Thứ Bảy

Quân đội Đức vẫn đáng sợ bậc nhất

Quân đội Đức đang gặp những khó khăn thực sự hay đây chỉ là chiêu “giấu mình chờ thời” để né những yêu cầu của NATO?

1. Sức mạnh đáng nể

Một trong những mục tiêu chủ yếu của việc thành lập khối quân sự NATO năm 1949 là kiểm soát nước Đức – lúc bấy giờ là Tây Đức. Tây Đức nằm ở vị trí tiền tiêu và là hướng tấn công chủ yếu của Khối Varsawa (nếu chiến tranh xảy ra).

Chính vì vậy mà Bundeswehr (Lực lượng vũ trang cộng hòa Liên bang Đức) được đầu tư để trở thành lực lượng tấn công chủ yếu của NATO tại Châu Âu (xin bổ sung thêm một ý của A.Khramchikhin – Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga: “Người lính Đức từ nửa sau thế kỷ thứ XIX và nửa đầu thế kỷ XX được coi là những chiến binh thiện chiến nhất thế giới – chắc sẽ không có nhiều tranh luận về ý kiến này), không những thế - trên lãnh thổ Tây Đức lúc đó có một lực lượng mạnh của các quân đội các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Hà Lan và Bỉ. Tất cả các lực lượng trên được biên chế thành 2 cụm tập đoàn quân lục quân và 2 tập đoàn quân không quân.

Quân đội Đức vẫn đáng sợ bậc nhất
Sau khi thống nhất nước Đức năm 1990, chỉ riêng Bundeswehr đã có một lực lượng cực mạnh với 7.000 xe tăng, 8.900 xe chiến đấu bộ binh và xe vận tải bọc thép, 4.600 khẩu pháo, cối và hệ thống hỏa lực bắn dàn, 1.000 máy bay chiến đấu.

Ngoài ra, trên lãnh thổ Đức lúc đó Mỹ còn bố trí 5.900 xe tăng, 5.700 xe chiến đấu bộ binh và xe vận tải bọc thép, 2.600 pháo và hơn 300 máy bay. Các nước khác trong NATO cũng bố trí trên lãnh thổ Đức 1.500 xe tăng, 1.500 xe chiến đấu bộ binh và xe vận tải bọc thép, hơn 1.500 khẩu pháo.

Nhưng không lâu sau đó cụm tập đoàn quân lục quân và các tập đoàn quân không quân đã bị giải thể. Pháp, Hà Lan, Bỉ và Canada rút hết quân (cùng các phương tiện kỹ thuật và vũ khí).

Sang năm sau, 2015, Anh cũng sẽ rút quân về nước. Mùa xuân và mùa hè năm 2013, những chiếc xe tăng “Abrams” và máy bay cường kích A-10 cuối cùng của Mỹ cũng đã rời nước Đức.

Từ đó đến nay Quân đội Đức cũng đã cắt giảm nhiều lần cả về quân số và vũ khí, khí tài. Trước hết, Đức bán các vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự của Đông Đức, sau đó bán tiếp phần lớn vũ khí và khí tài của Tây Đức, kể cả những loại còn rất hiện đại.

Chính quyền liên bang đã đặt tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Đức vào một tình thế cực kỳ khó khăn khi không những không đảm bảo cho tổ hợp này các đơn đặt hàng trong nước, mà còn gián tiếp tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường ngoài nước qua việc bán các loại vũ khí còn rất hiện đại lúc đó đang có trong trang bị của Quân đội Đức.

Năm 1999, Không quân Đức đã tham gia vào các hoạt động tác chiến lần đầu tiên kể từ năm 1945 tại Bancăng, trong chiến dịch của NATO chống Xerbia. Sau đó lính Đức có mặt ở Kosova, tại Afghanistan, lính Đức cũng tham gia vào một số chiến dịch gìn giữ hòa bình ở Châu Phi nhiệt đới.

Tuy nhiên, xu hướng chủ đạo trong chính sách quân sự của Đức là tránh tham gia (hoặc tham gia ở mức tối thiểu) vào các chiến dịch quân sự của NATO. Hiện nay Đức đang tìm cách nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan, Đức cũng không tham gia chiến dịch tại Libya của NATO và tìm mọi cách ngăn cản sự can thiệp quân sự của NATO vào cuộc nội chiến ở Syria.

Đây là chính sách của Thủ tướng Đức A.Merkel, còn Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Ursula von der Leyen (nghề nghiệp – bác sỹ, là mẹ của 7 con) có quan điểm khác với A.Merkel ở chỗ muốn biến Đức thành một cường quốc quân sự ở Châu Âu.

