Thứ Năm

Cuộc sống vô nghĩa chính là nguồn gốc của mọi tội lỗi

Theo một con số thống kê sơ bộ thì 70% dân nghiện ma tuý ở độ tuổi mới 25. Dưới đây chúng tôi thử đưa ra một cách giải thích cái hiện tượng nguy hại đó dưới góc độ văn hoá - đạo đức.

Khi một thanh niên vào con đường nghiện ngập tức anh ta đang tự huỷ hoại thân xác. Trước mắt mọi người anh ta là hiện thân của một kẻ bạc nhược mất hết ý chí. Một sự suy đồi về tính cách chính thức bắt đầu. Đúng ra phải gọi là một cái chết đến sớm.

Tại sao ai cũng biết vậy, mà trong xã hội, tệ nạn ấy ngày một phát triển và không biết bao giờ mới có thể triệt bỏ?


Khi nêu câu hỏi này với một số người, tôi thường được nghe những câu trả lời đại khái:

Tại nhà trường xã hội buông lỏng giáo dục
Tại các cửa khẩu bị lũng đoạn để hàng lậu nhập vào.

Cuộc sống vô nghĩa chính là nguồn gốc của mọi tội lỗi
Ôi giời, vốn một mà lãi trăm lãi ngàn! Ông bà nào muốn hốt bạc của thiên hạ thật nhanh thì chỉ có cách đi vào con đường buôn bán cái thứ hàng đó.

Nhưng tôi cho rằng bên cạnh những nguyên nhân khách quan nói trên, ở đây còn có nguyên nhân chủ quan, tức bản thân “cơ địa”, cái đời sống tâm lý của một số thanh niên hiện nay, nó đang là mảnh đất lý tưởng để sự hư hỏng hoành hành.

Và đây có lẽ là một ví dụ rõ nhất chứng minh cho cái điều đơn giản -- các hiện tượng tiêu cực bao giờ cũng có căn nguyên văn hoá - đạo đức sâu xa của chúng.

Nuông chiều quá mức

Tội lỗi nhiều khi chỉ bắt đầu từ một phút yếu lòng, một sự buông thả. Tệ hút xách cũng không ra ngoài quy luật đó. Nhiều nạn nhân đã đến với tử thần do chỗ a dua với bạn bè, nhẹ dạ ham chơi ham của lạ, và khi biết mình “tay đã nhúng chàm” thì không rút ra nổi.

Có vẻ như trong trường hợp này, các đương sự đáng được giảm nhẹ tội lỗi: Cái lối sống bầy đàn theo đuôi nhau, cái bệnh học đòi đua đả nhau, thanh niên thời nào chẳng có?

Nhưng khi để cho một bộ phận thanh thiếu niên trở nên ẽo uột và dễ bị lôi kéo như vậy, thì trách nhiệm của những người lớn tuổi lại nặng nề hơn bao giờ hết.

Ở đây có những thói quen, thoạt nhìn vô can, song lại tai hại vô kể. Nhiều người chúng ta, lớn lên trong những hoàn cảnh cơ cực, khi đã khá giả hơn một chút, thương thân mình rồi thương lây sang con, thường muốn cho con ăn tiêu thật thoải mái.

Không ai cho là có lỗi khi trót nuông chiều trẻ quá mức.
Trong nhiều gia đình, lớp trẻ chỉ biết có quyền lợi mà không biết đến trách nhiệm.

Các trường học bây giờ lại có lối cho điểm học trò thật cao để lấy thành tích. Trong sự dễ dãi với nhau, ta càng dễ hơn với trẻ. Và trẻ cứ thế nghênh ngang vào đời với sự tự tin chúng là những ông tướng.

Trong khi kêu trời với nhau rằng thanh thiếu niên giờ đây nhiều em ích kỷ, ham hưởng thụ, dửng dưng với việc đời, với cái hay cái dở... nhiều người quên rằng chính mình đã góp phần nhào nặn nên những tính cách đó. Giá kể như chúng ta sớm biết đề ra những yêu cầu cao với trẻ, biết dạy dỗ chúng trở nên những con người nhạy cảm, có lòng vị tha, có nghị lực theo đuổi mục đích cao đẹp... thì đâu đến nỗi!

Làm mất sức đề kháng

Theo như cách nói của y học, cơ thể nào cũng có sức tự đề kháng. Trước sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, cơ thể huy động mọi bản năng để tự vệ, tức để duy trì sự sống.


Thành thử đòn đánh mạnh nhất đối với một cơ thể là đánh vào khả năng tự đề kháng này.

Bấy giờ cơ thể trở nên vô cùng yếu ớt, mọi sự thuốc thang chạy chữa chỉ còn rất ít ý nghĩa.

Đối với sức khoẻ tinh thần, tình hình cũng có nhiều phần tương tự. Khả năng tự đề kháng nói ở đây là sự phân biệt hay dở xấu tốt và lòng tin rằng người ta cần phải tốt và có thể tốt.

Thiếu đi lòng tin ấy, con người ta sẽ mất hết khả năng tự kiềm chế và tự phấn đấu, sẽ sống buông thả, tuỳ tiện, rồi rơi vào tội lỗi lúc nào không biết.

