Thứ Bảy

Người anh hùng chịu hàm oan 'Đảo Ngũ' và nghĩa cử của những tấm lòng nhân ái

Lập chiến công hiển hách diệt 3 xe tăng M48, 1 xe bọc thép M113 trong trận đánh huyền thoại tại Cheo Reo, đường 7 (tỉnh Gia Lai) ngày 19/3/1975 mà báo chí phương Tây gọi là “Trận truy kích lớn nhất Đông Dương”, hoàn thành nghĩa vụ công dân với Tổ quốc, xạ thủ B41 Nguyễn Xước Hiện (xã Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê) lặng lẽ trở về địa phương tiếp tục cuộc sống của người nông dân lam lũ gắn bó với mảnh vườn và mấy sào ruộng khoán. Không lưu giữ được giấy chứng thương và các giấy tờ liên quan, ông không được hưởng chế độ chính sách nào ngoài 4 triệu đồng chi trả  theo Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ.

Di chứng từ những ngày lăn lộn nơi chiến trường ác liệt khiến sức khỏe ông ngày một giảm sút, kinh tế gia đình kiệt quệ. Khổ nhất là không ít người ác khẩu ở địa phương buông lời gièm pha “Lão Hiện đảo ngũ”. Thế rồi mới đây, anh em đồng đội đơn vị cũ tìm được địa chỉ, đích thân Trung tướng Khuất Duy Tiến về thăm, trao Kỷ niệm chương Sư Đoàn 320 và xúc tiến việc làm thủ tục đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông, dân làng mới ngỡ ngàng biết quê mình có người vẻ vang  đến vậy. Cảm thông với hoàn cảnh gia đình ông, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê đã trực tiếp đứng ra vận động, xây tặng gia đình ông căn nhà khang trang, vững chãi…

Cựu chiến binh Nguyễn Xước Hiện kể lại trận đánh lịch sử tháng 3 năm 1975 với cháu nội

Dũng sỹ diệt xe tăng


Ông Nguyễn Xước Hiện sinh năm 1952 trong gia đình công giáo nghèo có tới 8 người con. Chưa hết lớp 3 trường làng, cậu bé Hiện đã theo các anh chị nghỉ học phụ giúp gia đình san sẻ gánh nặng mưu sinh. Tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 9/1972, anh Hiện lên đường nhập ngũ, vượt Trường Sơn vào khu vực Tây Nguyên trực tiếp tham gia chiến đấu. Chưa đọc thông viết thạo nhưng được cái thông minh, tháo vát lại can đảm, có sức vóc nên anh Hiện được giao nhiệm vụ xạ thủ B41, trực tiếp quản lý khẩu súng nặng hơn 7kg và cơ số đạn thường trực 5 quả.

Chiến trường ngày càng khốc liệt với các trận đánh quy mô lớn, báo hiệu thắng lợi cuối cùng đang đến gần. Tháng 3/1975, Giải phóng quân tiến đánh Buôn Ma Thuột, Tây nguyên thất thủ. Địch co cụm về trấn thủ Đà Nẵng. Tại Cheo Reo, đường 7 (Gia Lai), Trung đoàn 64 đã có trận phục kích sấm sét. Đến giờ, trí nhớ đã suy giảm nhiều nhưng trận phục kích huyền thoại ấy vẫn tươi rói trong ký ức cựu chiến binh Nguyễn Xước Hiện như mới diễn ra ngày hôm qua. Ông kể lại: “Từ chiều 18/3/1975, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ đến đào hầm, chuẩn bị công sự phục kích địch trên đường 7. Nằm chờ cả đêm, 8h ngày 19/3, chúng tôi nghe tiếng động cơ tăng gầm rú. Ló đầu ra khỏi hầm trú ẩn, chúng tôi nhìn rõ chiếc tăng M48 phun khói đen kịt, xích sắt băm nát đường đất tung bụi mù mịt lao về phía cây cầu sắt gần nơi anh em tôi phục kích. Lệnh nổ súng được phát ra. Mục tiêu cách tôi có 15 - 20m, quá chuẩn cho đường đạn B41, tôi nhìn rõ cả họng pháo đen ngòm của nó chĩa về phía tôi khi xiết cò. Trúng đạn, chiếc xe khựng lại, bốc cháy, lao rệ xuống khe vực phía chân đồi.

