Thứ Tư

Người Việt chưa giàu đã già, lại còn nợ nần chồng chất

Việt Nam bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già từ năm 2015 với mức thu nhập xấp xỉ 2.110 USD nhưng mỗi người dân Việt Nam đã phải gánh hơn 1.300 USD nợ công, tương đương 62,2% thu nhập.

Hàn Quốc bước vào ngưỡng già hóa dân số khi thu nhập người Hàn ở mức 12.197 USD, nợ công/người ở mức 8,8% thu nhập. Thái Lan già hóa khi thu nhập người Thái ở mức 2.500 USD, nợ công 24,6%. Còn người Việt, thu nhập 2015 mới ở mức 2.110 USD, nhưng mỗi người đang chịu mức nợ công lên tới 62,2% thu nhập bình quân.

Người Việt chưa giàu đã già, lại còn nợ nần chồng chất
Việt Nam bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già từ năm 2015 với mức thu nhập xấp xỉ 2.110 USD nhưng mỗi người dân Việt Nam đã phải gánh hơn 1.300 USD nợ công, tương đương 62,2% thu nhập.

“Ở “độ tuổi” của Việt Nam, lẽ ra người dân đã phải đạt thu nhập tương đương Malaysia, tức khoảng xấp xỉ 10.000 USD/người/năm. Tuy nhiên, thực tế Việt Nam mới chỉ đạt mức thu nhập bằng 1/5 của Malaysia”, TS. Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fullbright – cho biết tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016 sáng 12/10.

Hơn nữa, người dân Việt Nam hiện đã gánh số nợ công lên đến trên 62% thu nhập trong khi người dân Malaysia, giàu gấp 5 lần người Việt, chỉ gánh số nợ công chưa tới 52% thu nhập của họ.

Với tình trạng người dân chưa giàu đã già, nợ nần chồng chất hiện tại, nhìn xuống, Việt Nam đang già hơn các nước có thu nhập thấp hơn mình như Ấn Độ, Lào, Campuchia, trong khi người dân các nước này không phải “gánh” nợ công quá nhiều.

Nhìn lên, rất nhiều nước có thu nhập cao hơn nhiều so với Việt Nam như Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines nhưng lại có cơ cấu dân số trẻ hơn Việt Nam.

Thử so sánh con số nợ công/thu nhập của một vài nước:

- Thái Lan bắt đầu già hóa dân số từ năm 2001, tức trước Việt Nam gần 10 năm. Vào thời điểm đó, thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan là 1.897 USD, tương đương 2.538 USD theo thời giá 2015. Mỗi người dân Thái Lan khi đó cũng chỉ gánh số nợ công xấp xỉ 466 USD, tức tương đương 24,6% thu nhập của họ.

- Singapore già hóa dân số sớm hơn, từ năm 1998 nhưng vào thời điểm đó, thu nhập bình quân đầu người của người dân Singapore đã lên đến 21.824 USD và mỗi người dân Singapore gánh hơn 18.000 USD nợ công, tương đương 82,5% thu nhập người dân. Nhưng Singapore có tài sản đảm bảo để vay nợ.

- Hàn Quốc đạt mức thu nhập bình quân đầu người 12.197 USD vào năm bắt đầu già hóa dân số 1997, trong bối cảnh tỷ lệ nợ công lý tưởng ở mức 8,8% thu nhập.

Theo số liệu dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp Quốc (UNFPA), đến năm 2033, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ở Việt Nam sẽ hơn 20%. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ ở vào giai đoạn dân số già trong vòng 17 năm nữa.

Trong khi năng suất lao động người Việt đang thuộc nhóm thấp nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Hàn Quốc 10 lần, Thái Lan 2,5 lần, việc già hóa nhanh chóng dấy lên nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động, đặc biệt là lao động có năng suất cao để có thể bứt phá ra khỏi bẩy thu nhập trung bình.

“Thực trạng này cho thấy thách thức Việt Nam chưa giàu đã già lại nợ nần nhiều đang rất hiện hữu. Câu hỏi đặt ra là bao giờ người Việt mới được hưởng thành quả của tăng trưởng và có được một cuộc sống không có nợ nần?”, TS. Thành đặt dấu hỏi.

Theo Trí Thức Trẻ