Chiến lược, Chiến thuật, Chiến dịch là ba khái niệm áp dụng rất phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên nhiều người thường xuyên lẫn lộn giữa chúng với nhau, thậm chí là những người viết lách chuyên nghiệp. Vậy các khái niệm này là gì và có khác biệt gì?
Chiến lược
Chiến lược là một từ có nguồn gốc từ lĩnh vực quân sự, đó là phương cách để chiến thắng trong một cuộc chiến tranh. Có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng có thể hiểu chiến lược là chương trình hành động, kế hoạch hành động được thiết kế để đạt được một mục tiêu cụ thể, là tổ hợp các mục tiêu dài hạn và các biện pháp, các cách thức, con đường đạt đến các mục tiêu đó.
Phân biệt ba khái niệm Chiến lược, Chiến thuật, Chiến dịch |
Như vậy một chiến lược phải giải quyết tổng hợp các vấn đề sau :
– Xác định chính xác mục tiêu cần đạt.
– Xác định con đường, hay phương thức để đạt mục tiêu.
– Và định hướng phân bổ nguồn lực để đạt được mục tiêu lựa chọn.
Trong ba yếu tố này, cần chú ý, nguồn lực là có hạn và nhiệm vụ của chiến lược là tìm ra phương thức sử dụng các nguồn lực sao cho nó có thể đạt được mục tiêu một cách hiệu quả nhất.
Chiến thuật
Chiến thuật là phương pháp sử dụng để đạt mục đích cụ thể. Chiến thuật được dùng ban đầu với nghĩa là chiến thuật quân sự nhưng sau đó được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác. Từ chiến thuật được sử dụng trong các lĩnh vực có áp dụng lý thuyết như kinh tế, thương mại, trò chơi, và các lĩnh vực thực hành khác như đàm phán, thể thao.
Chiến dịch
Trong quân sự, chiến dịch là toàn bộ các trận chiến đấu diễn ra trên một chiến trường và trong một thời gian, tiến hành theo kế hoạch và ý định thống nhất, nhằm thực hiện mục đích chiến lược nhất định. VD: Chiến dịch Điện Biên Phủ
Trên phạm vi rộng hơn, chiến dịch là toàn bộ những việc làm tập trung và khẩn trương, tiến hành trong một thời gian nhất định, nhằm thực hiện một mục đích nhất định. VD: Phát động chiến dịch phòng bệnh mùa hè; mở chiến dịch truy quét tội phạm trên toàn quốc.
Mối quan hệ giữa ba khái niệm trên
Nếu là người không thường xuyên phải tiếp xúc với ba khái niệm thì có đọc định nghĩa cũng chưa chắc hiểu được. Và trong thực tế đôi khi ranh giới giữa chúng chỉ là tương đối. Có thể hiểu đại khái rằng chiến lược là một kế hoạch chung, có tầm bao quát lớn về không gian và thời gian. Để thực hiện kế hoạch chung đó, người ta sẽ áp dụng những chiến thuật cụ thể trong các phạm vi, thời gian cụ thể. Chiến dịch là khái niệm bao gồm các kế hoạch trong một quãng không gian tương đối rộng trong một quãng thời gian, với một mục tiêu cụ thể trong chuỗi các mục tiêu cần đạt được để thực hiện chiến lược.
Trong nghiên cứu lịch sử quân sự, ba khái niệm này thường xuyên được áp dụng để miêu tả các sự kiện, chuỗi sự kiện. Nếu như sử phương Tây khá chú trọng về nghiên cứu chiến thuật thì sử Á Đông thường xao nhãng, tập trung vào chiến dịch và chiến lược. Đối với những người muốn kiến thức lịch sử của mình có hệ thống và vận dụng được vào thực tế cuộc sống, hầu như không còn cách nào khác là phải nắm vững ba khái niệm đã nêu.
Một số ví dụ
Về Chiến lược:
– Việt Nam hóa chiến tranh
– Chia để trị
– Viễn giao cận công ( thân thiện với nước ở xa, đánh nước ở gần )
– Lấy công bù thủ
– Chống tiếp cận
– Phòng thủ, phản công, tấn công … (trong bối cảnh một cuộc chiến)
Về Chiến dịch :
– Chiến dịch Hồ Chí Minh. Mục tiêu: giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975 -1976 (trên thực tế đây cũng có thể xem là một Chiến lược)
– Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu: đánh bại các lực lượng chủ lực cơ động của Pháp, buộc địch phải chịu thua
– Chiến dịch Tây Nguyên. Mục tiêu: chiếm Tây Nguyên làm bàn đạp mở rộng tiến công toàn miền Nam, tiêu hao sinh lực địch …
Về Chiến thuật :
– Tiền pháo hậu xung
– “Nắm thắt lưng địch mà đánh”
– Trực thăng vận
– Thiết xa vận
– Phòng ngự, phản công, tấn công … (trong một trận đánh)
Theo DIỄN ĐÀN LỊCH SỬ VIỆT NAM