Thứ Hai

Hơn 5.500 cuộc đình công ở VN không có cuộc nào do công đoàn tổ chức

Từ năm 1994, Việt Nam đã ghi nhận hơn 5.500 cuộc đình công tự phát, nghĩa là không có cuộc đình công nào do công đoàn tổ chức.

Hàng ngàn công nhân công ty Pouchen đình công. Ảnh: Thanh Niên.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra thông cáo chung tại Diễn đàn Quan hệ lao động Việt Nam lần thứ 1, đồng tổ chức với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào ngày 19/4 tại Hà Nội.

Thông cáo chung nêu rõ: “Chúng tôi cam kết hợp tác với các đối tác trong việc tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các nguyên tắc trong Tuyên bố 1998 của ILO về Các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lĩnh vực lao động, bao gồm nỗ lực nghiên cứu khả năng phê chuẩn các công ước cơ bản còn lại của ILO”.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho biết: Trong số 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam tham gia, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên bao gồm các điều khoản về lao động.

TPP không không tạo ra bất kỳ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới nào, nhưng cũng như FTA Việt Nam-EU, đòi hỏi Việt Nam thông qua và duy trì trong luật pháp, quy định và thực hành những quyền được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO, bao gồm tự do liên kết, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết: “Việt Nam sẽ phải thực hiện một cuộc cải cách quan trọng, đặc biệt là hệ thống quan hệ lao động, nếu Việt Nam muốn đủ điều kiện để hưởng lợi về kinh tế từ TPP”.

Trọng tâm của yêu cầu của TPP là Việt Nam cần tôn trọng nguyên tắc tự do liên kết và đây được coi là phần khó nhất trong chương lao động của TPP. Hiện nay, mọi tổ chức công đoàn tại Việt Nam đều phải thuộc Tổng LĐLĐVN.

Khi gia nhập TPP, người lao động sẽ có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn ở cấp doanh nghiệp. Các tổ chức này có thể có hoặc không thuộc Tổng LĐLĐVN.

Kể từ khi Bộ Luật Lao động năm 1994 được thông qua, Việt Nam đã ghi nhận hơn 5.500 cuộc đình công. Tất cả đều là đình công tự phát, nghĩa là không có cuộc đình công nào do công đoàn tổ chức.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định: “Ở tầm quốc gia, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, bổ sung luật pháp quốc gia cho tương thích với những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Việt Nam cũng phải xây dựng, tổ chức bộ máy, cơ chế, thiết chế và dành những nguồn lực cần thiết để thực thi có hiệu quả các cam kết đó”.

Theo VOV.VN