Chủ Nhật

Hồ Chí Minh, người ĐỨNG ĐẦU nhà nước trong giờ phút CĂNG THẲNG

Dưới đây là một đoạn trong cuốn sách của P. Brocheux nhan đề "Hồ Chí Minh - từ nhà cách mạng đến thần tượng". (Pierre Brocheux, Hô Chi Minh- du resvolutionnaire à l'icône, Payot, Paris, 2003). 


Qua đoạn này chúng ta có thể thấy sự đánh giá từ bên ngoài của nhà sử học Pháp về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc cầm lái cuộc cách mạng trước những khó khăn hiểm nguy khi vừa dành được chính quyền. Khác với nhiều tài liệu nghiên cứu của học giả nước ngoài trước đây, tác giả đã sử dụng phần lớn các văn bản chính thức bằng tiếng Việt, kể cả các hồi ký đã được công bố, chứ không phải chỉ có tư liệu bằng tiếng nước ngoài:

Nhà nước Việt Nam mới thành lập đã bị đe dọa mọi bề từ bên trong và bên ngoài. Người Mỹ và người Anh tìm cách đưa Đông Dương vào phạm vi hoạt động của họ: chiến trường Trung Hoa- Miến Điện dưới quyền tướng Weydemeyre, còn Đông Nam Á thì thuộc quyền đô đốc Mounbatten. Khi chiến tranh kết thúc, tướng MacAthur, rảnh tay tập trung vào Nhật Bản.
Hồ Chí Minh, người ĐỨNG ĐẦU nhà nước trong giờ phút CĂNG THẲNG
Hội nghị các nước thắng trận với sự tham gia của ChurChill, Truman và Stalin ở Postdam ngày 17-07 đến ngày 02-08- 1945, quyết định người Pháp không trở lại Đông Dương, và do đó chia bán đảo thành 2 phần ở vĩ tuyến 16. Giao việc giáp giải quân Nhật cho quân đội Tưởng Giới Thạch ở phía bắc, và quân đội Anh ở phía Nam vĩ tuyến.

Từ tháng 9, quân hai nước đã tiến vào Đông Dương: ngày 9 quan Vân Nam do tướng Lư Hán chỉ huy tiến vào từ phía đông- bắc, các đơn vị Quảng Đông đổ bộ vào Hải Phòng, trong khi đó sư đoàn 20 Ấn Độ của tướng Gracey được không vận đến Sài Gòn. Nhưng phải kể thêm 600 quân Pháp thuộc "đơn vị khinh quân thâm nhập" đã ở lại hoặc thâm nhập chủ yếu vào Lào. Đầu năm 1946, các đơn vị quân Pháp lánh sang Trung Quốc sau ngày 9-3 đã trở về đất Thái thuộc Đông Dương.

Sau ngày lễ lớn 2-9-1945, ở Sài Gòn đã xảy ra vài vụ "đụng độ", tướng Gracey đã vũ trang lại tù binh Pháp bị Nhật bắt để "vãn hồi trật tự". Trong tháng 10, Trung đoàn 5 bộ binh thuộc địa và các bộ phận của Sư đoàn 2 thiết giáp của tướng Leclerc đã vào Sài Gòn. Những người lãnh đạo nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trẻ tuổi và toàn thể người Việt Nam dù có chủ trương độc lập hay không, đều sợ Trung Hoa dân quốc kiểm soát đất nước và sợ ý đồ của chính phủ Pháp lập lại nền đô hộ.

Ngày 27-11-1945, trước hội đồng chính phủ, ông Hồ tóm tắt tình hình:

"Ta cầm quyền trong lúc khó khăn: có người Tàu, người Tây, người Nhật, lại thêm nạn đói, các Bộ thiếu liên lạc, chính phủ thiếu kế hoạch chung".


