Thứ Tư

Vì sao ngoại hình Hitler không có dáng lãnh tụ, mà lại có thể điều chuyển cả thế giới?

I. CON NGƯỜI HITLER

Có thể nói không có Hitler thì không có chủ nghĩa phát xít Đức. Cho nên trước hết phải xem xét con người Hitler.

Hitler (1889-1945) là con một chủ hiệu nhỏ ở thành phố Bruno nước Áo. 14 tuổi cha chết, dăm năm sau thì mẹ chết. Hai lần thi vào khoa Hội hoạ của Học viện Nghệ thuật thành Viên đều rớt, hắn vô cùng cay cú doạ nổ bom Học viện này. Lớn lên, để nuôi mấy anh em, hắn làm nghề vẽ tự do, bán tranh kiếm tiền thêm vào phụ cấp trẻ mồ côi và tiền tiết kiệm cha để lại. Năm 1913, Hitler dọn đến ở Munich, tiếp tục vẽ và bắt đầu hoạt động chính trị. Đại chiến I nổ ra, hắn đi lính, chiến đấu dũng cảm, từng 2 lần bị thương và được thưởng huân chương Thập tự sắt.

Xuất ngũ năm 1918 với lon hạ sĩ và nỗi hận nước Đức thua trận, hắn tham gia Đảng Công nhân Đức ở Munich, là đảng viên thứ 9 của đảng này. Hitler ra sức tuyên truyền quan điểm kết tội người Do Thái, cộng sản và xã hội dân chủ Đức đã làm cho nước Đức thua trận và phải chịu các điều kiện khắc nghiệt của Hoà ước Versailles. Tháng 2.1920, hắn đề ra cương lĩnh “Chủ nghĩa xã hội quốc gia”, nêu khẩu hiệu mị dân “công nhân được chia lợi nhuận của nhà máy”, “nông dân không phải nộp địa tô”, và đổi tên đảng thành Đảng Công nhân XHCN Quốc gia Đức (viết tắt NAZI hoặc Quốc Xã). Năm 1921, Hitler công khai tuyên truyền tư tưởng độc tài, chống cộng, chống Do Thái, đề cao quan điểm chủng tộc Đức ưu việt. Năm 1923, hắn tổ chức đảo chính ở Munich, nhưng thất bại và bị tù 9 tháng. Trong tù, hắn đọc cho bạn tù là Rudolf Hess viết Cuộc chiến đấu của tôi (Mein Kampf) trình bầy chiến lược tái tạo nước Đức thành cường quốc số 1 châu Âu. Tập ghi chép này đưa ra ngoài in và được nhiều nhà báo Đức tung hô lên tận mây xanh. Năm 1929, cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới nhấn chìm nước Đức trong nạn lạm phát, thất nghiệp, chia rẽ, rối loạn, mất niềm tin. Giữa lúc đó Hitler đưa ra chủ trương cứu đất nước bằng cách bành trướng lãnh thổ ra nước ngoài và đàn áp trong nước, cam kết lập lại trật tự. Người Đức coi hắn như một vị cứu tinh và hăng hái đi theo hắn. Đảng Nazi phát triển nhanh, năm 1932 đã có gần 1 triệu đảng viên.

Vì sao ngoại hình Hitler không có dáng lãnh tụ mà lại có thể điều chuyển cả thế giới
Tháng 1. 1933, sau khi Nazi thu được nhiều phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội, qua dàn xếp với các thế lực tài phiệt, Hitler được Tổng thống Đức cử làm Thủ tướng. Hắn xé Hoà ước Versailles, dốc sức phát triển công nghiệp nhằm tái vũ trang nước Đức, nhờ đó kinh tế phục hồi và tăng trưởng nhanh, thất nghiệp giảm. Sức mạnh và uy tín nước Đức lên cao. Đến năm 1935, Hitler đã giành được sự ủng hộ thật lòng của hầu hết nhân dân Đức. Hắn bắt đầu bành trướng lãnh thổ: trước hết lấy lại vùng Saar (1935), chiếm Rhineland (3.1936) và thôn tính Áo (3.1938), Tiệp Khắc (10.1938) rồi Ba Lan (9.1939).

Năm 1936, cựu Thủ tướng Anh D. L. George sau khi thăm nước Đức đã nói về Hitler như sau: “Người già tín nhiệm ông ta, thanh niên sùng bái ông ta. Đó không phải là sự khâm phục một lãnh tụ nhân dân mà là sự sùng bái một anh hùng dân tộc đã cứu đất nước ra khỏi nỗi chán chường và suy sụp. Ông ta như một nhà quân chủ độc tài không bị bất cứ ai phê bình. Nói như vậy chưa đủ, phải gọi ông ta là George Washington của nước Đức … Ai chưa tận mắt chứng kiến thì có thể nghĩ nói như vậy là quá lời.” Dĩ nhiên, Hitler có được uy tín cao như thế, một phần là nhờ nhà tuyên truyền đại tài Goebbells dựng lên và khuếch đại.

Ngoại hình Hitler không có dáng lãnh tụ: hắn chỉ cao có 1,75m – chưa đủ tiêu chuẩn vào lính SS, chân nhỏ và dài, tóc lật trái, để bộ ria như một anh hề. Thế nhưng hắn cực kỳ có sức lôi cuốn, chủ yếu ở ánh mắt xuyên thấu tim gan người khác và khí thế nói dồn ép người ta phải nghe theo. Hitler còn là nhà diễn thuyết đại tài có một không hai trên thế giới. Hắn rất chú ý tập luyện và cải tiến kỹ xảo nói, rất thạo kết hợp nói với động tác. Trong Mein Kampf hắn viết: “tôi tin rằng lời nói, chứ không phải là bài viết, có khả năng gây ra những sự kiện làm rung chuyển thế giới”. Hắn khoe mình là “diễn viên vĩ đại nhất toàn châu Âu”. Hắn dốc toàn bộ nhiệt tình vô tận của mình vào bài nói, tới mức những lời dối trá trắng trợn nhất cũng có mầu sắc chân lý. Hitler kể: sau mỗi buổi diễn thuyết hắn bị sụt từ 2 đến 3 kg, mồ hôi ướt đẫm quần áo. Hắn luyện kỹ sảo nói với mục đích không chỉ để thuyết phục, mà là làm cho người nghe phát điên lên như bị thôi miên. Hắn thường diễn thuyết vào buổi tối để có thể dùng ánh đèn tăng thêm hiệu quả. Vài ngày sau khi Hitler nhậm chức Thủ tướng, 1 triệu người Đức kéo đến sân bay Berlin để nghe hắn diễn thuyết suốt từ 20 h cho đến 22 h đêm. Hitler nói hay đến mức khi hắn nghiêng ngả người thì cả triệu thính giả cũng nghiêng ngả theo, như một đại dương sôi sục. Phụ nữ bị xúc động hơn cả, có bà thét lên nằm vật xuống. Một số cán bộ ngoại giao các nước trung lập cũng giơ tay hô lớn “Hailơ Hitle”. Khi xúc động lên tới cao điểm, Hitler trợn mắt, vung nắm đấm như đánh vào kẻ thù không đội trời chung của hắn – người Do Thái, “bọn Đỏ” và những kẻ “phản quốc”.
Một nhà thơ nhận xét: các buổi diễn thuyết của Hitler mang lại hiệu quả kịch tính là “cưỡng dâm và giết chóc”. Sự so sánh ấy rất hợp với cá tính của Hitler. Hắn thường cho rằng quần chúng nhân dân là một quần thể “nữ tính hoá” và tỏ ra hãnh diện vì mình có thể điều khiển được họ. Trong “Mein Kampf”, hắn viết: “Quần chúng nhân dân chẳng khác gì giới phụ nữ, sự nhạy bén tinh thần của họ quyết định ở khát vọng về tình cảm đối với quyền lực, chứ không quyết định bởi lý tính trừu tượng.” Mỗi khi xuất hiện trước công chúng, bao giờ hắn cũng cố giấu hết mọi nhược điểm của mình. Nhưng các cộng sự thân tín thì biết rõ Hitler là một kẻ cô độc, yếu đuối, bệnh hoạn, độc tài, tàn nhẫn đến táng tận lương tâm.

