Thứ Sáu

Bức tranh nội chiến SYRIA, CHUYỆN IS lịch sử và nguồn gốc hiện tại

Có lẽ, trong chúng ta mỗi buổi sáng đọc tin tức đều nghe về Syria, IS, khủng bố tại Châu Âu, và một cụm từ rất mỹ miều “Mùa xuân Ả Rập”. Nhưng có thể hầu như nhiều người đều rất mông lung về khái niệm này, không biết nó đã sinh ra từ đâu, và đến khi nào?

Ảnh minh họa, tôi làm ra để các bạn có thể tưởng tượng dễ hơn, theo mạch bài viết, các bạn có thể hiểu các bức tranh diễn tiến ở đâu.

Bài viết hôm nay của tôi, sẽ cố gắng vẽ nên cho các bạn một bức tranh tổng quát nhất (rất mong được sự góp ý). Để sau này nếu nghe về IS hay Sirya, bạn cũng sẽ hiểu vì sao khủng hoảng tồi tệ này có mặt trên trái đất.

Bức tranh nội chiến SYRIA, CHUYỆN IS lịch sử và nguồn gốc hiện tại
Hãy đi tìm lịch sử, bởi chỉ có lịch sử mới đi kể cho bạn về nguồn gốc của vấn đề:

Chúng ta sẽ bắt đầu bằng một đế quốc khét tiếng trong lịch sử nhân loại: đế quốc Ottoman.

Đấy là một trong những đế quốc rộng lớn nhất lịch sử nhân loại, đã từng “phủ” lên cả ba châu lục Á, Âu, Phi, với đội quân khát máu nhất cùng một đế chế thịnh vượng. Không đơn thuần là Thổ Nhĩ Kỳ, nước Thổ chỉ là cái gốc sơ khởi để Ottoman đi ra thế giới. Những vị vua giỏi nhất lên nắm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu con đường chinh phục của họ, chẳng hạn vua Selim I, người đánh bại Ba Tư, tiêu diệt Ai Cập và đến đại đế Suleiman lấy luôn cả Trung Đông sát nhập vào Ottoman. Người Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay vẫn nói về Ottoman như người Mông Cổ nói về thời đại Thành Cát Tư Hãn.

Trong lòng đế quốc Ottoman thời kỳ thịnh trị nhất bao gồm cả Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Nam Tư (rồi lại tan rã làm 5 nước độc lập khác chẳng hạn Croatia, Serbia…), Hungary, Albania, Syria, Liban, Jordan, Israel, Aden, Kuwait, Ai Cập, Sudan, Libya, Iraq, Yemen, Tunisia, Algérie, Síp, Armenia, Gruzia, Ukraina và một phần nước Nga. Tức là có tới 30 quốc gia hiện nay đã được thành lập từ lãnh thổ cũ của Đế quốc Ottoman. Bạn có thể nhận ra những cái tên quen thuộc của mùa xuân Ả Rập ở trong ấy: Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen, Syria, Libya.Theo thời gian, đế quốc này suy yếu dần, các lãnh thổ dần dần bị mất để thành quốc gia riêng rẽ tách biệt với Ottoman.

Năm 1914-1918 chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra. Đế chế Ottoman khi đó đã rất suy yếu rồi, nhưng vẫn là một đế quốc rộng lớn. Trong cuộc chiến, họ chọn Đức. Kết quả như chúng ta biết rồi, các cường quốc đồng minh Anh – Pháp - Nga giành thắng lợi. Và những người Châu Âu quyết tâm làm tan rã lãnh thổ to lớn của Ottoman – một đế chế đã đe dọa Châu Âu suốt 7 thế kỷ.

Tại sao Anh Pháp Nga cần làm điều đó? Tất cả liên quan đến cuộc “Thập tư chinh” mà giáo hoàng kêu gọi vào thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, với 9 cuộc thập tự chinh trong lịch sử. Đấy là một cuộc chiến tranh tôn giáo giữa Kitô giáo và Hồi Giáo trên ngọn cờ hiệu “Giải phóng vùng Đất Thánh và vùng đất thiêng Jerusalem khỏi người Hồi giáo, giải phóng những tín đồ Công giáo khỏi sự thống trị của Hồi giáo.

