Chủ Nhật

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy: Xuất quỷ nhập thần đánh địch trên không

Ông là một trong 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp “ách” (aces) - một danh hiệu có từ Chiến tranh thế giới thứ hai, dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên. Ông là Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy.

Xối nước mưa rào rào tắm xong, "Anh hùng Bảy lúa" - tên mà người dân địa phương quen gọi đối với Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy, trở ra kể chuyện "binh nghiệp" của ông và không quên lấy khăn rằn rất đặc trưng Nam Bộ, choàng lên cổ: "Mày có hình dung không, tiếng là Anh hùng phi công, bắn rơi nhiều máy bay địch vậy chứ đâu mấy ai biết hồi tao thoát ly, tao mới học chưa xong lớp ba trường làng" - ông Bảy cười khà khà.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy (bìa phải ảnh) cùng đồng đội sau một lần lập chiến công.
Năm 17 tuổi, ông bị ép cưới vợ. Nhưng vì chẳng muốn lập gia đình sớm, ông Bảy trốn cha mẹ rồi tham gia cách mạng. Năm 1960, tức 6 năm kể từ ngày tập kết ra Bắc, ông là một trong số rất ít được chuyển từ một sư đoàn bộ binh sang không quân, rồi được chọn đi học lái máy bay. "Hồi đó tao cao 1 mét 67, nặng 69 ký. Ông bà, cha mẹ đều là nông dân. Nằm mơ tao cũng không nghĩ là mình được đi học lái máy bay" - ông Bảy bộc bạch với giọng cởi mở thân tình với chúng tôi.

Ông kể để được học lái máy bay, ít nhất cũng phải xong lớp 10/10 (tương đương lớp 12 hiện nay), trong khi ông mới học tới lớp 3. Vậy là chỉ có đúng một tuần học văn hóa, theo phương châm "cần gì, học đó", ông hoàn thành xong… 7 lớp.

Xong phần lý thuyết cơ bản lái máy bay ở trong nước, ông được đưa sang Trường Hàng không Số 3 ở TP Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh - nơi đào tạo lái máy bay tốt nhất nhì của Trung Quốc bấy giờ. Đoàn học viên của Việt Nam được đào tạo lái máy bay MiG-17 lúc đó chỉ có 34 người. Từ lý thuyết đến thực hành là cả một quá trình khó khăn, phức tạp.

"Tiền đình của tao không ngon lắm. Hồi mới vô huấn luyện, hễ leo lên buồng lái là tao ói tới luôn. Vậy là lấy ruột trái banh, cắt bỏ 1/3 rồi đeo vào cổ, lúc nào mắc thì ói vào đó" - ông kể.

Học lái MiG17 nhưng có lúc, ông và các đồng nghiệp thực hành trên máy bay K-56. Để đảm bảo an toàn, ban đầu "bạn làm ta xem", sau đó thì chuyển sang giai đoạn "ta làm bạn xem". Khó, nhưng tất cả đều nỗ lực vượt qua.

Đêm mồng 4 rạng ngày 5/8/1964, Mỹ dựng lên "sự kiện Vịnh Bắc Bộ", cho không quân Mỹ ném bom bắn phá một số nơi trên miền Bắc như cửa sông Gianh, Vinh - Bến Thủy, Lạch Trường, thị xã Hòn Gai… mở đầu "chiến tranh phá hoại miền Bắc" lần thứ nhất.

Trở về nước năm 1965, ông Bảy thuộc biên chế của Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 (mật danh Đoàn Yên Thế) và tham gia chiến trận đầu tiên trên vùng trời Bắc Sơn - Chi Lăng. "Ở Mỹ và các nước phương Tây, phi công phải thực tập bay trung bình từ 5.000 - 7.000 giờ mới được tham chiến. Nhưng tình hình của ta lúc đó, phi công nào bay nhiều nhất cũng chỉ khoảng 300 giờ" - ông cho biết.

10h ngày 7/10/1965, 4 chiếc MiG-17 của ta cất cánh. Được 10 phút, ta phát hiện máy bay Mỹ nên Biên đội trưởng quyết rượt theo một chiếc F-4. Phát hiện bên trái chiếc MiG-17 Biên đội trưởng xuất hiện 4 máy bay địch, ông Bảy đang bay phía sau yểm trợ, báo cáo và xin ý kiến phản kích. Đội trưởng vừa dứt lời, ông Bảy lái chiếc MiG-17 đối đầu với 4 máy bay địch khiến chúng phải quay đầu. Bỗng phía sau xuất hiện chiếc F4 khác của địch bám sát rồi nã đạn pháo làm máy bay ông bị trúng đạn.

