Thứ Bảy

Putin có quyền lực nhất thế giới và là bậc thầy chế ngự nhịp độ

Kể từ khi lên lãnh đạo nước Nga vào năm 2000 đến nay, Tổng thống Putin đã trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới. Các tạp chí uy tín hàng đầu liên tục bầu chọn ông là nhân vật của năm, trong khi tỷ lệ ủng hộ của người dân trong nước không ngừng gia tăng.

Theo các nhà quan sát quốc tế, ông Putin đã biết sử dụng nghệ thuật của một nhà lãnh đạo phù hợp với điều kiện của nước Nga.

Trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande lưỡng lự không biết có nên tiếp đón Tổng thống Putin không vì những tội ác chiến tranh do Chính phủ Syria gây ra tại Aleppo “nhờ sự hậu thuẫn của không quân Nga”, Tổng thống Putin đã giải quyết vấn đề một cách dứt khoát.

Ngày 11-10, Tổng thống Putin quyết định hủy bỏ chuyến viếng thăm nước Pháp vào ngày 19-10 vốn đã được dự trù từ lâu nhân dịp khai trương “Trung tâm Tinh thần và Văn hóa Chính thống giáo Nga”. Trong lịch trình của chuyến thăm, Điện Elysée đã đề nghị một cuộc gặp mặt giữa ông và Tổng thống Hollande, nhân đó Tổng thống Pháp sẽ nói rõ “những sự thật” về vấn đề Syria.

Kể từ khi lên lãnh đạo nước Nga, Tổng thống Putin đã trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới.
Thông báo hủy bỏ chuyến đi được đưa ra 3 ngày sau khi Moscow áp đặt quyền phủ quyết đối với một nghị quyết của Pháp về vấn đề ngưng bắn tại Aleppo trước Hội đồng Bảo an LHQ. Tổng thống Putin cho thấy rằng, dù bị lẻ loi nhưng tiếng nói của ông vẫn có trọng lượng.

Nhà chính trị học Marie Mendras ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) nhận định: “Không có mong muốn từ phía Pháp lẫn Nga để thảo luận về Syria trong bối cảnh hiện nay, khi mà tất cả đều bị phía Nga khóa chặt”. Bà cũng cho biết “dường như điện Kremlin rất dứt khoát sẽ tiếp tục oanh kích Aleppo bên cạnh quân đội Syria”.

Đúng là trên bình diện ngoại giao, Nga đang trong tình thế lẻ loi vì “anh láng giềng khổng lồ” Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng trong cuộc biểu quyết vào ngày 8-10 trước Hội đồng Bảo an LHQ. Khi góp phần với Mỹ cô lập Nga về mặt ngoại giao, Pháp và các nước phương Tây “còn lâu mới làm suy yếu được cường quốc này, lại càng khó làm thay đổi quan điểm của Nga về vấn đề Syria” - tờ Le Monde nhận xét.

“Việc rút quân của Mỹ khỏi vùng Trung Đông giúp Nga có ưu thế định đặt một quy chế siêu cường đã bị mất từ thời Liên Xô. Từ khi bắt đầu can thiệp quân sự trên chính trường Syria, Tổng thống Putin đã chứng tỏ mình là một “bậc thầy về đồng hồ” - chế ngự nhịp độ. Ở mỗi bước tiến về quân sự hay ngoại giao, sẽ có một bước lùi” - nhà nghiên cứu Julien Nocetti cho biết.

Từ đầu năm đến nay, Tổng thống Putin đã thể hiện ít nhất 2 nước cờ thâm hậu trên bàn cờ Syria. Nước cờ thứ nhất tiến hành vào tháng 3 với thỏa thuận ngừng bắn. Từ khi Nga bắt đầu triển khai kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria, một lệnh ngừng bắn, dù tạm thời, cũng là điều mà chẳng ai dám kỳ vọng. Thay vào đó, hầu hết mọi người đều chỉ nghĩ về một tương lai ảm đạm với sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và viễn cảnh Nhà nước Hồi giáo (IS) thống trị Syria.