Hitler không chịu sửa các thói quen cổ quái của mình. Hắn chẳng quan tâm đến chức năng quản lý quốc gia của một Thủ tướng. Thiếu kiến thức điều hành Chính phủ nhưng hắn lại không chịu học. Tự cho mình là một nghệ sĩ cao quý và một nhà tư tưởng nhạy bén, Hitler tin vào tín điều: “Một ý nghĩ thiên tài giá trị hơn cả một đời ngồi trong phòng làm việc.” Vì thế hắn thoải mái chờ cho tới khi bất chợt xảy ra tình huống hiểm nghèo thì hắn nhảy lên sân khấu diễn một vở kịch xuất chúng.

Hàng ngày Quốc trưởng ngủ dậy rất muộn, vừa ăn sáng vừa đọc báo, sau đó tạt qua phòng làm việc, giải quyết vài việc hắn quan tâm, bỏ mặc mọi việc khác. Hắn tự bố trí việc tiếp khách, không ưa ai thì không tiếp, dù việc khẩn cấp đến đâu. Hắn ít ngồi mà hay đi lại trong phòng, ghét viết lách, thích ra lệnh miệng cho bất cứ ai có mặt, hoặc đọc cho thư ký chép. Buổi “biểu diễn” đặc sắc nhất của hắn là bữa ăn trưa, bắt đầu lúc 14 hoặc 15h, kéo dài cả buổi chiều, thường có mặt dăm chục cộng sự. Suốt bữa, hắn huyên thuyên độc thoại một mình, người nghe chỉ biết phụ hoạ, không dám nói lại. Bữa tối vắng hơn. Người giầu tự trọng thường tránh ăn chung với Hitler. Ngày làm việc ở Phủ Thủ tướng thường kết thúc bằng xem phim – thú tiêu khiển duy nhất của Quốc trưởng. Xem đến chỗ nào không thích là hắn hét lên: “Rác rưởi !”, lập tức người ta thay phim khác.

Hitler ít khi có mặt ở Phủ Thủ tướng mà thường đi khắp nơi. Hắn thích đến bang Bavaria nhất, nơi đã ủng hộ hắn từ một kẻ vô danh tiểu tốt ngoi lên địa vị Quốc trưởng. Toà biệt thự Hitler mua bằng nhuận bút cuốn Mein Kampf cũng ở xứ này, dưới chân dãy An-pơ (Alps). Hắn thường đến đây ở ít lâu khi cần chuẩn bị một bài diễn thuyết quan trọng, nhưng lý do chính là để được sống tự do tự tại và có thể trút bỏ cái vỏ kẻ độc thân bí hiểm do hắn tạo ra nhằm tăng cường sức hút nữ giới. Mỗi lần Hitler đến đây, người ta đều thấy cô tình nhân của hắn là Eva Braun xuất hiện và được bố trí vào ở phòng cạnh phòng hắn. Cô gái trẻ xinh đẹp, ít nói, xuất thân thấp hèn này có sức nhẫn nhịn kỳ lạ. Trước mặt người khác, rất ít khi Hitler tỏ ra yêu mến Eva, có lúc còn xua cô ta đi chỗ khác, mặc dù hắn quen Eva từ năm 1930. Eva biết Hitler không thể nào quên mối tình đầu tiên và duy nhất với Geli Raubal, con gái bà chị cùng cha khác mẹ của hắn. Geli xinh tươi nhí nhảnh, trong trắng, kém Hitler 19 tuổi đã lập tức thu hút ông cậu độc thân khi họ gặp nhau lần đầu. Hitler vô cùng nuông chiều cô, nhưng chưa làm gì quá mức. Hắn ích kỷ ép Geli không phút nào được xa hắn, cuối cùng cô gái bị bức bách đến tuyệt vọng đã tự tử bằng chính khẩu súng lục của Hitler.
Với quyền lực cao tuyệt đối và tài diễn thuyết, tài thể hiện mình như một anh hùng độc thân, Hitler được nhiều phụ nữ yêu đến mê mệt, kể cả Magda Goebbels (vợ Goebbels) đã có 6 con. Mấy cô từng tự tử vì thấy Hitler thờ ơ với mình; Eva Braun cũng hai lần tự tử. Khi chỉ có đàn ông với nhau, Hitler thường tỏ ý khinh đàn bà. Có lần hắn nói với người khác trước mặt Eva: đàn ông khôn ngoan chỉ nên kiếm một “người đàn bà chất phác ngu đần không bao giờ can dự công việc của mình”, và “Tôi không thể lấy vợ, – thử nghĩ xem, sau khi có con rồi thì còn làm được gì nữa !” “Điều tồi tệ nhất của hôn nhân là đẻ ra nhu cầu, do đó tốt nhất là nuôi một cô tình nhân.”

Tuy thế, Hitler kết thân với nhiều phụ nữ xinh đẹp nổi tiếng, như Leni Riefenstahl, ngôi sao màn bạc và đạo diễn nổi tiếng nước Đức, hoặc diễn viên kịch Olga Tsecova; nghe nói Hitler còn từng đính hôn với con gái của nhạc sĩ Richard Wagner. Khi quân đội Liên Xô tiến vào Berlin, Hitler thất vọng quyết định tự tử, ngày 29. 5. 1945 hắn đột ngột làm lễ cưới Eva Braun và chiều hôm sau cả hai cùng chết: Hitler tự bắn vào đầu, Eva uống thuốc độc.

Hitler thường nói, ngoài hai sinh mạng trung thành với hắn là Eva Braun và con chó Blondi ra, hắn không có bạn bè nào. Kiến trúc sư đại tài A. Speer rất muốn làm bạn với hắn cũng không thành, vì Hitler không muốn để lộ tình cảm thật của mình. Tuy thế, Hitler có mối quan hệ lâu bền với Mussolini, ca ngợi tên độc tài người Ý này là “cha đẻ của chủ nghĩa phát xít”, “một trong những người cô độc nhất từ xưa đến nay, họ không cần chịu sự thử thách của lịch sử bởi vì chính họ làm nên lịch sử ”. Ngược lại, Mussolini đánh giá Hitler là người “đầu óc mơ hồ”, “không có lôgic”, “trí lực có trở ngại”. Mussolini cầm quyền nước Ý từ 1922, đến 1943 bị mất chức Thủ tướng và năm sau bị Chính phủ mới bắt giam. Hitler đã cho lính SS đến giải cứu và dựng Mussolini lên làm thủ lĩnh chính quyền bù nhìn miền Bắc nước Ý.
Thói ăn chay của Hitler cũng làm nhiều người khó chịu vì hắn hay huyên thuyên tuyên truyền cho ăn chay; khi thấy người khác ăn thịt ngon lành, Hitler thường cố ý kể những chuyện buồn nôn về các lò sát sinh. Hitler rất khoái đọc những chuyện tra tấn, tùng xẻo, chặt đầu và ăn thịt người, ngược hẳn với việc hắn rất quý các con vật nuôi của mình và tìm mọi cách đưa ra các luật bảo vệ vật nuôi. Năm 1936, Hitler đưa ra kết luận: cách giết tôm hùm nhân đạo nhất là dùng nước sôi, và ra lệnh từ nay trở đi, chỉ được giết các loài động vật giáp xác bằng cách đó.

Hitler ăn chay trường chủ yếu do sợ bệnh tật. Hắn không uống rượu và hút thuốc lá, mê tín các loại dược phẩm và đòi hỏi bác sĩ luôn phải ở bên. Hitler luôn lo bị ung thư – vì mẹ hắn từng chết bệnh này. Do nói quá nhiều, giọng trở nên khàn, hắn nghi bị ung thư họng, tuy nhiều lần kiểm tra xác nhận không việc gì. Tháng 5.1935, hắn viết qua quýt một Di chúc, nói mình không còn sống được bao lâu nữa. Câu đầu tiên trong Di chúc yêu cầu đưa xác hắn về Munich, đặt trong “Phòng Nguyên soái” nơi kỷ niệm các liệt sĩ Nazi hy sinh đầu tiên; câu thứ hai viết đảng Nazi được hưởng toàn bộ tài sản của hắn … Nỗi lo bệnh hoạn này khiến Hitler nóng vội thực hiện kế hoạch xâm lược châu Âu, bỏ qua lời can ngăn của mọi người.