"Tao phát hiện kính mê-ca buồng lái dày cả 2 phân bị một vết thủng lớn, khoảng trên 30cm. Đặc biệt, ngay vị trí kính trước vị trí tam tinh của tao, có một vết bằng cái đít ly uống trà nhưng tao  không bị gì. Lúc này, máy bay đang ở tốc độ khoảng 700km/giờ. Tao lại nhớ đến lý thuyết đường sóng, ống vòng về thủy khí động lực: tốc độ càng lớn thì áp suất càng nhỏ và ngược lại, nên dùng tay bịt lại dù rất sợ áp suất không khí kéo tay tao ra ngoài. Tao cố gắng trấn tĩnh và lấy tay còn lại kéo cần điều khiển đưa "con" MiG-17 hạ cánh. Anh em đồng đội vui mừng hò reo nhất là khi thấy máy bay tao hạ cánh an toàn dù bị dính tới 82 vết, mảnh đạn pháo. Chỉ huy nói nếu lúc đó, tao xin nhảy dù, chỉ huy duyệt liền" - ông kể.

Theo đánh giá của các chuyên gia Liên Xô sau này, đấy là chiến tích chưa từng xảy ra trong lịch sử hàng không nói chung trên thế giới - máy bay bị "lủng lỗ" cùng lúc nhiều vị trí nhưng phi công vẫn hạ cánh an toàn.

Ông Bảy cho biết, ông có đến 13 lần cùng đồng đội (mỗi người 1 chiếc) xuất kích, trong đó có 7 lần ông ra tay và cả 7 lần, địch đều phải trả giá đắt.

Chiến công đầu tiên của ông Bảy được lập ngày 21/6/1966. Hôm đó biên đội 4 chiếc MiG-17 của ta phát hiện nhiều máy bay Mỹ, trong đó có một máy bay trinh sát RF-8A được hộ tống bởi chiếc F8 Crusader vốn được mệnh danh là "hiệp sĩ thánh chiến" của Phi đội 211 Mỹ. Biên đội trưởng Phan Thành Trung đã tiêu diệt chiếc RF-8A; còn phi công Bảy hạ chiếc F-8E do Cole Black điều khiển.

Đến các ngày 24 và 29/6/1966, phi công Bảy tiếp tục lập công - bắn rơi máy bay F-4C và F-105D trên bầu trời Thái Nguyên, Việt Trì và Hà Nội. Ngày 21/9/1966, trên bầu trời Chí Linh (Hải Dương), 16 máy bay F-4 và F105 địch chia thành nhiều tốp, nhiều tầng, nhiều hướng bao vây biên đội 4 máy bay ta. Trận này, địch bị ta hạ 3 chiếc, trong đó phi công Bảy hạ một chiếc F-4…

Hớp ngụm nước trà, ông Bảy cho biết khi ngồi vào vị trí lái máy bay chiến đấu, người lái chẳng khác người mù, phải chịu sự điều khiển từ bộ phận rađa ở mặt đất. Tuy nhiên, khi phát hiện địch rồi, mình phải khẩn trương vạch ra phương án chiến đấu để báo cáo chỉ huy.

Có một chi tiết khiến địch luôn bị thiệt hại mỗi khi gặp phi công Nguyễn Văn Bảy chính là lối đánh áp sát đối phương. Ông tâm đắc, kể: "Khi huấn luyện bay, khoảng cách tối thiểu để nhả đạn phải là 800m, còn gần hơn thì được xếp vào tình huống mất an toàn, rất dễ đụng nhau với đối phương, rồi mình cũng banh xác. Thế nhưng nhớ lại, trước khi mỗi lần ra tay, ấn nút, tao đều áp sát đối phương, chỉ còn cách 200 - 300m".

Nhắc đến lối đánh áp sát đối phương, ông Bảy nhắc lại "trận nhớ đời" mà ông cùng bạn chiến đấu quê Bến Tre là Võ Văn Mẫn (sau đó hy sinh, là Anh hùng LLVTND - PV) đã chiến đấu với địch trên bầu trời khu vực cầu Giẽ (Hà Tây) vào ngày 5/9/1966.