Đoàn quân “Thập tự chinh” đầu tiên đánh vào Jerusalem và tàn sát quân hồi giáo chính là…PHÁP. Và Pháp chính là quốc gia chủ đạo với những “hiệp sĩ dòng Đền” trong các cuộc tấn công vào Ả Rập 8 lần tiếp theo. Trong các cuộc chinh chiến này thì Anh, Bồ đều tham gia, và cả gì bạn biết không: thập tự quân Bắc Âu.

Và đó chính là lịch sử. Những vụ khủng bố tại Pháp và Châu Âu hôm nay không phải là “trên trời rơi xuống”, cũng không phải vì IS hay những cuộc tấn công của Pháp tại Syria hay Lybia, đó là những mâu thuẫn có từ rất lâu rồi. Cũng tương tự, sau gần 3 thập kỷ Pháp tuyên bố không tham gia các chiến dịch quân sự của NATO. Nhưng Thủ tướng Nicolas Sarkozy là người đã điều máy bay tấn công Lybia. Đương nhiên còn vì hoàn cảnh cảu Sarkozy khi đó, tuy vậy chọn ai không chọn, chọn đúng Lybia thì cũng khá là trùng hợp.

Trong các cuộc thập tư chinh, đa số Quân Pháp giành được những thắng lợi bước đầu trước khi bị phản công. Cuộc thập tự chinh lần cuối kết thúc vào năm 1272. Đến năm 1517, đế quốc Ottoman thâu tóm cả Trung Đông, Ả Rập, 20 năm tiếp theo, họ lấy luôn Hy Lạp và Hungary. Cả Châu Âu bị Ottoman đe dọa. Gió đổi chiều./

Ottoman chính là đế quốc đường đường chính chính nhất thế giới Hồi Giáo thách thức thế lực phương tây và thậm chí còn đe dọa nuốt luôn họ. Từng có lúc đế chế Hồi giáo này “vây” lấy Viên (Áo). Châu Âu để tồn tại phải liên tục lập các liên minh thần thánh để ngăn cản chuyện này.

Khi thế chiến 1 kết thúc, Ottoman trong vai trò kẻ thua cuộc đã bị Anh Pháp Nga xé lẻ ra. Đấy là con đường đi tiếp con đường cha ông, ngăn chặn ảnh hưởng hồi giáo lớn mạnh.

Kết quả: Thoả thuận Sykes-Picot năm 1916 đặt ra số phận của Tây Nam Á hiện đại trong thế kỷ tiếp sau. Pháp có vùng phía bắc của Ottoman ( bao gồm Syria, với sau này là Liban), rồi sau này Syria, Liban dành được độc lập, họ chính là Syria hôm nay chúng ta thấy. Nước Anh thì có vùng phía Nam của Ottoman ( bao gồm Jordan, Iraq). Ottoman chính thức sụp đổ vào năm 1918, khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố độc lập. Những quốc gia của “Mùa xuân Ả Rập” mà ta nói hôm nay chính là được hình thành dần dần từ sau năm 1918.

Nhưng cuộc thập tự chinh và cuộc đấu Ottoman – Phương Tây không hề kết thúc, mà chỉ biến chuyển sang hình thái mới. Bởi đây không phải là cuộc đấu vì lãnh thổ, mà là mâu thuẫn 1000 năm về ý thức tôn giáo của hai chủng tộc. Trong đó, sự lớn mạnh của tôn giáo nào, sẽ đi cùng với sự xâm chiếm tôn giáo còn lại.

Thế kỷ thứ 20, 21 văn minh phương Tây đã thắng thế.

Phương Tây dù đã phân rã được đế chế Ottoman sau thế chiến I, nhưng vẫn luôn coi sự trỗi dậy một ngày nào đó của thế lực hồi giáo sẽ là sự đe dọa tồn vong của họ. Bởi vốn dĩ cuộc tranh đoạt và đấu đá của trang sử đẫm máu hình thành nên bộ mặt Tiểu Á, Châu Âu hôm nay chính vì các chiến tranh ấy. Chắc đa số nhiều bạn không biết thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vốn là thủ đô của đế chế Đông La Mã, và thánh đường Hagia Sophia nổi tiếng, vốn là nơi thờ chúa Kitô, nhưng sau đó các tượng Kitô đã bị phá hủy hoàn toàn để thay bằng thánh đường Hồi Giáo.

