Cứ 10 lần cởi áo mổ ra, thì phải có đến 9 lần áo ướt sũng mồ hôi. Ý định ngày mai sẽ bỏ nghề cứ lớn dần, cho đến lúc được vạ vật đâu đó, chợp mắt được vài phút.
Thấy tôi hay đi nước ngoài, nhiều bạn nói, làm bác sĩ sướng thật.
Đúng vậy, bác sĩ thường xuyên được tham dự các buổi hội thảo tại các khách sạn 5 sao, lại hay được đi nước ngoài
Mới cách đây vài giờ, ngồi bên tòa tháp cao nhất thế giới, ngắm nhạc nước có cột nước phun lên cao nhất thế giới, thưởng thức những món ăn nổi tiếng thế giới, thầm nghĩ, làm bác sĩ sướng thật.
Làm bác sĩ ở Việt Nam sướng hay khổ? |
Ở hầu hết mọi nơi, đối với đa số người, bác sĩ vẫn là biểu tượng của sự hiểu biết, của sự tinh tế, và thường, chỉ cần mang danh bác sĩ là đã được nể trọng chút ít.
Làm bác sĩ, còn hay được thưởng thức các món đặc sản, sơn hào hải vị ở nhiều vùng miền khác nhau, do người bệnh và người nhà người bệnh biếu…
Còn nhiều cái sướng của bác sĩ mà không thể kể hết ra đây. Thế nhưng…
Khi lên Tây nguyên, gặp các bác sĩ tại chỗ. Một bác sĩ là Phó Giám đốc của Trung tâm y tế huyện, ra trường mười mấy năm, khoe một cách thật tự hào là đã được 2 lần dự hội nghị, một lần xuống tận Sài gòn, lần kia thì ở ngay tỉnh nhà.
Gặp hàng chục bác sĩ khác, chỉ có một bác sĩ được đến Sài Gòn một lần để học mấy tháng.
Đến Hongkong tham dự khóa tập huấn vài ngày, vậy mà không có lúc nào được đặt chân lên mặt đất. Từ sân bay, đi ra ở lầu cao, xe chở thẳng về khách sạn.
Lễ tân khách sạn ở lầu 4, phòng ngủ ở lầu 20, họp hành, làm việc ở lầu 5, ăn uống ở lầu 4. Xong, từ lầu 4 khách sạn ra thẳng lầu 2 sân bay, đi vào ống, lên máy bay, bay về Việt nam.
Đến Las Vegas 6 lần, ở đó tổng cộng khoảng gần 30 ngày, mỗi ngày đi qua sòng bài ít nhất là 3, 4 lần, vậy mà chưa bao giờ chơi bài. Khi thì không có thời gian, khi thì mệt mỏi rã rời, lúc lại phải dành sức cho hội nghị, học hành.
Đổi lại với những phút bên tòa tháp cao nhất thế giới, hay cảm giác ngộp thở khi lao đi với tốc độ 200km/h trên xa lộ Đức, là những lúc mà bộ quần áo trên mình ướp mùi formol của phòng xác.
Khi mang về, tự tay giặt rồi, mà vẫn bốc mùi đầy phòng khách sạn. Đã không ngủ được, lại còn bị mấy cô dọn phòng soi mói, dò xét.
Trong những lần đi Nhật và đi Mỹ đầu tiên, phần lớn thời gian rảnh là vào các thư viện. Dành một số tiền mua quà từ Việt nam để làm quen với các cô thủ thư, mong họ cho sử dụng máy photocopy để photo sách và các bài báo.
Có lúc hít cái không khí đầy mực photo liên tục mấy ngày liền, cổ họng khô rát, hai lỗ mũi nghẹt cứng.
Mãi sau này có tiền mới dám mua sách, báo, đỡ phải photo, lại mang tiếng vi phạm bản quyền.
Hai mươi năm đầu sau khi ra trường, không có cái Tết nào mà không phải trực. Đa phần các ca trực là phải thức trắng. Bao nhiêu lần vừa mổ vừa ngáp, vừa cằn nhằn, rằng sao rửng mỡ không ngủ, ăn nhậu xỉn, rồi đua xe, hành mọi người khổ đến thế này.
Ý định ngày mai sẽ bỏ nghề cứ lớn dần, cho đến lúc được vạ vật đâu đó, chợp mắt được vài phút.
Ngay cả những ngày không trực, có khi, cả thời gian dài chỉ ngủ mỗi ngày chừng 4 giờ. Ngoài làm việc ở bệnh viện còn phòng mạch, và phải đọc sách, đọc báo chuyên ngành, nghiên cứu.
Có lúc gặp bệnh khó, phải đọc hàng trăm trang sách tiếng Anh, phải hiểu thấu đáo chỉ trong 1, 2 ngày.
Cứ 10 lần cởi áo mổ ra, thì phải có đến 9 lần áo ướt sũng mồ hôi. Vậy mà khi máy lạnh hư, bác sĩ gây mê bắc cây quạt cho, lại cương quyết đòi tắt đi, trong khi một cô điều dưỡng phải đứng lau mồ hôi liên tục.
Vì nếu bật quạt trong phòng mổ, khả năng bệnh nhân bị nhiễm trùng sẽ rất cao.
Rồi những lúc biết bệnh nhân bị AIDS nhưng vẫn phải mổ, biết bệnh nhân đang ghi âm và chơi trò câu chữ nhưng vẫn phải ngọt nhạt, biết rằng nếu ca mổ thất bại mình sẽ phải “lên thớt” nhưng vẫn không thể nói không…
Tất cả những điều đấy vẫn không là gì so với sự ám ảnh mà những ca bệnh chết ngay trên tay mình mang lại. Sự ám ảnh đôi khi xuất hiện ngay cả lúc đang vui, cả lúc đang ở bên gia đình, người thân.
Làm bác sĩ sướng hay khổ? Thử đi rồi biết.
Theo Tri Thức Trẻ