Bằng các chiến dịch quân sự tiến hành theo cách của mình, Nga đã góp công lao to lớn trong việc đóng lại kịch bản "sụp đổ" dành cho Syria. Đây là thành quả tức thì mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đạt được. IS từ đây khó lòng giành chiến thắng quyết định trước quân đội Syria khi phía sau lực lượng này luôn có sự yểm trợ mạnh mẽ từ không quân Nga. Tham vọng bành trướng sang khu vực biên giới với Lebanon và Jordan của IS vì thế cũng bị chặn đứng.

Chiến lược của Nga được phân nhỏ thành các bước, bao gồm bảo vệ chính quyền Tổng thống Assad, cắt đứt những tuyến vận chuyển vũ khí, chiến binh cho các nhóm nổi dậy Syria thông qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó chia rẽ mối liên kết giữa phiến quân Hồi giáo và phi Hồi giáo. Mục tiêu mà Nga đề ra trực tiếp thách thức sách lược của liên minh do Mỹ dẫn đầu, lực lượng liên tục dội bom IS suốt 2 năm qua.

Chiến lược của Mỹ hướng tới lật đổ chính quyền Assad và tiêu diệt tận gốc IS mà không hề có lực lượng bộ binh trên mặt đất, ngoại trừ dân quân người Kurd ở Syria, một nhiệm vụ được coi là bất khả thi. Ngay cả các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc cũng nhận thấy, đi theo con đường này không khác gì tự trao Syria vào tay những nhóm Hồi giáo cực đoan.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria đã kịp thời ngăn chặn kịch bản trên khi hỗ trợ rất đắc lực cho quân đội chính phủ nhằm đẩy lùi bước tiến của IS, bất chấp việc Mỹ thường xuyên cáo buộc Nga "ném bom nhầm" mục tiêu. Dù nhầm lẫn hay không thì hỏa lực yểm trợ trên không của Moscow thực sự đã tạo điều kiện thuận lợi để quân đội chính phủ giành lại thế cân bằng, đồng thời đẩy lùi quân nổi dậy khỏi một số thành phố chủ chốt của Syria.

Nước cờ thứ hai, theo nhà nghiên cứu Julien Nocetti, liên quan đến việc ngưng bắn tại Aleppo có hiệu lực từ ngày 12-9 và chấm dứt ngày 19 với sự tiếp tục pháo kích của quân đội Syria do những động thái của phe phiến quân. Theo Julien Nocetti, chiến lược này của Nga cũng giúp thắng thế Mỹ và châu Âu vốn bị xem như là đang lùi (Anh) hoặc “bất nhất” (Pháp), đồng thời lợi dụng bối cảnh này để củng cố vị thế của Nga tại Syria và cả trong khu vực.

Mới đây Nga đã tăng cường các phương tiện quân sự tại thành phố Tartous, nơi mà quân đội Nga sẽ biến các cảng biển thành những “căn cứ hải quân  thường trực”. Moscow cũng đã thiết lập tại đấy các hệ thống phòng không S-300. Hơn nữa Putin còn nhắc đến những cuộc đàm phán với Ai Cập nhằm mở lại một căn cứ hải quân cũ của Liên Xô gần biên giới Libya, và mục tiêu lớn hơn là “mong muốn kết nối đồng minh với các nước trong khu vực” theo như Israel để “tái hiện diện tại vùng Địa Trung Hải”.

Kể từ khi lên lãnh đạo nước Nga vào năm 2000 đến nay, Tổng thống Putin đã trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới. Các tạp chí uy tín hàng đầu liên tục bầu chọn ông là nhân vật của năm, trong khi tỷ lệ ủng hộ của người dân trong nước không ngừng gia tăng.

