Thứ Tư

Ai được truy đuổi người vi phạm giao thông?

Dân phòng, dân quân, bảo vệ dân phố, công dân, thậm chí cảnh sát giao thông, có được phép truy đuổi người vi phạm giao thông?

Vừa qua, tòa soạn có nhận được đơn xin cứu xét của gia đình bị cáo Vũ Nguyễn Trường Thiên (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) về việc Thiên bị TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt 9 năm tù về tội “Giết người”. Theo đó, Thiên không thuộc nhân sự của tổ tuần tra an toàn giao thông phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một nhưng vì cùng với một dân phòng tham gia truy đuổi người vi phạm giao thông (NVPGT) dẫn đến tai nạn chết người mà bị lãnh án.

Ai được truy đuổi người vi phạm giao thông?
Truy đuổi là cần thiết

Trên thực tế cũng từng có nhiều người tham gia giao thông cùng truy đuổi NVPGT và trong quá trình đó, NVPGT lại gây ra một loạt vi phạm mới với hậu quả có thể nghiêm trọng hơn, điển hình như vụ truy đuổi tài xế taxi ở Hà Nội gây tai nạn rồi bỏ chạy hay như trước đây có vụ 2 dân quân thuộc Ban Chỉ huy Quân sự xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai truy đuổi NVPGT gây tai nạn chết người.
Vấn đề đặt ra là lực lượng nào và trong trường hợp nào có quyền truy đuổi NVPGT?

Theo thạc sĩ Ngô Thế Tiến, nguyên Thẩm phán TAND TP HCM, NVPGT là người công khai, trực tiếp vi phạm pháp luật giao thông nói riêng, vi phạm pháp luật nói chung nên việc truy đuổi NVPGT là cần thiết. Tuy nhiên, để hạn chế nguy hiểm, thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của các thành viên, của xã hội thì pháp luật đã có các quy định cụ thể, như: Phương thức tổ chức tiến hành, phương pháp, quy trình, phương tiện, công cụ hỗ trợ để thực hiện việc truy đuổi; quy trình và giới hạn hành vi của các thành viên khi tiến hành, tham gia truy đuổi tương ứng với hành vi, tính chất, mức độ vi phạm; người tiến hành, người tham gia truy đuổi cần phải biết và thực hiện nghiêm các quy trình, quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ hoặc tham gia…

Cảnh sát giao thông không có quyền truy đuổi

Điều 87, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ: CSGT đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ…

Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA  nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông:  “Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.” Điều 12 Thông tư này cũng quy định rõ các trường hợp được dừng phương tiện. Như vậy không có quy định về việc cho phép CSGT truy đuổi người vi phạm mà chỉ cho phép CSGT, thanh tra giao thông dừng xe của người điều khiển vi phạm lại một cách an toàn.

Tuy nhiên điểm a khoản 1 điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2013 đã quy định “Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh”. Việc truy đuổi đến cùng người vi phạm giao thông bỏ chạy chỉ được đặt ra khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT trong trường hợp có dấu hiệu phạm tội hoặc hành vi nghiêm trọng mà người vi phạm vẫn cố tình bỏ chạy thì vẫn có thể được truy đuổi nhưng phải đảm bảo an toàn. Trường hợp 2 thanh niên trong vụ việc, rõ ràng hậu quả rất đáng tiếc. Và điều cần thiết lúc này là phải xem xét về thẩm quyền của 2 chiến sĩ cảnh sát này, sự việc trên thực tế có đến mức cần thiết để truy đuổi hay không?

Xử lý hậu quả

Trong trường hợp những người bị nạn đã vi phạm quy định về giao thông đường bộ mà cố tình bỏ trốn khi gặp sự truy đuổi, ngăn cản của cơ quan công an thì có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, về hành vi: “Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông”.

Trường hợp này thiệt hại xảy ra là do chính những người này từ hành vi bỏ chạy, nên sẽ không xem xét về tội chống người thi hành công vụ hoặc tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông tại điều 202 Bộ luật hình sự. Nhưng cần xem xét trách nhiệm của 2 chiến sĩ công an nếu truy đuổi người vi phạm giao thông quá mức cần thiết dẫn đến hậu quả bị tai nạn thiệt mạng.

Trách nhiệm trong trường hợp này có thể là trách nhiệm kỷ luật vì vi phạm quy định khi truy đuổi không đảm bảo an toàn hoặc trong trường hợp không cần thiết.

Việc cố tình truy đuổi trong điều kiện không an toàn, sau đó để xảy ra thương tích đối với người vi phạm thì sẽ bị xử lý. Tùy theo kết quả điều tra việc để xảy ra hậu quả là vô ý hay cố ý thì sẽ có biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật.

Nếu vô ý thì có trách nhiệm bồi thường dân sự, nếu cố ý và thương tích của người vi phạm lỗi nhẹ đó bị nặng từ 11% trở lên thì có thể khởi tố theo tội cố ý gây thương tích theo điều 104 Bộ Luật hình sự.

Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay.

Theo Người Lao Động