Tính cách quái đản còn thể hiện ở thói gia trưởng, độc tài, hay nổi nóng vì những việc nhỏ nhặt; lúc ấy hắn mất hẳn vẻ nhân từ đức độ hàng ngày mà gầm lên, đấm bàn ầm ầm, hoặc dang hai tay lên tường. Một lần lính cần vụ bưng nước suối lên không đúng loại nước đóng chai Hitler thích, thế là người kia bị đuổi việc ngay dù đã phục vụ ở đây 5 năm. Thói xấu này của Hitler đã đem lại nhiều thất bại cay đắng cho quân đội Đức, nhưng hắn vẫn không thèm sửa chữa, vì cho rằng mình là một thiên tài quân sự và có sứ mạng thiêng liêng với nước Đức, nhất là thời gian đầu chiến tranh, Đức thắng như chẻ tre trên các mặt trận. Là một binh nhì trong Đại chiến I, Hitler hiểu rất rõ tâm lý người lính và hầu như dành cả cuộc đời còn lại vào việc lãnh đạo chuẩn bị chiến tranh. Hắn có trí nhớ cực kỳ tốt, đọc nhiều sách quân sự và nắm rất vững mọi chi tiết. Hitler nói: “Tôi vững tin vào các quyết sách tài trí và quyết đoán của mình. Chưa ai từng lập được những thành tích như tôi. Tôi sẽ dẫn nhân dân Đức tiến lên một đỉnh cao mới. Tôi phải lựa chọn giữa chiến thắng và huỷ diệt. Tôi đã chọn chiến thắng. Trong cuộc đấu tranh này tôi sẽ đứng vững hoặc ngã xuống. Không việc gì có thể làm tôi sợ hãi. Tôi quyết không nể nang với bất cứ ai chống lại tôi.” Vì chưa từng học lớp sĩ quan nào nên hắn không bị ràng buộc bởi các khuôn sáo cứng nhắc và dám đưa ra các quyết định mạo hiểm.

Hitler từng nói: “Tôi không yêu cầu các tướng lĩnh phải hiểu mệnh lệnh của tôi, mà chỉ yêu cầu họ chấp hành.” Đầu năm 1938, đa số các chỉ huy cao cấp phản đối việc Hitler định chiếm châu Âu, họ sợ nước Đức sẽ cuốn vào một cuộc chiến không thể thắng. Hitler bèn thay hầu hết người ở các chức vụ cao nhất, bãi bỏ chức tổng tư lệnh lực lượng vũ trang và Bộ Chiến tranh, lập Bộ Thống soái Tối cao (OKW) do Hitler trực tiếp chỉ huy, thực chất chỉ là ban tham mưu cho cá nhân hắn. Khi Hitler ra lệnh chiếm Áo (3. 1938), đa số các tướng phản đối; hắn bèn tự chỉ huy toàn bộ chiến dịch này. Tháng 5, Hitler thông báo kế hoạch chiếm Tiệp Khắc do OKW thảo, không hề hỏi ý kiến lục quân. Tổng tham mưu trưởng lục quân bèn từ chức để phản đối. Khi quyết định chiếm Ba lan, Hitler sai lầm cho rằng phương Tây sẽ không can thiệp, nhưng Anh và Pháp đã tuyên chiến với Đức sau khi Đức tiến vào Ba Lan; chiến tranh thế giới nổ ra. Khi Hitler thông báo kế hoạch tháng 8 tấn công sang mặt trận phía Tây, ngay cả phó thứ nhất của hắn là Goering cũng bất ngờ vì các tướng Đức vẫn muốn hoà bình với Anh, Pháp. Chiến dịch tấn công Na Uy tháng 4.1940 bộc lộ rõ nhược điểm chủ quan của Hitler. Hải quân Anh đánh đắm 10 tầu tuần dương Đức. Phải mất 6 tuần Hitler mới chiếm được Na Uy.

Sau khi chiếm nước Pháp, Hitler càng tự phụ mình có thiên tài quân sự, hắn phớt lờ các tướng lĩnh Đức và không cung cấp cho họ mọi thông tin cần thiết, nhằm tước đoạt quyền chỉ huy của họ. Trong cuộc tấn công Liên Xô, Hitler tưởng là chỉ vài tuần là chiếm được Moskva nên quân Đức không mang quần áo rét, do đó khi bị cầm chân trong băng tuyết ở ngoại vi Moskva, chúng đã bị thua đau trước sự phản công của quân Nga. Lúc đó Hitler không cho quân Đức rút lui theo đề nghị của các tướng, vì vậy thiệt hại càng nặng. Như mọi lần, hắn lại đổ tội cho cấp dưới, khiến nguyên soái Brauchitsch xin từ chức Tổng tư lệnh. Trong trận Stalingrad, Hitler càng chủ quan đến bệnh hoạn. Khi nghe báo cáo Liên Xô tập trung 1 triệu quân phản công và Stalingrad mỗi ngày sản xuất được 1200 xe tăng, Hitler không thèm nghe các tin này. Hắn phản đối đề nghị phá vây của tướng Paulus, ra lệnh đánh đến cùng. Cuối cùng Paulus dẫn 92 nghìn lính Đức ra đầu hàng Hồng quân. Hitler gầm lên: “Tôi không thể hiểu tại sao một người đàn ông như Paulus lại không chọn cách tự tử ?” Trên mặt trận phía Tây, quân Đức ở Bắc Phi đầu hàng; Đồng Minh chiếm đảo Sicile của Ý, Mussolini bị hạ bệ. Từ đó trở đi, Hitler ngày một rút vào cô đơn, hắn không ăn chung với các hầu cận nữa và chỉ còn diễn thuyết có hai lần trước đám đông. Hitler giam mình trong phòng riêng tại Sở Chỉ huy của Quốc trưởng ở Đông Phổ, đôi lúc sang tận Sở Chỉ huy ở gần Kiev (Ukraine), cho đến 20.11.1944 mới về Berlin. Khi Đồng Minh đổ bộ Normandy, Hitler vẫn không tin là quân Đức có thể thua. Hắn ra lệnh chiến đấu đến cùng, mắng nhiếc các tướng lĩnh là dát như chuột và lừa dối.

Ách cai trị độc tài phát xít và uy tín to lớn của Hitler đã che dấu các nhược điểm của hắn. Khi nhiều người Đức nhận ra Hitler có thể đưa dân tộc mình đến chỗ chết thì họ đã quá muộn để chống lại, vì guồng máy phát xít đang chạy hết tốc lực. Đây chính là bi kịch của một dân tộc từng sinh ra những thiên tài như Goeth và Hegel.

Về tư tưởng, Hitler bị nhiễm một số quan điểm lệch lạc của chủ nghĩa Darwin Xã hội (Social Darwinism) – dùng thuyết Tiến hoá sinh học Darwin để giải thích các hiện tượng xã hội và quy kết lịch sử nhân loại là “sự đấu tranh sinh tồn”, đề xướng “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”. Hắn nói : “Đấu tranh sinh ra tất cả. Loài người sở dĩ có thể sinh tồn là do đã tiến hành cuộc đấu tranh tàn nhẫn nhất chứ không phải dựa vào sức mạnh của tính người.” Lý lẽ ấy Hitler học được từ các trận đòn thừa sống thiếu chết của bố hắn, một người tàn nhẫn kinh khủng. Hắn thường tự hào kể cho mẹ biết đã bị bố đánh và chịu đòn giỏi thế nào. Học thói tàn ác ấy, hắn thẳng tay giết mọi đối thủ, kể cả các cộng sự gần gũi nhất, như các đồng chí cũ ở Munich, đô đốc Canaris trùm tình báo, thống chế Rommel Tư lệnh quân Đức tại Bắc Phi v.v.

Hitler cho rằng trên thế giới chỉ có chủng tộc Aryan là giống người thượng đẳng. Aryan trong tiếng Phạn (Sanskrit) có nghĩa “quý phái”, “kẻ thống trị” – vốn là tên một chủng tộc xâm nhập thung lũng Indus ở Ấn độ 1500 năm trước CN, về sau được dùng để gọi những người nói ngôn ngữ Ấn-Âu. Phát xít Đức dùng Aryan đặt tên cho chủng tộc Đức và Bắc Âu là cách dùng từ không chính xác và sặc mùi cuồng tín phát xít, chỉ để phân biệt với các chủng tộc bị chúng coi là hạ đẳng.

