Thứ Bảy

Sống ở Sài Gòn, chẳng ai bận dòm ngó đánh giá nhau, người ta chỉ cần "chơi được"

Tuần qua, không biết mắc cái nợ gì mà tôi bị bạn bè kêu gọi viết về Sài Gòn nhiều quá. Sài Gòn dễ thương mà, kể đi, mà làm biếng quá thì liệt kê ra cũng được, những điều gì làm mình thích nhất hoặc không thích nhất ở Sài Gòn. Của Sài Gòn nhé, một Sài Gòn hơn ba trăm năm dâu bể.

Sống ở Sài Gòn, chẳng ai bận dòm ngó đánh giá nhau, người ta chỉ cần "chơi được"
Không, không-tôi chối-nói quài rồi, nói miết rồi, để bữa khác đi cho lạ lạ rồi nói lại. Chứ cũng có nhiêu đó hà: hào hiệp, thẳng thắn, tình nghĩa, chăm chỉ làm ăn, tư duy thực tế và lý trí, giúp nhau không cầu trả ơn, ham làm giàu nhưng không khinh người nghèo, không thờ người giàu. Cốt cách Sài Gòn- xếp theo thứ tự là sự cống hiến cho cộng đồng, đến tình nghĩa, tài năng, sau cùng mới là tiền bạc. Nhìn quanh đâu đâu cũng thấy, quen quá rồi, biết kể chuyện gì cho mới lạ bây giờ?

Thế rồi tôi chợt buồn cười, ơ kìa, mình có phải dân Sài Gòn gốc đâu nhỉ! Sinh ra, lớn lên và trưởng thành, sống và làm việc ở ít nhất là 6 thành phố khác nhau và cho tới giờ thì đang sống ở đây, tôi chỉ thuộc nhóm người phổ biến nhất ở Sài Gòn.

Từng bực bội phát điên với kẹt xe, bụi, rác, ồn ào, cướp giật. Từng cứ cuối tuần là trốn người về ngoại thành kiếm nắng, kiếm gió, kiếm cây xanh và không gian. Từng than thở nhớ nhung cái vườn của bà ngoại, nơi tới bữa cơm mà không thấy con đâu là các bà mẹ trong xóm gióng giả gọi kiếm, biết chắc nếu nó đang không ngoài biển thì chỉ chạy chơi trong vườn này, trời ơi, vậy mà ở cái Sài Gòn này nè, tới hàng xóm mà mình cũng không biết tên nữa!
Tự do nơi cuối đường
Rồi bất ngờ sau chuyến công tác đầu tiên về miền Tây, tới lúc về lại Sài Gòn, nhìn thấy xa xa những con đường đan nhau chằng chịt khác hẳn không gian bằng phẳng mênh mông của đồng bằng, tim tôi chợt nhảy nhót reo mừng. Lạ chưa, đây có phải là cảm giác mà người ta gọi là của người đi xa trở về nhà không? Sao những con đường đông nghẹt này, những làn xe rối mắt kia, cái đám đông người hỗn tạp đó, những cảnh bán bán buôn buôn náo nhiệt bất kể trật tự quy luật nọ từng khiến mình cáu gắt muốn chết, giờ lại vui mừng khi thấy nó đến vậy? Cái thứ tình cảm phức tạp này gọi là gì đây?

Chắc gọi là nhớ đó. Mà đã nhớ, thì tức là yêu rồi. Đã yêu thì ... thì ngưng phân tích.
Nói cho đúng ra, như một nick facebook tên Linh Nguyen viết trên trang Sài Gòn Xưa và nay, chắc không ít người tâm đắc. "Sài Gòn không phải là một địa danh, Sài Gòn là phong cách, là lối sống". Nó đó, cái lối sống bề ngoài lạnh lùng đi lướt qua nhau, cũng không ít hàm hồ hàm chứa nghênh ngang chỉ biết mình mình, đồng thời cũng lại vô vàn quan tâm, ân cần, sâu xa, nồng ấm.
 Văn hóa Sài Gòn là thích nghi và cải biến, được tạo nên từ sự hòa hợp những gì riêng biệt nhất của mỗi nhóm người.
Drew Taylor - Giám đốc đối ngoại Trung tâm tư vấn du học ELS, cái tên quen thuộc trong làng cộng tác viên nước ngoài của một vài tờ báo uy tín ở Sài Gòn - đã ở sáu năm ở Việt Nam và dự định sẽ ở đến 60 tuổi, rồi về lại Canada. Trên một tờ báo, anh nói "Không ở đâu chấp nhận tôi là một người Việt dễ dàng như Sài Gòn".