2. Thực lực hiện nay

Lục quân

Lục quân Đức có 5 sư đoàn. Đấy là sư đoàn tăng số 1 (biên chế 2 lữ đoàn tăng - số 9 và số 21), sư đoàn tăng số 10 (gồm một lữ đoàn tăng và một lữ đoàn bộ binh sơn cước ), sư đoàn bộ binh cơ giới số 13 (gồm 2 lữ đoàn là các lữ đoàn bộ binh cơ giới số 37 và 41), sư đoàn cơ động đường không (gồm lữ đoàn cơ giới đường không số 1 và lữ đoàn đảm bảo tác chiến, 3 trung đoàn máy bay lên thẳng) và sư đoàn các chiến dịch đặc biệt (gồm các lữ đoàn đổ bộ đường không số 25 và số 31).

Lực lượng xe tăng của Đức có 668 tăng “Leopard-2” (20 năm trước đây có gần 2.000 chiếc) và 147 “Leopard-1”. Loại thứ nhất đang được bán dần, loại thứ hai đang được tháo dỡ và làm mục tiêu trên các trường bắn.

Số lượng xe chiến đấu bộ binh (BMP) giảm xuống còn 1.315, theo kế hoạch chúng sẽ dần được thay thế bằng BMP “Puma” (nhưng hiện nay chưa thay được chiếc nào).

Lớp xe thiết giáp chủ yếu của Quân đội Đức là BTR (xe vận tải bọc thép) và xe ô tô bọc thép. Hiện nay, Quân đội Đức có 434 TrZ-1 “Fuchs”, 97 “Boxer”, 336 ‘Wiesel”, 81 BV206S, 221 “Fenech”.

Lực lượng pháo binh gồm có 174 tổ hợp pháo tự hành mới nhất “PzH2000”, 124 khẩu cối tự hành 120 ly “Tampella” và 97 tổ hợp tên lửa phản lực bắn dàn MLRS.

Lực lượng phòng không lục quân có 50 tổ hợp tên lửa phòng không ASRAD và 835 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai “Stinger”.

Không quân của Lục quân có 37 máy bay lên thẳng tấn công “Tiger” UHT (sẽ đưa vào trang bị thêm khoảng 20 chiếc nữa), 115 Bo-105 (24 chiếc đang bảo quản), 93 máy bay lên thẳng đa năng UH-1D, 40 EC-135 và 78 chiếc NH-90 hiện đại nhất.

Không quân

Trong thành phần của Bộ tư lệnh tác chiến không quân có 3 sư đoàn không quân (số 1, số 2 và số 4).

Lực lượng tác chiến cơ bản của Không quân Đức là các máy bay tiêm kích-ném bom “Typhoon” (do Đức, Anh,Tây Ban Nha, Ý hợp tác sản xuất). Theo kế hoạch ban đầu thì năm 1986, Không quân Đức tiếp nhận 250 “Typhoon”, nhưng đến năm 1989, con số trên theo kế hoạch giảm xuống còn 180 và đến năm 2003 - 143.

Hiện nay, đã có 104 “Typhoon” được đưa vào trang bị cho Không quân Đức (trong đó có 25 chiếc tác chiến- huấn luyện). Trong trang bị của Không quân còn 132 máy bay ném bom “Tornado” (còn 37 chiếc khác đang được bảo quản ở Đức và 01 chiếc tại Mỹ). 50 chiếc “Tornado” dự kiến sẽ đưa ra khỏi trang bị trong thời gian tới.

Như vậy, sau khi hoàn thành việc đưa các máy bay mới vào trang bị và thanh lý máy bay cũ, Không quân Đức sẽ có gần 230 máy bay chiến đấu. Hiện nay Không quân Đức đang có 48 máy bay tiêm kích cũ đang được niêm cất bảo quản (33 chiếc ở Đức, 15 ở Mỹ), nhưng chúng cũng sẽ được thanh lý trong tương lai gần.

Tại căn cứ không quân Buchel hiện có 20 quả bom hạt nhân B-61, nếu xảy ra chiến tranh, các máy bay “Tornado” của Không quân Đức sẽ chịu trách nhiệm đưa những quả bom này đến mục tiêu.

Không quân vận tải có 2 chiếc A-319, 2 chiếc A-340, 6 chiếc A-310 (trong đó có 4 chiếc tiếp dầu), 72 chiếc C-160 (2 chiếc đang bảo quản), và 93 máy bay lên thẳng – 90 CH-53G, 03 AS532. Không quân Đức không có trường đào tạo phi công, tất cả phi công chiến đấu Đức đều được đào tạo tại Mỹ.

Lực lượng phòng không mặt đất có 18 đại đội tên lửa phòng không “Patriot” ( mỗi đại đội có 8 tổ hợp phóng, mỗi tổ hợp 4 tên lửa).