Tổng thống Recep Erdogan từng nói một câu “Thổ Nhĩ Kỳ không bắt buộc phải vào EU. Thực tế thì EU cần Thổ Nhĩ Kỳ hơn là Thổ Nhĩ Kỳ cần EU.”

***

Tunisia, Ai Cập, Yemen, Syria, Iraq, Libya có một cái là gai và cũng là cái mối nguy tiềm ẩn nhất mà phương Tây lo ngại: chủ nghĩa Hồi Giáo.

Tunisia, Ai Cập, Yemen, Syria, Iraq, Libya có một thứ mà phương Tây khao khát, đấy là Dầu mỏ. Dầu mỏ chính là phần thưởng để thế giới của những người Ki tô giáo như Mỹ và phương Tây muốn nhúng tay vào lục địa này.

Kết luận: lịch sử chiến tranh Ottoman – Châu Âu, mâu thuẫn giữa hồi giáo và kitô giáo, cùng sản lượng dầu mỏ khủng khiếp ở Trung Cận Đông.

- Lịch sử xung đột

- Tâm linh tôn giáo

- Kinh tế dầu mỏ

Đủ cả 3 yếu tố để Mỹ và phương Tây nhảy ngay vào khi có cơ hội.

Khi Mỹ muốn chuyển trục qua đây sau chiến tranh lạnh, họ đối mặt với một vấn đề rất khó khăn, đấy là sự “ăn sâu bén rễ” của các lãnh đạo tại Thế giới Ả Rập. Hãy cho ví dụ nhé: Tổng thống Mubarak, cai trị Ai Cập trong 30 năm, Tổng thống Yemen, Ali Saleh, 32 năm cầm quyền. Tại Libya tổng thống Gaddafi nắm quyền 42 năm, tổng thống Tunisia, Zine Ben Ali nắm quyền 24 năm.

Sự cầm quyền quá lâu đương nhiên sẽ dẫn đến 1 mặt trái, đó là trong xã hội sẽ luôn có một mồi lửa âm ỉ đợi ngày bùng phát vì bất mãn lâu dài mà không được giải quyết. Mỹ và phương Tây đợi được đến ngày đó.

***

Vào một ngày mùa thu của năm 2010, cũng như mọi ngày khác của Mohamed Bouazizi, một người bán hàng rong bán rau trên đường phố Sidi Bouzid ở Tunisia. Nhưng hôm đó, anh bị thanh tra cảnh sát đòi tịch thu chiếc xe bán hàng rong vì cấm bán hàng rong. Để có thể giữ được chiếc xe, anh phải đóng khoản tiền hối lộ 7 đô la cho một thanh tra của chính quyền.

Mohamed Bouazizi phải nuôi mẹ, năm người em và một người cậu đang ốm. Trong khi 7 đô la là thu nhập của cả một ngày. Phẫn uất bị thu xe bán hàng, Bouazizi sau đó đã tự thiêu để phản đối.

Hình ảnh bi phẫn đó đã khiến người dân Tunisia bị o ép lâu nay không chịu nổi, dẫn tới một loạt cuộc biểu tình ở Tunisia và rồi nhanh chóng lan ra các nước bên cạnh, tạo nên cơn địa chấn mang tên “mùa xuân Ảrập”.

“Dân như nước, chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Đấy là bài học xương máu về sự đàn áp đến tột cùng sẽ đưa đến chuyện gì.

Như đã phân tích ở điểm 1. Đây chính là cơ hội của những người của Mỹ và Phương Tây, thực hiện cuộc “Thập tự chinh” lần thứ 10 của họ vào thế giới Ả Rập.

Mỹ và Phương Tây lập tức đổ tiền bạc, của cải và vũ khí vào trong các đoàn biểu tình. Dưới sự trợ lực của Mỹ, cùng sự chỉ trích của cả cộng đồng quốc tế. Các chế độ tại Tunisia, Yemen nhanh chóng sụp đổ. Ai Cập bạo loạn hơi khó khăn nhưng cũng lật đổ được. Theo đà của mùa xuân Ả Rập, đến lượt chế độ Lybia cũng băng hà, qua cách điều binh vào mặt trận của Pháp, việc lực lượng chống chính phủ Lybia tàn bạo với chủ nhân cũ cho thấy sự bất mãn xã hội tại Lybia đã âm ỉ rất lâu. Chỉ duy nhất tại Syria là có vấn đề.

