Thứ Bảy

Giải mã hiện tượng bị bóng đè khi ngủ!

Đã bao giờ bạn tỉnh dậy giữa buổi đêm và thấy khó thở như có một vật gì đè nặng trên ngực? Bạn lờ mờ cảm thấy một ai đó đang chăm chú quan sát bạn trong bóng đêm? Bạn muốn mở mắt ra, kêu cứu hay cử động tay chân nhưng đều bất lực?

Những trải nghiệm đáng sợ trên được gọi là bóng đè hay còn gọi là ma đè. Theo các nhà khoa học, đây là một dạng rối loạn giấc ngủ không gây ra thương tổn và có khoảng 40% nhân loại đã ít nhất một lần trải qua nó như bạn.

Hiện tượng bóng đè là hiện tượng một người không thể cử động trong lúc ngủ. Điều này làm cho nhiều người sợ hãi khi thức dậy. Vậy làm thế nào để không bị bóng đè?

Giải mã hiện tượng bị bóng đè khi ngủ!
Nhiều người bị 'bóng đè' khi ngủ rất hoảng loạn và lo lắng cho rằng nó liên quan đến tâm linh. Tuy nhiên, hiện tượng này chứng tỏ sức khỏe của bạn đang có vấn đề.

Người Trung Quốc đã có những ghi chép về bóng đè từ năm 400 TCN. Hiện tượng này cũng được nhà sử học Herodotus của Hy Lạp cổ đại mô tả. Người châu Âu thời cổ tin rằng bóng đè do một con quỷ tên là Mare gây ra khi nó ngồi lên người nạn nhân trong lúc họ ngủ. Từ “mare” về sau phát triển ra từ “nightmare” (ác mộng) theo nghĩa hiện đại.

Không thể phủ nhận bóng đè là một trải nghiệm rất đáng sợ. Có người khi bị bóng đè cảm thấy như nghe được một giọng nói bí ẩn, có sự hiện diện của một ai đó đứng, ngồi bên cạnh hay cảm giác như bị xô ngã ra khỏi giường. Bóng đè có thể lặp lại vài lần trong một đêm.
Về bản chất khoa học, khi bóng đè xảy ra, vùng vỏ não được kích thích rất mạnh khiến con người trở nên tỉnh táo, không khác gì lúc thức. Thế nhưng lúc đó những mối liên hệ thần kinh giữa não với các bộ phận cơ thể lại chưa được khai thông. Kết quả là người bị bóng đè cảm thấy tê liệt giống như có ai đang đè chặt tay chân mình vậy.

Để hiểu sâu bản chất của bóng đè, các nhà khoa học đi vào nghiên cứu các giai đoạn của giấc ngủ. Ở các loài động vật có vú, giấc ngủ được chia làm hai khoảng thời gian: REM (rapid eye movement) và NREM (non-REM).

Trong REM, mi mắt của chúng ta cử động nhanh và đây là khoảng thời gian chúng ta nằm mơ. Giai đoạn này, mi mắt hoạt động như thể chúng ta đang “nhìn” những sự vật, sự việc trong giấc mơ của mình vậy. Còn ở giai đoạn NREM, chúng ta ít khi nháy mi mắt nhưng có thể trở mình trên giường, thậm chí mộng du và nói chuyện trong giấc ngủ.

Mỗi khi bắt đầu một giấc ngủ, ta bước vào giai đoạn NREM trong 80 phút và nối tiếp sau là 10 phút ở giai đoạn REM. Chu trình 90 phút này cứ lặp đi lặp lại trong suốt giấc ngủ của chúng ta.

Tại giai đoạn REM (mi mắt chuyển động nhanh), cơ thể tắt đi các liên hệ thần kinh giữa não bộ. Nếu như điều này không xảy ra, chúng ta có thể dùng tay chân lặp lại y hệt những hành động diễn ra trong giấc mơ của mình. Chẳng hạn, một người đàn ông từng mơ thấy mình bị quái vật tấn công và đánh trả lại chúng trong mơ. Nhưng trên thực tế, ông ta đang vô thức đánh người vợ nằm bên cạnh mình.

Nếu bất ngờ tỉnh ngủ đúng vào giai đoạn REM, chúng ta sẽ bị bóng đè do các đường liên hệ thần kinh đang tắt. Vậy còn những hình ảnh và âm thanh ma quái? Các nhà khoa học cho rằng đó thực chất chỉ là những ảo ảnh tạo ra tại vùng vỏ não xử lý hình ảnh và âm thanh. Các nơron thần kinh bị kích thích đã tự động tạo ra những gì chúng ta tưởng là “nghe” hoặc “nhìn” thấy. Sự căng thẳng và lo lắng là nguyên nhân chính dẫn đến việc kích thích các nơron này.

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến bị bóng đè là những căng thẳng, phiền muộn trong cuộc sống không được giải tỏa. Việc sử dụng nhiều các chất kích thích cũng góp phần khiến cho não bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tư thế ngủ sai cách cũng làm người ngủ cảm thấy khó thở, dễ dẫn đến bóng đè.

Tựu trung lại, bóng đè thực ra chỉ là một dạng rối loạn trong hoạt động của cơ thể. Chỉ cần duy trì một lối sống tích cực và lành mạnh, bạn sẽ chẳng còn phải lo bóng đè ghé thăm!

Theo Quốc Trung (Trí thức trẻ)