Thứ Ba

ẮC QUY CHÌ PHẾ THẢI nguồn gây ô nhiễm môi trường với hậu quả hết sức nặng nề!

Ắc quy chì là một loại nguồn điện thứ cấp, được sử dụng phổ biến nhất trong số các loại nguồn điện hóa học.

Hiện nay, tỉ lệ tăng trưởng sản xuất ắc quy chì ở nước ta hàng năm không ngừng tăng lên. Tính tăng trưởng theo Quy hoạch phát triển ngành Hóa chất Việt Nam giai đoạn đến năm 2011 và dự báo đến 2020 như sau:

Từ 2011 - 2020 -  Ắc quy (1000 kWh) 1200 - 1780

Ắc quy chì có nhược điểm căn bản là tuổi thọ thấp. Loại ắc quy chì hoàn hảo nhất hiện nay cũng chỉ có thể làm việc không quá 5 năm. Như vậy, một lượng rất lớn các loại ắc quy hết thời hạn sử dụng bị thải loại và trở thành phế thải. Tuy không có số liệu thống kê về nguồn phế thải này nhưng có thể ước đoán là có hàng triệu bình ắc quy bị thải bỏ mỗi năm.

Ngộ độc chì gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thần kinh của trẻ, gây chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển thể chất. Nồng độ chì trong máu càng cao thì càng ảnh hưởng xấu tới phát triển trí tuệ của trẻ.
Lượng ắc quy phế thải là nguồn gây ô nhiễm môi trường với hậu quả hết sức nặng nề vì chì (Pb) được coi là chất thải cực kỳ độc hại, với hàm lượng vài ppm/kg trọng lượng cơ thể đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Do nhận thức được mối nguy hại cho môi trường nên các nước công nghiệp phát triển đã đề ra các chính sách và giải pháp thích hợp cho vấn đề tận dụng ắc quy phế thải. Vấn đề này đặc biệt có ý nghĩa đối với nền Công nghiệp Hóa chất nước ta vì nếu tận dụng tốt nguồn chì phế thải thì có thể giảm nhập khẩu nguyên liệu, nhờ đó giảm được giá thành sản xuất và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, để giải quyết có hiệu quả vấn đề này cần phải xem xét tổng hợp từ chính sách vĩ mô đến các giải pháp kinh tế - kỹ thuật cụ thể.

1. Các giải pháp kỹ thuật để tái chế Pb từ nguồn phế thải:

Trong một bình ắc quy chì, vật liệu chứa Pb, chiếm khoảng 70% trọng lượng của ắc quy bao gồm: sườn cực và chất hoạt động được trát trên đó, trụ cực, cầu tiếp. Sườn cực, trụ cực, cầu tiếp thường được chế tạo từ hợp kim chì - antimon (3 - 7% antimon - Sb), dễ dàng tái chế thành hợp kim Pb - Sb. Để thu được Pb nguyên chất, cần điện phân hoặc tinh chế lại. Thành phần của chất hoạt động gồm: Pb - 75%, SO4-2 - 14,5%, phần nhỏ còn lại là tạp chất.

Điện dịch chiếm khoảng 18% trọng lượng của ắc quy, chứa axit sunfuric 30% và một lượng nhỏ chì sunfat  hòa tan, các hạt sunfat và chì oxit phân tán.

Vỏ bình chiếm khoảng 5 - 7% trọng lượng của ắc quy, được làm từ các vật liệu như polyetylen, polypropylen, hoặc ebonit.
Lá cách được làm từ vật liệu PVC và sợi thủy tinh.

Hiện tại, về mặt nguyên tắc có hai phương pháp xử lý ắc quy chì phế thải:

- Phương pháp thứ nhất: Phân loại riêng vật liệu chứa Pb và vật liệu hữu cơ để tái chế.

- Phương pháp thứ hai: Sau khi loại bỏ axit, toàn bộ ắc quy cũ được nấu với các chất trợ dung và than cốc trong lò. Quá trình này tạo ra chì thô lẫn nhiều tạp chất phải đem nấu luyện lại. Các thành phần khác tạo ra xỉ thải hoặc bị đốt cháy tạo ra khí thải.