Theo các nhà quan sát quốc tế, ông Putin đã biết sử dụng nghệ thuật của một nhà lãnh đạo phù hợp với điều kiện của nước Nga, trong đó nổi bật là việc thể hiện thái độ cứng rắn, biết tận dụng tài nguyên dầu khí và nghệ thuật hun đúc tinh thần dân tộc.

Ngày 18-3-2014, Crimea được sáp nhập vào Nga. Ngày 20-3 năm đó, số liệu thăm dò dư luận của Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga cho thấy tỷ lệ ủng hộ của Putin đã đạt 75,7%. Trong mắt của rất nhiều người Nga, Putin không chỉ là nhà lãnh đạo cứng rắn, mà còn là anh hùng dân tộc. Người ta bắt đầu mơ về thời hoàng kim của nước Nga. Sau khi tiếp nhận Crimea, Tổng thống Putin đã chứng minh sự khác nhau về thực lực kinh tế giữa Nga và Ukraine bằng cách tăng tiền lương hưu của khu vực Crimea lên gấp 2 lần.

Putin lên cầm quyền năm 2000, thời điểm đó, ông và nước Nga được lợi từ việc giá dầu tăng cao, đến năm 2008, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm của kinh tế Nga đạt 7%. Dự trữ ngoại hối của Nga không ngừng tăng lên, năm 2006 đã vượt lên đứng thứ 3 thế giới. Tính đến ngày 1-1-2014, tổng mức dự trữ ngoại hối của Nga là 509,595 tỷ USD, tuy có phần giảm bớt so với năm 2013, nhưng so với mức thấp nhất là 10,7 tỷ USD của năm 1999, quả thực đã sung túc hơn rất nhiều.

Tổng thống Nga một mặt cứng rắn đối với Mỹ và châu Âu, xây dựng mình thành nhà lãnh đạo đối kháng với phương Tây, một mặt lợi dụng lợi nhuận từ tài nguyên dầu khí để nâng cao phúc lợi xã hội, giành lấy sự ủng hộ của dân chúng, xây dựng hình tượng nhà bảo vệ dân tộc Nga. Thế nhưng, những khó khăn của kinh tế Nga hiện nay đang làm bộc lộ những điểm yếu từ chính cách thức mà ông Putin sử dụng.

Thứ nhất, thái độ cứng rắn đối với phương Tây không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả. Trên cơ sở kinh tế đang phục hồi, Putin ngày càng cứng rắn đối với phương Tây, điều này đã có phần được thể hiện rõ ràng trong cuộc xung đột với Gruzia. Tháng 8-2008, Gruzia bất ngờ phát động tấn công nhằm vào Nam Ossetia, không ngờ bị Nga nhanh chóng phát động phản công. Quân đội Gruzia tổn thất nặng nề. Nga được đánh giá là giành chiến thắng hoàn toàn, tỷ lệ ủng hộ quốc tế của Putin tăng lên.

Đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, biểu hiện của Nga rất giống trong xung đột với Gruzia. Moskva một mặt tỏ ra cứng rắn, một mặt phản ứng nhanh chóng, đặc biệt là hành động bất ngờ sáp nhập Crimea.

Ngay từ thời điểm đó, giới phân tích đã chỉ ra tử huyệt của nước Nga và Putin. Nhà bình luận nổi tiếng người Mỹ Thomas L.Friedman cho rằng, không cần phải dùng vũ lực để đối kháng với Nga. Chỉ cần bị trừng phạt kinh tế, Nga chắc chắn sẽ không thể trụ nổi. Tình hình hiện nay cho thấy những đòn trừng phạt cấp tập đang phát huy tác dụng.