"Cả ngày được phân công trực bầu trời, chẳng thấy gì. Tới chiều, tao và Mẫn được lệnh trở về sân bay thì phát hiện 2 chiếc máy bay địch như hai chấm nhỏ ở phía trái. Ban đầu, tao tưởng 2 chiếc F-8 tăng tốc để tấn công tụi tao ai dè nó tháo lui nhanh ra hướng biển. Tao quyết định xé mây, bay tắt để đón chúng. Tình huống này khó lắm bởi nếu mình cúp đường bay trước đầu nó thì coi như mình đưa lưng cho nó bắn; còn nếu cúp chậm hơn thì vuột mất nó nên phải tính kỹ để sao vừa luồn qua mây là bám sát đuôi nó. Khó nhưng phải làm ngay. Thật đúng lúc, vừa ra khỏi đám mây thì 2 chiếc MiG của tao và Mẫn đã bám theo sát đuôi chúng. Tao truyền lệnh, đề nghị Mẫn bắn chiếc bên trái, phần tao xử chiếc bên phải. Trận này thiệt ngon, chỉ có 45 giây mà tao và Mẫn hạ 2 chiếc F-8 của tụi nó. Ngay sau trận hôm đó, tao và Mẫn được Bác Hồ gửi tặng huy hiệu của Người".

Cũng xuất kích bí mật từ sân bay Kiến An (Hải Phòng), ngày 21/9/1966, ngay sau khi phát hiện chiếc F-4 của địch sắp nã đạn vào chiếc MiG-17 của phi công Mẫn, ông Bảy với vai trò chỉ huy đã khẩn trương lệnh cho Mẫn lập tức ra khỏi tầm ảnh hưởng, thế là 2 quả tên lửa của địch tự "đá vào lưới nhà" khiến chiếc F-4 phía trước của chúng gãy làm đôi. Còn phi công Mẫn đang bị kẹp giữa 8 chiếc F-4 khác nhưng chúng không thể ra tay được trong khi ông bắn hạ 1 chiếc rồi nhanh chóng biến mất.

Nhắc đến Bác Hồ, ông Bảy kể tôi nghe câu chuyện mà ông không thể nào quên. Đó là chiều 12/12/1966, sau Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước toàn quốc, ông Bảy vinh dự cùng 37 chiến sĩ không quân có thành tích xuất sắc được vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Người tươi cười hỏi: "Chú nào bắn rơi 4 máy bay Mỹ trở lên?". Sau khi nghe đồng chí Chính ủy Quân chủng Đặng Tính báo cáo, Bác đề nghị: "Chú Bảy, chú Mẫn, chú Trung đâu, đứng lên cho Bác biết?".

Ông Bảy cùng hai đồng đội đứng dậy sung sướng. Còn Bác thì tỏ ra rất hài lòng. Tư lệnh Phùng Thế Tài báo cáo thêm với Bác, trong đó có nhắc đến chiến công hai phi công Bảy và Mẫn chiến đấu cùng một biên đội trong trận chiến với địch ngày 5/9/1966 đã diệt gọn 2 chiếc F-8 của Mỹ, nên ngay tối hôm đó đã được Bác gửi tặng hai huy hiệu. Giọng Bác ôn tồn: "Bác nhớ rồi. Hai chú đều quê ở miền Nam, chú Bảy ở Sa Đéc, còn chú Mẫn ở Bến Tre phải không? Bác hoan nghênh chiến công của tất cả các chú".

Ông Bảy kể, sau đại hội này, tinh thần của ông và nhiều anh em như chiếc đồng hồ được lên… dây cót. Chỉ mong được lệnh xuất kích…

Chiều 24/4/1967, biên đội 4 chiếc MiG-17 bí mật hạ cánh xuống sân bay Kiến An phục kích địch. Đến 16 giờ 30 phút, đúng như tin ta nắm được, nhiều tốp F-4 và F-105 của địch xuất phát từ hướng biển bay vào nhằm hướng khu vực Đông Triều (Quảng Yên). Biên đội xuất kích, được dẫn vòng đến khu vực Sơn Động (Hà Bắc), thuận ánh mặt trời dễ quan sát.

Khi phát hiện địch phía bên phải, cách 10km, chiếc MiG-17 của phi công Nguyễn Bá Địch được lệnh vứt thùng dầu phụ để tăng lực, cùng Võ Văn Mẫn đánh tốp đầu.  Sau vài phút rượt đuổi, một chiếc F-4 của địch bị bắn hạ. Lúc đó, ông Bảy cùng một đồng đội đang quần nhau với 4 chiếc F-4 ở tầm thấp hơn. Thế trận xen kẽ, ông Bảy đang bám 2 chiếc F-4 phía trước. Sau ông lại có 2 chiếc F-4 bám đuôi. Ông Bảy tiếp cận chiếc F-8C của Phi đội 24 do Thiếu tá hải quân E.J.Tucker lái điều khiển và ông ấn nút khẩu 37mm. Chiếc F-8C bốc cháy. E.J.Tucker nhảy dù và bị bắt. Những chiếc F-4B của Phi đội 114 hộ tống thấy thế tăng lực, tiếp cận công kích lại nhưng chúng đã chậm hơn chiếc MiG-17, đành phải rút lui.