Vì Nga nhảy vào bàn cờ chính trị.

Nga không thể tiếp tục nhìn bàn tay của Mỹ vươn hẳn sang Trung Đông và kẹp sát nách họ như vậy. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chặn đầu Mỹ và phương Tây trong cuộc họp tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Cuộc nội chiến Syria chính thức diễn ra. Chỉ bởi không thể lật đổ al-Assad qua đường biểu tình như ở Ai Cập, không thể lật đổ al-Assad qua đường quân sự minh bạch như với Lybia (do Nga chặn lại). Nên cần dùng tay của chính người dân Syria giết người dân Syria. Mỹ chuyển qua ủng hộ quân nổi dậy chống chính phủ của Bashar al-Assad.

Mỹ cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy, quân chính phủ thua liên tục. Nga đưa quân vào Syria, quân nổi dậy bị đẩy lùi. Đỗ Nam Trung (cháu 7 đời của Đỗ Thích nhà ta) nhân cái cớ thằng ngu nào bên chính phủ Syria dùng vũ khí hóa hậu, điều vài quả Tomahawk nhắm vào căn cứ của quân chính phủ. Quân nổi dậy ào lên chiếm lại đất. Cuộc nội chiến Syria là một cuộc chiến mà khi có 1 bên thua cuộc, thì lập tức có 1 bàn tay bên ngoài nhúng vào để đổi ngược tình thế, hà hơi nhân tạo, và đánh nhau tiếp.

Trong cuộc đấu tương tàn ấy, chỉ có người dân là chịu khổ. Mất cửa, mất nhà, di tản, chết chóc. Và rồi, vấn đề người nhập cư lại trở thành nghiệm số tiếp theo trong thời đại toàn cầu hóa hôm nay. Một bài toán mà giải bằng cách nào cũng chết cho cả 2 phía. Chuyện “Mùa xuân Ả Rập” trở thành “Mùa đông chết chóc” hoặc “Mùa xuân hồi giáo cực đoan” như hôm nay ta thấy với các cuộc biểu tình, bạo loạn ở Ai Cập, cùng hình ảnh điêu tàn của Syria, chính bởi người phương tây đã áp đặt suy nghĩ của họ vào trong tôn giáo Hồi Giáo, áp đặt văn hóa của họ vào trong lịch sử văn hóa người Hồi. Kết quả hôm nay đã chứng minh sự khác biệt về ý thức hệ có tính kế thừa hàng thế kỷ sẽ không phải được giải quyết chỉ bằng 2, 3 cuộc biểu tình.

Khi Trump cho tên lửa Tomahawk tấn công căn cứ Shayrat và Tartus (nghe như trong Games hi). Dân tình nóng lạnh tưởng có thế chiến III sắp xảy ra. Nhưng không phải. Các bên lên gân chứ không đụng vào nhau đâu. Vì sao bạn biết không? Vì bàn cờ lợi ích không đến mức phải hạ sát nhau ở đây. Và vì quá khứ cuộc đấu ở các nước nhỏ của các nước lớn quá quen với chuyện này rồi, chỉ có báo chí và mạng xã hội làm quá lên thôi.

Bạn có thấy tương đồng với Việt Nam không các bạn? Tôi chỉ cho từng điểm luôn nhé.

1/ Từ cái lý do can thiệp: ngăn chặn ảnh hưởng của nhau, một bên muốn mùa xuân Ả Rập đi tiếp, và bên kia muốn ngăn nó lại.

2/ Đến cuộc chiến “Này anh lính chiến, người bạn pháo binh. Mẹ tôi tóc sương, từng đêm nghe đạn pháo rơi thật buồn. Anh rót cho khéo nhé, kẻo lầm vào nhà tôi, nhà tôi ở cuối chân đồi có giàn thiên lý, có người tôi yêu”.