Những dự đoán về khó khăn của Nga được đưa ra trên cơ sở phân tích triển vọng năng lượng. Việc sử dụng năng lượng hóa thạch sẽ ngày càng bị hạn chế. Thay vào đó là cuộc cách mạng năng lượng mới, cách mạng dầu khí đá phiến. Sự tiến bộ của công nghệ sản xuất, giá cả của năng lượng tái sinh sẽ không ngừng giảm xuống, xu thế năng lượng tái sinh sạch hơn, hiệu quả cao hơn thay thế dầu mỏ đã rất rõ ràng. Giá dầu rất có khả năng sẽ không thể duy trì ở mức thấp như hiện nay trong thời gian dài.

Tuy nhiên, chỉ cần có vậy, Nga đã bộc lộ điểm yếu nội tại của mình. Xuất khẩu của Nga có khoảng 70% là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, và chiếm tới 50% toàn bộ thu nhập tài chính của Nga. Việc đặt hiện tại và tương lai của Nga vào nhiên liệu hóa thạch được coi là sự thách thức của ông Putin đối với cuộc cách mạng năng lượng.

Cuối tháng 9 vừa qua, với hơn 93% số phiếu đã được kiểm, đảng Nước Nga thống nhất và các đảng thân Putin chiếm tới 76% số phiếu bầu và giành được khoảng 343 ghế trong số 450 ghế của Duma quốc gia Nga, đem lại 2/3 số ghế cần thiết để có thể thay đổi Hiến pháp. Cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga diễn ra ngày 18-9-2016 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với chính trường Nga và cá nhân Tổng thống Putin.

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên sau khi nước Nga “mở rộng lãnh thổ” qua việc sát nhập bán đảo Crimea. Việc tham gia cuộc bầu cử của cử tri Nga và kết quả của cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga năm 2016 được xem là thước đo niềm tin của người dân Nga đối với chính quyền cũng như lòng tin dành cho Tổng thống Putin thời cấm vận.

Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Duma Nga lần này còn là dịp để phương Tây định lượng chiến lược chống Nga và Putin hiệu quả đến mức nào. Bởi lẽ, dù với bất cứ mục đích gì thì bản chất của việc cấm vận thực ra là chống Nga và trừng phạt Putin. Tuy nhiên, khi cuộc bầu cử có thể đoán trước thắng lợi của đảng Nước Nga thống nhất - đảng chính trị ủng hộ Putin và những đảng phái có cương lĩnh chính trị vì một nước Nga hùng mạnh, cho thấy phương Tây đã không thành công trong việc trừng phạt Putin.

Cho đến lúc này có thể thấy rằng, Mỹ và đồng minh đã không chuẩn xác trong nhận định về nước Nga thời hậu Xôviết, từ đó có những hành động không phù hợp. Thậm chí trong nhiều trường hợp gây hiệu ứng ngược, khi muốn Nga suy yếu thì lại làm cho Nga mạnh mẽ hơn. Trong hầu hết các tình huống, Mỹ và đồng minh luôn bị động trong hành động. Từ thành công của nước Nga hay thất bại của Putin thì dấu ấn của phương Tây đều rất mờ nhạt, cho dù họ đã có rất nhiều con bài có thể kéo nước Nga về phía họ.

Với chiến thắng dễ dàng qua các cuộc bầu cử, mà nhất là cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga năm 2016 này, điều đó cho thấy lực lượng chính trị nòng cốt đảm bảo quyền lực cho Tổng thống Putin sẽ tiếp tục chi phối đời sống chính trị tại Nga. Với nền tảng quyền lực vững chắc như vậy, có thể Tổng thống Putin sẽ quyết đoán hơn, thậm chí cực đoan hơn trong các hành động của mình, nhằm đưa nước Nga thoát ra khỏi khó khăn hiện nay cũng như lấy lại những gì đã mất. Và như vậy, khó mà duy trì mối nghi ngờ rằng, ông Putin có ra tranh cử Tổng thống Nga thêm một nhiệm kỳ nữa hay không.

Quang Hiếu – Mê Linh/ANTG

Tuần Việt Nam đặt lại tiêu đề