Gần đây, trên mạng xuất hiện một clip của một số văn nghệ sĩ xuyên tạc về nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Những người này đã xuyên tạc khi cho rằng nữ anh hùng Võ Thị Sáu trước lúc ra pháp trường bị tâm thần, bởi “vì tâm lý người tử tù trước khi bị bắn đều hoảng loạn, sợ hãi cho dù đó là một tội phạm sừng sỏ và chỉ có người hoảng loạn tới mức bị điên mới ngắt hoa cài lên tóc thôi”.
* Đổi trắng thay đen
Việc đổi trắng thay đen, xuyên tạc lịch sử không phải đến hôm nay và cũng không phải chuyện riêng có ở Việt Nam mà nó đã có từ lâu và diễn ra ở khắp mọi nơi.
Đoàn thanh niên đến thăm mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu |
Khi đức vua Thành Thái (1979-1854, một trong 3 vị vua yêu nước nổi tiếng chống Pháp của triều Nguyễn là các đức Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân) có tư tưởng chống Pháp, ngài cũng bị vu cho là “điên” và tàn bạo.
Thế nhưng khi nhận chức Toàn quyền Đông Dương, sau một buổi tiếp kiến ngài, chính toàn quyền Paul Doumer đã phải thừa nhận: “Nhà vua không hề có dấu hiệu nào là một kẻ mất trí hay khát máu”. Tất nhiên, sau đó nhà vua vẫn bị thực dân Pháp buộc phải thoái vị vì bị vu cho là... điên.
Rất nhiều, rất nhiều các sự kiện lịch sử đã bị bẻ cong, bóp méo, xuyên tạc, vu khống một cách trắng trợn. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Cách mạng Tháng Mười Nga cũng đã bị gán cho rất nhiều tội lỗi, thế nhưng những tiếng nói của lương tri vẫn vang lên ở khắp mọi nơi.
Kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, ngài Sergei Mironov khi ấy là Chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga đã viết bài trên tờ Báo Nga ngày 31-10 với tựa đề Lịch sử không có những trang bị dứt bỏ, trong đó có đoạn: “Đại thi hào Nga A. Puskin trong thư gửi Chaadayev (nhà tư tưởng và chính luận Nga) từng viết: dẫu trong đời sống nước Nga có nhiều vấn đề làm nhà thơ đau buồn, thậm chí bị xúc phạm, nhưng không vì bất kỳ điều gì trên thế giới này mà nhà thơ “muốn thay đổi Tổ quốc, hay muốn có những trang sử khác với lịch sử của tổ tiên”.
Ngày 19-5-2009, ngài Dmitry Medvedev, Tổng thống Nga khi ấy đã ký sắc lệnh thành lập Ủy ban trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga nhằm chống lại những mưu toan xuyên tạc lịch sử làm phương hại đến lợi ích của Nga.
* Có cái chết hóa thành bất tử
Năm 1950, chị Võ Thị Sáu bị chính quyền quốc gia Việt Nam bắt sau khi đã ném lựu đạn giết chết 2 chỉ điểm viên của quân Pháp là Cả Suốt, Cả Đay.
Tại phiên tòa đại hình lúc mới 16 tuổi, Võ Thị Sáu đã nói: “Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội”.
Chị bị tòa án binh chế độ quốc gia Việt Nam kết án tử hình vào tháng 4-1951 và sau 3 năm trải qua đủ mọi giam cầm, tra tấn, chị bị đày ra Côn Đảo.
Mặc dù các luật sư biện hộ cho chị đã phản đối án tuyên này với lý do chị chưa đủ 18 tuổi, nhưng án tử hình vẫn được thực thi.
Chính quyền Pháp và chính quyền quốc gia Việt Nam không dám công khai thi hành bản án đối với chị, mà lén lút đem chị đi xử bắn.
Vào 7 giờ sáng ngày 23-1-1952, chị Võ Thị Sáu ngã xuống trước họng súng của quân thù tại Côn Đảo.
Khi biết sắp bị hành hình, suốt đêm 22-1, Võ Thị Sáu hát cho bạn tù nghe những bài ca cách mạng.
Trước khi bị bắn, cố đạo làm lễ rửa tội nhưng chị từ chối và nói rằng: “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội”. Khi được hỏi có ân hận gì không, chị đã dõng dạc trả lời: “Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước”.
Ở pháp trường, chị đã yêu cầu không được bịt mắt để được nhìn thấy quê hương và họng súng quân thù… Chị Võ Thị Sáu đã được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nếu liệt sĩ Võ Thị Sáu như những luận điệu xuyên tạc kia thì tại sao cái chết của một người phụ nữ trẻ lại rúng động đến như vậy? Nhiều chiến sĩ cách mạng bị giam cầm ở Côn Đảo sau này kể rằng đã rất cảm phục khí phách và tấm gương lẫm liệt của chị và lấy đó để noi theo.
Tại sao cái chết của một người tù cách mạng như muôn ngàn người tù khác nhưng ngay sau khi chị bị hành hình đã có một nấm mồ được đắp với đầy đủ họ tên, quê quán, ngày mất và được giữ cẩn thận tới ngày đất nước thống nhất khi mà lúc đương thời, những kẻ chỉ huy ngục tù Côn Đảo khi ấy đã đích thân cho lính đập nát cả bia, san bằng cả mộ.