Trước sự can thiệp của nước ngoài, chính phủ lâm thời nước Việt Nam DCCH phải hợp thức hóa quyền lực của mình, xác lập chính quyền trên cả nước và làm cho nó được công nhận. Trước mắt, phải tạo một bộ khung hành pháp và lập pháp. Từ ngày 2-9-1945 đến 31-12-1946, Hồ Chí Minh đã ký 181 sắc lệnh bao gồm từ giáo dục đến tư pháp, quân đội, công an, thuế khóa, nông nghiệp và kiểm lâm, cũng như thương mại và công nghiệp. Bộ máy hành chính và cảnh sát thuộc địa được giữ lại sau khi đã loại trừ hết các phần tử thân Pháp, thân Nhật.

Thanh niên được vị chủ tịch đặc biệt coi trọng. Dưới chính thể Pétain, theo học thuyết Cách mạng quốc gia du nhập từ Pháp đến thuộc địa, nhiều tổ chức thanh niên và huấn luyện viên thể thao đã được thiếu tá Ducoroy thành lập. Tập hợp thanh niên nhằm phục vụ " Mẫu quốc" , nghĩa là nước Pháp, lúc đó là công việc ưu tiên. Đối với những kẻ cai trị Đông Dương thì đấy còn là một nhiệm vụ cấp bách khi người Nhật đang truyền bá học thuyết Đại Đông Á chống phương Tây và tuyển mộ người Đông Dương vào các tổ chức bán quân sự.

Hồ Chí Minh đã biết đến phong trào hướng đạo khi ông ở Anh, người ta còn nói ông có đọc Baden Powell và đã tham gia trại hướng đạo sinh. Dù sao thì dưới mắt ông, tinh thần và hoạt động của hướng đạo sinh phù hợp với nhu cầu của phong trào yêu nước: rèn luyện tinh thần kỷ luật, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, phục vụ cộng đồng, tham gia hoạt động ngoài trời, không những mang tính thể thao mà còn có tính chất quân sự, nếu ta nhớ rằng Baden Powell đã thành lập hướng đạo sinh khi ông chỉ huy pháo đài Mafeking bị người Boers bao vây. Phong trào hướng đạo sinh cũng đã phát triển ở Trung Quốc trong những năm 1920 và chính phủ Trung Hoa cũng như các thủ lĩnh quân phiệt trong lãnh địa của họ, đều giao cho hướng đạo sinh vai trò quốc gia và giáo dục công dân.

Như vậy là phải khuyến khích phong trào hướng đạo sinh và nếu có thể thì hướng dẫn nó nếu không nói là lãnh đạo: ban lãnh đạo Việt Minh đã yêu cầu hội viên thanh niên ở thành phố thực hiện việc "thâm nhập" vào hướng đạo. Người sáng lập hướng đạo Bắc kỳ là Hoàng Đạo Thúy đã tham gia Đại hội quốc dân Tân Trào và trở thành giám đốc đầu tiên của Trường Võ bị của quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tháng 12-1945. Ngày 17-11-1945, ông Hồ dự lễ kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập hướng đạo sinh Việt Nam, và ngày 18-05-1946, ông chấp nhận làm chủ tịch danh dự Hướng đạo sinh. Đến thời điểm đó, Bộ nội vụ đã thống kê có khoảng 60.000 hướng đạo sinh ở Việt Nam.

Ông Hồ đã lôi kéo ngay hoặc dần dần kéo theo cách mạng tầng lớp tư sản "có bằng cấp" mà người Việt Nam gọi chung là trí thức. Các luật sư, các nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, bị lôi kéo bởi không khí hào hứng xung quanh, đã được thuyết phục đây là lúc mình có thể phát huy hết khả năng phục vụ cho đất nước vừa giành được độc lập.