Hitler chịu ảnh hưởng của thuyết tìm kiếm “Không gian sinh tồn” cho chủng tộc Đức do giáo sư địa-chính trị K. Haushofer nêu ra đầu thập kỷ 20, chủ trương nước Đức phải mở rộng về phía Đông, đến dãy Uran ở Nga. Trong Mein Kampf, hắn viết: nước Đức phải mở rộng, kẻ ngăn trở việc đó là hơn 20 triệu người Slavs và mấy triệu người Do Thái, đều là các dân tộc hạ đẳng; người Slavs bẩm sinh là lũ nô lệ; để nhường không gian sinh tồn cho người Aryan thuần chủng, phải đuổi 1/3 người Slavs sang châu Á, 1/3 giữ làm nô lệ, còn lại thì giết hết.

Việc Hitler căm thù người Do Thái còn có một nguyên nhân sâu xa mà mãi đến thập kỷ 90 người ta mới biết: chính hắn có dòng máu Do Thái ! Theo luật sư của Hitler kể lại, năm 1930, khi đang là thủ lĩnh Nazi khét tiếng chống Do Thái, Hitler được một người họ hàng cho biết ông nội hắn chính là người Do Thái. Từ lâu Hitler đã biết bố hắn là con riêng của bà nội – khi bà đang giúp việc cho một ông chủ Do Thái giầu có ở thành phố thì có thai và sinh ra bố của Hitler. Vì không xác minh được thật hư, hắn luôn tự dằn vặt về chuyện đó và về khả năng dòng máu Do Thái hắn cho là bẩn thỉu đang thật sự chảy trong người mình. Suốt đời Hitler suy nghĩ về nguy cơ “ô nhiễm’ chủng tộc. Để nội tâm được yên tĩnh, hắn luôn cho rằng huyết thống của toàn bộ người Đức đều không thuần khiết.

Đúng là không ít người Do Thái đã bị đồng hoá từ sau ngày họ đến nước Đức hồi thế kỷ I, khi đế chế La Mã chiếm Israel và xua đuổi họ. Do đạt được các thành công nổi bật về khoa học và thương mại, người Do Thái có vai trò ngày càng lớn ở Đức; năm 1871, pháp luật công nhận họ được bình đẳng với người Đức. 15% trong số hơn nửa triệu người Do Thái ở Đức đã chiến đấu vì nước Đức trong Đại chiến I. Thế nhưng sau đó thì họ cùng với những người cộng sản và xã hội dân chủ bị kết tội đã mang lại mọi bất hạnh cho nước Đức, từ nạn tham nhũng trong chính quyền đến việc tầng lớp vô sản yêu cầu làm cách mạng, nạn đồng tiền mất giá, kinh tế sa sút.

Năm 1935, Hitler ra lệnh thêm vào Luật Chủng tộc Nuremberg một điều khoản gọi là “bảo vệ huyết thống và vinh dự của nước Đức”, trong đó quy định: “Người Do Thái không được thuê phụ nữ giúp việc dưới 45 tuổi có huyết thống German hoặc liên quan” và “người Đức không được lấy người Do Thái hoặc giao cấu với họ”. Phải chăng, điều khoản đó có liên quan đến việc bà nội Hitler có thai ở tuổi 41 khi đang làm thuê cho người Do Thái (phụ nữ ngoài 45 tuổi thì khó có thể có con).

Với tài diễn thuyết hiếm có, Hitler đã truyền nỗi oán thù nạn “ô nhiễm” dòng máu của hắn cho tất cả người Đức, kích động họ “làm sạch huyết thống người Đức” bằng cách giết hại người Do Thái với quy mô diệt chủng.

II. TỘI ÁC DIỆT CHỦNG CỦA PHÁT XÍT ĐỨC

Ngoài các đặc điểm chung của chủ nghĩa phát xít như độc tài, chuyên chế, phản dân chủ, xâm lược, dã man tàn bạo, phát xít Đức có một điểm độc đáo là tàn sát nhằm tiêu diệt những người chúng cho là “hạ đẳng” dù họ không phải là đối tượng chiến tranh. Hành vi nói trên xuất phát từ quan điểm chủng tộc bệnh hoạn cực đoan ích kỷ của Hitler: coi chủng tộc German là thượng đẳng (chúng tự lấy tên là người Aryan), các dân tộc Do Thái, Zi-gan (Gypsy), Slaves là hạ đẳng, cần giết hết để lấy không gian cho chúng sinh tồn. Phát xít Nhật cũng có quan điểm cho dân tộc Nhật là dòng dõi thần thánh, cần thống trị toàn châu Á để xây dựng “Đại Đông Á” ngang ngửa với Âu, Mỹ; nhưng chưa tới mức bệnh hoạn kinh hồn như Hitler.

Năm 1933, Hitler chỉ thị phải thủ tiêu những người bẩm sinh tàn tật hoặc đần độn (không phải Do Thái). Khoảng 5000 trẻ em loại này đã bị tiêm thuốc độc chết. Năm 1939, hắn lập 6 “Trung tâm T-4”, dùng khí CO giết mỗi đợt 20-30 người thiểu năng trí tuệ hoặc tâm thần, rồi đốt xác phi tang. Gia đình họ nhận được bình tro hài cốt và thư chia buồn nói chết là do viêm phổi, phải đốt xác để tránh truyền nhiễm. Về sau, do bị lộ, các đại diện tôn giáo lên tiếng phản đối. Hitler phải ngừng việc này (8.1941) khi hơn 70 nghìn nạn nhân đã chết, nhưng vẫn thủ tiêu tiếp vài nghìn tù chính trị, tù hình sự và người Do Thái theo cách cố ý kết luận họ bị tâm thần.

Người Do Thái di cư đến Đức từ thế kỷ I; đầu thế kỷ XX họ có hơn nửa triệu người ở Đức, chiếm 1% số dân. Thủa xưa, tín đồ đạo Ki Tô ở châu Âu ghét người Do Thái vì cho rằng họ gây ra cái chết của Jesus. Cuối thế kỷ XIX, xuất hiện một “lý thuyết sinh học” nhận định Do Thái là một chủng người khác thường, có bản tính độc ác di truyền. Nước Nga Sa Hoàng giết hại hàng nghìn người Do Thái với lý do ấy. Nhiều người Do Thái chạy sang Đức, nơi họ coi là quốc gia văn minh nhất. Nhưng họ đã nhầm, vì sau này nơi đây xuất hiện tên phát xít Hitler.

Hitler cho người Do Thái là loại quái vật bí hiểm quỷ quyệt, chuyên đứng sau giật dây, gây ra tất cả các tội ác, từ chủ nghĩa tư bản cho đến nạn mại dâm. Hắn dùng luật pháp định tội họ và đánh họ về kinh tế. Từ năm 1931, các đội Xung kích Nazi đã đập phá khu người Do Thái và các ngôi mộ của họ, cũng như ngăn người Đức tới mua hàng ở các cửa hiệu Do Thái. Năm 1933, Hitler ký các đạo luật cấm người Do Thái làm công việc văn thư, luật pháp, y tế, nông nghiệp, âm nhạc, kịch nói, điện ảnh, cấm phục vụ trong quân đội v.v.. Thời gian 1933-1939 đã ban hành hơn 400 đạo luật chống Do Thái. Năm 1935, Quốc Hội thông qua Luật Chủng tộc Nuremberg, hoàn toàn loại trừ người Do Thái ra khỏi đời sống xã hội. Năm 1937, Goering thực thi “Aryan hoá nền kinh tế”, nghĩa là tịch thu các xí nghiệp của người Do Thái. Khoảng 80% các xí nghiệp này đã chuyển vào tay người Đức.

Tù nhân nam của phát xít Đức

Từ 1934, Đức bắt đầu xua đuổi người Do Thái. Hàng năm có 8000 người Do Thái bị đưa đến Palestine thuộc Anh – nơi được Anh hứa lập riêng một nước Do Thái. Về sau các nước khác không nhận nữa, vì họ cũng bài Do Thái và vì đã nhận quá nhiều; như Ba Lan chỉ trong 20 năm đã có 400 nghìn người Do Thái đến. Mỹ, Anh, Pháp có truyền thống nhận người tỵ nạn, nay cũng hạn chế nhận. Việc xua đuổi giết hại người Do Thái chỉ chậm lại trong thời gian Đức tổ chức Thế vận Olympic 1936; sau đó lại đẩy mạnh. Trong “Đêm Kinh hoàng” 9.11.1938, các đội Xung kích đánh giết, cướp bóc, đập phá, đốt cháy nhiều cửa hiệu, đền thờ, nhà ở của người Do Thái ở Munich. Đầu năm 1939, Hitler tuyên bố: “… chủng tộc Do Thái ở châu Âu sẽ bị huỷ diệt.” Lực lượng SS bắt người Do Thái đưa về trại tập trung Dachau gần Munich để giết dần họ. Sau khi chiếm Ba Lan, nơi có 3,3 triệu người Do Thái, phát xít Đức bắt đầu tăng tốc độ tàn sát. Để giấu dân Đức biết việc này, từ cuối 1939, phát xít Đức chở người Do Thái và Gypsy ở châu Âu vào các trại tập trung ở Ba Lan.

