Thứ Hai

Một giấc mơ Đà Lạt

Thành phố đã ngủ quên trên những vết thương không bao giờ lành lặn. Điều làm người ta nhớ đến một thành phố cao nguyên là ở những vết trầm của ký ức, của đồi dốc cũ xưa, của quán cà phê biết bao năm tháng đã trôi đi nhưng vẫn quen thuộc.

Đà Lạt giờ xô bồ quá, đi đến cũng ngại ngần. Thành phố của những người trẻ tuổi ẩn mình trong thời tao loạn, để chiêm nghiệm và nung cho con đường nghệ thuật đủ sự chín muồi. Thành phố của lớp trí thức tinh hoa, lịch thiệp và nhã nhặn đã dần mờ phai đi, như đồi thông, như sương mù ngày càng ít lại.

Còn nhớ một buổi chiều vàng, ngồi ở Tùng, nhắm mắt lại, ngỡ như mình đã từng đặt chân đến nơi này ở kiếp trước, cùng với bè bạn, im lặng, tưởng nhớ một người anh em mới mất ngoài chiến trường, trong nỗi đau nồi da xáo thịt.

Đến đồi thông, đến sương mù cũng dần ít lại
Quán cà phê của tuổi trẻ, của những giấc mơ không thành hình hài, chỉ đợi ngày quân dịch.Trong giấc mơ miên man đó, Đà Lạt với giọng hát Khánh Ly như thổn thức, với những chiều mưa lạnh, trong sự tịch mịch của sương mù đời người, và những khóm hồng trước sân một ngôi nhà hoang quạnh quẽ, ta thấy phản chiếu hình bóng của đời mình. Thành phố như bị yểm bùa và vận vào đời sống những đổi thay.

Nhưng giấc mơ đã tắt đi.
Có một ngọn gió thổi từ vùng xa nghe được cả mùi của đất đỏ và bụi rồi luồn lách vào từng ngôi nhà, từng cánh cửa, thông hát những lời thì thầm trên bóng đổ của một cụ già chống ba-toong đi loanh quanh hồ Xuân Hương.

Một ngày ẩm ướt, thành phố không chút nắng.
Người chọn rời đi, thành phố chọn ở lại. Chuông nhà thờ đổ, nguyện cầu điều an lành sẽ tới trên từng viên sỏi, từng phiến đá lát nền đường, từng sợi len dầy, từng bông actiso trên sạp chợ. Đà Lạt ơi, thương và nhớ.

Người chọn rời đi, thành phố thì ở lại
Thương và nhớ cho một ngày xưa đã mất đi, không thể nào tìm lại được.

Nguồn: LÊ THẾ HUÂN