Hiện tượng đó không phải chỉ giới hạn ở Hà Nội, vì phong trào như vậy cũng phát triển ở phía Nam, nơi lớp người hoạt động xã hội chuyên nghiệp phát triển nhất, được đào tạo từ nên giáo dục Pháp - Việt, thậm chí một số ít được đào tạo từ nên giáo dục Pháp và ở chính quốc. Một số xuất thân từ gia đình công giáo như các luật sư Đặng Thái Lung và Phạm Ngọc Thuần. Ở Sài Gòn, một người lãnh đạo của ĐCS là hội viên Tam điểm, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, lấy vợ Pháp, tổ chức thanh niên tiền phong đi đầu trong cuộc cách mạng do những người cộng sản lãnh đạo. Thái độ đặc thù đó có lẽ xuất phát từ sự tồn tại của 2 xu hướng trong ĐCS ở Nam Kỳ: Việt Minh và "Việt Minh mới". Dù sao ĐCS phải tính đến những người Trootskit, các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo tổ chức thành đảng chính trị (đảng Phục hưng quốc gia và đảng Dân chủ xã hội) và những tổ chức bán vũ trang. Các tổ chức này được sự ủng hộ của Nhật và kiểm soát một phần đất Nam kỳ.

Ở miền Trung, thủ lĩnh hướng đạo Ta Quang Bửu, vốn là thầy giáo dạy toán, đã chuyển hướng đạo sinh của mình thành "Thanh niền tiền tuyến" canh gác đường phố và giúp cho ủy ban Việt Minh Huế giành chính quyền. Một bộ phận thanh niên, bao gồm cả con cái quan lại, gia nhập hàng ngũ, trong khi đó Phạm Khắc Hòe, đổng lý của văn phòng Bảo Đại và thượng thư Bộ Hình của chính quyền Nam triều, Bùi Bằng Đoàn, đã đi theo nhà nho cải cách Huỳnh Thúc Kháng để đứng về phía chính phủ cộng hòa. Nhằm mục đích mở rộng rối đa sự nhất trí, ông Hồ còn có một cử chỉ nữa để bày tỏ sự gắn bó của Nhà nước mới với quá khứ của dân tộc. Ông cử Lê Văn Hiến vào Huế để đến chào cung kính và trợ cấp cho 2 bà quả phụ của vua Thành Thái và Duy Tân.

Sắc lệnh đầu tiên mà ông Hồ ký là bổ nhiệm công dân Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại đã thoái vị ngày 25-08, làm "cố vấn tối cao" của chính phủ lâm thời nước Việt Nam DCCH. Nhà vua cũ đã nhận lời ra Hà Nội chủ trì Hội đồng chính phủ và đã bị tính cách của Hồ Chí Minh chinh phục [...]

Chúng ta không biết sự lựa chọn này của ông Hồ có được sự tán đồng của các đồng chí hay không, nhưng chắc chắn là sau khi ông thả Ngô Đình Diệm ra khỏi nhà giam Hà Nội, ông đã bị chỉ trích gay gắt. Quả thật ông Diệm đã tỏ ra rất nghiêm khắc trong vụ đàn áp cộng sản những năm 1930 và 1931 ở Bình Thuận. Người cộng sản Bùi Lâm đã bước vào phòng làm việc của ông Hồ hỏi rằng ông có biết nếu ông rơi vào tay ông quan này, kẻ thù của những người cộng sản, thì ông ta sẽ không ngần ngại hành quyết ngay. Trong trường hợp ông Diệm, ông Hồ giải thích sự khoan dung của mình bằng cách nhắc lại thái độ của thân sinh ông Diệm, viên đại thần Ngô Đình Khả, đã từ chối không chịu lưu đày vua Thành Thái theo lệnh các quan "bảo hộ". Cần ghi lại rằng, một trong những người anh của ông Diệm, đức cha Ngô Đình Thục, giám mục công giáo ở Vĩnh Long, đã không nhận lời mời của ông Hồ tham gia liên minh dân tộc [...]