Cuộc tấn công vào Liên Xô – nơi có 5 triệu người Do Thái – đánh dấu bước ngoặt trong chính sách chống Do Thái. Hitler huấn thị cho các chỉ huy quân đội: Do Thái và Bôn-sê-vich, giới trí thức và Hồng quân Nga đều là kẻ địch phải tiêu diệt. Lực lượng SS trở thành đội quân hành quyết chuyên nghiệp. Khi tiến vào Liên Xô, chúng cứ thấy người Do Thái là bắn ngay. Tại 3 nước vùng Ban-tích, chúng phối hợp với cảnh sát địa phương (vốn ghét Do Thái) làm việc này. Trong 5 tuần đầu vào đất Liên Xô, số người Do Thái bị chúng giết nhiều hơn tổng số đã giết từ trước đến nay. Ngày 1.8.1941, Heydrich báo cáo Himmler: “Có thể tin chắc là trên mảnh đất miền Đông này sẽ không còn người Do Thái nữa.” Sau đó Himmler đến tận Minsk để xem “biểu diễn” cảnh hành quyết: hàng trăm người Do Thái nằm úp mặt dưới rãnh đào, lính SS bắn vào từng người. Himmler sợ tái mặt suýt ngã, thế nhưng sau đó hắn huấn thị: mọi người cần thi hành chức trách luật pháp của mình; để tự bảo vệ, loài người cần xác định kẻ nào là có hại, và đã có hại thì phải tiêu diệt sạch. Khi chiếm Kiev (9.1941), bọn SS gọi toàn bộ người Do Thái tập trung vào nghĩa trang rồi xả súng bắn; trong 2 ngày, chúng giết chết 33.771 người. Về sau, Himmler ra lệnh phải tìm cách giết sao để “đỡ hành hạ họ về tinh thần”. “Sáng kiến” đầu tiên là dùng các xe tải bọc kín, mỗi xe chứa khoảng 50 người rồi bơm khí CO vào cho họ chết ngạt.

Giày dép bỏ lại ngoài phòng ngạt

Đầu 1942, khi đã giết hơn 1 triệu người “hạ đẳng”, Goering ra lệnh tăng tốc độ giết họ với mục đích diệt chủng. Chúng xây dựng ở Đông Âu 3 trung tâm giết người là các trại tập trung Belzec, Treblinka, Sobibor. “Dây chuyền công nghệ” mới là: dùng xe lửa chở người đến trại, lột hết quần áo, đưa vào phòng kín mỗi phòng 400 người rồi bơm khí CO vào, xác đem đốt hoặc chôn. Trung bình nạn nhân đến trại không quá 3 giờ là bị giết ! Hàng ngày có 100 toa xe lửa chở người đến, mỗi ngày 3 trại này “sản xuất” được 25 nghìn xác chết ! Tổng giá trị số tiền cướp từ nạn nhân lên tới 70 triệu USD. Tóc của họ được chở về Đức để chế tạo loại vải đặc biệt. 3 trại tập trung trên về sau bị Đức san bằng để phi tang tội ác; xác chết được đào lên rồi đốt. Tiếp đó, chúng xây dựng trại tập trung Auschwitz I, II và III, vừa là trại lao động vừa là các nhà máy giết người. Tháng 3.1944, Đức chiếm Hungary; lúc này Liên Xô đang đánh đuổi quân Đức ở Đông Âu, nhưng chúng vẫn kịp chở 280 nghìn người Do Thái ở Hungary đến Auschwitz. Khi quân đội Liên Xô giải phóng trại này (27.1.1945), chỉ còn 2800 người sống sót, trong kho còn hơn 836 nghìn áo khoác và váy phụ nữ, 370 nghìn áo khoác nam và 7 tấn tóc của người đã chết.

Hitler cũng tàn sát hàng loạt người Gypsy – hắn buộc tội họ phá hoại huyết thống người German. Chủ nhiệm “Viện nghiên cứu Vệ sinh chủng tộc và sinh vật học quần thể” là bác sĩ Robert Rits được giao nhiệm vụ nghiên cứu tìm “chứng cớ khoa học”. Tất cả người Gypsy đều phải đăng ký với chính quyền, rồi được phân loại theo mức độ lai với người Đức. Cuối cùng Rits kết luận: người Gypsy có dòng máu người nguyên thuỷ, làm thành một giai cấp “á vô sản” tự khép kín, có khuynh hướng phạm tội, nên đưa vào các trại tập trung để lao động, hoặc tốt nhất thủ tiêu họ. Khoảng 250-500 nghìn người Gypsy đã chết trong các trại tập trung.

Tháng 8. 1939, trước khi xâm lược Ba Lan, Hitler ra lệnh cho quân đội Đức: “Giết hết bất cứ đàn ông, đàn bà, trẻ con có huyết thống Ba Lan hoặc nói tiếng Ba Lan; chỉ có thế chúng ta mới giành được không gian sinh tồn ta cần”, nhằm lập một đế chế Nazi ở Đông Âu, xây dựng tại đây một xã hội “tuyệt đối nông thôn hoá, thuần khiết về đặc tính sinh học, không cho phép tồn tại dân bản địa hạ đẳng.” Himmler nói: “Chúng ta phải bảo đảm chỉ người Đức thuần chủng mới được sống ở miền Đông.” Để đàn áp phong trào kháng chiến, chúng quy định: cứ 1 lính Đức bị giết thì chúng sẽ giết 50-100 người Ba Lan.

Thảm sát xảy ra thường xuyên

Lực lượng SS thành lập “Uỷ ban Tăng cường Đức hoá” (RKFDV) để quy hoạch đất đai Đông Âu, thủ tiêu người Slaves ở đó và bố trí người Đức đến ở. Quân Đức đến đâu cũng ra lệnh cho mọi người dọn nhà sạch sẽ, chuẩn bị hành lý tuỳ thân trong vòng 20 phút và nộp chìa khoá nhà cho chúng, rồi chúng chở họ đến các trại tập trung. Nhà của người Ba Lan phải giữ lại cho người Đức đến ở sau khi hết chiến tranh. Ai phản đối lập tức bắn. Ngoài nhà treo biển: “Người Ba Lan, Do Thái và chó cấm vào”. Ruộng đất giao cho quân đội Đức quản lý để khi lính Đức giải ngũ sẽ sử dụng. Tên Heydrich trùm SS khét tiếng giết người Do Thái về sau đã bị du kích Tiệp Khắc ám sát; để trả thù vụ này, phát xít Đức đã gây ra vụ thảm sát làng Lidice.

Tổng cộng phát xít Đức đã giết 13 triệu dân thường Đông Âu; Ukraine – 4 triệu người (gần 1 triệu là Do Thái), một nửa số dân Kiev bị giết; Belorussia – 2,3 triệu hoặc 25% số dân; Ba Lan – 6 triệu (một nửa là Do Thái, một nửa là tín đồ Tin Lành) hoặc 22% số dân; Liên Xô – vài triệu dân người Slaves và 3 triệu tù binh Nga gốc Slaves. Tại Ba Lan, chúng giết toàn bộ các nhà báo, 45% bác sĩ, 57% luật sư, 40% giáo sư – những người chúng cho là có thể lãnh đạo dân chống lại Đức.

