Thứ Tư

Lòng tốt… vô trách nhiệm!

Có lần tôi tham dự một chương trình được tổ chức ngoài trời, trong khung cảnh mọi người ngồi ghế nhựa. Lúc ra về, BTC có đọc loa thông báo nhờ mỗi người tự dẹp ghế của mình vào nhà kho. Nhìn có vẻ đơn giản, ai cũng hiểu việc mình cần làm, nhưng hóa ra không phải như vậy. Đúng là thực tế kết quả cuối cùng vẫn là tất cả ghế được dọn dẹp trong thời gian không quá lâu, nhưng cách làm thì khác xa với đề nghị của BTC là mỗi người hãy tự dẹp ghế của mình. Trong đó, số người tự cầm ghế của riêng mình đưa vào kho là rất ít, thay vào đó họ chồng chiếc ghế ấy vào cùng với những người ngồi xung quanh, sau đó ra về. Vài phút sau, sẽ có một người tự động bưng chồng ghế đó đi, tất nhiên không phải là người của BTC.

Hành động thiếu tôn trọng của con trẻ do đâu?
Tôi không có ý chê trách bất kỳ người nào ở đây, vì với số đông kia họ cũng có chút ý thức là không đứng lên bỏ mặc ra về, mà tìm một chồng ghế đã có 5-7 chiếc rồi chồng chiếc ghế của mình vào, hoặc tự tạo thành một chồng cho người khác làm tiếp theo. Càng không thể chê trách nghĩa cử đẹp của một số ít người khi chủ động bưng chồng ghế đã cao đủ vào kho. Tất cả đều là những hành động đẹp, nhưng tôi cho rằng vẫn có điều không ổn, tưởng là nhỏ nhưng lại không nhỏ chút nào.

Trước hết phải nói rằng về mặt kết quả, thì có lẽ không khác gì mấy với hai cách làm trên. Nhưng về động cơ (lý do làm) và hệ quả thì hoàn toàn khác xa nhau.

Tôi tự hỏi tại sao số đông kia không làm theo đề nghị, tức tự mang ghế của mình vào kho. Việc này chỉ tốn nhiều lắm là 30 giây, không quá sức của họ. Nếu như thế thì họ sẽ ra về thảnh thơi vì làm đúng trách nhiệm. Nhưng không, họ chọn làm một việc tốn ít thời gian hơn, ít công sức hơn nhưng rõ ràng về tính trách nhiệm, cách làm này chỉ cao hơn việc bỏ mặc ra về. Thế nhưng điều đáng nói là hấu hết (thậm chí 100%) họ đều hân hoan vì mình đã làm tròn trách nhiệm. Tại sao? Có lẽ họ tin sẽ có một ai đó tự biết để đem chồng ghế vào khi nó đủ cao. Kết quả đúng là như vậy, điều này không khó hiểu bởi người nhiệt tình trong cuộc sống luôn có. Nhưng giả sử, trong một bối cảnh cụ thể, nếu hôm ấy có rất ít người nhiệt tình thì chuyện gì xảy ra? Đó là những con người “vô tội” kia sẽ phải làm việc không chỉ gấp ba, bốn mà có khi phải gấp mấy chục, thậm chí cả trăm lần so với công sức tự đem chiếc ghế của riêng họ vào đúng chỗ.

Ở môi trường nào, bối cảnh nào cũng vậy. Sẽ có một số ít người nhìn đâu cũng thấy việc, và họ sẵn sàng xắn tay áo lên để làm một điều gì đó bằng tất cả sự hăng say. Nhưng đến một lúc, họ trở nên kiệt quệ và mất dần niềm tin về sự cống hiến của họ. Những người này có thừa tinh thần dấn thân, nhưng chính cách làm thiếu đúng đắn (nguyên nhân chủ quan) đã khiến họ tự “giết chết” tinh thần này của mình. Ngoài ra, sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm (dù có ý thức) của người khác (nguyên nhân khách quan) cũng góp phần lớn làm cho số ít những con người kia trở nên mỏi mệt.

Tại sao chúng ta lại làm khổ nhau, khi mà giải pháp rất đơn giản mà ai cũng biết, đó là mỗi người hãy tự làm đúng và đủ trách nhiệm của mình. Cũng không cần làm thay, vì như vậy là thừa, là tạo điều kiện cho sự lười biếng được nuôi dưỡng và phát triển. Mà lười biếng là dấu hiệu của đạo đức kém – thứ giết chết không những một cá nhân, mà còn một tổ chức, một quốc gia và một dân tộc.

Chúng ta lười biếng xuất phát từ suy nghĩ sẽ có một ai đó làm giúp mình những bước tiếp theo, chỉ cần mình làm một chút khởi đầu thôi là được. Thực tế đúng là như vậy, mười lần đủ cả mười là không có chuyện gì xảy ra vì đều có người khác làm tiếp cho mình. Cứ thế, nó trở thành một lẽ tự nhiên, đến nỗi chúng ta cho rằng trách nhiệm của mình như thế là đủ, còn lại sẽ có người khác lo. Người khác ở đây là cha mẹ, là anh chị em, là sếp, là nhân viên, là chính quyền, là nhà nước,… Chính lúc ấy chúng ta đang tự “giết chết” mình khi tạo cơ hội cho sự lười biếng chế ngự bản thân. Trong khi đó, nếu mỗi người chỉ cần làm đúng và đủ trách nhiệm của mình thì công sức bỏ ra cũng không nhiều lắm, mà hệ quả là chúng ta đang góp phần kiến tạo một xã hội sống có trách nhiệm và văn minh.

Nhưng tôi cũng tự hỏi, nếu như vậy thì còn đâu tinh thần tập thể, giúp đỡ nhau? Mình chỉ biết việc của mình thôi thì hành động đó có ích kỷ không? Tôi cho rằng, không thể đánh giá một hành động là nên, hay không-nên, ích kỷ hay không-ích-kỷ chỉ qua kết quả trước mắt nó tạo ra, mà còn phải ở động cơ và hệ quả lâu dài của nó nữa. Chúng ta vẫn nên giúp đỡ và chia sẻ với nhau nhiều thứ, nhưng chỉ làm thế trong trường hợp người kia vì một lý do nào đó không thể làm phần việc của họ được. Đằng này, với đầy đủ nguồn lực (thời gian, sức khỏe, tiền bạc, công sức, khả năng,…) để hoàn thành công việc của họ, thì mình không được phép làm thay. Như thế không thể xem là lòng tốt, vì khi ban phát không đúng chỗ, lòng tốt thiếu minh định ấy sẽ trở nên phá hoại, có thể gọi tên là lòng tốt vô trách nhiệm. Và, bạn có muốn trở thành một người tốt vô trách nhiệm không?

Quay lại câu chuyện bưng ghế, không thể khuyến khích những người có tinh thần chủ động hăng say kia được, vì họ đã không hiểu hết tai hại của việc họ làm. Một hành động đẹp chưa đủ để kết luận đó là hành động đúng. Cần hiểu thêm động cơ và hệ quả mới biết nên khuyến khích hay can ngăn. Còn trong tư cách một cá nhân, chỉ cần làm đúng và đủ trách nhiệm của mình thôi là được, đừng làm thiếu (không làm, làm ít), cũng chớ làm thừa (làm thay, làm giúp). Đó là đóng góp tuyệt vời nhất để giúp tập thể vững mạnh và văn minh hơn. Còn ai muốn làm lãnh đạo, thì làm thêm một việc nữa, là giúp người khác nhận ra điều này.

Vũ Đức Trí