Là vùng đất mang nét văn hóa hào sảng, phóng khoáng nên đám giỗ ở miền Tây có khi tổ chức hoành tráng hơn cả đám cưới thông thường
Người miền Tây quan niệm đám giỗ không chỉ để tưởng nhớ người đã khuất mà còn là dịp họ hàng thân thuộc đoàn tụ, chia sẻ với nhau về chuyện làm ăn, chuyện học hành của con cái… và thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.
Đi cả ngày mới mời hết khách
Đối với người dân miền Tây, nhất là ở thôn quê, đám giỗ không còn là chuyện riêng của nhà nào mà là chuyện chung của cả xóm. Đàn bà, con gái thì quây quần gói bánh tét, bánh ít hoặc đổ rau câu, bánh bò, bánh da lợn... và làm thịt gia cầm. Họ vừa làm vừa trò chuyện rôm rả khiến không khí ngày giỗ càng thêm vui vẻ, ấm cúng. Đây cũng là dịp để các bà, các chị vừa trổ tài khéo léo của mình vừa dạy cho các cháu gái sau này biết nấu nướng, làm bánh. Còn đàn ông thì tát đìa (ao) bắt cá, giết heo.Hoài niệm về một đám giỗ ngày xưa |
Hồi đó, cứ mỗi lần nhà nội đến đám giỗ, cháu chắt vừa nôn nao vừa lo sợ bị bắt đi mời đám. Đứa nào cũng nạnh nhau việc này bởi nhà bà con lối xóm có chỗ cách xa vài cây số. Không có phương tiện đi lại, liên lạc như bây giờ nên chúng tôi phải đi bộ cả ngày mới mời hết, muốn rã cả chân.
Khi được mời đám giỗ, nhà nghèo hay khá giả đều háo hức. Người có tiền thì trái cây, rượu. Người nghèo thì bắt con gà, con vịt nuôi ở nhà làm quà cúng. Đặc biệt, không ai bảo ai, cứ trước đám một ngày, bà con lối xóm lại xúm lại, mỗi người một tay giúp chủ nhà lo giỗ.
Mỗi lần đến ngày giỗ, trước đó mấy ngày, nội đã đi chợ để chuẩn bị. Đậu xanh, măng khô... cũng được ngâm trước 2 ngày. Trước ngày tiên thường đã lục đục hầm măng, hầm giò heo, nhồi vịt. Đến ngày tiên thường, các bà các cô đã thức từ rất sớm, đãi đậu xanh, băm thịt, băm tôm, cắt rau củ cho chả giò, gỏi, bóng.
Đến chiều, chõ xôi đã hừng hực trên bếp thơm lừng cùng các nồi ninh, nồi hầm thơm ngào ngạt trên các bếp lò rừng rực. Bao nhiêu là việc, chị em xúm xít chia nhau mỗi người mỗi việc dưới sự điều khiển của nội.
Nên duyên vợ chồng
Từ mấy hôm trước, bàn thờ đã được lau chùi cẩn thận, các dĩa trái cây, hoa bày biện sẵn sàng. Những xấp giấy vải nhiều màu, giấy vàng, giấy bạc cũng đã được quấn sẵn từ trước. Ngày giỗ chính, các ngọn đèn trên bàn thờ được bật lên, hình ảnh ông bà huyền ảo giữa mùi nhang thơm. Khi những mâm thức ăn đã được bày ra, từng người một, từ lớn đến nhỏ, trịnh trọng thắp nhang khấn vái.Ngoài mâm cúng chính bày biện tươm tất trên bàn thờ người đã khuất, bao giờ cũng có thêm các mâm khác: cúng tổ tiên (dành cho người đã khuất cao hơn người được cúng), cúng đất đai và bày ngoài sân cúng âm binh cô hồn. Bởi người ta quan niệm ông bà mình có con cháu cúng giỗ thì còn bao nhiêu oan hồn không nơi nương tựa, đói khát lảng vảng xung quanh. Đây cũng là một nét đẹp rất nhân văn của người còn sống dành cho người đã khuất, ngay cả những đối tượng mà họ chưa hề quen biết. Các mâm cơm này không có lư hương, nhang được cắm trên một khúc thân cây chuối hoặc bụp dừa nước...
Mâm cỗ bày ra, con cháu quây quần ăn uống. Một lần nữa tình thâm nghĩa trọng được trân quý nâng niu qua bữa cơm ấy. Họ nhấp với nhau một vài chung rượu, kể lại công đức của người đã khuất hoặc có khi đàm đạo tiếp chuyện mùa màng, đời sống...
Cũng tại đây, người này giới thiệu; người kia để ý cách chọn dâu, kén rể. Không ít cuộc hôn nhân thành hình sau những đám giỗ như vậy. Quả là trong cái mất đã hiển hiện niềm tin, sự sống. Kết thúc là chung trà với bánh ngọt, trái cây mà mọi người mang đến được đem xuống cùng ăn. Người về được gia chủ tận tình gửi cho các cháu ở nhà bánh trái, thịt kho.