Tuy thế, Hitler có thái độ khác đối với các nước Tây và Bắc Âu. Vẫn đánh nhau với Anh nhưng hắn tôn trọng dân Anh, vì họ cùng nguồn gốc chủng tộc German. Hắn lúc đầu muốn hoà bình với Anh để cùng chống Liên Xô, nhưng Thủ tướng Churchills phản đối vì đã thấy rõ bộ mặt xâm lược của hắn. Hitler coi người Slaves là “đáng khinh”, nhưng chưa cần diệt ngay như người Do Thái. Người Slaves do nhiều dân tộc hợp thành, gồm người Ba Lan, Tiệp Khắc, Slovarkia, Croatia, Slovenia và Serbi; các nước có người Slaves như Hungary, Rumania và Bulgria còn là đồng minh của Đức, cho nên việc tiêu diệt người Slaves khác với người Do Thái. Hitler chủ trương nước Đức không xây dựng xã hội quý tộc nuôi nô lệ mà tự lao động kiếm sống trong một “xã hội nông thôn”.

III. NGƯỜI ĐỨC VỚI CUỘC DIỆT CHỦNG CỦA PHÁT XÍT ĐỨC

Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa thể hiểu được tại sao nước Đức văn minh bậc nhất thế giới – nơi từng sinh ra những tài năng như nhà văn Goethe, triết gia Hegel, bác học Humboldt v.v. – lại là thủ phạm của cuộc diệt chủng người Do Thái vô cùng dã man tàn bạo trong Đại chiến thế giới lần II. Hiện nay, những người Đức 75 tuổi trở lên rất khó trả lời con cháu là tại sao ngày xưa họ lại cam tâm đi theo Hitler làm những việc hoàn toàn mất nhân tính như vậy. Chế độ phát xít bị coi như một vết nhơ của dân tộc, vì thế nhiềungười Đức đã cố xoá hết các di tích vật thể của nó. Nhưng những người Đức chân chính thì luôn nhắc lại quá khứ ô nhục đó để cảnh giác với chủ nghĩa phát xít mới và để cho thế hệ sau biết phải làm gì để tránh dẫm lên vết xe đổ.

Dù phát xít Đức hết sức giữ bí mật hoạt động diệt chủng, nhưng 3 triệu lính Đức trên mặt trận phía Đông khi nghỉ phép về nhà không thể không kể cho gia đình biết. Nghĩa là ít nhất 10 triệu người Đức biết, nhưng họ đã nói gì về chính mình ?

Năm 1996, đài truyền hình Đức tổ chức thăm dò dư luận về vấn đề này; 6% người Đức trên 65 tuổi thừa nhận có tham gia hành quyết tập thể người Do Thái sau khi Đức tấn công Liên Xô; 15% nói hồi ấy họ có nghe nói. Nghĩa là 21% hoặc 11 triệu người Đức đã biết việc diệt chủng; 79% chỉ biết sau khi Đại chiến II chấm dứt. Một cuộc thăm dò khác cho thấy 22 triệu người Đức biết việc diệt chủng, 6 triệu người 65 tuổi trở lên thừa nhận có tham gia. Dĩ nhiên, biết không có nghĩa là đồng ý.

Goebbels từng than phiền: “Đâu đâu cũng có người đồng tình với bọn Do Thái.” Ngay từ tháng 9.1941, dân Đức đã phê phán việc chính quyền bắt người Do Thái phải đeo ngôi sao 6 cạnh mầu vàng, họ rất lo là người Đức ở Mỹ cũng sẽ bị buộc phải đeo huy hiệu chữ thập ngoặc như vậy. Nhiều người Đức biết việc chính quyền xua đuổi tàn sát người Do Thái và họ không tán thành cách làm đó, nhưng họ phải nhắm mắt làm ngơ, vì phản đối thì sẽ bị trừng trị ngay.

Trong cuộc thăm dò dư luận năm 1986, khi được hỏi ai chịu trách nhiệm về tội giết người Do Thái, 70% người Đức nói Hitler và đồng bọn, 20% (chủ yếu dưới 30 tuổi) nói “tất cả người Đức” đều có tội.

Rõ ràng người Đức có lỗi trong tội ác diệt chủng nói trên. Phải thừa nhận Hitler có “tài”: năng lực phạm tội của hắn có thể “giải phóng” năng lực phạm tội của nhiều người Đức khác – đây là bi kịch của một dân tộc từng sinh ra không ít thiên tài.

Dù sao, rốt cuộc họ vẫn là một dân tộc tỉnh táo – và thế giới đều biết điều đó. Ngay từ năm 1934, thị trưởng Leipzig đã từ chức để phản đối chính quyền phát xít dỡ bỏ bức tượng nhạc sĩ Đức gốc Do Thái Felix Mendelssohn trước Cung Âm nhạc. Năm 1937, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh nguyên soái W. Blomumberg và Tổng tư lệnh lục quân thượng tướng W. Frasie phản đối Hitler phát động chiến tranh với phương Tây, do đó cả hai đều bị sa thải. Tháng 11.1939 tại Munich, một người Đức thân cộng sản cho nổ một quả bom hẹn giờ ở chỗ Hitler diễn thuyết. 8 đảng viên Quốc xã chết, hơn 60 tên bị thương. Hitler hôm ấy tình cờ quyết định nói ngắn và nói sớm, hắn đi được một lúc thì bom mới nổ. Đây là vụ ám sát Hitler lần thứ 7. Sau đó còn có nhiều vụ khác, nhưng tất cả đều không thành chỉ vì Hitler gặp may. Toàn bộ những người tham gia ám sát đều bị hành quyết; kể cả nguyên soái Rommel Tư lệnh quân đội Đức ở Bắc Phi, nổi tiếng chỉ huy chiến đấu giỏi, được gọi là “Cáo sa mạc”.

Tháng 5.1938 lo sợ việc Hitler tấn công Tiệp Khắc sẽ gây ra chiến tranh thế giới, trung tướng R. Becker Tham mưu trưởng Lục quân đã lôi kéo được một số tướng cấp cao định làm đảo chính bắt Hitler và lập chính phủ mới. Nhưng do Anh Pháp thoả hiệp ký Hiệp ước Munich mà Hitler dễ dàng chiếm được Tiệp Khắc, nên đảo chính đã không nổ ra. Nhóm đảo chính nhiều lần liên hệ với Đồng Minh, nhưng do sợ mắc bẫy, nên Đồng Minh đều phớt lờ họ. Cuối 1942, lo ngại trước các vụ tàn sát ở Ba Lan và Nga, một số tướng cấp cao, trong đó có viên chỉ huy tập đoàn quân trung lộ mặt trận Nga, đã chống lại Hitler. Sau thất bại ở Stalingrad, nhiều tướng Đức bất mãn định tổ chức ám sát Hitler khi hắn đến Nga thị sát, nhưng dự định này cũng không thành.

Khi Liên Xô bắt đầu phản công (1943), có thêm một số tướng Đức chống lại Hitler, nổi bật nhất là trung tá Schtaufenberg. Năm 1945, các tay chân thân cận nhất như Goering, Himmler đều bí mật đàm phán với Đồng Minh để xin đầu hàng.

Cần nhấn mạnh sự thật kể trên để thấy Đức khác với Nhật – Nhật chống Đồng Minh ngay cả khi đã thua rõ ràng và hàng trăm nghìn dân bị bom nguyên tử Mỹ giết; nếu Nhật Hoàng không quyết định đầu hàng thì họ sẽ đánh đến người cuối cùng, không nghĩ gì đến sự tồn vong của dân tộc. Ngày nay các đời Chính phủ Nhật vẫn chưa hoàn toàn nhận lỗi về cuộc chiến tranh Thái Bình Dương do ông cha họ gây ra. Dù biết rõ tội ác của chính quyền nước mình, nhưng người Nhật vẫn tuyệt đối tin vào Nhật Hoàng; chưa ai từng có mưu mô ám sát nhà vua hoặc các tướng lĩnh Nhật phạm tội ác tầy trời. Khi biết Chính phủ mình quyết định cấu kết với Đức và Ý để chống Đồng minh, Đô đốc Isoroku Yamamoto đã tỏ ý phản đối – vì từng học và công tác ở Mỹ lâu năm, ông biết Nhật không thể chọi lại sức mạnh nền công nghiệp của Mỹ – và do đó ông bị bọn hiếu chiến ở Nhật đòi trừ khử. Thế nhưng khi Nhật-Đức-Ý đã lập Khối Trục, samurai Yamamoto lại nghiêm chỉnh nhất tiến hành chuẩn bị chiến tranh, chính ông đã vạch kế hoạch đánh úp Trân châu cảng.