Mỗi phương pháp đã nêu đều có những ưu nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, phương pháp đầu tiên vẫn được áp dụng phổ biến hơn và cũng đang được áp dụng ở nước ta. Phương pháp thứ hai tuy xử lý được triệt để mọi chất thải nhưng đòi hỏi phải đầu tư xây dựng nhà máy tương đối hiện đại, đắt tiền để đảm bảo thỏa mãn các tiêu chuẩn về môi trường. Do đó nó chỉ phù hợp cho những nước công nghiệp phát triển.

2. Thực trạng vấn đề tái chế ắc quy chì phế thải ở nước ta hiện nay:

Có thể nói vấn đề này đang diễn ra tự phát, ngoài tầm kiểm soát của tất cả các cơ quan có trách nhiệm.

Hiện nay chiếm thị phần lớn nhất là các làng nghề. Tại đây chì được tái sinh theo cách thủ công. Do làm theo cách thủ công và chỉ tính lợi nhuận nên không ai quan tâm đến các biện pháp bảo vệ môi trường. Kết quả là gây ra tình trạng ô nhiễm chì trầm trọng tại các làng nghề này.

Tại các nhà máy sản xuất ắc quy hiện nay, nơi có điều kiện tổ chức sản xuất công nghiệp với các phương pháp xử lý tương đối tiên tiến, cho hiệu suất thu hồi cao hơn và giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường xung quanh đã có chủ trương thu gom ắc quy cũ và tái chế theo các phương pháp và phương tiện hiện có nhưng hiệu quả không lớn và chiếm tỉ lệ rất thấp so với tư nhân.

Vấn đề thu gom ắc quy cũ: Để có thể xử lý tập trung nguồn phế liệu, mấu chốt của vấn đề là thu gom ắc quy cũ. ở các nước phát triển có hệ thống luật pháp, chính sách tương đối hoàn chỉnh việc thu gom không gặp khó khăn nhờ thông qua hệ thống phân phối ắc quy mới. Nhà sản xuất thông qua nhà phân phối có nghĩa vụ thu nhận lại ắc quy đã qua sử dụng để tái chế. Luật về môi trường cũng không cho phép người sử dụng tùy tiện hành động mà phải giao lại ắc quy cũ để tránh nguy cơ phát thải không kiểm soát.

ở nước ta do chưa có hệ thống luật pháp, chính sách và chế tài đủ mạnh để buộc nhà sản xuất, người tiêu dùng phải tuân thủ theo, do đó nên áp dụng các biện pháp linh hoạt, mềm dẻo kết hợp với biện pháp khuyến khích kinh tế phù hợp sao cho nguồn ắc quy cũ được thu hút vào một số lượng hạn chế các cơ sở được phép thu gom. Các cơ sở này sẽ là nguồn cung cấp phế liệu cho các nhà máy xử lý chế biến ắc quy đã qua sử dụng. Một số lượng hạn chế các đại lý bán ắc quy có uy tín, có đủ năng lực cần thiết sẽ được cấp giấy phép đặc biệt để thu mua ắc quy cũ với giá cả hợp lý, chắc chắn sẽ thu gom được lượng đáng kể ắc quy cũ, xóa bỏ được tình trạng không kiểm soát được như hiện nay.

Vai trò của quản lý Nhà nước là cực kỳ quan trọng. Nếu Nhà nước có những điều luật hoặc chính sách khuyến khích cho việc xử lý tập trung ắc quy qua sử dụng thì tình hình sẽ được cải thiện rất nhiều. Chúng ta không thể áp dụng nguyên xi hình mẫu của nước ngoài nhưng cần nghiêm túc xem xét vấn đề và khẩn trương đưa ra các giải pháp cần thiết. Cần phải nhấn mạnh là nếu Nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm không vào cuộc thì vấn đề sẽ không tự giải quyết được.

