Chủ Nhật

Hải Dương: 'Sở toàn sếp' Đất lành sanh... lãnh đạo?

Hiện tại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ – TB & XH) tỉnh Hải Dương có 46 biên chế, song chỉ có hai người là chuyên viên, còn lại 44 người đều có chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương. Ảnh: Internet.
Theo thông tin từ báo chí, hầu hết các phòng tại Sở LĐTB & XH Hải Dương đều có trưởng phòng và bốn đến năm phó phòng. Liệt kê sơ sơ đã thấy : Văn phòng sở có chánh văn phòng và bốn phó văn phòng; Phòng Việc làm, an toàn lao động có trưởng phòng và năm phó phòng; Phòng Lao động, tiền lương và Bảo hiểm xã hội có trưởng phòng và bốn phó phòng v.v.

Phát hiện gây choáng váng đầu óc về Sở toàn... sếp, với “điệp khúc” phó phòng làm tôi liên tưởng tới câu chuyện cười ra nước mắt xảy ra hồi đầu năm ngoái, khi cậu bạn thân của tôi đăng ký tham gia một cuộc thi trên mạng.

Thi xong, nó hớn hở gọi ngay cho tôi:

- Tôi đoạt giải nhì rồi ông ạ!

- Giỏi thế, có bao nhiêu người dự thi vậy?

- Hai!

Kể vui thế thôi, chứ tôi nghĩ hai anh chuyên viên trong biên chế phải sung sướng lắm. Một bộ máy cồng kềnh đương nhiên gây lãng phí ngân sách nhà nước, và những người làm việc trong bộ máy đó sẽ được thụ hưởng “phần lãng phí” trước tiên, không phụ thuộc vào cấp bậc hay chức vụ.

Người ta bảo: Nguồn đục thì dòng không trong, gốc cong thì cây không thẳng. Ở một nơi mà lãnh đạo phòng phải đích thân đi đưa công văn, đun nước, pha trà... thì nhân viên nào dám chây lười, mượn cớ lao động chân tay để trốn tránh trách nhiệm.

Đồng thời, trong một môi trường làm việc tích cực như vậy sẽ rất hiếm khi xảy ra tình trạng "nói xấu sếp nơi công sở". Thứ nhất là vì sếp quá chuẩn mực, ít khi sai vặt hoặc đưa ra những yêu cầu mang tính cá nhân nên luôn nhận được sự tin tưởng, tôn trọng từ phía nhân viên. Thứ hai là vì mật độ nhân viên quá mỏng, không thể thành lập hội "buôn dưa - bán cháo" xuyên phòng, ban - Khi thông tin nguồn không được đảm bảo thì mọi lời đồn đều bị vô hiệu từ trong trứng nước.

Mặt khác, việc bổ nhiệm liên tục chức vụ trưởng, phó phòng cũng là động lực mạnh mẽ để người cấp dưới nuôi dưỡng hi vọng và ước mơ được... làm sếp.

Nếu là tôi, tôi sẽ chăm chỉ làm việc và luôn tự động viên mình rằng: "Lãnh đạo làm được - Mình cũng làm được!" Rồi một ngày nào đó, thành công sẽ mỉm cười đợi tôi trên chiếc ghế êm ái, nơi tôi có thể nhìn thấy chiếc biển chức danh bằng mica của mình được đặt trang trọng trên bàn làm việc.

Như bà Vũ Thị Thu Hà ở Sở LĐTB & XH Hải Dương, được tuyển dụng công chức vào tháng 8/2015, rồi nhanh chóng được bổ nhiệm Phó Chánh thanh tra sau ba tháng làm việc ngắn ngủi. Để làm được điều đó, chắc chắn bà Hà đã phải lao tâm khổ tứ; nỗ lực gấp đôi, gấp ba người thường.

Nói thật, thời buổi này ai chẳng muốn vỗ ngực làm "thầy" kẻ khác. Người đời chỉ cần nghe hai tiếng “lãnh đạo” đã cúi đầu thán phục, chứ đâu bao giờ mất công tìm hiểu lãnh đạo ở vào thế trên một người hay không đứng trước ai cả.

Do đó, bạn đọc đừng quan tâm đến “quy trình” làm gì, vì đất lành nên mới... sinh ra nhiều lãnh đạo - vậy thôi!

Trương Chi

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/so-toan-sep-o-hai-duong-dat-lanh-sinh-lanh-dao-a303451.html