thì người ta càng sống trong lo lắng, bất an, đầy ác mộng, nhiều khổ đau và bất hạnh bấy nhiêu, dẫu lúc nào nhìn từ bên ngoài cũng tràn đầy ánh hào quang của quyền lực, danh vọng và tiền của!

Duyên Trường  -  Theo tuoitre.vn