Nhiều "ông lớn" sốt sắng nhảy vào cuộc đua thâu tóm Keangnam Hanoi Landmark Tower nhưng người chiến thắng lại là gương mặt xa lạ.
Keangnam Hanoi Landmark là tòa nhà cao nhất Việt Nam. Công trình nhiều tai tiếng này được xây dựng vào năm 2011 với tổng chi phí mà đầu tư là khoảng 1.200 tỷ won (tương đương 1,1 tỷ USD). Dù căn hộ của Keangnam được bán ra với giá cao ngất ngưởng nhưng Keangnam đã phải vật lộn với nợ nần để có thể hoàn trả 530 tỷ won cho các chủ nợ.
Chủ nhân thực sự của tòa tháp Hanoi Landmark Tower là ai? |
Trong cuộc họp Hội đồng quản tri diễn ra cuối tuần trước, Mirae Asset Securities đã quyết định bắt tay với tập đoàn AON BGN rót tổng cộng 500 tỷ Won vào Keangnam Landmark 72. Trong đó, Mirae Asset Securities sẽ dùng 300 tỷ Won để mua lại các khoản nợ cao cấp và 100 tỷ Won mua trái phiếu chuyển đổi của tòa tháp.
AON BNG sẽ góp 100 tỷ Won còn lại vào thương vụ thâu tóm. Như vậy, số tiền mà Mirae Asset Securities rót vào Keangnam Hanoi Landmark vượt trội so với AON BNG. Đây là khoản đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Mirae Asset Securities.
Mirae Asset Securities giải thích tập đoàn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những lĩnh vực có thể tạo lợi nhuận tốt hơn. Đó là trái phiếu chuyển đổi và các khoản nợ cao cấp.
Quyết định đầu tư này được đưa ra ngay sau khi Chủ tịch Mirae Asset Group, ông Park Hyun-joo yêu cầu tập đoàn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Các nhà quan sát cho biết vị chủ tịch này có vai trò rất quan trọng trong thương vụ này.
Mirae Asset Securities được thành lập từ năm 1997, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính, chứng khoán, bảo hiểm…tại Hàn Quốc, HongKong, Singapore, Ấn Độ, Anh, Việt Nam….
Tại Việt Nam, Mirae Asset đã nhận chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Wealth Management vào tháng 11/2015. Mới đây, công ty này đã được tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng.
Những “ông chủ tin đồn”
Đầu tháng 5/2015, tờ báo kinh tế Hàn Quốc Hankyung cho biết tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark 72 được Tòa án Hàn Quốc, thông qua công ty quản lý bất động sản Colliers International, rao bán ở mức 830 tỷ won (khoảng 770 triệu USD).
Nhiều thông tin cho rằng Qatar Investment Authority đưa ra mức giá 600 triệu USD cho tòa nhà này nhưng sau khi Tòa Án Hàn Quốc công bố mức giá 770 triệu USD thì quỹ này cũng đã tăng mức giá đề nghị mua bằng mức giá phán quyết của tòa.
Tuy nhiên, theo thông tin trên tờ nhật báo JoongAng Daily ngày 16/5, cơ quan truyền thông của Quỹ đầu tư Qatar đã chính thức gửi email tới tờ nhật báo JoongAng Daily của Hàn Quốc để khẳng định không có bất kỳ sự mua bán nào với Keangnam Enterprises.
Trong email có đoạn viết: "Cơ quan đầu tư của Quỹ đầu tư Qatar đã không cố gắng để mua lại Landmark 72 Tower tại Hà Nội, Việt Nam". "Tất cả các báo cáo ngược lại đều là sai và sẽ bị phủ nhận", QIA nhấn mạnh.
Và rồi việc mua bán Keangnam chìm vào quên lãng nhưng “nóng” trở lại vào đầu năm 2016. Hồi tháng 1 năm nay, The Korea Economic Daily (Thời báo kinh tế Hàn Quốc) bất ngờ đăng tải thông tin AON Holdings – tập đoàn tài chính tầm trung của Hàn Quốc trở thành chủ nhân mới của Keangnam từ hồi tháng 12/2015.
Theo nhiều nguồn ngân hàng đầu tư, đơn vị thu xếp bán nợ của dự án Landmark 72 là Samjong KPMG đã chọn AON Holdings cho thương vụ mua lại nợ vay cho dự án này của Keangnam Enterprises. The Korea Economic Daily cho biết có thông tin cho rằng AON Holdings đã chi ra 450 tỷ won (tương đương 382,5 triệu USD) để mua lại khoản nợ của Keangnam.
Trước đó, “cuộc chiến thâu tóm” bất động sản của Keangnam Enterprises diễn ra khá căng thẳng giữa 3 đối thủ mạnh nhất là AON Holdings, Goldman Sachs và Hana Financial Investment. AON Holdings được cho là đã chiến thắng khi trả giá cao. Tuy nhiên, những thông tin mới cho thấy Mirae Asset mới là chủ nhân thực sự của Keangnam Landmark 72.
Khánh An/Vnmedia