Năm 1970, Thủ tướng CHLB Đức W. Brand quỳ xuống trước bia kỷ niệm người Do Thái bị giết ở Ba Lan. Báo chí đưa tin này dưới cái tít “Brand quỳ xuống, nước Đức đứng lên”. Đúng vậy, họ đã đứng lên, đúng với bản chất một dân tộc văn minh. Các đời chính phủ Đức nghiêm chỉnh tiến hành bồi thường vật chất cho tất cả các nạn nhân Do Thái còn sống sót. 80 tỷ USD đã được người Đức bù đắp cho các thiệt hại do phát xít Hitler gây ra. Khi dự lễ kỷ niệm 60 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz, Thủ tướng Đức G.Schroeder nói nước Đức xấu hổ vì nỗi nhục này. Bộ trưởng Ngoại giao Đức J.Fischer nói: về đạo nghĩa và chính trị, nước Đức có trách nhiệm thừa nhận nạn diệt chủng của phát xít Đức. Đầu năm 2005, thủ đô Berlin khánh thành đài kỷ niệm người Do Thái bị giết.

Trái lại, người Nhật vẫn đến lễ ở đền Yasukuni, nơi đặt bài vị hơn 3 triệu quân nhân Nhật chết trong các cuộc chiến tranh phi nghĩa suốt từ thời Minh Trị đến năm 1945. Thế đấy! Văn minh Đông Tây vẫn khác nhau, dù nước Nhật có vẻ đã hoàn toàn Tây phương hóa.

Nguồn:
— The Third Reich (The Center of Web; The SS; The Apparatus of Death; The Shadow War) (Time Life Books, 1990); 
— The Death of Hitler (Ada Petrova & Peter Watson, 1995); 
— Hitler’s Helpers (Guido Knopp, 1996)

TẠI SAO ANH, MỸ LÀM NGƠ KHI PHÁT XÍT ĐỨC TÀN SÁT NGƯỜI DO THÁI ?

Tháng 1.2005, trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày quân đội Liên Xô giải phóng Trại Tập trung Ao-xvit (27.1.1945), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc An-nan cùng nhiều đại biểu đã lên tiếng kêu gọi loài người phải cảnh giác kịp thời vạch trần và tố cáo nạn diệt chủng. Báo chí nhiều nước đã nhắc lại một sự thật khó hiểu trong Đại chiến Thế giới lần thứ II là Chính phủ các nước Đồng minh phương Tây đã làm ngơ trước việc phát xít Đức giết hại hàng triệu người Do Thái trong các trại tập trung chúng lập ra ở Đông và Nam châu Âu. Sự khó hiểu đó là một trong những cái gọi là “Bí ẩn của Đại chiến II”, hiện đã được đưa ra ánh sáng.

Sau khi Đại chiến II chấm dứt, các nhà sử học trên thế giới đã tranh luận rất nhiều về 2 vấn đề : các nước Anh, Mỹ có biết kế hoạch diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức hay không, và nếu biết thì tại sao họ không ngăn chặn ? Chính quyền các nước phương Tây và một số nhà sử học cho rằng phương Tây không hay biết gì về kế hoạch ấy và do đó không ngăn chặn được. Ngược lại, một số nhà sử học cho rằng các nước phương Tây đã biết ý định của phát xít Đức nhưng vì những lý do nào đấy họ đã làm như không biết gì cả.
Để cứu tính mạng của người Do Thái, lẽ ra ngay từ đầu các nước phương Tây đã phải tăng cường tiếp nhận người Do Thái di cư lánh nạn trốn khỏi sự đàn áp giết chóc của phát xít Hit-le, và khi biết chúng có kế hoạch diệt chủng toàn bộ người Do Thái ở châu Âu, thì Chính phủ các nước phương Tây phải lên tiếng phản đối. Chính vì họ không làm như vậy nên năm 1941 tổng số người Do Thái trên thế giới là 8,7 triệu người thì trong Đại chiến II đã có 5,8 triệu người bị phát xít Đức giết chết.

Sách “Tập bản đồ xung đột A Rập – It-xra-en” của Mac-tin Ghin-bơt in năm 1974 cho biết : sau khi Hit-le lên cầm quyền ở Đức (năm 1933), hàng trăm nghìn người Do Thái ở châu Âu đã di cư về xứ Pa-le-xtin hồi ấy do Anh uỷ trị, nơi đã có nhiều người A Rập và Do Thái cùng sống chung từ mấy nghìn năm nay. Họ mua đất của người A Rập với giá cao để định cư. Dòng người Do Thái đổ về Pa-le-xtin ngày một tăng đã làm người A Rập tức giận tấn công khủng bố họ. Chính quyền Anh đã hạn chế lượng người Do Thái di cư về đây. Năm 1939, Chính phủ Đức cho phép 250 nghìn người Do Thái sống ở Đức được di cư ra nước ngoài, nhưng chính quyền Mỹ đã hạn chế số người Do Thái được nhập cư vào Mỹ. Năm 1940 Quốc hội Mỹ bác bỏ Dự luật mở cửa bang A-la-xka cho người Do Thái lánh nạn. Năm 1941, Mỹ thắt chặt hạn ngạch nhập cư người Do Thái; năm 1943 lại từ chối đề nghị của Thuỵ Điển tiếp nhận 20 nghìn trẻ em Do Thái ở Đức di cư sang Mỹ. Hậu quả là về sau, trong 3 triệu người Do Thái sống ở Ba-lan thì 2,6 triệu người bị phát xít Đức giết ; Liên Xô (vùng Đức chiếm) – có 2,5 triệu, bị giết 750 nghìn; Ru-ma-ni – 1 triệu, bị giết 750 nghìn; Hung-ga-ri – 710 nghìn, bị giết 402 nghìn người v.v…

Theo một dự luật của Chính phủ Mỹ, ngày 26. 6. 2000, Viện Hồ sơ Quốc gia Mỹ công khai 400 nghìn trang hồ sơ tình báo tuyệt mật của cơ quan tình báo Mỹ thu được trong Đại chiến II. Qua các hồ sơ đó, dư luận vô cùng kinh ngạc khi được biết là các nước Anh, Mỹ không những nắm được các thông tin về kế hoạch diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức, mà còn biết rất rõ mọi chi tiết của kế hoạch này.

Mùa hè năm 1943, quân đội Anh liên tục bắt và giải mã được một số bức điện của Sở Chỉ huy quân đội Đức tại Rô-ma (I-ta-li-a) gửi về Bộ Chỉ huy Tối cao ở Bec-lin. Nội dung các điện tuyệt mật này cho thấy : trong thời kỳ đầu chiến tranh, do trùm phát xít I-ta-li-a là Mut-xô-li-ni không tuân theo chủ trương của Hit-le về vấn đề người Do Thái, nên người Do Thái ở I-ta-li-a không bị xua đuổi giết hại. Tháng 7 năm 1943, Mut-xô-li-ni bị lật đổ, quân Đức chiếm miền Bắc I-ta-li-a. Hit-le ra lệnh cho lực lượng xung kích SS của Đức phải bắt giam toàn bộ người Do Thái ở I-ta-li-a đưa về các trại tập trung ở Đông và Nam Âu rồi “tiêu diệt về thể xác”. Nội dung các bức điện này như sau : – từ ngày 6 tháng 10 tiến hành đăng ký danh sách tất cả 8000 người Do Thái ở Rô-ma, trong 10 ngày phải xong; – ngày 11 tháng 10, Bec-lin trắng trợn ra lệnh phải lập tức tiêu diệt sạch người Do Thái sống trên đất I-ta-li-a, vì nếu làm chậm thì họ sẽ ẩn náu trong các gia đình người I-ta-li-a; – ngày 16 tháng 10, một bức điện từ Rô-ma báo cáo Bec-lin là đã bắt giữ được 1200 người Do Thái; – ngày 20 tháng 10, lực lượng SS ở Rô-ma báo cáo đã hoàn thành bắt giữ người Do Thái ở I-ta-li-a và đưa về trại tập trung Ao-xvit ở Ba-lan …

Sau này người ta mới biết là khi Đại chiến II chấm dứt, toàn bộ thành phố Rô-ma chỉ còn lại vài trăm người Do Thái thoát chết; trong số 120 nghìn người Do Thái ở I-ta-li-a có 9 nghìn người đã bị phát xít Đức giết. Rõ ràng Hit-le đã tiến hành một cuộc diệt chủng người Do Thái có tổ chức có kế hoạch mà không vấp phải sự phản đối công khai từ chính phủ Đồng minh nào !