Hải quân

Hải quân Đức có 50 tàu chiến. Hạm đội tàu ngầm có 4 tàu ngầm dự án 212 (và 02 chiếc đang được đóng)- đây là những tàu ngầm đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ AIP ( AIP - Air-independent propulsion -hệ thống động lực không dùng không khí). Đây là các tàu ngầm được coi là tốt nhất trên thế giới hiện nay.

Hải quân Đức có 12 khinh hạm – 3 chiếc “Saxen” hiện đại nhất, 4 chiếc cùng hiện đại không kém là “Brandenburg” và 5 chiếc kiểu cũ “Bremen”. Có 3 chiếc “Bremen” đã được đưa ra khỏi trang bị và có thể được bán.

Điều thú vị là cách đâu không lâu khách hàng tiềm năng mua “Bremen” chính là Ukraine. Nhưng hiện nay không thấy Ukraine đặt vấn đề này nữa (chắc vì không có tiền – không loại trừ trường hợp Đức tặng không chúng cho Ukraine).

Ngoài ra, Hải quân Đức còn có 5 chiếc thiết giáp hạm kiểu “Braunschweig”, 8 tàu hộ vệ tên lửa kiểu “Gepard” và 20 tàu quét mìn (10 chiếc dự án 332, 5 chiếc dự án 333, 5 chiếc dự án 352).

Không quân của Hải quân có 8 chiếc máy bay chống ngầm P-3C “Orion”, 3 máy bay tuần tiễu Do-228, 43 máy bay lên thẳng (21 “Sea King”, 22 “Super Links”).

3. Lực lượng quân đội nước ngoài còn trên lãnh thổ Đức

Như trên đã nói, Lực lượng quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Đức đã giảm nhiều trong 20 năm qua. Hiện chỉ còn quân đội Mỹ và Quân đội Anh là còn có các đơn vị của mình đóng quân trên đất Đức.

Sư đoàn tăng- thiết giáp số 1 của Anh (Bộ Tham mưu đóng ở thành phố Herford) có trong biên chế 2 lữ đoàn tăng-thiết giáp số 7 và số 20, trung đoàn không quân lục quân số 1, trung đoàn công binh số 28. Sư đoàn này sẽ rút về Anh trong năm 2015 như đã nói ở trên.

Tập đoàn quân dã chiến số7 của Mỹ (tổng hành dinh ở thành phố Visbaden) có trong biên chế trung đoàn không vận số 2 (tương đương 01 lữ đoàn), lữ đoàn không quân lục quân số 12, trung đoàn phòng không số 7, lữ đoàn công binh số 18, lữ đoàn đảm bảo số 16, lữ đoàn quân cảnh số 18, lữ đoàn trinh sát số 66, các lữ đoàn liên lạc số 2 và số 7.

Qua thành phần của Tập đoàn quân trên dễ dàng nhận thấy nhiệm vụ chủ yếu của các binh đoàn trên là làm công tác đảm bảo và hậu cần- chúng không có xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, tổ hợp pháo tự hành và hệ thống hỏa lực bắn dàn.

Tập đoàn quân không quân số 3 của Không quân Mỹ (Rammstein) có không đoàn số 52 (hành dinh – thành phố Spangdahlem) với các máy bay tiêm kích F-16 (khoảng 50 chiếc) và không đoàn số 82 (hành dinh- cũng thành phố Rammstein) với các máy bay vận tải C-130, C-20, C-21A,C-37A.

4. Mấy thông tin mới nhất liên quan đến Quân đội Đức

Ngày 29/9, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức Jens Flosdorff cho biết là Đức không thể cung cấp số máy bay quân sự thích hợp trong vòng 180 ngày nếu xảy một cuộc tấn công nhằm vào liên minh NATO (số liệu – chỉ có 42/109 máy bay tiêm kích Eurofighter và 38/89 Tornado là có thể cất cánh).

Cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức Harald Kujat cho rằng Đức cần phải đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng. Ngân sách cho quốc phòng của Đức trong năm nay đã giảm 800 triệu euro, chỉ còn 32,44 tỉ euro (có số liệu là 32,8 tỷ euro) – thấp hơn nhiều so với mức 2%GDP chi cho quốc phòng theo chuẩn NATO (tỷ lệ chính xác chi tiêu quốc phòng của Đức là 1,29% GDP và xét theo tiêu chí này thì Đức xếp thứ 14/28 nước thành viên NATO).

Trong những ngày đầu tháng 10/2014, báo chí Đức đăng tải bản báo cáo của các chuyên gia độc lập gửi Bộ Quốc phòng Đức. Các chuyên gia này lập danh mục 140 vấn đề và rủi ro có liên quan đến các dự án quốc phòng của Đức và kết luận rằng Quân đội Đức hiện nay không ở trạng thái tốt nhất.

Nguồn: Báo Đất Việt