Chưa kịp reo mừng thì từ phía sau một chiếc tăng nữa lại lao đến, phát hiện ra tổ phục kích, nó bắn trọng liên như vãi đạn và xoay ngang, chồm lên nóc hầm đồng chí Lúa quê Thái Bình, ngay cạnh hầm tôi ngồi. Mục tiêu cách chưa đầy 5m, tôi nổ súng, hất nó xuống khe vực cùng chiếc xe dẫn đầu vừa trúng đạn. Lúc này tai tôi ù đi như có người xay lúa trong đầu, chỉ biết căng mắt hướng về phía đường cái phát hiện mục tiêu và nổ súng. Hết cơ số đạn B41 mang theo, nhìn xuống thấy đồng chí Thi, phụ cho tôi trúng đạn hy sinh, tôi nhặt khẩu AK lao lên cùng anh em truy kích, tiêu diệt địch. Súng hết đạn, tôi lật tử thi địch, giật súng tiếp tục chiến đấu. Đến chiều tối, trận đánh kết thúc, chúng tôi bắt sống mấy chục tù binh giải về…”. Khẩu súng ông Hiện sử dụng trong trận đánh giờ được trưng bày trang trọng ở bảo tàng Sư đoàn 320. Cuốn “Lịch sử Trung đoàn 64 Quyết Thắng, Sư đoàn 320 (1946-2006)” cũng ghi rõ: “Từ 8h đến 19h ngày 19/3/1975, Tiểu đoàn 7 chặn đánh quyết liệt với hàng chục xe tăng, xe thiết giáp và hàng trăm tên địch. Có lúc địch dùng 51 chiếc xe, trong đó 15 xe tăng, đánh tràn vào các chốt, xe tăng đè cả lên nóc hầm của đồng chí Lúa thuộc Đại đội 3. Mặc dù địch rất đông, nhưng các chiến sĩ bình tĩnh dũng cảm, vừa diệt xe tăng, vừa đánh bộ binh. Đồng chí Hiện (được chú thích là quê huyện Cẩm Khê, Phú Thọ), xạ thủ B41 bắn 5 quả đạn, diệt 3 xe tăng M48 và 1 xe M113…”

Chuyện buồn sau ngày vui đại thắng


Ra quân vào tháng 9/1977, trở lại làng cũ, một thân một mình nguyên vẹn như lúc ra đi, có kẻ ác khẩu ở quê đơm đặt “lão Hiện đảo ngũ”. Giấy tờ chẳng còn gì ngoài “Giấy chứng nhận đeo Huân chương Giải phóng hạng Hai” và vài giấy tờ khen thưởng khác. Nhưng ác cái là họ không nói thẳng ra để ông có cơ hội thanh minh, báo cáo chính quyền mà cứ ngấm ngầm rỉ tai nhau làm khổ ông và gia đình. Người vợ ông cưới vội trước khi lên đường nhập ngũ chẳng biết ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào mà khi chị gái sinh em bé, dì sang trông cháu rồi phải lòng, theo luôn làm lẽ anh rể. Ông về, năn nỉ mãi vợ cũng chẳng nghe ra. Mãi đến năm 1980, ông mới gá nghĩa với người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu. Thời trai trẻ, lăn lộn trong chảo lửa chiến trường Tây Nguyên, ông có coi trọng gì mấy vết thương vụn vặt. Lần ngồi xe vào sâu cứ điểm diệt địch, không may trúng mìn, đồng đội người hy sinh, người cụt chân què tay, ông may mắn chỉ bị hai mảnh đạn găm vào đầu. Băng bó tạm vài ngày thấy đỡ đỡ, ông quên bẵng đi. Ai ngờ lúc có tuổi, mỗi khi trái gió trở trời nó hành hạ ông đến khổ.
Ngôi nhà mới do Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê đứng ra vận động xây tặng CCB Nguyễn Xước Hiện
Nhưng đau đớn nhất là chiến đấu lâu ngày trong vùng địch rải chất độc hóa học, cơ thể ông đã bị nhiễm chất độc da cam Dioxin. Bà vợ ông 7 lần mang thai thì 6 lần hữu sinh vô dưỡng. Có đứa vừa đẻ ra đã mang hình hài quái dị, khóc lên một câu rồi qua đời. Đứa thì ở với ông bà được đến chục năm nhưng cứ ngơ ngơ ngác ngác, trời mưa chẳng biết chạy vào nhà rồi cũng ốm yếu mà chết. Không màng gì đến chế độ chính sách, nhưng có lần vì thương vợ con túng thiếu quá, ông Hiện cũng đánh liều lên xã gặp cán bộ Lao động thương binh xã hội và được… dội gáo nước lạnh với câu trả lời thẳng thừng: Trường hợp của bác không được đâu! Mãi đến mấy năm gần đây, ông mới được hưởng 4 triệu đồng tiền chi trả theo Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ. Hai thân già người kiệt quệ vì sinh nở nhiều, kẻ rạc người do di chứng chiến tranh ngày đau yếu nhiều hơn ngày khỏe. Thế nên gia đình ông bà luôn đứng đầu danh sách hộ nghèo của xã. Mái tranh ông bà tá túc xiêu vẹo, thông thống gió lùa, mưa dột tứ tung… Sau bao năm chiến đấu, lập chiến công hiển hách nơi chiến trường, cuộc sống của người anh hùng trận mạc Nguyễn Xước Hiện chìm trong thiếu thốn, ốm đau, buồn tủi…!