Nếu Taylor, một anh tây trăm phần trăm còn cảm nhận rõ nét điều đó, thì bất cứ một người Việt nào đến và sống tại Sài Gòn, tôi nghĩ đều có thể thấu được ngay từ câu chào đầu tiên cho đến lối sống đặc trưng nơi này.
Có một buổi chiều tôi đang vi vu xe máy với nhỏ bạn thân thì Sài Gòn mưa như trút, không có áo mưa, cả hai phải tấp đại vào một cửa hàng bán chăn gối để trú. Chị chủ chắc cả ngày hôm đó ế ẩm hay sao mà mặt mày lạnh tanh. Lại gặp hai con ướt như chuột lột xông thẳng vào chỗ mình buôn bán đứng trú mưa, dựng xe chắn hết lối đi, hai đứa thầm nghĩ: Chắc chị ấy cay lắm. Rồi chị chủ không nói tiếng nào, giữ gương mặt lạnh lùng ấy đi vào trong nhà, xong chị cầm 2 cái ghế đẩu ra, nói: "Ngồi đi cho đỡ mỏi chân mấy đứa! Ngồi xịch vô không ướt hết giờ".
Văn hóa Sài Gòn, tôi nghĩ, là văn hóa chấp nhận, thích nghi và cải biến, là thứ bản sắc rất rõ ràng phân biệt với bản sắc những địa phương khác, nhưng đồng thời được tạo thành từ sự hòa hợp những gì riêng biệt nhất của mỗi nhóm người.

Có một ví dụ cho điều này. 

Ở Hà Nội, nơi tôi có một thời gian sinh sống, những người sinh ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi... nơi có giọng nói đặc trưng và thú thật là phải nghe quen, hoặc hết sức lắng nghe mới hiểu được, hầu hết đều cố gắng nói giọng Bắc. 
Ồ tốt thôi, như vậy thì dễ nghe hơn. 

Nhưng mà ở Sài Gòn thì trong bất kỳ nhóm người nào, từ công sở, nhà hàng, quán ăn, lề đường, sân khấu, từ chợ cóc cho đến các cuộc họp cao cấp, trong giới quản lý chính quyền, doanh nhân, nghệ sĩ, người lao động... bạn dễ dàng nghe cùng lúc hàng chục giọng nói vùng miền nguyên gốc. 
Không phải tự nhiên mà ở Sài Gòn, tỷ lệ người đồng tính cao nhất nước. Ở đây không dòm ngó nhau qua bề ngoài.
Từ nặng trình trịch đến véo véo von von, từ con ca co đuôi qua ca co cuong (con cá có đuôi, quả cà có cuống- giọng Hà Tây mất hết dấu sắc, hoặc nhấn rất mạnh dấu huyền đến nỗi nó biến thành dấu sắc). Cho tới mô tê răng rứa, cái đằng màu đăng treo trên vách (cái đèn màu đen treo trên vách), chu cha con vua héng to chi mà héng to (chu cha con voi nó to chi mà to), dẹ be mé đi làm thơ hớt rầu, chú dô eng chéng chéo ghè chờ be mé dìa (dạ ba má đi làm thuê hết rồi, chú vô ăn chén cháo gà chờ ba má về), tới con cá gô nhảy trong gổ. 