3/ Đến các cuộc di tản, vượt biên: đừng khóc cho em bé Syria bạn, người Việt Nam hãy khóc cho người Việt Nam trước, chúng ta từng có những cuộc di thuyền đầy nước mắt.

4/ Cho đến diễn biến của cuộc chiến tranh: tôi cho ví dụ vào Năm 1972, chiến dịch Xuân Hè của quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Việt Nam Cộng Hòa gọi bằng “Mùa hè đỏ lửa”). Một cuộc tấn trên quy mô rộng của quân đội miền Bắc từ 30 tháng 3 năm 1972 đến 31 tháng 1 năm 1973. Khi đó, B52 của Mỹ cũng tiến hành oanh tạc Hà Nội và Hải Phòng ( câu chuyện "Hà Nội 12 ngày đêm khói lửa." )

Trump ném mấy quả Tomahawk và Nga giúp hệ thống đánh chặn tên lửa hôm trước, cũng tựa tựa đúng không?

Đương nhiên, vẫn có quá nhiều điểm khác biệt của hai cuộc chiến, rất nhiều là đằng khác.

Tôi nói cái điểm giống là để làm gì? Để các bạn hãy hiểu hai điểm. Đầu tiên là “đừng có tin trọn vẹn thằng nước lớn nào cả. Họ luôn có toan tính của họ. Chúng ta phải biết sử dụng cái toan tính để làm lợi cho ta, và tránh bị họ nuốt”. Điều này Singapore của Lý Quang Diệu hay Thái Lan dùng khá giỏi. Thứ hai, các nước nhỏ như Việt Nam ngày xưa và Syria hôm nay, là nạn nhân của những cuộc tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn, nhưng máu xương đổ nhiều nhất chính là con em nước Việt. Nên trong thời bình, vấn đề hòa hợp và hòa giải dân tộc nên được đặt cao hơn các vấn đề gây thù hằn nhau.

Trên bàn cờ ấy, Syria muốn hòa bình, phải bằng bàn tay của họ, con người của họ chứ không phải dựa vào cường quốc nào khác. Một câu chân thành, cho đến bây giờ ở Syria, không có ai đủ tầm gan lì như người cầm cương Việt Nam những tháng năm chiến tranh điêu tàn ấy: Lê Duẩn.

Bạn biết cách đây đúng 1 tuần (7/4) chính là ngày sinh của cố tổng bí thư Lê Duẩn chứ? Ông là một nhân vật lớn trong lịch sử Việt Nam, người nắm bàn tay sắt và gan lì trong chiến tranh, cùng một tính dân tộc cực cao. Ông từng nói thế này trong cuộc chiến tranh năm ấy: “Muốn giải phóng Việt Nam thì chúng ta không sợ Mỹ là đương nhiên, càng không được sợ Liên Xô và Trung Quốc”.

Bashar al-Assad có đủ bản lĩnh hiểu câu đó như Việt Nam, để giúp cho dân tộc thoát khỏi tình thế ngặt nghèo hôm nay? Tôi e là khó.

Bức tranh cuối cùng của các bạn ở đây, IS là ai? Sinh ra thế nào?


Hiểu lầm thứ nhất:

IS chỉ là những kẻ ngu dốt, man rợ và cực đoan. Cực đoan có thể đúng. Nhưng ngu dốt thì không. Đã bao giờ các bạn thắc mắc vì sao những gì các bạn đọc về IS thấy nó man rợ vậy mà nhiều người theo nó không?

Như tôi đã kể cho các bạn về đế chế Ottoman, tôi nói rằng, hôm nay người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhắc về đế chế đó như người Mông Cổ nói về Thành Cát Tư Hãn. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không làm Ottoman, mà bạn biết ai đang làm Ottoman không? Một số người sẽ không bất ngờ về câu trả lời, nhưng sẽ có nhiều người không ngờ, chính IS là nơi giương cao ngọn cờ Ottoman nhất. Đấy là lý do họ được theo về, không phải vì tiền bạc, tiền bạc chỉ là một phần. Đấy là lý tưởng mà IS dành tặng cho những người theo đạo hồi. Cái tên IS nghĩa là gì Islamic State – Nhà nước Hồi giáo. Mục tiêu tối hậu của IS là thiết lập một nhà nước Hồi giáo thống nhất toàn Trung Đông, áp dụng luật Hồi giáo Sharia. Họ giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa Hồi Giáo. Tạo ra một vương quốc của riêng người Hồi Giáo, và sẵn sàng tạo nên một đế quốc rộng lớn chỉ riêng cho Hồi giáo, tiêu diệt các “dị giáo” khác. Hoặc gợi về những vinh quang thịnh vượng của ngàn năm về trước tại miền đất này, về một nền văn minh từng đứng đầu thế giới như Ottoman hay Ba Tư, Babylon. Đấy là tham vọng vĩ đại của IS.