Hồ Chí Minh còn quay sang phía các đảng quốc giá. Trước hết, ông mời Nguyễn Hải Thần của Đồng Minh hội tham gia chính phủ lâm thời rồi ông mở rộng bằng việc mời Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam của Việt Nam Quốc dân đảng. Tháng 11-1945, ông còn thuyết phục các thủ lĩnh này ký một bản cam kết gọi là "Tinh thần đoàn kết". Những người quốc gia đồng ý không công kích chính phủ trên báo chí, đoàn kết cùng chống Pháp và ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Đối với phái quốc gia, ông Hồ bị đặt và hoàn cảnh rất tế nhị, vì những đối thủ đó của ông đã trở về theo chân quân đội Trung Hoa. Biết mình được sự ủng hộ của Quốc dân đảng nên họ không ngừng gây áp lực với chính phủ lâm thời Việt Nam, những người quốc gia đòi hỏi được giao những bộ chủ chốt trong chính phủ.

Cuối tháng 12, chính phủ của ông Hồ bước thêm một bước bằng việc dành 50 ghế cho Quốc dân đảng và 20 ghế cho Đồng Minh hội trong Quốc hội vừa được bầu vào tháng 01-1946, các đại biểu quốc gia được quyền tham gia Quốc hội không qua bầu cử. Ông Hồ còn củng cố vị trí của Đảng Cộng Sản và các đồng minh như đảng Dân chủ và đảng Xã hội, sản phẩm chính trị tài tình của Đảng Cộng sản nhằm tập hợp tầng lớp "trí thức", sử dụng tài năng và sự hiểu biết của các "nhà kỹ thuật" và giữ vững "mặt trận văn hóa".

Tháng 03-1946, Nguyễn Hải Thần trở thành phó chủ tịch chính phủ, Nguyễn Tường Tam, bộ trưởng Ngoại giao và Vũ Hồng Khanh, đặc phái viên chính phủ. Tất nhiên ông Hồ không để cho phía quốc gia giữ những bộ nhạy cảm như Nội vụ và Quốc phòng dù họ có đòi, và ở Bộ Ngoại giao, Nguyễn Tường Tam không hề chủ động cũng như không mở miệng vì ông Hồ đã một mình giữ "vai trò chính". Điều đó không tránh khỏi mỗi lần bổ nhiệm, nhất là với Nguyễn Hải Thần mà ông Hồ đã dành cho một biệt thự đẹp và đưa chiếc xe của mình cho ông ta sử dụng, đã gây lên sự phản đối trong các đồng chí của Hồ Chí Minh, theo lời kể của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Để ngăn chặn kẻ thù thậm chí là những người phản đối, ông Hồ đã nói trực tiếp với nhân dân. Ông đã nói với trẻ em và thanh niên, nói chuyện với phụ nữ, một lần khác với phụ lão, lại còn với cộng đồng tôn giáo, ông họp báo và nói với các nhà báo trong nước cũng như ngoài nước. Ông có những cuộc hội đàm riêng với nhà báo nước ngoài và Pháp, cụ thể là với Jean- Michel Hertrich và Desinges.
Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đội bảo vệ trên đường đi Quảng Nạp trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947
Không những ông kêu gọi người Việt Nam đoàn kết phục vụ đất nước, mà ông còn theo nguyên tắc là không nên theo kiểu vua chúa và quan lại xưa mang tác phong quan cách xa rời nhân dân. Ông Hồ tìm mọi cơ hội để hòa vào quần chúng nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa người lãnh đạo với dân chúng. Ví dụ ngày 05-01- 1946, ông là người "không theo tôn giáo nào" lại đi đến 2 ngôi chùa lớn nhất Hà Nội, gặp các nhà sư và Phật tử, nói chuyện với họ và cùng ăn chay trong một ngôi chùa. Cũng trong ngày hôm đó, ông ra lời "Kêu gọi công dân đi bầu cử" để bầu ra quốc hội.

