Thứ Năm

Trải Lòng thanh niên 17 năm ở Mỹ, Quê người, đất khách

Sáng nay, sau buổi họp đầu tuần, tôi nói với sếp: “Tôi muốn về thăm nhà ít tuần”. Sếp vừa cười vừa bảo: “If you need to go, just go! But this is your home, Tài”. (Nếu mày thích thì cứ đi, nhưng đây mới là nhà của mày).

Tôi xa quê, đi tìm giấc mơ Mỹ vào năm mười tám tuổi. Thêm một năm nữa thôi, là thời gian bên đây bằng thời gian sinh ra và lớn lên bên nhà. Công danh, sự nghiệp, tiền tài, học vấn cũng có được trên mảnh đất này. Vậy mà, cuối mỗi chuyến đi về thăm nhà vội vã, khi máy bay chuẩn bị rời Tân Sơn Nhất, tôi vẫn thường tự hỏi, không biết mình đang trở về hay sắp ra đi?

Trải Lòng thanh niên 17 năm ở Mỹ, Quê người, đất khách
Người Việt xa quê thuộc loại khó hòa nhập nhất thế giới. Dẫu bao nhiêu năm sống ở xứ người, nhưng chỉ cần nhìn thấy tô cơm kèm chai nước mắm, nghe lồng lộng mùi phở từ xa, là bao nhiêu món ngon Tây Tàu đều sẵn sàng bỏ hết.

Nhiều người bên nhà vẫn bảo, ở Việt Nam, sếp là trời, nói một là một, hai là hai, nhân viên răm rắp nghe theo. Còn ở Mỹ thì sếp và nhân viên ngang hàng, mặc sức tranh cãi.

Tôi thường không tranh luận với bạn bè về vấn đề hòa nhập. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi cảnh. Chị bạn tôi sang Mỹ năm 1982, về thăm quê đúng một lần. Tôi hỏi có thích không. Chị bảo, chẳng biết. Nhưng có lẽ đó là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối. Gia đình, người thân giờ ở bên này. Bạn bè tứ tán khắp nơi trên thế giới. Về thấy lạc lõng ghê hồn. Chẳng thể tìm thấy mình dẫu đứng giữa Sài Gòn đầy ắp yêu thương.

Chị bạn thân khác, theo chồng sang Mỹ đã mười năm, lúc nào cũng canh cánh bên lòng nỗi nhớ Sài Gòn nhộn nhịp. Chị chưa bao giờ thôi nghĩ tới bóng dáng mẹ già ngày đêm mong ngóng. Bữa nào cũng Facetime, Viber về hỏi thăm tình hình, dặn dò thang thuốc. Rồi cứ đếm canh từng ngày từng tháng, tới lúc được về thăm nhà trong niềm vui sướng vô biên.

Cũng có người mới sang được đôi ba năm, nhưng đã Mỹ lắm rồi. Cuộc đời thênh thang với những ước mơ và hoài bão mới. Công việc lương cao, tiền bạc đủ đầy, mua xe mua nhà to lớn. VN, với họ, giờ chỉ là một miền quê xa thẳm, thỉnh thoảng bồi hồi, nhung nhớ đồng quê, giếng nước, hay phố xá cao tầng kênh rạch đầy rác bốc mùi thì book vé về vài tuần rồi lại tất tả ra đi. Tháng ngày trước kia giờ đã là quá khứ. Bỏ tất cả lại sau lưng, chọn nước Mỹ làm quê hương thứ hai không luyến tiếc, đắn đo.

Có người như tôi, bao nhiêu năm mòn mỏi ở một tiểu bang, dẫu tháng nào cũng vác ba lô đi dọc ngang nhưng vẫn thấy mình lạc lõng. Thân thể xứ này mà lòng dạ, óc tim gì cũng nằm phía bên kia bờ Thái Bình Dương dài rộng. Cố hoài cố mãi mà chẳng thấy hợp hòa, chỉ chực đành bỏ cuộc buông tay.

Bạn hỏi, làm thế nào để anh có thể sống giữa một xã hội đầy áp lực và vượt qua nỗi nhớ nhà dằng dặc? Tôi bảo, cách tốt nhất là tìm cho mình một đức tin, bám víu vào đấng tối cao màu nhiệm. Và lúc nào cũng phải giữ trong mình ước muốn trở về.

Ai sinh ra và lớn lên ở VN, dù ở bất kỳ chiến tuyến, ra đi bằng cách nào và thuộc ý thức hệ nào đi chăng nữa, cũng đều mong muốn ngày về. Không làm gì to lớn, chỉ cần được đứng trên mảnh đất quê hương, nghe tiếng Việt chung quanh, gặp lại người thân và ăn một bữa cơm gia đình là vui lắm rồi. Giờ về không được thì tháng sau sẽ về. Tháng sau về không được thì năm sau sẽ về. Năm sau lại hẹn năm tới sẽ về. Kiểu như đặt cho mình một mục tiêu để trông ngóng. Mà thời gian ở Mỹ thì nhanh như ngựa chạy.

Chiều nay bỗng thấy thương mình quá đỗi. Một gã đàn ông sắp bước vào tuổi ba lăm với mười bảy năm dài sống đời viễn xứ, vẫn chưa biết nơi đâu là nhà thật của mình?

Thanh Niên Online