Thứ Ba

Cháy mà chạy vào nhà vệ sinh là 'tự sát'

Liên quan tới vụ cháy trụi 4 căn nhà trên phố Trần Thái Tông (Hà Nội) chiều ngày 1.11, một số nhân chứng cho biết “còn người mắc kẹt trong đám cháy và chạy vào nhà vệ sinh trốn trú, giờ vẫn chưa ra”. Trao đổi với phóng viên Dân Việt về trường hợp này, Đại tá Trần Văn Bảy - Giám đốc Trung tâm Đào tạo huấn luyện PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Cảnh sát PCCC TP.HCM) cho rằng, khi cháy lớn mà chạy vào nhà vệ sinh là cấm kỵ, chẳng khác gì “tự sát”.

Cụ thể, Đại tá Bảy nói: Với thông tin mà báo chí nêu thì chắc chắn một điều rằng những người còn kẹt lại trong căn nhà (nếu còn) hiện vẫn trong vùng không an toàn, khả năng sống sót là hi hữu.

Vụ hỏa hoạn khiến nhiều biển hiệu tại 4 căn nhà 7 tầng liền nhau trên đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội cháy rụi. Ảnh: Tuấn Cao.
Theo Đại tá Bảy, cách thông minh nhất là tìm mọi cách để sang một nhà khác, một khu vực khác đang không bị cháy thì như thế mới ra khỏi vùng không an toàn. Giả dụ, cháy ở tầng 2 mà thoát được xuống tầng 1 cũng chưa thể gọi là ra khỏi vùng nguy hiểm, mà phải thoát ra ngoài đường nơi không có cháy thì mới gọi là an toàn.

“Khi cháy đừng chạy vào nhà vệ sinh vì nơi đây được xây kín, ít không khí không có lối thoát, lại là nơi khuất rất khó cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tìm, cứu” - Đại tá Bảy cho hay.

Theo Đại tá Bảy, một đám cháy bao trùm cả tòa nhà, dù anh có nhảy xuống bể bơi trong tòa nhà đó hay “cố thủ” trong nhà tắm thì cũng dễ bị ngạt, chết.

“Trong hoàn cảnh đó (cháy), anh phải càng tỉnh táo. Chỉ có sự tỉnh táo mới mang lại sống sót cao. Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết những người đã vào quán Karaoke là uống rượu hoặc bia mà như vậy thì trí nhớ sẽ giảm tới 50%, lúc ấy sẽ không minh mẫn và khiến cho khả năng sống sót giảm đi” - Đại tá Bảy nói.

Đại tá Bảy chia sẻ thêm về kỹ năng sống sót qua đám cháy: Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Đặc biệt, không nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.

“Khi phát hiện cháy, đừng dùng thang máy vì có thể bị kẹt lại khi điện cúp và như vậy sẽ là nguy hiểm kép. Hãy dùng bất kỳ vật gì có thể thấm nước: chăn, màn, khăn, vải, quần áo choàng lên người và bịt mũi để phòng khói ngạt, độc, lửa cháy lan trên cơ thể” – Đại tá Bảy hướng dẫn.

Cũng theo Đại tá Bảy, trước khi bước chân vào một ngôi nhà cao tầng, nhiều tầng, làm việc hay sinh sống thì việc đầu tiên bạn cần phải để ý xem cầu thang bộ, cầu thang thoát nạn ở đâu... để phòng trường hợp thiên tai, hỏa hoạn.

“Khi nhìn thấy lửa và khói, chúng ta thường rơi vào trạng thái hoảng loạn. Đây là trạng thái mà tâm lý thông thường rất khó chế ngự được. Chính sự hoảng loạn đã làm cho tình trạng trầm trọng thêm và triệt tiêu khả năng sống sót của con người. Trong nhiều trường hợp, sự hoảng loạn đã khiến người ta có những quyết định, những hành vi tự đưa mình vào chỗ chết” – Đại tá Bảy giải thích.

Cũng theo đại tá Bảy, chỉ có bình tĩnh thì mới cứu được mình và mọi người. Khi chạy được ra ngoài, bạn hãy men theo bờ tường để giữ được phương hướng trong hoảng loạn lửa và khói. Nếu như đi giữa hành lang, dòng người náo loạn sẽ xô ngã bạn và rất có thể bạn sẽ không gượng dậy được.

“Tìm đủ mọi cách để thoát khỏi đám cháy. Bảo vệ cho bản thân thì mới bảo vệ được cho người khác. Để sống sót trong một đám cháy thì không có chỗ cho e ngại hay sĩ diện vì mạng sống là quan trọng nhất. Dùng bất kỳ cách nào mà sống sót cũng là điều đáng quý” - Đại tá Bảy cho hay.

Theo Dân Việt