Trước ngày 14-01, ông đến thăm đức cha Lê Hữu Từ, giám mục xứ Phát Diệm, mà ông đã cử làm cố vấn chính phủ và gọi là "bạn của tôi". Ông đề cao tình đoàn kết của toàn dân Việt Nam để "chống ngoại xâm và trừ nạn đói" bằng cách nhắc lại câu châm ngôn của Kito giáo "Tam vị nhất thể" và câu của nhà Phật "Vạn chúng nhất tâm". Ông còn nhắc lại trước 100 linh mục của giáo sứ và dân chúng Phát Diệm tập hợp nhân dịp chủ tịch đến thăm, rằng Chúa đã dạy hãy thương yêu đồng loại, còn Phật thì nói hãy thương cảm những người khổ đau.

Khi rời Phát Diệm, ông đã để Phùng Thế Tài ở lại chỉ huy trung đoàn, trung đoàn quân chính quy đầu tiên của quân đội cách mạng, để bảo vệ an ninh cho giáo phận, nhưng tất nhiên cũng có nghĩa rằng chỉ có một Nhà nước, nước Việt Nam DCCH và bên trong đó, cộng đồng công giáo, cũng như các cộng đồng tôn giáo hay dân tộc khác, không được hưởng một quy chế gì đặc biệt hơn.

Lời kêu gọi đoàn kết dân tộc và bảo vệ nền độc lập đã có tiếng vang trong đa số người công giáo, trước hết là những giáo sắc Việt Nam. Hồi đó có 4 vị giám mục là người bản xứ với 1.500 linh mục quản hạt 1,6 triệu giáo dân. Do đó một vị thừa sai Pháp đã chua chát nhận xét rằng "họ" muốn độc lập tôn giáo sau độc lập chính trị, và vị thừa sai viết tiếp:"Thật đau buồn khi thấy một số chủng sinh trẻ của chúng ta xếp hàng tư đi suốt đường phố Hà Nội, giơ nắm tay sau lá cờ đỏ sao vàng". Vị linh mục đó không hiểu rằng người công giáo Việt Nam đang nắm lấy cơ hội này để tách khỏi sự dính líu của họ đối với Kito giáo của nền đô hộ thuộc địa Pháp, mà một số vị thừa sai Pháp đã thực hiện tâm nguyện và góp phần xây dựng cùng với sự hợp tác của giáo dân bản xứ.

Để có thể tìm chỗ lập căn cứ và tranh thủ sự giúp đỡ của các dân tộc thiểu số miền núi, Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò chủ chốt của các dân tộc thiểu số và trong thành phần của Nhà nước trẻ tuổi họ phải có vị trí đặc biệt. Tháng 11-1945, ông tiếp đoàn đại biểu 5 dân tộc ở Việt Bắc và kêu gọi họ đoàn kết, tăng gia sản xuất và đấu tranh chống ngoại xâm. Ngày 03-12-1945, tại Nhà hát lớn Hà Nội, ông Hồ khai mạc hội nghị đại biểu của 20 dân tộc thiểu số, ông nhắc lại vấn đề đoàn kết hơn nữa, tăng gia sản xuất va ủng hộ Chính phủ lâm thời để kháng chiến và cứu đói, nhưng ông cũng khẳng định mạnh mẽ quyền dân tộc bình đẳng với người Việt chiếm đa số, quyết tâm của chính phủ giúp cho họ phát triển kinh tế và giáo dục.

Tháng 01-1946, ông cụ thể hóa đường lối đoàn kết bằng cách cho bầu ông Vương Chí Thành, "vua" Mông ở huyện biên giới Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) vào Quốc hội; trước đó ông đã mời ông Vương về Hà Nội và nhận làm em nuôi với việc cải họ Vương thành họ Hồ, từ Vương Chí Thành thành Hồ Chí Thành. Về sau vị thủ lĩnh huyện đó trở thành chủ tịch Ủy ban hành chính và kháng chiến Đồng Văn và ông Hồ đã gửi cho một thanh kiếm, một chiếc áo trấn thủ và huy hiệu để cụ thể hóa sự liên minh [...]