Cởi bỏ “hàm oan” và nghĩa cử của những tấm lòng nhân ái


Chiến công vang dội của ông Hiện được sử sách Trung đoàn 64, bảo tàng Sư đoàn 320 lưu giữ rõ ràng. Nhưng ác cái, người làng Phượng Vĩ chẳng ai vào được đến đấy để biết tỏ tỏ tường, sách Lịch sử Trung đoàn 64 Quyết thắng cũng không xuất bản, lưu hành đến vùng quê nghèo này. Thế nên thành tích chiến đấu của ông Hiện mấy chục năm qua vẫn chỉ mình ông biết. Cho đến đầu năm nay, chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đồng đội ông mới tìm được địa chỉ về thăm. Sau bao nhiêu năm, mái tranh nghèo đất Phượng Vĩ mới được đón tiếp nhiều người, rộn rã tiếng cười vui đến thế. Đường vào nhà ông đất đỏ mấp mô, hai con trâu tránh nhau cũng khó nên ô tô phải đỗ cách xa cả cây số.

Hôm Trung tướng Khuất Duy Tiến về thăm, trao tặng ông Kỷ niệm chương của Sư đoàn 320 cũng phải đi bộ men theo các triền đồi mới vào được ngôi nhà tranh của người chiến sỹ đã góp phần làm nên truyền thống vẻ vang của đơn vị năm xưa. Chứng kiến việc này, dân làng Phượng Vĩ và cả huyện Cẩm Khê mới ngỡ ngàng khi biết quê mình có người con anh hùng đến thế. Các hành động quan tâm, chăm sóc gia đình người cựu chiến binh Trung đoàn 64 dù muộn màng nhưng vẫn sưởi ấm, thắp sáng niềm vui tưởng đã khô kiệt sau bao năm bị “hàm oan”, lầm lũi trong khổ cực của gia đình ông Hiện. Về thăm, chứng kiến hoàn cảnh khổ cực của ông, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê đã trực tiếp đứng ra vận động xây tặng ông căn nhà khang trang, vững chãi.

Ngày Chủ tịch UBND huyện về thông báo làm tặng nhà và anh em dân quân xã đến hỗ trợ ngày công san nền, tháo dỡ, di dời, sửa chữa ngôi nhà cũ rách nát làm nơi ở tạm, ông Hiện mừng đến rơi nước mắt. Vui lắm, nhưng ông cũng không giấu nổi nỗi lo. Nhà ông ăn bữa nay lo bữa mai, tiền thuốc men hằng tháng chẳng đủ lấy đâu mà góp làm nhà. Mấy lần có chủ trương hỗ trợ xóa nhà tạm mà ông có dám nhận đâu. Nghe Chủ tịch UBND huyện nói sẽ làm giúp toàn bộ, gia đình không phải lo lắng gì, ông lại thấy áy náy. Anh em đồng đội nhiều người còn khổ cực hơn, mình dù sao cũng còn lành lặn chân tay, hưởng lợi thế này sao nỡ… Tính cách con người ông là vậy, chẳng bao giờ đòi hỏi gì cho mình mà chỉ nghĩ cho đồng đội còn khó khăn, vất vả. Ngay cả chuyện đơn vị về làm thủ tục đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân mà lẽ ra ông xứng đáng được nhận đã lâu, ông Hiện vẫn áy náy: “Thành tích của mình đã thấm vào đâu so với hy sinh, mất mát của bao liệt sĩ, thương binh. Tôi còn sống, lành lặn thế này là hạnh phúc lắm rồi…”. Thế mới biết, ngọc càng mài càng sáng. Trong gian lao, khổ cực, phẩm chất người anh hùng lúc nào cũng được giữ vững, tỏa sáng…

Nguồn: Cao Khôi/báo Phú Thọ