Ông Bảy kể cho chúng tôi nghe trận đánh cũng thuộc dạng "hiếm có" xảy ra năm 1967 trên vùng trời Sơn Động (Hà Bắc): "Trận này, tụi nó thua đau và tức điên" - ông Bảy khoái chí, nhớ lại: "Tao chỉ huy biên đội 4 chiếc MiG-17 quần nhau với 6 chiếc F-4 ở tầm thấp. Khi đó, tao đang tăng lực bám theo một thằng F-4 ở độ cao chỉ cách mặt đất 100mét. Một chiếc F-4 thấy thế bám theo tao. Đoán biết nó đang phóng hỏa, tao lập tức lật cánh, chuyển hướng. Thế là chiếc F-4 phía trước tao lãnh đủ. Coi như trận này tao không tốn viên đạn nào mà vẫn làm thiệt một thằng F-4"…

Nhà ông Bảy nằm giữa đồng. Trước nhà ông là con kênh xáng cũng là ranh giới hành chính giữa thị trấn Lai Vung với xã Tân Dương. Để tới được nhà ông, từ trụ sở UBND xã Tân Dương, chúng tôi phải đi thêm khoảng 5km, theo con đường nhựa cũ, khá hẹp lại có rất nhiều cầu; sau đó rẽ trái vào nhà ông theo một lối đi nhỏ được trải đá dăm.

Ngay từ trước khi bước vô căn nhà cấp 4 của ông Bảy, chúng tôi nhận ra tố chất cần cù của ông Bảy dù rằng năm nay, ông đã bước vào tuổi 80. Mảnh sân nhỏ trước nhà ngoài phần diện tích ông để cho con cháu cùng xóm phơi lúa, ông trồng đủ thứ rau, củ, quả, hoa kiểng và cây thuốc nam. Trên tường mặt tiền nhà mình, ông Bảy cho chạm phù điêu của quân chủng mà ông từng lẫy lừng với những chiến công đặc biệt.

Tôi hỏi điều khiến ông tâm đắc, hạnh phúc nhất, ông Bảy nói chính là đã vinh dự nhiều lần được gặp Bác, nghe theo lời Bác, học, chiến đấu hết mình. Giọng Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy bỗng chùng xuống khi nhắc lại ngày Bác mất. Ông kể, vào ngày 9-9-1969, đúng vào thời điểm thiêng liêng, xúc động trong lễ tang Bác, trên bầu trời Hà Nội xuất hiện hai biên đội MiG-21 và MiG-17 bay thật thấp qua Quảng trường Ba Đình nghiêng cánh chào vĩnh biệt Bác. Phi đội trưởng của nhóm MiG-17 gồm 12 chiếc do ông làm Phi đội trưởng.

Ôn lại chặng đường chiến đấu vẻ vang của mình, ông Bảy rất tự hào được  anh em đồng chí đánh giá là người luôn giành phần nguy hiểm về mình nhiều nhất. Ông cũng là chiến sĩ không quân đầu tiên được bầu vào Quốc hội (khóa IV và nửa nhiệm kỳ khóa V thì miền Nam hoàn toàn giải phóng - PV), là một trong 3 phi công được Bác Hồ tuyên dương Anh hùng LLVTND đầu tiên trong đợt tuyên dương anh hùng thời chống Mỹ, cứu nước đầu tiên ở miền Bắc, là Anh hùng không quân được mời tham gia Đoàn chủ tịch đại hội, các cuộc mít tinh của quân đội và Nhà nước nhiều lần nhất…

Về kỷ niệm kể từ sau ngày về hưu, trở thành "Anh hùng Bảy lúa", ông kể tôi nghe lần ông gặp lại "đối thủ trên không" của mình - tướng phi công Mỹ Steve Richie. Một trong những việc mà Steve Richie làm khi quay trở lại Việt Nam lần đó là về Đồng Tháp, quyết tìm lại cho bằng được Anh hùng Nguyễn Văn Bảy - người phi công năm xưa đã bắn hạ chiếc F-4 mà ông ấy từng lái. Tướng Steve Richie xin kết bạn, nói lời cảm ơn ông Bảy vì đã cứu sống ông ta trong chiến tranh.

"Hôm đó, tao tiếp Steve Richie bằng một bữa cơm gạo thơm, có thịt gà thả vườn, cá dưới ao và rượu tự nấu. Steve Richie vừa ăn vừa khen ngon. Ông ta cũng khâm phục luôn cái tài làm nông dân của Bảy lúa" - ông Bảy kể.

Nguồn: báo CAND