Bài học về lòng dân tưởng như đã trở thành kinh điển và mang tính sống còn đối với mọi chế độ nhưng nhiều khi trước ma lực của Quyền và Tiền vẫn bị người ta ngang nhiên phớt lờ đi nếu xã hội thiếu những thiết chế cụ thể để người dân thực sự được cất lên tiếng nói.
Bài viết của TS Phạm Gia Minh.
Có nhiều dẫn chứng trong lịch sử cho thấy khi mà các nhà cầm quyền xa dân – thường là khi họ đặt quyền lợi của phe nhóm mình lên trên đám đông “trăm họ”, bỏ ngoài tai những những lời góp ý ngay thẳng nhiều khi là nghịch nhĩ thì hầu như chắc chắn rằng vận nước đang suy và xã hội khó tránh khỏi những cuộc khủng hoảng sâu sắc.
Đừng giả điếc trước nguyện vọng của nhân dân |
Bài học về lòng dân tưởng như đã trở thành kinh điển và mang tính sống còn đối với mọi chế độ nhưng nhiều khi trước ma lực của Quyền và Tiền vẫn bị người ta ngang nhiên phớt lờ đi nếu xã hội thiếu những thiết chế cụ thể để người dân thực sự được cất lên tiếng nói.
Một trong những thiết chế cơ bản để người dân được “mở mồm nói” tức là thực hiện quyền dân chủ như Bác Hồ diễn đạt một cách nôm na đã được đề ra ngay trong bản Hiến pháp 1946, đó là quyền phúc quyết của nhân dân trước những vấn đề trọng đại. Trong những bản Hiến pháp năm 1959 (điều 53) ,1980 (điều 100) và 1992 gần đây nhất (điều 53, 84) đều có đề cập đến việc trưng cầu dân ý, nhưng trên thực tế cho đến hôm nay sau 64 năm chúng ta vẫn chưa có Luật trưng cầu dân ý và những cơ chế cụ thể để thực hiện luật có tính nền tảng của nền dân chủ nhân dân này.
Những chủ trương phát triển kinh tế – xã hội quan trọng có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của quần chúng nhân dân là những người mà cả con, cháu của họ sẽ nhiều năm phải đóng thuế để trả nợ nước ngoài, thiết nghĩ nên để nhân dân phúc quyết.
Ngày nay trong kỷ nguyên thông tin bùng nổ để người dân góp ý có trách nhiệm với xã hội đòi hỏi họ phải được tiếp cận nhiều thông tin đa chiều, đa dạng và có chất lượng, nhưng xã hội chúng ta còn rất e ngại trước những thông tin có khi chỉ là bình thường nhưng vẫn có thể bị một số cơ quan hoặc cá nhân tùy tiện “liệt ” vào diện “nhạy cảm” hay “mật” và ngược lại những thông tin thực sự mật lại bị dò gỉ một cách vô lối. Chung quy chỉ vì chúng ta chưa có Luật về tiếp cận thông tin.
Khi chấp nhận cơ chế thị trường thì điều không tránh khỏi là sẽ hình thành những nhóm lợi ích khác nhau và những mâu thuẫn quyền lợi giữa chủ và thợ . Người lao động bị quỵt lương, ép làm thêm giờ, nông dân bị quan tham nhiều địa phương bớt xén tiền đền bù giải tỏa, cư dân bị những chủ đầu tư kiểu “Vedan” bắt hứng chịu thảm họa ô nhiễm môi trường v.v …
Những bức xúc đó trong xã hội cần được dư luận và các nhà lãnh đạo biết để kịp thời có biện pháp giải tỏa nhằm giữ được sự phát triển hài hòa và bền vững. Thiết nghĩ đã đến lúc cần có Luật về biểu tình để người dân thể hiện ra một cách có trật tự và văn hóa những bức xúc của mình.
Những luật nêu trên đã được các cơ quan có trọng trách dầy công nghiên cứu và đã hình thành nên nhiều phương án dự thảo. Hơn bao giờ hết, nhân dân rất mong rằng sẽ không có tình trạng “quy hoạch treo hay dự thảo treo” đối với những luật hết sức quan trọng này để chúng sớm được Quốc hội đưa ra thảo luận và thông qua góp phần thiết thực vào công cuộc Đổi mới đang diễn ra từng ngày, từng giờ.
Nếu sớm làm được điều đó thì bản lĩnh của các nhà lãnh đạo sẽ được tỏa sáng và lòng tin của nhân dân càng được củng cố vì mọi người khi đó thấy rằng đã có thiết chế xã hội bảo vệ và khuyến khích họ bày tỏ ý kiến một cách xây dựng.
Đối với chúng ta, đó thực sự sẽ là một bước phát triển về chất.
Theo VIETNAMNET (bài viết năm 2012)