Khi đã có một tính chính thống, một lý tưởng, cùng với nguồn tiền dồi dào, họ có người theo về (đấy là lý do các bạn gặp những bài báo có các cô gái, chàng trai người Anh, người Đức bỏ cả gia đình văn minh để gia nhập IS). Từ nhân lực và vật lực, họ xây dựng nên những địa phương dưới trướng của họ. Địa phương ấy dành những gì tốt đẹp cho một hệ giáo phái họ tôn thờ, và tiêu diệt những hệ phái khác.

Hiểu lầm thứ hai: IS được sinh ra trong “Mùa xuân Ả Rập” và “nội chiến Syria”. Sai. IS đã tồn tại từ rất lâu rồi. Câu nói “nếu bạn bắn vào quá khứ một phát súng lục, tương lai sẽ bắn vào bạn một quả đại bác”. Chính là ứng với Mỹ, họ không thuộc bài học về Bin La Den, và càng không thuộc bài học về IS. Trước đó vẫn manh nha, nhưng IS vốn được chính thức sinh ra sau sự sụp đổ của Tổng thống Saddam Hussein vào năm 2003.

Các bạn đọc báo chắc không lạ gì cái cảnh IS chặt đầu con tin phương tây và hành quyết những người theo hệ hồi giáo Shiite. Cùng là hồi giáo, tại sao lại giết nhau, vì IS là của dòng Hồi giáo Sunni, mà Sunni và Shiite lại có mối “thâm hải huyết thù”. Vào năm 2003 khi Hussein – người thủ lĩnh của hệ phái Sunni bị lật đổ, quyền lực của hệ phái này dồn cả vào tay hệ phái Shiite, hệ phái này lại đàn áp chính hệ Sunni. Những người thuộc dòng Sunni còn lại trở thành đứa con rơi của chế độ. Hệ phái này lặng lẽ tập hợp với nhau, tiến hành khủng bố khắp nơi ở Iraq. Các bạn còn nhớ cái tên al-Zaqawi không? Đã có thời, cái tên này bị truy lùng chỉ sau Bin La Den. al-Zaqawi là thủ lĩnh đầu tiên của tiền thân IS, sau này al-Zaqawi bị tiêu diệt (tôi nhớ là bằng 2 con F16 của Mỹ).

Tuy nhiên, dòng hồi giáo Sunni thì không mất, họ cơ cấu, kết hợp các nhóm du kích chống Mỹ lẻ tẻ, dưới ngọn cờ: “chống sự áp bức của Hồi giáo Shiite và ngoại bang”.

Cơ hội đến, cuộc nội chiến Syria nổ ra. “Trai cò cắn nhau, ngư ông đắc lợi”, khi quân nổi dậy và quân chính phủ đang đánh nhau chí chóe, khi Nga và Mỹ đang gườm nhau. Anh IS anh nổi lên, anh đánh một lèo nguyên biên giới Syria và Iraq, sở hữu cả một vùng đất rộng lớn và khủng bố cả thiên hạ. Điều mà nếu hòa bình thì anh ta sẽ không làm được.

Ngày 29/6/2014, ISI có một tân vương Hồi giáo, Abu Bakr al-Baghdadi, người sẽ đổi tên lãnh thổ của mình thành IS (Islamic State, Nhà nước Hồi giáo), tuyên bố đặt thủ đô ở Ar-Raqqah, Syria. Một cái tên giờ đã trở thành sự sợ hãi cho cả thế giới.