Đến chiều, chủ nhà còn bày cúng mâm chiều. Thường thì mâm cúng này là mâm cơm gia đình, chỉ có anh em dòng họ thân tín hay người ở xa chưa về kịp mới chứng kiến và dùng bữa sau đó. Bữa cỗ bắt đầu từ trưa kéo dài cho đến khi sập tối. Cả nhà quây quần cùng hàng xóm láng giềng thân thiết ăn uống, trò chuyện và đờn ca vọng cổ cho đến khuya thì giải tán...
Dần lùi vào quá khứ
Đó là đám giỗ ở quê xưa, còn ngày nay và nhất là ở thành thị, người ta tổ chức đám giỗ ít rườm rà và tốn nhiều công sức như vậy. Đa số đặt đồ ăn từ nhà hàng mang tới để đãi khách rồi đường ai nấy về.Ngày nay, muốn mời đám người nào đó, chỉ cần bấm điện thoại, đôi lời là xong. Không biết từ bao giờ mà hình ảnh người dân thôn quê xách vài con gà hoặc vài ký trái cây, bánh mứt đi đám giỗ đã không còn hiện diện ở những đám giỗ miệt vườn nữa. Quà cúng giỗ ngày nay hầu hết đã được thay thế bằng phong bì, rượu ngoại hay vài thùng bia.
Thời đại thương mại hóa, nặng vật chất nên tình làng nghĩa xóm cũng không còn khăng khít như xưa, ngày giỗ bớt trịnh trọng và được coi là chuyện riêng của mỗi nhà. Bà con lối xóm thích thì đến dự, không thích thì không đi vì ai lo việc nấy. Con cháu đôi khi vì lý do công việc, đường sá xa xôi cách trở mà thoái thác, không về dự đám giỗ ông bà cũng không bị phàn nàn gì.
Một anh bạn đồng nghiệp từng tâm sự công việc rày đây mai đó nên không thể về dự đầy đủ hết hàng chục đám giỗ trong một năm của gia đình. Song, điều thực sự khiến anh hay vắng mặt không hẳn là do không tranh thủ được thời gian mà vì quá ngán cảnh đám giỗ ngày nay.
Dẫu rằng vẫn còn đâu đó giữ được những phong tục, không khí của đám giỗ xưa nhưng không nhiều. Cũng không ít người giờ chỉ coi đó như một thủ tục, làm cho có, cho xong trách nhiệm. “Bây giờ phần lớn đám giỗ chỉ đến để ăn nhậu thả ga rồi làm thủ tục “phong bì”, xong mạnh ai nấy về, không còn lắng đọng điều gì thiêng liêng nữa. Thậm chí, nhiều người hàng xóm đến đám giỗ với tâm trạng “bị mời”. Họ không vui vì tốn kém một khoản tiền dù không lớn. Đâu ai đến đám giỗ mà đặt tiền cúng, họ bỏ theo trong túi, khi tàn tiệc thì dúi vào tay chủ nhà, gọi là góp chút ít để làm tiệc. Và rồi tình cảm láng giềng cứ xa cách dần khi có vật chất xen vào” - anh bạn tiếc nuối.
Chưa kể, nhiều gia đình từ thành thị đến nông thôn, cứ đến mỗi dịp nhà có giỗ, điều đầu tiên họ quan tâm là rước dàn nhạc sống về chơi cho thỏa máu văn nghệ. Trong lúc có hơi men, cao hứng, chẳng còn bận tâm đến láng giềng, hò hét đến tận khuya, không ai ngủ được. Chẳng những mất tình mà có khi xảy ra mâu thuẫn lớn, thậm chí là dẫn đến xô xát…
Cuộc sống hiện đại ngày nay đã hình thành nên những kiểu quan hệ và quan niệm xã hội khác xưa. Người ta trở nên thực dụng để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Việc đi đám giỗ bằng phong bì cũng không có gì để đáng phê phán vì ông bà ta từng nói “ăn theo thuở, ở theo thời”. Chỉ tiếc một điều là nét đẹp của đám giỗ ngày trước đã dần lùi vào quá khứ.
Một ngày giỗ cha, ba ngày húp nước
Nói đến ngày giỗ (người miền Tây còn gọi là đám cúng cơm), người xưa có câu: “Một ngày giỗ cha, 3 ngày húp nước”, ngụ ý rằng ngày giỗ cha rất quan trọng, dẫu túng thiếu cũng phải có mâm cỗ thịnh soạn, tươm tất. Cho dù những ngày khác phải nhịn đói, húp nước cũng cam lòng.Và cũng câu này có khi được đọc là: “Một ngày giỗ cha, 3 ngày húp nước xáo”. Chỉ thêm từ “xáo” nhưng lại có nghĩa hoàn toàn khác. Ý là sau một ngày giỗ cha thì nước xáo (nước xúp) của việc làm cỗ còn có thể ăn (húp) đến 3 ngày sau mới hết, mang ý nghĩa làm cỗ cho ngày giỗ cha rất tươm tất.