Ông Hồ không quên các dân tộc thiểu số trên cao nguyên miền Trung mà quân Pháp đang bắt đầu chinh phục lại. Ngày 19-04-1946, ông gửi đến Đại hội họp ở Pleiku:"Đồng bào kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Giarai hay Êđê, Xêđăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt". Ông kêu gọi mọi người góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập.

Nhưng độc lập để làm gì và tự do có ý nghĩa gì khi dân chúng đang chết đói, vị chủ tịch nói như vậy. Chấm dứt nạn đói là công việc ông luôn lo toan. Để thực hiện việc đó, ông đã tổ chức nhiều chiến dịch tập thể như thu hồi lương thực tích trữ từ trước ngày 09-03, lạc quyên, vận chuyển lương thực từ miền Trung ra. Trong khi, ông Hồ đề phòng người Pháp từ xa vì Pháp đã bắt đầu chiếm lại Nam kỳ, ông vẫn chấp nhận để người Pháp giao lại số lương thực của Nhật tích trữ ở miền Nam.

Tháng 09-1945, bằng cách riêng của mình, ông Hồ kêu gọi toàn thể quốc dân mỗi tuần nhịn ăn một bữa để lấy gạo giúp đồng bào đói. Tại trụ sở bắc bộ phủ, trong dinh thống sứ Bắc Kỳ cũ, ông Hồ áp dụng chế độ ăn uống khắc khổ "cơm chỉ hai bát lưng, cá chỉ vài khứa mỏng, canh trong vắt". Trần Văn Giàu đứng đầu ủy ban cách mạng Nam bộ, đến Hà Nội từ tháng 9, không chịu được chế độ ăn uống đó, đã đến ăn ở nhà một người bạn giàu có. Hôm sau nghe chuyện đó, ông Hồ hỏi nhỏ Giàu:"Ở Phủ Chủ tịch chú chê cà muối hả? Lúc này đồng bào đang đói, chú không chia cái khổ với đồng bào được à?". Từ đấy, lúc nào Giàu cũng ăn ở Bắc Bộ phủ.

Hồ Chí Minh luôn luôn ở mũi nhọn, đưa ra nhiều sáng kiến và hành động không ngừng nhằm đối phó với những khó khăn trước mắt hay dự tính trước. Mặc dầu ý trí thống nhất và nỗ lực tập hợp đồng bào, ông vẫn chưa đạt được sự hoàn toàn nhất trí hay "đại đoàn kết". Trong những người theo ông, đường lối đoàn kết dân tộc không phải ai cũng hiểu và không được tất cả chấp nhận, việc thả Ngô Đình Diệm là một ví dụ, nhưng còn nhiều vụ khác.

Tất cả các vụ tranh chấp hay xung đột không phải đều do các nhóm quốc gia hay các "phần tử không kiểm soát được" gây nên; ngay bên trong Việt Minh, lòng căm thù người Pháp thường bộc lộ đôi khi đưa đến những vụ đụng độ có người chết và bị thương.

Càng đi xa thủ đô tình hình càng rối ren, và đôi khi chính quyền địa phương , tuy do Việt Minh kiểm soát, lại không chấp hành những chỉ thị của chính phủ hay giải thích theo cách riêng. Những vụ sát hại những kẻ bị coi là phản bội xảy ra hầu như khắp nơi, một mối hận thù dồn nén từ lâu đã bùng lên, không thể tính được số nạn nhân.