Sống ở Sài Gòn, chẳng ai bận dòm ngó đánh giá nhau, người ta chỉ cần chơi được - Ảnh 6.
Từ giọng Bắc trí thức Tây học của bảy mươi năm về trước được niềm nhớ quê ướp giữ tươi nguyên trong ngôi nhà da vàng nơi xứ tuyết, cho tới những giọng đai đãi cưng cứng của người Hoa Chợ Lớn, người vùng Tây nguyên hay người Khmer mới lên thành phố lần đầu. 

Từ cách ăn nói văn hoa cầu kỳ trịnh trọng của các bậc trí thức xưa, cho tới nhanh gọn vắn tắt sốc độc bây giờ..., tất cả đều có thể có mặt cùng lúc, trong một nhóm người, một không gian chung. Và đáng yêu nhất là họ thích thú với giọng của người kia chứ không châm chọc. 
Ở Sài Gòn, chẳng ai nếu tự mình không muốn, lại phải học lấy một giọng nói khác giọng nói cha sinh mẹ đẻ của mình. 

Cứ như thế, dân Sài Gòn cứ thoải mái giữ những nét riêng của vùng miền mình, dân tộc mình, thậm chí cộng đồng nhỏ của mình. 
Không phải tự nhiên mà ở Sài Gòn, tỷ lệ người đồng tính cao nhất nước. Vì ở đây không dòm ngó đánh giá nhau qua bề ngoài. Người ta chỉ cần "chơi được".

Giới thiệu bạn bè hay mối làm ăn với nhau, mai mối cho nhau, kiếm việc làm giúp nhau, chỉ cần nói một câu "thằng đó chơi được", hoặc hơn nữa là "chơi đẹp", thì giá trị chắc như khâu tay, có thể thay cả bản lý lịch dài thượt con ông nào nhà ở đâu bằng cấp... 
Trên một diễn đàn thương nhớ Sài Gòn có nhận xét chí lý thế này: "Ở Sài Gòn, cứ cái gì bán được thì đều có người bán". Nhờ đó mà có Sài Gòn không ngủ, tự do, năng động và sáng tạo bậc nhất cả nước. 
Ở Sài Gòn, chỉ cần siêng năng chăm chỉ thì đời sống no lành là trong tầm tay. 
Người ở xa nghĩ Sài Gòn hời hợt. Không chuộng nghệ thuật mà chỉ ưa giải trí, chỉ hài kịch hay kịch ma, những thể loại kinh điển cao siêu sâu sắc vắng như chùa bà Đanh. 

Nói vậy cũng đúng nhưng chưa trúng.

Người Sài Gòn quần quật, quay cuồng làm ăn, chưa mở tiệm thì lo học nghề, có tiệm rồi lo hút khách, giữ khách. Đông khách rồi lo mở thêm tiệm thứ nhì, thứ ba... Hết đất lãnh vực này thì tấn công sang lãnh vực khác. Ở các quán cà phê mở cửa từ sáng sớm tới đêm khuya, có một tỷ lệ cao là các cuộc cà phê làm ăn, hợp tác.
Cho nên không mặn mà với những triết lý cao siêu trên sân khấu hay trong sách vở. 
Vì vậy sau một ngày mệt nhoài, người Sài Gòn ưa giải trí. Cười đã đời, nhảy nhót, cụng ly, ca hát tưng bừng... để xả hơi thật hết rồi sáng mai lao vào cuộc chiến đấu mới.

Cho nên không mặn mà với những triết lý cao siêu trên sân khấu hay trong sách vở. 

Thôi, kể về Sài Gòn thì kể đến bao giờ cho hết. Tôi kể thêm một câu chuyện nhỏ xíu thôi. Tôi có người bạn tôi là giám đốc kinh doanh một công ty của Mỹ. Được cấp xe hơi và lái xe, nhưng nhất mực đòi đi xe máy riêng. Lý do rất thực tế: các đại gia đầu tư xây cao ốc-nhóm khách hàng mục tiêu của chị, lại chỉ ưa quần short cà phê lề đường. Hỏi vì sao không xe hơi cà phê sang chảnh cho "xứng tầm", họ lắc đầu quầy quậy: "Tầm gì ở đó, sướng gì chui trong mấy cái hộp"!

Theo trí thức trẻ