Tiếc thay, cách cư xử của người lớn trong một số gia đình hiện nay khiến con cái họ cứ ngấm dần căn bệnh quái ác kia. Tức là một số thanh niên đang mất dần sức đề kháng trước sự cám dỗ của thói xấu, không còn khả năng chống đỡ.

Thường trực bày ra những tấm gương xấu

Như các nhà nghiên cứu giáo dục vẫn nhận xét, thanh thiếu niên thường rất ngại phải nghe những lời giáo huấn từ phía người lớn, nhưng lại thường xuyên quan sát xem người lớn sống ra sao để rồi tìm ra kết luận cần thiết cho việc xử thế.

Vậy thì làm sao chúng có thể ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành khi biết rằng bố mẹ chúng chỉ phất lên nhờ khéo léo luồn lọt và giờ đây đang tìm cách tô điểm cho bản thân bằng mấy tấm bằng rởm?

Việc nhà nước giao chỉ làm cầm chừng, cái gì có lợi riêng mới sốt sắng thúc đẩy.
Giữa các đồng nghiệp nếu không móc ngoặc được với nhau thì đấu đá kèn cựa.

Dửng dưng trước mọi lời chê trách.

Vào cửa nào cũng tính chuyện lót tay, chạy chọt, và quả thật “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, đồng tiền đã thành một thứ dầu mỡ bôi trơn mọi mối quan hệ...

...

Đó là những thói xấu hiện thời đang khá phổ biến trong xã hội, và khó lòng nói rằng chúng không ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của lớp trẻ. Cộng với những kém cỏi của nhà trường (cổ lỗ trong kiến thức và phương pháp giảng dạy; nghèo nàn trong quan niệm về đào tạo; và rồi cũng làm ăn, mua bài, xin điểm, bán bằng cấp...), có thể nói bao nhiêu yếu tố tiêu cực mà hàng ngày mọi người quan sát thấy ở mình và mọi người, và một phần được nói lên trên báo chí, đã làm cho tâm hồn một số thanh thiếu niên trở nên cằn cỗi.

Chúng dễ cảm thấy cuộc đời vô nghĩa. Những khái niệm mà xã hội cho là đúng đắn đối với chúng trở thành giả dối.

Thậm chí có những em không thiết sống. Tôi nhớ có lần được nghe kể: một thanh niên vừa đến tuổi trưởng thành thì phạm tội, bị án tử hình. Có mấy cô mấy bác có mặt ở phiên toà, thương tình, bảo cháu xin giảm án. Có dịp giáp mặt với cái chết, người thanh niên gạt nước mắt nói ra cái điều có lẽ là nghiêm chỉnh nhất trong đời mình:

- Cháu xin giảm án để làm gì ? Ở nhà bố mẹ không thương xót cháu; đi học nhà trường bất công; học không có chỗ, học xong không có việc làm - cháu sống để cùng kéo dài cái kiếp dài rạc như các cô các bác hay sao?

Những kẻ đã chết một phần tâm hồn thường dành cho mình quyền làm bất cứ việc gì chúng thích, không biết đến lương tâm, càng không biết đến pháp luật. Và trước mắt, đám trẻ này chỉ thèm hưởng thụ. Còn có môi trường lý tưởng nào với chúng, hơn cảnh nghiện hút?

Không phải hôm nay trẻ mới hư hỏng
Nhưng chưa có thời nào trẻ hư như thời nay


Trong nếp sinh hoạt cũ của ông cha ta, ngoài nhiều đức tính tốt cũng đầy rẫy nếp sống tiêu cực.

Cả "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính lẫn "Việt Nam văn hoá sử cương" của Đào Duy Anh đều có một chương riêng nói về cuộc tiêu khiển, trong đó có mục phiện phò hút xách, và nói rõ cái hại của tục này.

Trần Trọng Kim trong "Việt Nam sử lược" cũng nói người mình phải cái thích chơi bời, mê cờ bạc. Ca dao ghi lại trình tự làm ăn sinh hoạt các tháng trong năm, mở đầu bằng hai câu:

Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè


Xưa ta hay bảo đó là nếp sống suy đồi của bọn thống trị. Nhưng giai cấp thống trị cũng là một bộ phận của dân tộc. Vả chăng, thói xấu chẳng chừa một ai, càng những con người cùng cực khi đã trở nên lưu manh càng trở nên bất cần, liều lĩnh.

Vậy là xét về bề nào cũng thấy nạn nghiện hút - VÀ NÓI CHUNG LÀ MỌI THÓI XẤU -- trong lớp trẻ hiện nay có những căn nguyên sâu xa trong cách sống của chúng ta, thậm chí cả trong đạo lý cũng như truyền thống văn hoá. Chừng nào mà những căn nguyên đó chưa được làm rõ và thay đổi, thì những mầm mống bệnh tật còn có cơ nảy nở. Trị đám buôn bán thứ hàng độc hại ấy là rất cần. Song duy trì được đời sống tinh thần lành mạnh để những tệ nạn ấy không có đất mà phát triển - cái đó mới thật là việc cơ bản phải lo. Bởi đây là công việc có ý nghĩa văn hoá, nên giới văn hoá phải có mặt.

(Đã in trong tập "Nhân nào quả ấy" 2002 dưới nhan đề "Lòng tin và khả năng tự đề kháng")
Soures: Chungta.vn