Nếu xã hội mà như cái chợ, “cái gì cũng mua, cũng chạy, cũng tiền” thì tất nhiên, việc cán bộ tha hóa trở thành những “ông vua con”, những “cường hào mới” và người dân chán nản là điều tất yếu.
“Cường hào mới” là cụm từ chỉ một số cán bộ biến chất, từ “giai cấp” cống hiến, tiến tới phục vụ nhân dân rồi tha hóa thành “cai trị”, “đô hộ” dân. Thật ra, cụm từ này không mới. Nó xuất hiện từ cuối những năm 80 của thế kỉ trước, hình như từ sau thiên bút ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì?” của cố Nhà văn Phùng Gia Lộc. Gần đây, nó xuất hiện ngày càng nhiều với tần suất khá cao và được chính những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước nói ra.
Nạn dịch ‘cường hào mới’ đe dọa sự phát triển của đất nước |
“Tham nhũng đang là quốc nạn thật sự, hủy hoại mọi sự tốt đẹp, kìm hãm phát triển, gây mất niềm tin và an ninh xã hội. Do đó, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của TP.HCM là phải loại ra khỏi bộ máy những người tham nhũng, nhũng nhiễu dân, những “cường hào mới”. Ông Thăng nói.
Cách đó không lâu (ngày 27/5), tại Hội nghị toàn quốc về công tác dân vận do Ban Dân vận Trung ương tổ chức tại Hà Nội, sau khi nêu bật những thành tựu đã đạt được cũng như khẳng định sự đúng đắn trong đường lối, TBT Nguyễn Phú Trọng nói:
“Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một “ông vua con” ở đấy. Thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng”.
Phải nói thẳng ra, nhiều người trong số “được” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là “ông vua con” và Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng gọi là “cường hào mới”, về danh nghĩa, họ vẫn là những người đồng chí, nói cụ thể hơn, họ vẫn khoác trên mình hai chữ “đảng viên” và tất nhiên, là những đảng viên có quyền, có chức.
Thế nhưng họ đã phản bội lại đồng chí của mình, phản bội lại lý tưởng mà họ từng tuyên thệ.
Vì thế, việc loại bỏ họ ra khỏi đội ngũ là điều cần, rất cần thiết không chỉ cho sự phát triển của đất nước mà còn vì sự trong sạch cần thiết của một chính đảng cầm quyền.
Song, công bằng mà nói, dù có nhiều nỗ lực thì sự việc loại bỏ số người này vẫn chưa hiệu quả khiến công cuộc phòng chống tham nhũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ đó, dẫn đến sự suy giảm niềm tin của nhân dân vào công cuộc này như lời của ông Nguyễn Sinh Hùng khi còn làm Chủ tịch Quốc hội: “Hay người ta chán rồi?”.
Tại cuộc hội thảo ngày 3/6 nói trên, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, bà Phạm Phương Thảo cũng nhìn nhận vấn đề chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm làm chưa tốt.
“Những vấn đề liên quan đến lợi ích là gì? Bây giờ cái gì cũng mua, cũng chạy, cũng tiền, và thực trạng luân chuyển cán bộ cũng vậy. Làm cái gì để chống cái đó, để tạo niềm tin cho nhân dân…”. Bà Thảo nói.
Vâng! Nếu xã hội mà như cái chợ, “cái gì cũng mua, cũng chạy, cũng tiền” thì tất nhiên, việc cán bộ tha hóa trở thành những “ông vua con”, những “cường hào mới” và người dân chán nản là điều tất yếu, phải không các bạn?
(Theo Dân Trí)