Khi bạn đã hiểu hai bức tranh lịch sử trên, bạn sẽ biết IS không hề dễ tiêu diệt. Tôi không có thông tin về kẻ đứng sau IS, kẻ đã tham mưu và bày chiến lược cho IS. Nhưng tôi phải nể sợ mà nói rằng kẻ đó rất giỏi, rất thông minh, rất kiệt xuất một cách tàn ác. Không chỉ về quân sự, đã bày chiến lược để giúp IS nắm một dải đất rộng lớn khi nội chiến Syria xảy ra, mà tạo nên một hệ thống tuyên truyền rộng rãi ở trên mạng xã hội, đồng thời còn làm kinh tế rất hay. Hầu như ngay cả chính phủ Syria, quân nổi dậy, Thổ Nhĩ Kỳ và có tin là cả Nga cũng làm ăn buôn bán dầu mỏ với vương quốc này. 2 triệu đô la huy động một ngày là những gì có về kinh tế của IS. Vượt trên sự tưởng tượng của các bạn về một quốc gia man rợ (với những ai hắn coi là dị giáo). IS còn có tòa án, cảnh sát, trường học và các tổ chức từ thiện. Ở các vùng tạm chiếm, IS còn làm được chính phủ đương thời. IS đã xây dựng chợ, đường, trường, trạm, bến xe…

Cho nên đừng đặt câu hỏi vì sao Mỹ, Nga không xử IS đi, xử không dễ chút nào cả. Vì cái họ đương đầu là một quốc gia có quân đội rồi (dù đây là quốc gia không được công nhận). Ngoài ra, Nhà nước hồi giáo này đóng vai trò trong bàn cờ của Syria, Thổ, Nga, Mỹ …. và họ muốn lợi dụng cho mục đích mỗi nước. IS vùng lên, lại bị xé lẻ, rồi lại trỗi dậy chính vì sự kiềm chân nhau của các nước lớn.

IS sẽ là gì ở tương lai, còn phải chờ. Nhưng sự tồn tại của IS cho thấy rằng vấn đề mâu thuẫn tôn giáo giữa Kitô giáo và Hồi giáo từ ngàn năm cuộc thập tự chinh đến bây giờ vẫn còn hiển hiện. Bằng cách này hay cách khác, anh có thể giết họ, tiêu diệt đất nước họ nhưng không bao giờ tiêu diệt được niềm tin. Từ Al-Qaeda tới IS và những ngày tháng biểu tình ở Ai Cập hay những vụ hãm hiếp của người nhập cư ở nước Đức. Sự mâu thuẫn của tôn giáo chỉ có thể ‘tránh voi chẳng xấu mặt nào’. Chỉ có Mỹ và phương Tây mãi không thuộc bài học ấy. Có lẽ bởi họ quá bị dầu mỏ quyến rũ, nhưng trên tất cả, cũng bởi một lịch sử va đụng của đế chế Đông La Mã và đế chế Ottoman cách đây 5 thế kỷ. Dù hôm nay ta văn minh hơn, bản chất cuối cùng vẫn là cuộc thập tư chinh của ngàn năm trước.

Dù cho phương tây văn minh cỡ nào, họ cũng không thoát khỏi suy nghĩ “Chúa của mình mới là ưu việt nhất, còn Hồi giáo là không”. Bởi vì “Tôn giáo là thứ ma túy của tinh thần.” Kể cả những người bạn đang đọc bài viết này của tôi, nhưng các bạn hãy nhớ cho rằng “Chúa không dạy chúng ta làm điều xấu.” Nguyên thủy đẹp nhất của Hồi Giáo, Ki tô giáo hay Phật giáo cũng mang cái đẹp như nhau, trí tuệ, và phẩm chất lớn lao. Hãy thử đọc cuốn “Nghìn lẻ một đêm” đi, ở đó một thế giới Ba Tư, với Bát Đa của Hồi Giáo hiện lên rất diễm lệ. Không phải cảnh chặt đầu, khủng bố mà ta gặp hôm nay.

Lịch sử được vận hành theo hình xoáy trôn ốc. Tôn giáo được sinh ra để cứu rỗi linh hồn con người. Còn Phương Tây? Mỗi quốc gia đều có quyền tự quyết số phận của mình.

Nguồn: (Dũng Phan)/The X file of History