Những cuộc chiến đấu nổ ra giữa Việt Minh với đối thủ và một cuộc nội chiến đã bắt đầu cùng với sự thâm nhập của quân đội Trung Hoa vào Bắc bộ. Từ tháng 09-1945, ở phía Tây Bắc bộ, lực lượng vũ trang Việt Nam Quốc Dân Đảng chiếm Lào Cai và treo cờ của chúng sau khi đã hạ cờ đỏ sao vàng của Việt Minh, lúc đó cờ Việt Minh đã trở thành quốc kỳ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Phía đông, tại Móng Cái và Lạng Sơn, quân Đông Minh hội cũng làm như vậy nhưng chúng bị đuổi khỏi Lạng Sơn, sau đó do quân Trung Quốc chiếm giữ. Phe đối lập quốc gia không chịu hạ vũ khí, ngay cả khi họ đã có mặt trong chính phủ và ngồi ở Quốc hội. Báo chí của họ không ngừng đả kích chính phủ, nhất là sau khi ông Hồ ký hiệp định 06-03-1946, cho phép quân Pháp đổ bộ vào Bắc bộ.

Từ ngày 06-03, quân Pháp đã có mặt, bọn quốc gia tiến hành nhiều vụ khiêu khích, đi đến bắt cóc và ám sát, cụ thể là sau khi ông Hồ đi Pháp từ tháng 4. Chúng đã tạo cớ cho sự lên án phá hoại hiệp định Pháp- Việt 06-03 và còn có âm mưu gây đảo chính. Chính phủ đã tiến hành hoạt động cảnh sát quy mô lớn chống Việt Nam Quốc Dân Đảng ngày 11-07-1946 sau khi quân Trung Quốc đã rút khỏi Việt Nam vào tháng 6. Cuộc thanh trừng đó diễn ra ở Hà Nội với nhiều cuộc chiến đôi khi ác liệt, đã đuổi VNQDĐ khỏi các vị trí ở các tỉnh. Tuy nhiên Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đồng Minh hội vẫn được duy trì với tư cách là chính đảng nhưng đã được thanh lọc, từ nay chỉ tập hợp những người đi theo đường lối của Hồ Chí Minh.

Cùng lúc đó, một bộ phận lớn Khmer Krom (người Khmer ở Nam bộ) đi theo quân Pháp tàn sát người Việt dưới danh nghĩa chống lại Việt Minh [...]

Trên cao nguyên miền Trung, quân Pháp cũng lập những đơn vị vũ trang cho người dân tộc thiểu số. Như vậy chính sách đoàn kết các dân tộc mà ông Hồ kêu gọi cũng bị hạn chế ở miền Nam, miền Trung và cả ở Tây Bắc tại vùng đất người Thái.

Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói đến ý chí đoàn kết toàn thể nhân dân Việt Nam và mọi tầng lớp xã hội. Ông hoàn toàn ý thức về tính thống nhất của dân tộc, về lịch sử đấu tranh lâu dài, những mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc, những chia rẽ chính trị đẻ ra từ sự thách thức của việc giành lại chính quyền đã khuyến khích những thế lực li khai.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh tính chất đặc biệt của tình hình đất nước để chứng minh cho sự thống nhất chỉ đạo, khi ông nói với các nhà báo nước ngoài ngày 21-01-1946. Ông nói về thực chất trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức, nhưng "vì hoàn cảnh và trách nhiệm [phải gánh vác]", "nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài".

Bối cảnh trực tiếp sau chiến tranh cũng tạo cơ hội cho ý muốn thống nhất, cũng như những xu hướng ly khai và vô chính phủ. Loại tình hình đó luôn luôn khuyến khích sự can thiệp của nước ngoài, và trong năm 1945-1946, Hồ Chí Minh phải dồn hết tâm sức để đối phó với nó. Theo thứ tự thời gian, các tham vọng của Trung Quốc và quân đội của chính phủ Quốc dân đảng, rồi sự quay trở lại của quân Pháp nhằm mục đích "thiết lập lại chủ quyền của nước Pháp" ở Đông Dương, đã thu hút mọi nỗ lực của vị chủ tịch nước Cộng hòa còn rất mong manh bên trong.

(Trích trong Hồ Chí Minh- Người Mang Lại Ánh Sáng)