Nếu quả thật anh hùng Võ Thị Sáu bị điên thì tại sao chị lại biết chọn mục tiêu để ném lựu đạn, đó là những kẻ cướp nước và bán nước. Nếu chị Võ Thị Sáu bị điên thì tại sao chính quyền quốc gia Việt Nam và cả thực dân Pháp khi ấy lại không xem xét đến tình tiết của một người đã mất năng lực hành vi dân sự.
Nếu chị Võ Thị Sáu bị điên lẽ nào nước “đại Pháp”, lẽ nào một chính phủ luôn nhân danh “tự do - bình đẳng - bác ái” lại cho phép kết án một người…bị điên. Với một người bị điên mà phải mở cả phiên tòa đại hình để xét xử và tuyên án tử hình, mà lại tuyên án tử hình một người chưa đủ 18 tuổi.
* Có những người xem cái chết nhẹ tựa lông hồng
Nếu như luận điệu cho rằng, chỉ người bị điên mới cài hoa và hát khi ra pháp trường, thì sẽ giải thích ra sao về rất nhiều những tấm gương anh hùng, bất khuất khác.
Đúng là tất cả mọi sinh vật đều sợ chết bởi bản năng sinh tồn luôn mãnh liệt nhất. Bởi vậy, không có gì lạ khi có những tên tử tù khét tiếng tàn ác nhưng ra pháp trường không thể tự đi mà run sợ tới mức “…ra quần”.
Thế nhưng, có những con người đã xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Nếu tất cả mọi người ra pháp trường đều “điên” cả như ai đó nói, thì giải thích ra sao hiện tượng rất nhiều các nhà yêu nước đã hiên ngang ra pháp trường, thản nhiên đón nhận cái chết thật ung dung, tự tại và chỉ xem đó là trả đền nợ nước.
Điều gì đã khiến người thanh niên Nguyễn Thái Học ở tuổi 28 đã hiên ngang ngẩng cao đầu và đọc 4 câu thơ bằng tiếng Pháp giữa pháp trường trước khi lên máy chém của thực dân ngày 17-6-1930: “Mourir pour sa patrie/ C’est le sort le plus beau/Le plus digne.../d’en vie...” (Chết vì Tổ quốc/Chết vinh quang/Lòng ta sung sướng/Trí ta nhẹ nhàng...).
Không những thế, Nguyễn Thái Học còn giơ tay chào mọi người với lời nhắn “rồi thế nào cách mạng cũng thành công”. Nguyễn Thái Học yêu cầu ông phải là người cuối cùng bước lên đoạn đầu đài để có dịp nhìn đủ 12 cái đầu của đồng chí mình rớt xuống.
Không chỉ ông, phu nhân của ông là Nguyễn Thị Giang đã bắt xe đò lên tận nơi thực dân Pháp hành quyết chồng mình. Sau khi nhìn 13 cái đầu của chồng và các đồng chí của chồng rớt xuống, bà trở về quê chồng ở Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc rút súng lục mà lúc sinh thời Nguyễn Thái Học tặng bà, bắn vào đầu tự tử khi đang mang thai. Thực dân Pháp sau đó đã cho lột trần và phơi xác bà giữa cánh đồng nhiều ngày cho tới khi nhân dân đấu tranh mới cho đem bà đi chôn.
Phó Đức Chính, một trí thức và là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của khởi nghĩa Yên Bái, khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại và bị thực dân kết án tử hình, ông từ chối việc chống án với câu nói đầy khí phách: “Đại sự không thành! Chết là vinh! Còn chống án làm chi vô ích!”.
Ông là người thứ 12 bước lên đoạn đầu đài trong buổi thực dân Pháp chém đầu 13 lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa vì cũng muốn như đảng trưởng Nguyễn Thái Học được nhìn đầu các đồng chí của mình rơi xuống. Không những thế, Phó Đức Chính còn giật băng bịt mắt và đòi nằm ngửa để xem máy chém rớt xuống như thế nào.
Người cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng trước khi lên máy chém đã mấy lần gọi “Việt Nam” thân yêu và đã hát nhiều lần bài Quốc tế ca. Anh đã giữ vững ý chí chiến đấu đến phút chót của đời mình. Ngày 28-8-1941, những chiến sĩ lỗi lạc của Đảng Cộng sản Đông Dương là Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu… đã ung dung đón nhận cái chết tại trường bắn Hóc Môn của quân thù.
Yêu ai, ghét ai là quyền của mỗi người, song cố ý xuyên tạc lịch sử như đã từng diễn ra là điều khó có thể chấp nhận. Xuyên tạc và xúc phạm một người anh hùng đã xả thân vì nước như liệt sĩ Võ Thị Sáu lại càng là điều không thể chấp nhận. Tất cả những người hy sinh thân mình cho Tổ quốc như chị Võ Thị Sáu sẽ bất tử, bởi đối với các đấng anh hùng hào kiệt, “thác là thể phách, còn là tinh anh” (Truyện Kiều - Nguyễn Du).
Soures: Viết Phước/baodongnai