Thứ Ba

Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

“Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long” (Hồ Chí Minh).

Khi nói về mối quan hệ nghĩa tình giữa hai Đảng, hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào, Bác Hồ kính yêu của chúng ta - Người đã dày công vun đắp cho mối quan hệ Việt - Lào đã nhấn mạnh, đó là mối “quan hệ đặc biệt”. Và đúng như vậy, để nói cho hết về mối “quan hệ đặc biệt” ấy cần phải ngược dòng lịch sử, để lịch sử chứng minh cái nghĩa, cái tình và tấm lòng thủy chung, son sắt, sát cánh bên nhau của hai Đảng, hai dân tộc Việt - Lào trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập cho dân tộc và cùng nhau xây dựng hòa bình, hướng tới tương lai hạnh phúc.

Nền tảng của quan hệ Việt - Lào xuất phát từ quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai nước láng giềng gần gũi, cùng chung sống trên bán đảo Đông Dương. Mối quan hệ truyền thống ấy trở nên “đặc biệt” từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng của hai dân tộc Việt Nam và Lào, cùng sát cánh bên nhau chiến đấu chống kẻ thù chung, xây đắp nên tình đoàn kết keo sơn, thuỷ chung, son sắt Việt - Lào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào
“Quan hệ đặc biệt” trên nền tảng của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng quốc tế cao cả.
Là một người yêu nước và là một người cộng sản với tinh thần quốc tế cao cả, ngay từ năm 1921, khi đấu tranh cho phong trào giải phóng “các dân tộc thuộc địa”, lên án chế độ hà khắc của các nước đế quốc đối với các dân tộc bị áp bức, Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm đứng lên tố cáo chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Người đã mô tả nỗi khổ cực của nhân dân hai nước Việt - Lào trong chế độ bắt phu đi làm tạp dịch, làm đường tại Đông Dương của Pháp: chúng không hề phân biệt ai là Việt, ai là Lào, mà chỉ coi là dân Đông Dương thuộc Pháp; nếu trốn đi phu hay nổi dậy chống lại đều bị bắn chết, những ai ốm đau đều phải gửi xác lại nơi “rừng xanh núi đỏ”. Trên các đoạn đường xuyên Đông Dương đều có xác phu Việt bên cạnh xác phu Lào. Người viết: “Ở Luông Pha-băng nhiều phụ nữ nghèo khổ thảm thương phải mang xiềng đi quét đường chỉ vì một tội không nộp nổi thuế”. Những tiếng nói đanh thép của Nguyễn Ái Quốc trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã lột tả được cái tận cùng của sự tàn ác, vô lương tâm của chủ nghĩa đế quốc, lột tả nỗi đau đớn của những dân tộc bị áp bức và bị buộc làm nô lệ trong chế độ thực dân.

Trong những năm đầu thành lập Đảng và trong suốt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của cách mạng hai nước Việt - Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi mối quan hệ đoàn kết Việt - Lào vừa là nghĩa vụ quốc tế, vừa là lợi ích sống còn của mỗi nước. Tại Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương đã xác định đường lối cách mạng của ba nước Đông Dương và khẳng định: Ba nước Đông Dương cần phải đoàn kết chống ách thống trị của bọn thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc... Sau Hội nghị, thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số đảng viên của Đảng từ Việt Nam và Thái Lan đã sang hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng ở Lào, các chi bộ cộng sản sau đó đã được thành lập ở Sa-va-na-khet, Tha-khek và Viêng Chăn. Tháng 9-1934, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đã được thành lập tại Lào, chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng Lào. Kể từ đó, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân hai nước ngày càng phát triển trong tình đoàn kết chiến đấu, tạo nên sức mạnh chung để cùng tiến hành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám (Cách mạng Lào cũng đồng thời thắng lợi vào tháng 8-1945), giành độc lập cho nhân dân.

"Quan hệ đặc biệt” trên tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, coi trọng quyền dân tộc tự quyết cũng như tính độc lập, tự chủ cách mạng của mỗi nước.