Các bức điện được tình báo Anh giải mã đều lập tức chuyển đến lãnh đạo cấp cao của hai nước Anh, Mỹ. Thế nhưng cho tới nay các nhà sử học vẫn chưa khẳng định Thủ tướng Sooc-xin và Tổng thống Ru-dơ-ven đã đích thân đọc các bức điện ấy hay chưa, song chắc chắn là các nhà lãnh đạo cấp cao khác của hai nước này không thể không biết các bức điện đó. Đồng thời Anh, Mỹ còn có một nguồn thông tin quan trọng nữa lấy từ tình báo viên cài trong các cơ quan của Đức. Một tình báo Anh là cán bộ Bộ Ngoại giao Đức đã lợi dụng các chuyến đi công cán tại Thuỵ-sĩ (nước trung lập) để gặp kín Đa-let trùm tình báo Mỹ thông báo các tin quan trọng.

Các hồ sơ tuyệt mật gần đây được chính quyền Mỹ công khai trước dư luận cho thấy Đa-let đã được tình báo viên kể trên thông báo về kế hoạch của phát xít Đức dự định trong năm 1943 sẽ tiêu diệt hết người Do Thái ở I-ta-li-a. Trên thực tế, ngay từ đầu năm 1943 Chính phủ Anh, Mỹ đã biết rõ sự thật trong trại tập trung Ao-xvit, nhưng không hiểu tại sao họ vẫn im lặng.

Các tài liệu nói trên cũng cho thấy, phương Tây làm ra vẻ không biết gì về chuyện phát xít Đức diệt chủng người Do Thái là có 2 nguyên nhân : – một là dùng để đổi lấy sự hợp tác về công nghệ của phát xít Đức; – hai là để lên mặt đạo đức : tôi không ngăn chặn diệt chủng là do tôi không biết việc đó.

Sau khi Đại chiến II chấm dứt, đa số các nhà sử học do hâm mộ và kính trọng sâu sắc Sooc-xin và Ru-dơ-ven nên không tin (hoặc không muốn tin) rằng hai lãnh tụ này đã biết kế hoạch diệt chủng của Hit-le. Chẳng hạn, trong sách “Ao-xvit và các nước Đồng minh” xuất bản năm 1981, nhà sử học người Anh Ma-tin Ghin-bơt viết là đến mùa hè năm 1944, Sooc-xin và Ru-dơ-ven mới biết ít nhiều về việc phát xít Đức tàn sát hàng loạt người Do Thái.

Nhưng các hồ sơ tuyệt mật mới công bố gần đây đã đập tan luận điệu trên. Nhiều nhà sử học và chính khách đều bày tỏ sự tức giận và khó hiểu đối với việc Chính phủ Anh, Mỹ bao năm nay che giấu sự thật lịch sử quan trọng đó. Bà Ê-li-za-bet Hu-zman, cựu nghị sĩ và một trong những người dự thảo Dự luật công khai tội phạm chiến tranh của Mỹ, từng chất vấn : “Việc bóc trần sự thật sẽ đưa ra một câu hỏi về đạo đức : phải chăng sau khi chiến tranh chấm dứt thì các nước Đồng minh bắt đầu bao che cho bọn tội phạm chiến tranh Quốc xã ?”
Dư luận thắc mắc về việc Toà án Nu-rem-be không xử tử tướng SS Đức Cac Uôn-phơ – kẻ đã dồn hàng chục nghìn người Do Thái ở I-ta-li-a vào các trại tập trung để dùng hơi ngạt giết chết, thế mà năm 1949 hắn lại được trả tự do, sống an nhàn ở Muyn-khen cho tới năm 1962 mới vào tù do bị tố cáo có liên quan đến cái chết của 300 nghìn người Do Thái trong trại tập trung Tre-blin-ka ở Ba-lan; sau đó hắn bị một toà án của Tây Đức xử 15 năm tù. Các hồ sơ mới công bố gần đây cho thấy, sở dĩ Uôn-phơ không bị trừng trị xứng đáng là do hắn có “quan hệ đặc biệt” với Đa-let, trùm tình báo Mỹ dưới quyền tướng Ai-xen-hao, và do hắn là kẻ đã “có công” thu xếp cho quân Đức đóng ở I-ta-li-a đầu hàng Đồng minh.
Các hồ sơ mật mới công khai gần đây cho thấy, sau Đại chiến II, Mỹ và Anh có kế hoạch săn lùng tìm bằng được các nhà khoa học Quốc xã Đức hàng đầu nhằm sử dụng vào việc chế tạo các vũ khí mới chống lại Liên Xô, – trong việc này họ cần sự giúp sức của các sĩ quan SS hoặc Ghet-xta-pô Đức. Thậm chí Mỹ và Anh còn giúp một số quan chức phát xít Đức từng giết hại nhiều thường dân các nước trốn sang Nam Mỹ để đổi lấy sự hợp tác của chúng. Sau này, vào thập kỷ 80, người ta đã phát hiện và bắt giữ một số tên Quốc xã Đức trốn tránh ở Nam Mỹ.

Trước sự thật nói trên, các nhà sử học cho rằng nên viết lại lịch sử đoạn nói về “các nhà lãnh đạo Đồng minh không biết gì về vụ diệt chủng lớn trong Đại chiến II”. Một số nhà sử học cấp tiến cho rằng Sooc-xin và Ru-dơ-ven phải chịu trách nhiệm về đạo đức đối với những người Do Thái bị phát xít Đức tàn sát. Một chuyên gia của Viện Hồ sơ Quốc gia Mỹ nói : “Nếu ngày ấy chỉ cần Sooc-xin hoặc Ru-dơ-ven ra một tuyên bố công khai thì đã có thể cứu sống hàng chục nghìn người Do Thái ở I-ta-li-a, hoặc ít nhất cũng có thể nhắc nhở người Do Thái ở đấy cảnh giác trốn khỏi tay bon phát xít Đức. Thế nhưng hai vị lãnh đạo nổi tiếng này đã chọn cách im lặng. Họ làm thế là để không gây phương hại đến hoạt động giải mã của tình báo Anh, Mỹ (tránh để Đức biết Đồng minh đã nắm được mật mã của Đức).”

Ngoài ra, hồ sơ mật mới ra công khai còn cho biết, Thủ tướng Anh Sooc-xin thoạt đầu có ý định tốt. Ông từng trao đổi với Ngoại trưởng Anh I-đơn (Anthony Eden) xem có nên ra một tuyên bố lên án hành động diệt chủng của phát xít Đức hay không, nhưng I-đơn kịch liệt phản đối, với lý do có ra tuyên bố thì cũng chẳng ngăn cản được Hit-le, và cũng không có lợi cho việc chiến thắng phát xít Đức. Sooc-xin đã nghe theo I-đơn. Đây là một sai lầm của Thủ tướng Anh.

Việc Chính phủ Anh và Mỹ chậm công bố các hồ sơ mật của Đại chiến II đã bị các nhà sử học phê phán. Mọi người đều biết, với lý do “an ninh quốc gia”, hai nước này đã trì hoãn mãi việc công bố các tài liệu tình báo mật nói trên. Dư luận ngờ rằng họ làm thế là để bảo vệ hình ảnh các nhà lãnh đạo hai nước ấy, và để trốn trách nhiệm đối với tội ác diệt chủng của phát xít Đức.

Ngày nay, các nước lớn vì quyền lợi ích kỷ của họ đã làm ngơ hoặc nhẹ tay trước tội ác diệt chủng của bọn Pôn-pốt ở Căm-pu-chia trong thập kỷ 70. Cho tới nay, dù Pôn-pôt chết đã khá lâu nhưng tội ác tiêu diệt 2 triệu đồng loại của hắn và đồng bọn vẫn chưa được đưa ra Toà án công lý xét xử. Đây cũng là một thí dụ nữa cho thấy nhân dân các nước phải tự mình mạnh dạn đấu tranh vạch trần tội ác diệt chủng chứ không thể trông chờ “lòng tốt” của các nước lớn.

Tài liệu tham khảo :
1) The Dent Atlas of the Arab – Israeli Conflict (Martin Gilbert, 1993, Oxford);
2) The Decision Secrets of the Second World War.

Nguồn honvietsu.wordpress.com