Về việc xây dựng các cơ sở chế biến phế liệu chì: Để đảm bảo cho doanh nghiệp có nhiệm vụ tái chế vừa kinh doanh có lãi, vừa đảm bảo yêu cầu về môi trường thì xí nghiệp phải có công suất phù hợp để có thể áp dụng công nghệ tái chế và xử lý chất thải cần thiết. Theo một số tài liệu của nước ngoài, công suất tính theo Pb từ 10 - 15 nghìn tấn/ năm là phù hợp. Cũng có tài liệu nêu từ 2,5 - 3 nghìn tấn/ năm, tương đương với tái chế 100 - 150 nghìn bình ắc quy cũ. Chúng ta chưa có kinh nghiệm về việc này, nhưng các nhà máy sản xuất ắc quy trong nước phân bố trên cả nước nếu được trang bị dây chuyền tái chế sẽ rất thích hợp cho nhiệm vụ tái chế ắc quy qua sử dụng và đảm bảo xử lý toàn bộ số này.

Vấn đề tận dụng ắc quy phế thải không đơn thuần là một hoạt động kinh tế mà nên tiếp cận dưới góc độ kinh tế - xã hội và quản lý môi trường. Chỉ khi đó chúng ta mới có cách nhìn đúng đắn đối với vấn đề này và đưa ra được các giải pháp khả thi. Để giải quyết không thể dựa vào một vài cá nhân hay tập thể nhỏ mà phải có sự tập trung trí tuệ tập thể, tập trung nguồn nhân lực và dành một khoản kinh phí xứng đáng cho vấn đề này.

100% trẻ em ở Đông Mai bị nhiễm độc chì

Thì đây, hậu quả thế nào, những con số “không biết nói dối” có thể chứng minh. Theo điều tra đã được công bố, 109 trẻ làm xét nghiệm máu, đều chưa đến 10 tuổi, tất cả đều nhiễm chì. Trong đó, trẻ có hàm lượng chì thuộc mức nguy hiểm và báo động chủ yếu ở nhóm 5-7 tuổi, thậm chí có bé mới 2-3 tuổi.

Đơn cử, bé Lê Ngọc C. mới bốn tuổi, hàm lượng chì trong máu lên đến 74,52 mg/dl, gấp hơn bảy lần mức cho phép. Hàng năm, gia đình đưa bé C. lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lọc máu. Theo các bác sỹ, việc phục hồi hoàn toàn của bé là không thể, bé sẽ phải đối mặt các di chứng như chậm phát triển trí não, còi cọc...
Da tay sạm, dày, ứa máu, sưng phồng do nhiễm độc chì. Ảnh: Nguồn: Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
Bé gái Lê Phương L. cũng bốn tuổi, hàm lượng chì trong máu là 73,16 mg/dl, thuộc mức nguy hiểm, có nguy cơ tổn thương thần kinh cao, phải nhập viện và điều trị bằng thuốc thải chì truyền tĩnh mạch. Nhiều bé khác, mới 2-3 tuổi nhưng hàm lượng chì trong máu gấp 6-7 lần mức cho phép.
Mới đây, Viện Y học và vệ sinh môi trường nghiên cứu mức độ ô nhiễm chì tại xã Chỉ Đạo. Kết quả, mức ô nhiễm chì trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn gần 3,5 lần. Có thời điểm, hàm lượng chì vượt ngưỡng hơn 10 lần. Các loại thực phẩm có gốc ở làng như rau, cá có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn 4,6 lần.

Theo các chuyên gia y tế, nhiễm chì ở trẻ có thể qua đường nước, không khí, đất, rau quả nhiễm chì. Bố mẹ làm nghề, quần áo dính chì, con cái cũng có nguy cơ nhiễm độc chì cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong quá trình lớn lên, trẻ sẽ tự đào thải chì trong máu. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ vẫn để lại di chứng, làm chậm phát triển trí tuệ, thậm chí đần độn, ngờ nghệch.

Y văn ghi nhận có những bé bị nhiễm chì từ lúc hai tháng tuổi, khi được ba đến sáu tuổi, hàm lượng chì trong máu vẫn ở mức 30-40mg/dl. Tinh thần và thể chất của các bé này đều không thể bằng các bé phát triển bình thường. Ngoài ra, khi mẹ mang chì trong máu thì con cũng mang chì trong máu qua đường bú sữa. Vì thế, nguy cơ ảnh hưởng đến thế hệ sau có thể xảy ra.

Nguồn: T.S PHƯƠNG KỲ CÔNG/ Viện Hóa học Công nghiệp

Đọc Thêm: Xe đạp điện đang vô tình giết chết con cháu mình ở tương lai?