Hiểu rõ về tầm quan trọng của mối quan hệ Việt - Lào trong sự nghiệp cách mạng của hai nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn: “Cách mạng Lào không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Lào” và “Ta phải nhận thức rõ rằng, hai dân tộc anh em Miên, Lào được giải phóng, thì nước ta mới được giải phóng thực sự và hoàn toàn”. Để từ đó, với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã cử hàng chục vạn con em yêu quý của mình sang công tác và phối hợp với quân và dân Lào chiến đấu tại các chiến trường của Lào, máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ Việt Nam hòa quyện với máu của quân và dân Lào để đem lại thắng lợi vẻ vang cho hai dân tộc. Cũng với tình cảm đặc biệt ấy, Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào đã dành phần đất của mình cho Việt Nam mở tuyến đường vận tải chiến lược cho chiến trường miền Nam (Đường Hồ Chí Minh) và với ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, lớp lớp các đoàn quân lên đường ra trận cùng nhân dân chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thắng lợi quyết định ấy đã tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào giành thắng lợi hoàn toàn và lập nên nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào ngày 2-12-1975. Khi nhận định về ý nghĩa thắng lợi của cách mạng Việt Nam năm 1975, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào khẳng định “Do mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng ba nước Lào, Việt Nam, Căm-pu-chia và với tính chất Đông Dương là một chiến trường, thời cơ khách quan do thắng lợi hoàn toàn của nhân dân hai nước anh em đem lại, nhất là của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cách mạng nước ta (Lào)”. Điều thần kỳ lịch sử đó còn phải kể đến một trong những nguyên nhân cơ bản là hai Đảng đã lãnh đạo nhân dân hai nước luôn trân trọng và biết phát huy mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào.

Thực tế lịch sử cho thấy, quan hệ đặc biệt Việt - Lào là kết quả của việc vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh thực tiễn của cách mạng Việt Nam và Lào, là sản phẩm của việc kết hợp đúng đắn chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trong khi giải quyết đúng đắn và sáng tạo mối quan hệ đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, đề cao tình đoàn kết, sự ủng hộ và tương trợ lẫn nhau giữa các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng quyền dân tộc tự quyết cũng như tính độc lập, tự chủ cách mạng của mỗi nước. Theo Người “kháng chiến Việt - Miên - Lào là chung của chúng ta, là bổn phận của chúng ta. Việt Nam kháng chiến có thành công thì kháng chiến Miên, Lào mới thắng lợi và kháng chiến Miên, Lào có thắng lợi thì kháng chiến Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi”. Người khẳng định “Chính phủ, mặt trận và nhân dân Việt Nam ra sức hết lòng, thành thực giúp đỡ mặt trận nhân dân Lào, Miên một cách không có điều kiện”; “Mà giúp nước bạn tức là tự giúp mình” nên “phải ra sức giúp đỡ một cách tích cực, thiết thực hơn”. Trong quá trình giúp cách mạng Lào, Người chỉ rõ, khi giúp bạn, phải nắm vững nguyên tắc dân tộc tự quyết. Việc gì cũng phải đựơc Đảng và nhân dân Lào đồng ý rồi mới làm. Bởi vì, người làm nên lịch sử Lào không ai khác chính là nhân dân Lào, cách mạng Lào phải do nhân dân Lào tự làm lấy, sự nghiệp cách mạng Lào phải do Đảng Nhân dân cách mạng Lào lãnh đạo. Tại Hội nghị Trung ương III (khóa II), Hồ Chủ tịch nêu rõ: “cho đến nay chúng ta phải cố gắng giúp đỡ hơn nữa” và cũng từ đó, nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào ngày càng được tăng cường, quan hệ đoàn kết Việt - Lào càng thêm gắn bó, mật thiết.

Theo thời gian, mối “quan hệ đặc biệt” Việt - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và dày công vun đắp ngày càng được tăng cường và phát triển, trở thành động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đặc biệt từ khi hai nước thực hiện công cuộc đổi mới với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với truyền thống tốt đẹp của mối “quan hệ đặc biệt” và dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, quan hệ giữa hai nước ngày càng được tăng cường, mở rộng và giành được những thắng lợi to lớn. Đó cũng là thành quả được kết tinh từ lịch sử, từ sứ mệnh mà hai Đảng, hai dân tộc đã chung sức, chung lòng, chung vai gánh vác qua những chặng đường đầy khó khăn, gian khổ của cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng đất nước.

Trần Thị Minh Giang
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam