Thứ Tư

“Ngày đen tối” của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc

Ngày 12/7 – ngày Tòa trọng tài ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Philippines – Trung Quốc, bác bỏ hầu hết các yêu lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, chính là “ngày đen tối” của chủ nghĩa dân tộc cực đoan sôi sục trong một bộ phận ở Trung Quốc.

Chỉ qua Internet cũng thể cảm nhận thấy sức nóng bộc phát mỗi lúc một dữ dội từ những cái đầu giận dữ ở Bắc Kinh.

“Ngày đen tối” của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc
Gần như ngay lập tức sau khi tòa công bố phán quyết, nhà cầm quyền Bắc Kinh, từ ông Tập Cận Bình cho đến Ngoại trưởng Vương Nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Quốc phòng đều nhất hô bá ứng, tuyên bố phán quyết của Tòa trọng tài là “phi pháp”, là “vô giá trị”, “không có sức ràng buộc, Trung Quốc không chấp nhận, không công nhận”, và rằng vụ kiện của Philippines là “trò hề chính trị đội lốt pháp luật”…

Và chỉ vài giờ sau đó, trên một số trang mạng xã hội ở Trung Quốc, như Weibo, WeChat đã có những ý kiến bày tỏ sự giận dữ với phán quyết của tòa, giận dữ với chính quyền, giận dữ với Mỹ - cường quốc đối thủ của Trung Quốc ở Biển Đông, giận dữ với Philippines – quốc gia “nhược tiểu” đã “dám” đâm đơn đi kiện chống lại Trung Quốc.

Một cư dân mạng Trung Quốc gọi phán quyết của tòa trọng tài là“một tờ giấy thải và không có gì khác”. Một người khác kêu gọi tẩy chay iPhone 7 vì nó là sản phẩm của Apple – một công ty Mỹ.

Họ đe dọa “thôn tính” cả đất nước Philippines, biến Philippines thành một tỉnh của Trung Quốc, với biểu tượng nắm đấm thách thức trên Weibo: “Liệu quần đảo Philippines có muốn trở thành tỉnh Philippines?”.

Và có hàng chục nghìn lượt người dùng Weibo đã ủng hộ một ý kiến kêu gọi tẩy chay chuối của Philippines – một trong những mặt hàng chiến lược mang lại nguồn thu xuất khẩu lớn cho Manila, để “dằn mặt” quốc gia Đông Nam Á.

Trên các diễn đàn trực tuyến khác cũng đầy rẫy những cuộc thảo luận tương tự. Một bài viết tựa đề “Chiến tranh ở Biển Đông đã bắt đầu tối nay” đã nhận được hơn 100.000 lượt xem trên phần mềm nhắn tin di động WeChat.

Hàng loạt người dùng, trong đó có nhiều nghệ sỹ tên tuổi của Trung Quốc như Triệu Vy, Phạm Băng Băng, Lý Thần, Lục Nghị, Lý Băng Băng, Lưu Diệc Phi, Lục Tiểu Linh Đồng đã thay ảnh đại diện (avatar) trên Weibo, WeChat, hoặc Instagram sang hình ảnh bản đồ “đường 9 đoạn” với khẩu hiệu “Chúng tôi không để mất ngay cả một dấu chấm”.

Tờ báo Phượng Hoàng – một tờ báo thân Bắc Kinh có trụ sở ở Hongkong, thậm chí còn đăng tải một trò chơi trên mạng có tên “Cuộc phiêu lưu ở Biển Đông” với nội dung rất tiêu cực. Người chơi nhập vai một ngư dân Trung Quốc bị lạc trong một cơn bão ở Biển Đông. Mặc dù phải đối mặt với sự tra xét của Hải quân Hoa Kỳ hoặc bị lực lượng có vũ trang của Việt Nam tống giam, nhưng cuối cùng, người chơi – ngư dân vẫn được quân đội hùng mạnh của Trung Quốc giải cứu và đưa lên các căn cứ mà nước này xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông (!?).

Trên taobao.com - trang web mua sắm trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc, cũng đang xuất hiện làn sóng tẩy chay việc bán hàng hóa nhập khẩu từ Philippines. Đây chính là chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Trung Quốc.

ngay den toi cua chu nghia dan toc cuc doan o trung quoc
Lẽ ra người Trung Quốc cần phải nhớ rằng họ đã từng phải nhượng bộ, chia nhiều phần lãnh thổ cho các nước đế quốc khác dưới triều đại nhà Thanh. Nhiều người Trung Quốc không quên được quá khứ mà họ cho là “nhục nhã” này.

Nhưng trong vài chục năm gần đây, hệ thống giáo dục Trung Quốc đã “cấy” vào đầu người dân nước này một suy nghĩ là Biển Đông thuộc chủ quyền “không thể tranh cãi” của Trung Quốc”. Thậm chí, một giáo sư Trung Quốc từng nói “Nếu bạn đề nghị một người Trung Quốc 50 tuổi vẽ bản đồ nước này, họ sẽ chỉ vẽ tấm bản đồ chỉ có Trung Quốc đại lục. Nhưng nếu bạn đưa ra một đề nghị tương tự với một người Trung Quốc 25 tuổi thì tấm bản đồ do họ vẽ ra sẽ xuất hiện cả Biển Đông”.

Vì vậy, với một người Trung Quốc tầm 50 tuổi trở xuống và tôn thờ chủ nghĩa dân tộc, việc họ tưởng đất nước Trung Hoa của họ bị bắt nạt, họ đã bị mất đất, mất biển và bất mãn khi chính phủ của họ để đất nước rơi vào tình cảnh như thế là có thể hiểu được.

Chính mưu tuyên truyền quá đà của chính quyền Trung Quốc đã làm cho họ lo ngại trước phản ứng quá khích của một số người Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đã xóa hầu hết các bài viết cực đoan và kêu gọi, kích động hành động quân sự chống lại Mỹ hay Philippines để bảo vệ “chủ quyền lãnh thổ” của Trung Quốc.

Có thể kể đến bài viết “Chiến tranh cuối cùng cũng sẽ phải xảy ra ở Biển Đông”, hay những bài viết nói “Phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài là một sự xúc phạm đến Trung Quốc. Với một quân đội lớn như vậy, tại sao chúng ta không đi chiến đấu để giành lại những gì là của chúng ta?”, rồi “Chúng ta không thể để mất ngay cả một dấu chấm (trong “đường 9 đoạn”), có nghĩa là chúng ta phải lấy lại những rạn san hô và các đảo mà Việt Nam và các nước khác đã “chiếm đóng”. Làm thế nào để chúng ta giành lại được? Chỉ có thể bằng cách chiến đấu mà thôi”…

“Diều hâu” như tờ Thời báo Hoàn cầu cũng “chỉ” mới chạy tin phản ứng của Trung Quốc với phán quyết sẽ “phụ thuộc vào mức độ khiêu khích”.

Một động thái đáng chú ý nữa là trong ngày 12/7, hơn 20 cảnh sát Trung Quốc được triển khai bên ngoài Đại sứ quán Philippines ở Bắc Kinh, với nhiều xe tải nhỏ xung quanh - rõ ràng là nhiều hơn thông thường – với 2 xe tải lớn đầy các thanh chắn kiểm soát đám đông. Đây là một chỉ dấu cho thấy nhà chức trách Trung Quốc dự đoán sẽ có biểu tình tại khu vực này.

Trước đó, trong email gửi công dân Philippines ở Trung Quốc, Đại sứ quán cảnh báo công dân “cẩn thận”vì căng thẳng trước phán quyết. Công dân Philippines được khuyên “tránh các cuộc thảo luận và tụ tập công cộng về vấn đề chính trị” và không ủng hộ hoạt động tụ tập và thảo luận nơi công cộng “đặc biệt là trên mạng xã hội”. Bức thư cũng cảnh báo công dân nên mang theo giấy tờ tùy thân “mọi lúc” và báo cáo ngay bất cứ đe dọa nào mà họ nhận được cho Đại sứ quán hoặc cảnh sát Trung Quốc.

Có thể sự kiềm chế này của chính phủ Trung Quốc xuất phát từ việc họ hiểu rõ chủ nghĩa dân tộc là “con dao hai lưỡi”. Sự kiểm duyệt những tiếng nói cực đoan, kích động chiến tranh là một phần của chiến lược quản lý rủi ro của Trung Quốc. Bắc Kinh thường nhấn mạnh hòa bình trong khu vực là rất quan trọng cho sự thịnh vượng, nhưng họ lại làm ngược lại. Các nước có tranh chấp với Trung Quốc cũng không mong muốn có chiến tranh, dù đều có sự chuẩn bị cho các kịch bản xấu nhất.

Cả thế giới đang theo dõi Trung Quốc sẽ phản ứng và hành động như thế nào sau phán quyết của Tòa trọng tài. Còn Bắc Kinh chắc hẳn cũng đang đo xem độ nặng, nhẹ của áp lực quốc tế với họ.

Mỹ, Nhật đã lên tiếng thúc giục cả Philippines và Trung Quốc tuân theo phán quyết, nhưng không phải gay gắt như người ta đã nghĩ. Có lẽ cũng nên học theo binh pháp Tôn Tử: “Bao vây quân địch nên chừa một lối thoát cho chúng, địch cùng khốn thì không nên quá bức bách chúng”. Giờ là lúc nên chừa cho Trung Quốc một lối thoát để họ đỡ mất mặt mà hành động liều lĩnh theo tiếng gọi của chủ nghĩa dân tộc và bá quyền nước lớn.

Theo Petrotimes